Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ô nhiễm không khí chủ yếu do chỉ số bụi mịn tăng cao
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, các chỉ số chung về ô nhiễm không khí đối với các thành phố ở nước ta là trung bình, chủ yếu ô nhiễm do tăng chỉ số bụi mịn.
Sáng nay (10/11), Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Dự kiến, cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tại phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi về vấn đề ô nhiễm không khí tại các đô thị. Theo đó, Bộ trưởng nhìn nhận đây là vấn đề mang tính chất cảnh báo với nhiều đô thị ở nước ta.
Với Hà Nội và TP.HCM, Bộ trưởng TN-MT cho biết, vào một số thời điểm, không khí ô nhiễm nhiều hơn. Đặc biệt trong tháng 7, chỉ số này ở mức xấu. Nhưng các chỉ số chung về ô nhiễm không khí đối với các thành phố ở nước ta là trung bình, chủ yếu ô nhiễm do tăng chỉ số bụi mịn.
Về giải pháp, người đứng đầu Bộ TN-MT cho biết, trong Luật Bảo vệ Môi trường quy định trách nhiệm cung cấp thông tin về môi trường chung, đặc biệt về môi trường không khí cho người dân biết và cảnh báo về an toàn sức khỏe cho người dân. Cùng với đó, quy định thành lập hệ thống quan trắc môi trường, cung cấp thông tin cho người dân thường xuyên qua hệ thống quan trắc ở vùng, địa phương.
“Bộ cũng đã điều chỉnh lại hệ thống quy chuẩn môi trường không khí theo hướng áp dụng những quy chuẩn cao nhất của châu Âu”, ông Hà nói. Ông cũng cho biết vừa qua đã tăng cường đầu tư các trạm quan trắc tự động ở một số thành phố.
“Thời gian tới, khi Luật Bảo vệ Môi trường được thông qua, nhiều bất cập, vướng mắc sẽ được giải quyết”, ông Hà nói.
Liên quan đến vấn đề an ninh nước cho vùng cao, cũng tại phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng đã đã phê duyệt chương trình điều tra cơ bản tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt cho các vùng khan hiếm nước, trên địa bàn 41 tỉnh, 325 vùng được đánh giá, trong đó có Hà Giang và cả các hải đảo.
Ngoài hợp phần điều tra, chương trình còn có hợp phần sử dụng khoa học công nghệ để quản lý, sử dụng nguồn nước. Bộ đã lập được bản đồ các vùng khan hiếm nước, đã cung cấp cho các địa phương để tiến hành khai thác, như trong đợt hạn hán vừa qua ở miền Tây, các dữ liệu này đã được cung cấp, phục vụ việc khai thác nước.
Nhật Hạ