Thứ bảy, 27/04/2024 07:15 (GMT+7)
Thứ tư, 13/01/2021 13:34 (GMT+7)

Việt Nam đã sẵn sàng cho việc trả phí CO2?

Theo dõi KTMT trên

Việc địa phương phát triển công nghiệp, phát thải CO2 phải mua chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 là phù hợp với xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, quy định này không dễ triển khai.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế áp dụng chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2. Theo đó, địa phương phát triển công nghiệp, phát thải CO2 phải mua chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 để thúc đẩy các địa phương trồng rừng, người dân sống tốt hơn bằng nghề rừng.

Trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Như Nguyệt - Giám đốc Trung tâm Live & Learn đánh giá chỉ đạo này hoàn toàn phù hợp với xu hướng của thế giới. Việc tính phí carbon liên quan đến câu chuyện biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính. Trên thế giới đã áp dụng cách tính carbon dựa trên nguyên tắc ai gây ô nhiễm sẽ phải trả tiền. Tại Việt Nam, nhiều dự án trồng rừng đã được triển khai bằng nguồn tiền đóng góp từ việc mua bán quyền phát thải.

Việt Nam đã sẵn sàng cho việc trả phí CO2? - Ảnh 1
Việc tính phí carbon liên quan đến câu chuyện biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa. 

Bên cạnh đó, một số ngành lớn như giao thông, nhiều hãng hàng không của Việt Nam tham gia thị trường quốc tế đã áp dụng cơ chế này. Hay trong lĩnh vực dệt may đã phải tính toán đầu tư bao gồm cả lượng phát thải để có thể bán được ra nước ngoài. Tuy nhiên, thị trường trong nước với nhiều mặt hàng nhỏ lẻ chưa áp dụng cơ chế liên quan đến phát thải khí CO2.

Đã từ lâu, nhiều chuyên gia môi trường mong muốn chi phí hàng hóa, dịch vụ phải bao gồm cả phí môi trường, xã hội. Hiện nay, đơn giản như một chiếc túi nilong tại Việt Nam chỉ phải trả chi phí sản xuất mà không phải trả chi phí xử lý, để lại gánh nặng về môi trường. Do đó, thế giới quy đổi, lượng giá để tính giá CO2 nhằm giải quyết chi phí xử lý môi trường.

Tuy nhiên, bà Nguyệt cho rằng, vấn đề cần lưu ý phải lựa chọn phương pháp tính toán phù hợp với Việt Nam, vì trên thực tế, nhiều giải pháp của quốc tế không thể áp dụng tại Việt Nam.

“Việc trồng rừng có thể tính ra dùng hết bao nhiêu carbon và áp dụng phương pháp quốc tế nhưng việc sản xuất 1 túi nilong ở Việt Nam và Đan Mạch hoàn toàn khác nhau. Tại Việt Nam, nhựa có sẵn và không phải nhập khẩu, nhưng ở Đan Mạch, dù sản xuất 1 túi vải còn tốn kém về mặt môi trường và xã hội hơn là túi nilong nhưng với công nghệ xử lý tốt thì họ sẵn sàng nhập khẩu túi nilong mà không sản xuất, vấn đề lúc này là CO2”, bà Nguyệt chia sẻ.

Việt Nam đã sẵn sàng cho việc trả phí CO2? - Ảnh 2
Bà Đỗ Như Nguyệt - Giám đốc Trung tâm Live & Learn. 

Theo bà Nguyệt, với mặt bằng là nước có nền kinh tế còn nhiều khó khăn, áp dụng việc trả phí CO2 sẽ gặp nhiều trở ngại, nhất là trong khâu triển khai. Thực tế đang rất cần những nghiên cứu sâu liên quan đến hệ lụy cho môi trường, cho sức khỏe từ việc phát thải khí nhà kính, khí CO2.

Trong đó, thành phố Hà Nội là một minh chứng cụ thể. Khi kinh tế của Thủ đô khá giả lên, việc tiếp cận thông tin tốt hơn, người dân bắt đầu bức xúc về các vấn đề liên quan đến môi trường nhiều hơn như rác, không khí, túi nilong và sẵn sàng trả phí cho việc xử lý. Mặc dù nhiều năm trước đây, nhiều tổ chức, các nhà khoa học đã cảnh bảo về vấn đề này nhưng ít nhận được sự quan tâm khi kinh tế còn nghèo, phát triển kém. 

“Sự đánh đổi, sẵn sàng bỏ ra chi phí để quan tâm về môi trường liên quan đến mặt bằng kinh tế. Nó là sự lựa chọn của doanh nghiệp, của Nhà nước, và cũng là sự lựa chọn của cá nhân. Chúng ta có tâm lý mua đồ rẻ nhưng cũng cần phải tính toán chi phí xử lý sau này vào giá. Cần có nghiên cứu khoa học về việc nếu không xử lý, tương lai sẽ phải trả phí bao nhiêu cho sức khỏe, bùng nổ rác thải như thế nào? Có như vậy, người dân mới sẵn sàng trả phí cao hơn. Nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ, mở rộng sự tham gia của nhiều bên, hoặc đẩy áp lực nhiều hơn về phía doanh nghiệp”, bà Nguyệt cho biết.

Bên cạnh đó, bà Nguyệt nhấn mạnh việc cần có những nghiên cứu về kỹ thuật, phân định vùng, ngành triển khai, có tham vấn người dân và sự vào cuộc của nhiều bên, đặc biệt là vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức, xác định vấn đề, tạo tính xây dựng, thuyết phục, từ đó cải thiện vấn đề.

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam đã sẵn sàng cho việc trả phí CO2?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới