Mổ xẻ “bẫy tài chính” mà doanh nghiệp đa ngành thường gặp khi thế chấp tài sản để vay vốn
Trong quá trình hành nghề tư vấn luật, chúng tôi thấy không ít doanh nghiệp đa ngành tại một số địa phương gặp phải vấn đề mà chúng tôi cho là “bẫy tài chính” trong quá trình thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng.
Nên hiểu như thế nào là một doanh nghiệp hoạt động đa ngành?
Mô hình doanh nghiệp kinh doanh đa ngành (Diversified Company) đã xuất hiện trên thế giới vào khoảng những năm 1950 tại một số quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… Loại hình này kinh doanh trên nhiều lĩnh vực với các sản phẩm và dịch vụ khác nhau tại thời điểm mà khách hàng và thị trường chưa có sự khắt khe về chất lượng, bản quyền và dịch vụ sau bán hàng.
Tuy nhiên, khi các quốc gia công nghiệp phát triển có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng chính sách tốt, trình độ chuyên môn, sự chuyên nghiệp cao theo từng ngành, dẫn đến điều kiện gia nhập ngành của doanh nghiệp đa ngành rất khó vì không đáp ứng được Điều kiện tiên quyết (Condition Precedent) do thiếu nguồn nhân lực chuyên sâu cũng như khả năng về tài chính, tích lũy kinh nghiệm của mỗi ngành.
Theo quy luật của thị trường, khi nền kinh tế phát triển đến một trình độ nhất định thì thị trường bắt đầu bão hòa về sản phẩm, dịch vụ. Để tạo sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ có đủ sức cạnh tranh, các doanh nghiệp trước khi thành lập phải có chiến lược chuẩn bị kỹ, đủ các nguồn lực để tập trung kinh doanh cho sự tồn tại và phát triển một ngành. Với các khó khăn hiện hữu như rào cản đến từ các đối thủ cạnh tranh, những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của khách hàng. Nên họ buộc phải tái cấu trúc để tập trung mọi nguồn lực cho phát triển mạnh một ngành.
Ngoài ra, để doanh nghiệp hoạt động trong ngành đặc thù đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán, nhiều quốc gia trao cho hiệp hội ngành đó quyền năng để đưa ra những yêu cầu khắt khe trong việc công khai thông tin doanh nghiệp cho các nhà đầu tư để tránh các thủ thuật gây “ảo giác” cho các nhà đầu tư nhằm thao túng cổ phiếu.
Ví dụ, CRIRSCO quy định, các doanh nghiệp khai khoáng để đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán thì trước hết phải là thành viên của CRIRSCO (là một cơ quan tự nguyện có các thành viên bao gồm các Tổ chức Báo cáo Quốc gia chịu trách nhiệm phát triển các quy tắc, tiêu chuẩn và hướng dẫn báo cáo khoáng sản). Các quy định dựa trên CRIRSCO được tích hợp trong các quy tắc niêm yết trên sàn chứng khoán với ba nguyên tắc cơ bản: (i) Minh bạch (Transparency), (ii) Thực chất (Materiality) và (iii) Có năng lực (Competence).
Báo cáo công khai của doanh nghiệp khai khoáng được chuẩn bị nhằm cung cấp thông tin cho các nhà thầu tư hoặc nhà đầu tư tiềm năng và đơn vị tư vấn, bao gồm nhưng không giới hạn bởi các thông tin về Mục tiêu thăm dò; Kết quả thăm dò; Tài nguyên khoáng sản; Trữ lượng quặng; Mục tiêu hàng năm. Ngoài ra, còn phải công khai Báo cáo năm và quý, thông cáo báo chí, báo cáo kỹ thuật, thuyết minh và phát biểu trước công chúng…vv. Với sự khắt khe đó nên doanh nghiệp đa ngành khó mà đáp ứng cho những ngành chuyên sâu nhất định.
Tại Việt Nam, do sự đặc thù của nền kinh tế bao cấp bao trùm trong suốt thời gian dài nên doanh nghiệp đa ngành xuất hiện từ khi nào là điều rất khó xác định. Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI đưa ra mục tiêu xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính sách Đổi Mới (Reform Policy) ra đời từ đây và là một chương trình cải cách toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội được thực hiện tại Việt Nam từ cuối thập niên 1980. Quyết định số 91-TTg ngày 7 tháng 3 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh, một số Tập đoàn kinh tế nhà nước được hình thành. Hàng loạt các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ra đời.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động chuyên ngành như Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT), Tập đoàn điện lực (EVN), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn hóa chất Việt Nam (VINACHEM), Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)…..
Có lẽ doanh nghiệp đa ngành tại Việt Nam được xuất hiện chính thức khi nền kinh tế được “cởi trói” từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh được khai sinh và hành lang pháp lý thực thi đường lối Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI chính là Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty 1990. Tại khoản 1 Điều 3 Luật Công ty 1990 quy định "Kinh doanhlà việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Khoản 2 Điều 3 quy định "Doanh nghiệplà đơn vị kinh doanh được thành lập nhằm mục đích chủ yếu là thực hiện các hoạt động kinh doanh”.
Với quy định trên cho thấy doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, công ty) đã được tự chủ lựa trọn các ngành nghề kinh doanh, trừ các ngành nghề buộc phải xin giấy phép hoặc bị cấm (Điều 11 Luật Công ty 1990). Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động với các ngành nghề đơn lẻ với quy mô nhỏ và sau khi tích lũy được chút vốn liếng đã mở rộng quy mô và tiến sang các ngành nghề kinh doanh khác.
Loại hình doanh nghiệp đa ngành tại việt Nam thường được bắt nguồn từ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tại các địa phương mang dấu ấn quản trị kiểu gia đình. Phạm vi hoạt động thường gắn với các lợi thế đặc thù của vùng miền có làng nghề truyền thống hay có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, thắng cảnh du lịch.
Sự hoạt động của loại hình doanh nghiệp này lớn mạnh dần theo thời gian và chủ yếu kinh doanh bằng vốn tự có do tích lũy được chứ ít huy động vốn qua kênh ngân hàng.
Có hai lý do chính mà mô hình doanh nghiêp đa ngành mang tính địa phương này ít sử dụng vốn vay ngân hàng là: (i) cách quản trị mang tính “nồi đồng cối đá” gia đình trị và hạch toán lỗ lãi theo kiểu “hàng sáo” chứ không theo một mô hình quản trị chuyên nghiệp nào và (ii) do không có kinh nghiệm về quản trị dòng vốn nênkhông đáp ứng được tiêu chí do ngân hàng cho vay đặt ra.
Qua thời gian, nhiều mô hình doanh nghiệp đa ngành đã cho thấy sức mạnh của mình cả về quy mô và lĩnh vực hoạt động. Tại không ít địa phương, có doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án lên đến hàng ngàn tỷ từ khai khoáng, Bất động sản, nuôi trồng thủy hải sản cho đến trồng rừng dược liệu…
Tuy nhiên, để có triển khai các dự án đã được cấp phép đúng tiến độ, áp lực về nguồn tài chính đã xuất hiện nên doanh nghiệp không thể không tiếp cận dòng vốn vay qua ngân hàng nhằm tạo ra mối quan hệ “cộng sinh” giữa doanh nghiệp và ngân hàng để triển khai các phương án kinh doanh của mình.
Sự khác nhau giữa quyền năng của chủ sở hữu doanh nghiệp đa ngành với doanh nghiệp đơn ngành
Khác với các doanh nghiệp đa ngành như đã nêu ở trên, các doanh nghiệp đơn ngành ra đời chủ yếu là các doanh nghiệp dự án (Project Company) thuộc hệ sinh thái (Business Ecosystem) của một công ty mẹ nào đó. Mô hình này xuất hiện bởi hai yếu tố chính.
Thứ nhất, do công ty mẹ chuyên kinh doanh một ngành nghề cụ thể, nhưng tầm hoạt động rộng trên địa bàn tại nhiều tỉnh, thành nên khi muốn thực hiện một dự án đầu tư tại một tỉnh, thành nào đó, họ lập ra các công ty con mà họ có thể sở hữu 100% hay đa số vốn điều lệ.
Thứ hai là do quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của tỉnh, thành đó để được hưởng các ưu đãi về đầu tư và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương thì pháp nhân thực hiện dự án buộc phải là một pháp nhân được thành lập tại địa phương triển khai dự án.
Mô hình doanh nghiệp đơn ngành này có ưu điểm là họ kế thừa năng lực, thương hiệu và tầm ảnh hưởng của công ty mẹ. Ngoài ra, doanh nghiệp này thực hiện việc xin cấp phép và triển khai dự án dựa trên một quy trình bài bản của công ty mẹ nên tiến độ triển khai luôn nhanh như vũ bão. Vốn thưc hiện dự án do công ty mẹ thu xếp qua mạng lưới ngân hàng mà họ đã có quan hệ lâu dài và bên cạnh đó còn huy động qua các nhà đầu tư đã từng có quan hệ với họ từ các dự án trước đây.
Tài sản thế chấp vay vốn chính là các tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án. Về bản chất thì nguồn vốn đối ứng chủ dự án chính là vốn điều lệ của doanh nghiệp. Chủ sở hữu doanh nghiệp (cổ đông với mô hình Công ty CP hay thành viên góp vốn với mô hình công ty TNHH) chỉ phải chịu trách nhiệm về nợ hay nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp (Điều 50, Điều 119 LDN 2020) nhưng họ lại được hưởng mọi lợi ích phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi cũng như tài sản tích lũy được của doanh nghiệp theo tỷ lệ vốn góp.
Trong quá trình triển khai dự án, chẳng may phát sinh các nguyên nhân khách quan và/hoặc chủ quan mà dự án về đích không đúng hạn hoặc bị thất bại dẫn đến việc doanh nghiệp không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay cho ngân hàng đúng hạn. Ngân hàng có thể khởi kiện ra Tòa án hoặc áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội quy định về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để thu hồi nợ. Hậu quả mà mô hình doanh nghiệp này phải chịu chỉ là liên quan đến vốn điều lệ và dự án đầu tư của chính mình chứ không bị hiệu ứng domino lây lan sang hệ sinh thái của công ty mẹ khi bị ngân hàng xếp vào nhóm nợ xấu.
Còn đối với doanh nghiệp đa ngành, một khi đã bị ngân hàng xếp vào nhóm nợ xấu cao (nhóm 3, 4, 5) được công khai trên hệ thống CIC thì mặc nhiên doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn bổ sung từ các ngân hàng khác nữa cho dù doanh nghiệp vẫn còn tài sản để thế chấp đảm bảo cho khoản vay. Đó là nhược điểm và là tử huyệt của các doanh nghiệp đa ngành sở hữu nhiều dự án nhưng chưa tách hoặc không thể tách vì vướng mắc trong giấy phép của một số lĩnh vực mà pháp luật quy định.
Một số “bẫy tài chính” mà doanh nghiệp đa ngành gặp phải khi thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng
Trong quá trình hành nghề tư vấn, chúng tôi thấy không ít doanh nghiệp đa ngành tại một số địa phương gặp phải một số vấn đề mà chúng tôi cho là “bẫy tài chính” trong quá trình thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng, cụ thể là:
Bẫy thứ nhất: Do thiếu thông tin và kinh nghiệm về vay vốn ngân hàng, không ít doanh nghiệp đa ngành đã không ngần ngại tin theo những cam kết bằng “miệng” của cán bộ ngân hàng về kế hoạch tài trợ vốn toàn diện cho các dự án.
Sở dĩ có hiện tượng trên là do cán bộ ngân hàng nắm được thóp văn hóa kinh doanh của chủ doanh nghiệp mô hình này. Họ biết rằng các ông chủ này thường dựa theo thói quen làm việc bằng cam kết bất thành văn nên rất tin vào những gì ngân hàng nói.
