Thứ hai, 07/10/2024 04:59 (GMT+7)
Thứ ba, 16/04/2024 07:37 (GMT+7)

Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam: Chuyên gia lên tiếng

Theo dõi KTMT trên

"Ai cũng thích bán, thế nhưng bán giá bao nhiêu? Bán cho ai? Ai mua? Mua như thế nào? Rõ ràng, đây là cả vấn đề lớn" - GS.TS Hoàng Xuân Cơ.

Việt Nam được coi là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ...

Trong năm 2023, lần đầu tiên ngành lâm nghiệp Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD.

Cuối tháng 3/2024, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ và đề xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính còn dư thuộc giai đoạn 2018-2019.

Cụ thể, sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon theo Thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ ERPA đã ký, lượng giảm phát thải giai đoạn 2018 - 2019 của Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn carbon. Trong số 5,9 triệu tấn carbon còn dư, Bộ NN-PTNT muốn chuyển nhượng 1 triệu tấn cho Ngân hàng Thế giới, số còn lại có thể thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế.

Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam: Chuyên gia lên tiếng - Ảnh 1
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học kiêm Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về thông tin này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm. Có lẽ khi nói đến thị trường carbon, rất ít người có thể thực sự hiểu rõ về nó.

"Ai cũng thích bán, thế nhưng bán giá bao nhiêu? Bán cho ai? Ai mua? Mua như thế nào? Rõ ràng, đây là cả vấn đề lớn. Thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ ERPA mang về hợp đồng 51,5 triệu USD. Song, chúng ta cần phải hiểu đây là dự án của WB. Họ chứng minh được dự án này giảm được hơn 10 triệu tấn phát thải carbon.

Còn đối với chúng ta, nếu muốn bán lượng giảm phát thải carbon thì ta phải chứng minh được bằng số liệu thực tế, tại sao lại giảm? Tính toán như thế nào? Sử dụng cơ sở dữ liệu nào để tính toán?

Tôi có tham dự một vài hội thảo và nghe được rằng, chỗ này tính được, chỗ kia tính được lượng giảm phát thải carbon. Thế nhưng, đến khi tôi hỏi tính kiểu gì thì không ai trả lời được. Thị trường carbon phụ thuộc vào cách tính chung của thế giới, mình chưa nắm rõ được.

Tôi cũng từng cộng tác với một vài công ty nước ngoài. Họ bảo sẽ thực hiện được việc tính toán lượng giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, chúng ta phải chi tiền công cho họ. Rõ ràng, chúng ta không thể làm tất ăn cả được, không ai thừa nhận và cũng không ai nghe cả", GS.TS Hoàng Xuân Cơ thẳng thắn.

Theo ông Cơ, để có thể đưa lượng giảm phát thải carbon ra thị trường, cần phải mời chuyên gia quốc tế, hoặc một tổ chức có uy tín chuyên tính toán lượng giảm phát thải carbon thực hiện. Chúng ta có thể tham gia cùng với họ, trong quá trình đó tiếp nhận chuyển giao công nghệ (nếu được), nắm rõ quốc tế họ dử dụng thông số nào, thời gian thực nào, không gian nào, cân đo đóng đếm thế nào? Đây là những điều cơ bản nhưng rất quan trọng.

Theo lộ trình trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, đến hết năm 2027 sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Đến năm 2028, có thể tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, đồng thời đưa ra quy định cụ thể cho các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Đưa ra quan điểm về lộ trình này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon không khó, tuy nhiên đối tượng nào tham gia, công thức tính thế nào, giá cả ra sao, pháp lý thế nào, cơ quan nào quản lý?. Sàn giao dịch hoạt động thế nào thì chưa ai hình dung được. Ngoài ra, hạn mức phát thải đưa ra cụ thể cho từng ngành cũng là một bài toán khó.

"Để tính toán ra được hạn mức phát thải phù hợp phải có một đội ngũ nghiên cứu với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, phải có cơ sở khoa học rõ ràng. Khi nhà nước quy định hạn ngạch phát thải cụ thể mới phát sinh giao dịch. Bên cạnh đó, việc kiểm kê khí nhà kính của chúng ta còn nhiều bất cập, nếu không xây dựng được cơ sở dữ liệu thì sẽ rất khó để thực hiện bước tiếp theo", ông Cơ lưu ý.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng về tình hình triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ và đề xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính còn dư thuộc giai đoạn 2018-2019.

Trước đó tháng 10/2023, WB có thư gửi Bộ NN-PTNT xác nhận Báo cáo kết quả GPT kỳ 1 vùng Bắc Trung Bộ. Theo đó, WB xác nhận kết quả giảm phát thải tạo ra từ báo cáo kỳ 1 đạt 16,21 triệu tấn carbon (CO2). Kết quả này đã đủ để chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã ký. Đơn giá theo thỏa thuận là 5 USD/tấn carbon, tương đương 51,5 triệu USD.  

Sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon theo ERPA đã ký, lượng giảm phát thải giai đoạn 2018 - 2019 của Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn carbon. Bộ đề xuất, cho phép chuyển nhượng  1 triệu tấn CO2 cho WB theo ERPA đã ký với giá 5 USD/tấn, khoảng 95% kết quả chuyển nhượng này sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC.

Dự kiến hoàn thành thủ tục chuyển nhượng trước ngày 31/3/2024 nếu được Thủ tướng đồng ý.  

Cảnh Nghi

Bạn đang đọc bài viết Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam: Chuyên gia lên tiếng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới