Chủ nhật, 29/09/2024 01:52 (GMT+7)
Thứ ba, 25/06/2024 09:26 (GMT+7)

Vì sao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi quá cao ở các trường đại học?

Theo dõi KTMT trên

Một câu hỏi đặt ra là có cần xếp loại sinh viên không?, có lẽ mọi người đều đồng ý là phải xếp loại nhưng xếp loại như thế nào là phù hợp là dễ hiểu.

Vì sao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi quá cao ở các trường đại học? - Ảnh 1
GS.TS Hoàng Xuân Cơ.

Đề dẫn

Mấy hôm nay, vào thời gian kết thúc năm học 2023-2024, khi mở các trang báo như Vietnamnet, Dân trí,... mọi người sẽ thấy loạt bài nói về tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc cao, thậm chí quá cao hay cao đến không ngờ tới ở một số trường đại học ở cả phía Nam và phía Bắc.

Là một người đã từng là giảng viên đại học (từ 1972 đến 2020) nên đây là vấn đề tôi đã suy nghĩ rất nhiều và phải xâu chuỗi lại tất cả những gì đã trải qua để cố gắng đưa thêm một số lý giải dẫn đến tình trạng này ở một số trường đại học hiện nay.

Lúc còn là sinh viên, có lẽ tâm lý chung là muốn được là sinh viên giỏi nhưng phải là sinh viên giỏi thật sự nên chúng tôi đã để ý cách giảng dạy và cách chấm bài của các Thầy, Cô giáo. Có những Thầy dạy rất nghiêm, truyền đạt nhiều kiến thức, trong đó có cả những kiến thức vào loại khó nên khi thi (lúc đó chủ yếu thi vấn đáp) thầy có thể hỏi những câu khó để phân loại sinh viên và như vậy sinh viên này được điểm giỏi, xuất sắc sẽ cảm thấy tự hào, còn sinh viên nào bị điểm kém thì có buồn nhưng chấp nhận vì đúng với trình độ và cố gắng của mình. Thật ra vẫn có Thầy, Cô có phần dễ dãi, dạy ít thôi và như vậy khi thi cũng khó phân loại được sinh viên và tỷ số điểm khá giỏi cũng cao hơn. Ngay sau này khi các trường đại học có lấy ý kiến đánh giá sinh viên đối với các Thầy, Cô thì cũng có nhiều Thầy thực sự giỏi vẫn nhận những đánh giá mức không tốt do một số sinh viên kém bình chọn.

Đã có sinh viên nói vui với tôi là điểm là do thầy cho, làm sao lại cho điểm kém làm gì? Quả là khó trả lời nhưng tôi giải thích rằng, quá trình giảng dạy của tôi đã dần dần định hình cách cho điểm, đặc biệt cho điểm xuất sắc (thường là điểm cao nhất trong thang điểm) phải là người thật sự giỏi đến nỗi thầy cũng rất vui vì có được sinh viên như vậy còn sinh viên bị điểm kém cũng phải chỉ ra được lỗi để các em không thấy bị oan uổng và chấp nhận. Tuy nhiên với cá nhân một Thầy, Cô thì phải cố gắng nâng cao chất lượng giảng dạy nhưng cũng phải cố gắng hình thành cho mình cách cho điểm, đánh giá công bằng, đúng trình độ sinh viên. Việc đánh giá tốt ngiệp của sinh viên không phải do một cá nhân nào quyết định mà thực chất là do chế độ đào tạo chung và việc vận dụng của từng trường quyết định. Vì vậy, nhân đây cũng xin góp phần lý giải hiện tượng này theo góc nhìn cá nhân.

Vì sao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi quá cao ở các trường đại học? - Ảnh 2
Ảnh minh hoạ.

Về chính sách, triết lý, mục đích đào tạo chung

Đây là vấn đề tầm vĩ mô của các cấp chính quyền cao nhất có liên quan. Nếu xét về mục đích đào tạo thì dù ở thể chế nào thì cũng là đào tạo những người có kỹ năng làm việc, lao động tốt, phục vụ cho phát triển xã hội. Cho dù trong chế độ phong kiến, học thi đỗ chỉ để thành quan lại nằm trong hệ thống cai trị hay như ở Việt Nam thời thuộc Pháp cũng là đào tao những người phục vụ chính sách thực dân thì người học cũng đã nhìn thấy trước khả năng có việc làm, có chức, có quyền khi thi đỗ loại giỏi, khá. Ở Việt Nam hiện nay, ngoài đào tạo những người lao động có tay nghế cao, có kiến thức, có khả năng phục vụ, làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp thì tâm lý cứ học đại học đã rồi tính sau vẫn tồn tại. Nhất là khi chúng ta mở rất nhiều trường đại học để thỏa mãn mong ước học đại học đã còn tìm công việc tính sau. Đây là điều nhiều Thầy, Cô nhận thấy trong quá trình giảng dạy của mình, khi sinh viên thể hiện mình chỉ cần bằng không quan tâm nhiều tới học, trau dồi kiến thức, kiểu “học đại” như một Giáo sư, một nhà quản lý giáo dục đại học đã có lần nêu lên.

Đã có một số lần, vấn đề triết lý giáo dục, đào tạo được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Phó Thủ tướng phụ trách ngành của Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội cũng bàn luận sôi nổi và yêu cầu cần công bố một cách chính thức để triết lý giáo dục có một cơ sở pháp lý, có “danh phận”, nghĩa là có tính chính thống. Tra trên các phương tiện thông tin, chúng tôi vẫn chưa thấy có văn bản nào chính thức đưa ra triết lý giáo dục, đào tạo chính thống cả (cũng phải xin lỗi nếu tôi chưa tìm hết). Vì vậy, chúng tôi sẽ tự đưa ra một cách nhìn riêng của mình liên quan đến triết lý giáo dục đại học để góp phần lý giải hiện tượng quá quá nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở một số trường đại học.

Theo tôi nghĩ đào tạo nói chung và đào tạo đại học nói riêng phải gắn với nghề nào đó trong xã hội và sinh viên tốt nghiệp ra có thể bổ sung cho lực lượng lao động của ngành được học. Vậy nên, đào tạo đại học là đào tạo con người có đủ kỹ năng, kiến thức gia nhập lực lượng lao động của ngành được đào tạo. Nếu theo triết lý này thì các trường đào tạo ra nhiều sinh viên giỏi, xuất sắc thì quá tốt nhưng phải hiểu đây mới chỉ là đánh giá từ phía trường đại học còn khi trở thành người lao động thì còn phải qua nhiều thử thách mới có thể trở thành người lao động giỏi.

Có lẽ giáo dục đào tạo phải chỉ ra được cách đánh giá sinh viên của mình như thế nào để xã hội nói chung và những người tuyển dụng lao động nói riêng có minh chứng thể lưa chọn được người đủ năng lực thực hiện công việc. Xin được nêu lên một số vấn đề cụ thể dưới đây.

Có chương trình đào tạo tốt 

Để có được chương trình đào tạo tốt phải bám sát kiến thức cơ bản liên quan tới ngành đào tạo qua tham khảo chương trình ở nhiều quốc gia và kinh nghiệm đào tạo ở nhiều trường cùng ngành. Đối với một số chuyên ngành phải có giai đoạn thực tập ở các cơ sở thực tiễn hoạt động đúng ngành nghề. Ở một số nước, sinh viên có thể xin nghỉ học một thời gian vào làm việc ở các doanh nghiệp và khi có điều kiện lại xin học tiếp để có bằng. Chủ doanh nghiệp cũng rất muốn và tạo điều kiện, thậm chí cử cán bộ đến các trường đại học để lựa chọn ngay khi sinh viên còn đang học và chỉ cần qua phỏng vấn, kiểm tra của cán bộ chuyên đi tìm lao động (đôi khi gọi là đi “săn đầu người”) là có thể được vào làm việc ở công ty, doanh nghiệp.

Và, sau một thời gian chính công ty, doanh nghiệp ấy lại có thể cho phép hoặc cử sinh viên đi học tiếp và học cao nữa theo định hướng của mình. Chắc chắn sinh viên vào học một “lèo” rồi ra trường thì mới được một “mức điểm” đánh giá của Thầy, Cô, của nhà trường chứ chưa có mức điểm đánh giá “tay nghề” của các doanh nghiệp, công ty.

Đây là điểm mấu chốt của đào tạo dại học, rất cần có sự vào cuộc của công ty, doanh nghiệp đang hoạt động tromg lĩnh vực, ngành đào tạo. Hiện tại, đã có một số trường đại học được một số công ty mở ra như Trường Đại học FPT, Trường Đại hoc Phenikaa. Tra trên trang mạng của Trường Đại học FPT ngày 12/6/2024 chúng tôi thấy:

Mục tiêu trước mắt của Trường Đại học FPT là đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên ngành CNTT, Kinh tế, Mỹ thuật và các nhóm ngành khác cho các doanh nghiệp trong nước cũng như các tập đoàn thế giới.

98% sinh viên ra trường có việc làm với mức lương trung bình là 8,3 triệu đồng; 19% cựu sinh viên làm việc tại nước ngoài; 100% sinh viên có cơ hội làm việc tại Tập đoàn FPT.”

Với con số ấn tượng 98% sinh viên ra trường có việc làm, không biết tỷ lệ tốt nghiệp các loại như thế nào, có loại tốt nghiệp trung bình không và nếu có thì chúng tôi nghĩ ở đây có tính cả đến chất lượng các bài thực tập các đợt đi thực tế nữa.

Có cách đánh giá chất lượng sinh viên đúng đắn.

Trong đào tạo việc cho điểm các bài thi, bài tập, bài thực tập là bắt buộc đối với Thầy, Cô. Có điều, từng Thầy Cô có cách ra đề, chấm thi (có thể khác nhau) nhưng phải công khai cho sinh viên biết. Vì vậy mới có chuyện sinh viên luôn tìm cách chọn môn học (chọn thầy) phù hợp với mình. Chẳng hạn một môn học trong một học kỳ khoảng 45 giờ học phải tách thành số giờ lên lớp lý thuyết, giờ làm bài tập, giờ thực tập (ở trường hoặc ở công ty, doanh nghiệp do Thầy, Cô chọn) và các bài thi, bài luận, bài thực tập nào được cho điểm theo thang điểm (do Thầy, Cô định) và hệ số để tính điểm cuối kỳ. Thường thì các Thầy, Cô cho điểm ở thang điểm 100 (có Thầy, Cô cho thang điểm khác, 200 chẳng hạn) và khi thi có đáp án để sinh viên tự chấm. Khi trả bài, nếu sinh viên có yêu cầu, Thầy, Cô có thể cùng chấm lại để có điểm cuối cùng. Điểm cuối kỳ được coi là điểm tuyệt đối, nếu cho điểm theo thang 100 thì có người được 50, 65, 80,…, cao nhất là 100.

Ngoài ra, các Thầy, Cô còn phải phân loại sinh viên nữa theo thang điểm 4 và các mức chính là A, B, C,.. (thông thường là vậy nhưng cũng có thể quy định khác) và sau khi thi Thầy, Cô sẽ xác định mức điểm nào sẽ đạt mức A, mức nào đạt B, đạt C,… Đây được coi là mức điểm phân loại hay mức điểm tương đối, thường thì các Thầy, Cô rất có ý thức xác định mức điểm tương đối theo dạng phân bố chuẩn, nghĩa là chỉ giới hạn mức tỷ lệ nhỏ đạt xuất xắc, mức tỷ lệ nhỏ đạt điểm yếu, kém còn mức đạt trung bình, trung bình khá đạt tỷ lệ lớn.

Vì vậy học sinh đạt A không nhiều trong một môn học, không có cả lớp đạt khá giỏi như ở Việt Nam. Có thể, ở những trường đại học  này thì điểm tuyệt đối do Thầy, Cô chấm còn điểm tương đối lại do quyết định của trường. Trong thời gian giảng dạy, tôi đã phản ánh việc cho điểm tương đối do nhà trường quy định là chưa hợp lý, không phân loại được sinh viên nhưng không biết bây giờ đã thay đổi chưa. Tôi biết, ở nhiều trường đại học cả trong và ngoài nước, sinh viên nào được tất cả điểm A (full A hoặc all A) trong học kỳ hay năm học sẽ nhận được phần thưởng, thậm chí là học bổng.

Một câu hỏi đặt ra là có cần xếp loại sinh viên không?, có lẽ mọi người đều đồng ý là phải xếp loại nhưng xếp loại như thế nào là phù hợp là dễ hiểu, là tốt nhất có thể thì lại là vấn đề không dễ thực hiện. Khi tôi làm đơn đi học ở một lớp học của một tổ chức quốc tế họ có bảng hỏi về xếp hạng của tôi trong học tập thuộc tốp/top 5%, 10%, 15%,… tôi không biết điền thế nào vì ở Việt Nam không phân hạng kiểu này. Nhưng rồi cũng phải điền, tôi chon mức 15% thì phải và rồi cũng được nhận không biết họ có để ý, kiểm tra lại con số của tôi không. Một câu hỏi khác là đạt top 5% của một trường đại học này có cùng mức như top 5% trường khác không hay top 5% của lớp chuyên với top 5% lớp thường có khác nhau không?

Nhiều người trả lời câu hỏi này là có khác vì vậy phải xem xét thêm xếp hạng của các trường, danh tiếng của các lớp qua đánh giá của các tổ chức có uy tín. Vì vậy, ngoài đánh giá của Thầy Cô, của hệ thống giáo dục thì vần còn có đánh giá của xã hội nữa và vẫn có người khi học không thuộc top học sinh giỏi, xuất sắc nhưng ra làm việc lại rất nổi tiếng, thậm chí thành nhà bác học thiên tài. Nhưng nói gì thì nói, phân loại sinh viên khi học là điều phải làm ở mọi hệ thống giáo dục đào tạo nhưng việc lựa chọn cách đánh giá, xếp hạng sinh viên tốt nghiệp phải được nghiên cứu rất kỹ và phải được kiểm tra, kiểm soát để tránh xảy ra hiện tượng tỷ lệ học sinh giỏi xuất sắc ra trường như hiện nay.

Tra trên mạng, hỏi “bác Google” thì cũng không có được câu trả lời thỏa mãn hết mọi thắc mắc nhưng cũng biết được vấn đề này không chỉ khó giải quyết ở Việt Nam mà còn cả ở các nước khác. Vấn đề là các nước tiên tiến đã vận hành hệ thống giáo dục rất lâu và trải qua nhiều thử thách để có hệ thống giáo dục đào tạo như ngày nay được công nhận cả trong và ngoài nước.

Một vài ý kiến khác thay lời kết

1. Thời tôi đi học và những ngày đầu đi dạy (thập kỷ 60, 70, 80 Thế kỷ XX), tôi thấy hệ thống cho điểm, xếp hạng khá tốt như cho điểm theo hệ 5, đề thi có câu hỏi khó để phân hạng, đặc biệt là thi vấn đáp với 2 Thầy, Cô hỏi nên rất công bằng, công khai. Và các Thầy, Cô luôn được quán triệt về tính công tâm, thậm chí luôn có đợt kiểm tra, dự giờ nên dễ dàng giúp đỡ lẫn nhau. Tôi nhớ có những đợt dự giờ mà trường tôi đã phát hiện những Thầy giáo không đủ tầm để dạy học, phải chuyển làm việc khác. Những năm gần đây, vấn đề dự giờ rất hạn chế trong nhiều trường đại học.

2. Tôi rất tâm đắc ý kiến của Doanh nhân thành đạt Phạm Nhật Vượng khi nói về cách lấy ý kiến của cộng đồng và xử lý tình huống trong lần ông về thăm và đối thoại/nói chuyện với cán bộ Tập đoàn Viettel. Ông cho rằng, hiện nay, chỉ cần vào mạng và đi thực tế có thể thu nhận được phản ánh của nhiều đối tượng về đơn vị mình và phải kiên quyết phân tích những ý kiến “chê” mình để biết cách sửa chữa. Hiện có nhiều ý kiến về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc quá cao, có trường tỷ lệ này chiếm hơn hai phần ba số sinh viên tốt nghiệp. Thậm chí mới đây Vietnamnet ngày 13/6/2024 còn ghi nhận: “trong 1.087 em tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội hệ chính quy đợt 1 năm 2024, có 34,4% sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, 48,2% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Tỷ lệ xuất sắc và giỏi là 82,6%”. Tôi không hiểu đây là ý kiến khen hay chê nhưng rõ ràng là những con số biết nói vì đối lập với tỷ lệ quá cao như vậy vẫn có trường chỉ đạt mức tốt nghiệp xuất sắc và giỏi ở mức dưới 20%, thậm chí dưới 10%. Vậy lý giải nó ra sao cần có những nghiên cứu thực tiễn, đánh giá cả hệ thống giáo dục, tìm ra được nguyên nhân để giải thích cho người dân hiểu và tin tưởng hơn vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Việt Nam hiện nay và mai sau.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Vì sao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi quá cao ở các trường đại học?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới

Bến Tre mở ra hành lang kinh tế mới
Vào ngày 26/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Trúc Sơn đã chủ trì họp báo giới thiệu Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2024 với chủ đề “Bến Tre - Tầm nhìn hướng Đông và tiềm năng phát triển bền vững” diễn ra từ 2-3/10/2024.