Khi doanh nghiệp đã dốc lòng tin theo, ngân hàng thường yêu cầu các chủ sở hữu công ty (thanh viên góp vốn/cổ đông) thế chấp toàn bộ phần vốn góp vốn điều lệ nhưng quy định LTV là 0% (Loan to Value Ratio - Tỷ lệ khoản vay so với giá trị tài sản thế chấp). Khi được hỏi tại sao đã thế chấp tài sản để bảo đảm khoản vay rồi mà lại yêu cầu thế chấp phần vốn góp vốn điều lệ? ngân hàng thường lý giải rằng vì là đối tác chiến lược để tài trợ vốn toàn diện cho các dự án về lâu dài nên doanh nghiệp làm thủ tục thế chấp luôn một lần để sau đỡ phải mất thời gian thẩm định giải ngân cho các dự án tiếp theo.
Bẫy thứ hai: Có trường hợp dự án bất động sản của doanh nghiệp đa ngành đang triển khai, nhưng quyền sử dụng đất và/hoặc các tài sản hình thành trên dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ căn cứ được coi là tài sản hình thành trong tương lai để trở thành đối tượng của hợp đồng thế chấp theo quy định của pháp luật.
Có ngân hàng đã yêu cầu các chủ sở hữu doanh nghiệp thế chấp phần vốn góp vốn điêu lệ và cam kết “mồm” rằng khi nào các tài sản thuộc dự án đã thế chấp được “khai sinh” về mặt pháp lý rõ ràng thì sẽ giải chấp phần tài sản thế chấp là vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp.
Nhưng trên thực tế lại không hề như vậy vì trong hợp đồng thế chấp tài sản, nghĩa vụ của bên thế chấp không chỉ được xác định cho một hợp đồng tín dụng cụ thể, mà còn có nghĩa vụ bảo đảm cho tất cả các khoản vay của doanh nghiệp nên cho dù tài sản thế chấp thuộc dự án vẫn đảm bảo an toàn cho khoản vay nhưng ngân hàng vẫn phòng từ xa bằng cách duy trì hợp đồng thế chấp phần vốn góp vốn điều lệ của các chủ sở hữu doanh nghiệp.
Bẫy thứ ba: Các khoản vay của doanh nghiệp thường không chỉ tập trung cho một kỳ hạn vay giống nhau do mục đích sử dụng vốn vay khác nhau. Để vay vốn lưu động cho một phương án kinh doanh có chu kỳ thực hiện ngắn, ngân hàng và doanh nghiệp thường thiết lập hợp đồng vay ngắn hạn (Short term).
Để vay vốn cho viêc hoàn thiện hạ tầng dự án đến lúc bán hàng trong thời hạn theo quy định của Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hay Giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp và ngân hàng lại thiết lập hợp đồng vay trung, dài hạn (long or medium term).
Mặc dù khoản vay ngắn hạn đã tất toán, nhưng tài sản thế chấp cho khoản vay đó lại chưa được giải chấp vì hợp đồng thế chấp có quy định tài sản thế chấp thực hiện cả nghĩa vụ cho khoản vay khác chưa tất toán mặc dù tài sản thế chấp cho khoản vay khác vẫn đang được định giá đủ hoặc thậm chí là thừa giá trị so với LTV được quy định trong hợp đồng.
Bẫy thứ tư: Khi có nguy cơ cho thấy doanh nghiệp không thể thanh toán gốc và lãi vay đúng hạn, không ít ngân hàng đã gợi mở nước đôi kèm theo các điều kiện mập mờ rằng cho phép doanh nghiệp huy động vốn từ các nhà đầu tư đối với một số bất động sản thuộc dự án đang thế chấp. Ngân hàng sẽ thu nợ tối thiểu một khoản tiền và phần còn lại sẽ xem xét cấp cho doanh nghiệp để hoàn tất hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng phân phối với một số sàn bất động sản do chính ngân hàng đồng ý hoặc trực tiếp chỉ định xong và toàn bộ dòng tiền góp vốn của nhà đầu tư được chuyển trực tiếp vào tài khoản của doanh nghiệp mở tại ngân hàng thì ngân hàng lại không thực hiện đúng cam kết với các lý do lãng xẹt như “bố đời”. Thậm chí có ngân hàng không ngần ngại cắt cả thông tin thông báo về số dư của chủ tài khoản trên điện thoại di động.
Hậu quả là doanh nghiệp không có tiền để hoàn tất hạ tầng kỹ thuật dự án để quyết toán dự án đủ điều kiện bán hàng. Không những vậy, trách nhiệm và nguy cơ vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư góp vốn lại đè nặng lên vai doanh nghiệp.
