Thứ năm, 21/11/2024 17:15 (GMT+7)
Thứ tư, 05/06/2024 14:00 (GMT+7)

TS.Trần Khắc Tâm “hiến kế” gỡ khó cho ngành xuất khẩu thủy sản

Theo dõi KTMT trên

TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đưa ra những kiến nghị để gỡ khó cho ngành xuất khẩu thủy sản.

Theo thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ trong tháng 5/2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 870 triệu USD, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chuyên gia cho rằng, xuất khẩu thủy sản đang có nhiều dấu hiệu hồi phục tích cực nhưng vẫn còn khá nhiều khó khăn, thách thức. Về vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Thị trường Trung Quốc còn nhiều dư địa

-Thưa ông, thời gian qua, ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung, Sóc Trăng nói riêng đã có nhiều dấu hiệu hồi phục sau dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế thế giới. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng sang thị trường Trung Quốc?

-Có thể nói, Trung Quốc là thị trường siêu lớn, với 1,4 tỷ dân. Năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị 12,2 tỷ USD, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu nông sản. Năm 2023, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam về mặt hàng gạo. Trong đó, có gạo ST25 của Sóc Trăng.

TS.Trần Khắc Tâm “hiến kế” gỡ khó cho ngành xuất khẩu thủy sản - Ảnh 1
TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Riêng về thủy sản, vào tháng 1/2024, mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng gấp 3 lần, riêng mặt hàng tôm tăng gấp 4 lần cùng kỳ.

Tôi đã làm việc ở rất nhiều tỉnh của Trung Quốc và thấy rằng, người dân ở khá nhiều địa phương rất thích sản phẩm tôm của Việt Nam. Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh, thủy sản ở Sóc Trăng đã xuất hiện ở các kệ hàng tại các siêu thị nhưng chưa nhiều. Điều này chứng tỏ tiềm năng của thủy sản Sóc Trăng sang Trung Quốc vẫn còn rất lớn nhưng chúng ta chưa khai thác được hết. Tôi nghĩ, trong thời gian tới, mặt hàng thủy sản tại Sóc Trăng sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa trên thị trường Trung Quốc. Bởi, trong thời gian qua, chúng ta có 2 sự kiện giao thương, xúc tiến đầu tư rất quan trọng.

Thứ nhất là Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường cùng hơn 50 doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã thăm và xúc tiến đầu tư tại Sóc Trăng. Thứ hai là chuyến đi và xúc tiến thương mại của Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn đến tỉnh Sơn Đông. Hai sự kiện này mở ra rất nhiều cơ hội đầu tư, hợp tác, xuất khẩu nông sản cho Sóc Trăng tại Trung Quốc.

-Trung Quốc là thị trường lớn của Việt Nam, gần đây, tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường này ngày càng khắt khe. Như vậy, các doanh nghiệp thủy sản Sóc Trăng nếu muốn khai thác tốt ở thị trường này, cần tập trung vào điều gì?

-Có lẽ, tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ngày một khắt khe sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn trong thời gian đầu. Tuy nhiên, nông sản, thủy sản của Sóc Trăng đã chính phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU thì không có lý do gì để không đáp ứng được các tiêu chí của thị trường Trung Quốc.

Các doanh nghiệp sẽ mau chóng thích ứng với các tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc và cung ứng các sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn thị trường, thị hiếu của người dân. Tôi cho rằng, việc này không phải là quá đáng lo ngại.

Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng sản phẩm từ khâu tuyển giống, nguyên liệu đầu vào, nuôi trồng đúng theo quy chuẩn. Bên cạnh đó, việc chế biến cần phải ứng dụng công nghệ hiện đại hơn nữa để làm tăng chất lượng.

-Thời gian qua, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư đến với Sóc Trăng nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Những kết quả đạt được là gì?

-Thời gian qua, nhờ có sự tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh và các cơ quan hữu quan, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng đã tổ chức nhiều chương trình gặp mặt, xúc tiến đầu tư. Đơn cử như ngày 20/3, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã có buổi gặp gỡ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Đông tại Sóc Trăng. Tại đây, các doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp của Trung Quốc và Việt Nam đã có cơ hội tiếp xúc, trao đổi. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng rất muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư về mảng nông nghiệp tại Sóc Trăng. Ngược lại, các doanh nghiệp nong nghiệp Sóc Trăng mong muốn mở rộng thêm được thị trường xuất khẩu tại Trung Quốc.

Tôi cho rằng, hiệu quả, kết quả không thể hiện bằng con số trong 1 năm, 2 năm mà những chương trình tiếp xúc đầu tư này sẽ giúp doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng nói chung, các doanh nghiệp về nông nghiệp nói riêng có thêm bạn hàng, đối tác, thị trường trong tương lai.

Gỡ khó cho ngành xuất khẩu thủy sản bằng cách nào?

-Để gỡ khó cho ngành xuất khẩu thủy sản, ông có đề xuất, kiến nghị gì về cơ chế chính sách đối với bộ ngành Trung ương?

-Có thể nói, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên hơn cho ngành xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, việc xuất khẩu thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là do dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó, chi phí dịch vụ, vận tải logistics tăng cao dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, hạn chế năng lực cạnh tranh để xuất khẩu hàng hóa…

TS.Trần Khắc Tâm “hiến kế” gỡ khó cho ngành xuất khẩu thủy sản - Ảnh 2
Ngành xuất khẩu thủy sản đã có những tín hiệu đáng tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Ảnh: Internet.

Theo tôi, để gỡ khó cho ngành xuất khẩu thủy sản, các bộ ngành cần có những cơ chế ưu tiên như sau:

Thứ nhất, do tình hình dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế dẫn đến việc xuất khẩu thời gian dài bị gián đoạn, thị trường thu hẹp thậm chí là đứt gãy thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp nguồn thu giảm dẫn đến rất khó khăn trong việc hoạt động, đặc biệt là thiếu vốn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần một cơ chế chính sách giãn nợ, ưu đãi về nguồn vốn, lãi suất đặc biệt cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Thứ hai, các cơ quan nhà nước cần vào cuộc, cùng với doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường. Ví dụ như thị trường Trung Quốc vẫn còn dư đia rất lớn cho thủy sản Việt. Các bộ ngành cần xây dựng một chiến lược dài hơi cho việc mở rộng thị trường này.

Thứ ba, có cơ chế hỗ trợ thích hợp về chi phí dịch vụ, vận tải logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong một thời gian nhất định khi các chi phí này tăng cao. Cũng phải nói thêm, hiện nay, các trung tâm logistics bắt đầu phát triển nhưng còn manh mún, chưa có tính kết nối. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics hầu hết có quy mô nhỏ, thực hiện đơn lẻ từng khâu, không có sự gắn kết theo chuỗi. Vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược, quy hoạch phát triển logistics nông nghiệp với tầm nhìn dài hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Cuối cùng, nói đi cũng phải nói lại, để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Xin cảm ơn những trao đổi của ông!

Văn Chương thực hiện

Bạn đang đọc bài viết TS.Trần Khắc Tâm “hiến kế” gỡ khó cho ngành xuất khẩu thủy sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.