Có doanh nghiệp vì tin theo ngân hàng mà huy động vốn của nhà đầu tư từ khi chưa có thông báo đủ điều kiện huy động vốn từ Sở Xây dựng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản dẫn đến bị lao đao trong vòng vây lao lý. Trong khi đó, dự nợ của doanh nghiệp tại ngân hàng giảm nhưng tài sản bảo đảm vẫn không được giải chấp theo tỷ lệ.
Bãy thứ năm: Có ngân hàng biết được doanh nghiệp đa ngành sở hữu một số giấy phép khai thác khoáng sản và đang trong tình trạng khát vốn cần giải ngân gấp, nên đã không ngần ngại yêu cầu doanh nghiệp thế chấp cả quyền khai thác khoáng sản mà Luật khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức, cá nhân được sử dụng quyền KTKS làm “tài sản đảm bảo” để thế chấp tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, đồng thời cũng chưa có quy định về xử lý tài dản đảm bảo là Quyền KTKS để thu hồi nợ.
Do nhiều nguyên nhân khách quan không thể lường trước được, nhất là do dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên diện rộng đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong suốt thời gian dài.
Mặc dù Ngân hàng đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn nhưng không ít ngân hàng vẫn không áp dụng chính sách miễn giảm lãi suất vay, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho một số doanh nghiệp.
Có ngân hàng không ngần ngại ủy quyền cho công ty AMC của mình để rao bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp mà hành lang pháp lý chính là các điều khoản quy định trong hợp đồng và Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội quy định về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Hệ lụy mà các “bẫy tài chính” này có thể gây ra cho doanh nghiệp đa ngành
Theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu doanh nghiệp có trách nhiệm với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp, nhưng lợi ích của họ tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đa ngành là vô cùng lớn nếu doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án và việc kinh doanh thuận lợi theo kế hoạch thì tài sản doanh nghiệp tích lũy được cũng chính là tài sản của họ theo tủy lệ vốn góp.
Mặt khác, các chủ sở hữu doanh nghiệp có tỷ lệ góp vốn cao cũng chính là những người trong ban lãnh đạo công ty để tham gia vào HĐTV/HĐQT. Một trong số họ còn giữ vai trò là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Đó cũng chính là lý do một doanh nghiệp đa ngành hạn chế tối đa việc thể chấp phần vốn góp vốn điều lệ của thành viên góp vốn/cổ đông cho ngân hàng bởi nếu mất quyền sở hữu tức là mất doanh nghiệp. Mà mất quyền kiểm soát doanh nghiệp đồng nghĩa với việc mất toàn bộ các dự án của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các “bẫy tài chính” này còn bất cập ở chỗ nếu các tài sản thế chấp của doanh nghiệp đa ngành luôn được duy trì đúng tỷ lệ LTV mà ngân hàng quy định thì hà cớ gì bắt chủ sở hữu doanh nghiệp phải thế chấp cả phần vốn góp vốn điều lệ nhưng lại quy định LTV là 0%? Đây có phải là thủ đoạn thế chấp chồng thế chấp không? tài sản thế chấp nhưng không được định giá để cho vay theo tỷ lệ LTV thì có ý nghĩa gì?
Việc các tài sản thế chấp thuộc dự án vẫn đảm bảo duy trì an toàn cho số dư nợ của khoản vay nên ngân hàng không thể đặt doanh nghiệp xếp vào nhóm nợ xấu nhóm 5 được bởi nếu xếp đánh giá như vây thì khác gì việc ngân hàng đã đơn phương ngồi xổm lên pháp luật để “khai tử” doanh nghiệp.
Không những vậy, việc chủ sở hữu doanh nghiệp phải thế chấp phần vốn góp vốn điều lệ của mình thì đồng nghĩa với việc họ bị hạn chế các quyền theo quy định của luật doanh nghiệp đối với việc tham gia biểu quyết tại các biên bản họp HĐTV/ĐHĐCĐ về các vấn đề hợp tác kinh doanh với đối tác hay để tăng giảm vốn điều lệ, chia tách hoặc sáp nhập doanh nghiệp nhằm thực hiện các biện pháp tái cấu trúc cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp để đóng góp một phần không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân.
Một điều cần bàn nữa là việc ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp đa ngành thế chấp cả quyền khai thác khoáng sản nhưng không định giá để cho vay đã phần nào nói lên sự tùy tiện trong việc đơn phương áp đặt với doanh nghiệp. Việc pháp luật hiện hành về khoáng sản chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức, cá nhân được sử dụng quyền khai thác khoáng sản làm “tài sản đảm bảo” để thế chấp tại ngân hàng, đồng thời cũng chưa có quy định về xử lý tài đảm bảo là quyền khai thác khoáng sản để thu hồi nợ nhưng có ngân hàng đã không ngần ngại phối hợp với công ty đấu giá để rao bán mỏ là vi phạm nghiêm trọng quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 55 Luật Khoáng sản 2010.
Rõ ràng các “bẫy tài chính” này mà không được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để xác minh, điều tra thì số phận của không ít doanh nghiệp đa ngành trở thành mục tiêu của sự thôn tính đang ngày càng hiện hữu.
Các khế ước chứa đựng “bẫy tài chính” có vi phạm luật không?
Điều 1 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bênvề việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong mua bán, thuê, vay, mượn, tặng cho tài sản; làm hoặc không làm một việc, dịch vụ hoặc các thoả thuận khác mà trong đó một hoặc các bên nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng”.
Trong các giao dịch hợp đồng của từng lĩnh vực cụ thể cũng được các luật chuyên ngành như Luật Thương mại 2005, Luật các tổ chức tín dụng 2010, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Luật Du lịch 2017…kế thừa và cụ hóa nguyên tắc trên Bộ luật dân sự.
Nhưng trên thực tế cho thấy giao dịch hợp đồng giữa ngân hàng, đơn vị kinh doanh bảo hiểm với khách hàng có tồn tại sự thỏa thuận bình đẳng không? chắc là không, bởi chủ thể tham gia hợp đồng là ngân hàng là một chủ thể đặt biệt vì họ là bên “cho vay” tiền nên chủ thể còn lại luôn là bên yếu thế.
Lý lẽ về việc bảo toàn vốn luôn được họ đề cao và cụ thể hóa vào các khế ước được soạn trên các template có sẵn. Họ luôn đưa ra các điều khoản mang tính một chiều để khéo léo áp đặt lên khách hàng kèm theo các quyền miễn trừ nhiều nghĩa vụ cho phía họ.
Xét ở góc độ vĩ mô, họ đương nhiên được hưởng lợi từ các chính sách nhằm bảo bảo sự an toàn trong hệ thống tiền tệ quốc gia. Quyền năng đó là chính đáng với các ngân hàng tại tất cả các quốc gia chứ không riêng gì tại Việt Nam.
Nhưng khi mà đâu đó vẫn còn hiện tượng sở hữu chéo của các ông chủ ngân hàng, khi mà đâu đó vẫn còn những doanh nghiệp sân sau “hớp” hết các nguồn vốn từ ngân hàng thì thử hỏi cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động đa ngành mang tính địa phương nói riêng có được hưởng các chính sách về miễn giảm lãi suất vay, giãn thời gian trả nợ hay giữ nguyên nhóm nợ như chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong thời gian qua mới là điều đáng bàn.
Chúng tôi đã chứng kiến không ít chuyên viên của các công ty AMC không ngần ngại công khai nói rằng tài sản thế chấp của doanh nghiệp là bất động sản hay quyền khai thác khoán sản thì ngày càng có giá trị, còn khoản nợ của doanh nghiệp đã được ngân hàng trích lập dự phòng từ lợi nhuận hàng năm nên chẳng ảnh hưởng gì.
Các “bẫy tài chính” này cho thấy nó không khác là cái bẫy ẩn treo lơ lửng trên đầu doanh nghiệp đa ngành nên rất khó có thể phát hiện ra lỗi của ngân hàng để có chế tài xử lý kịp thời. Và một khi đâu đó có cơ quan tiến hành tố tụng còn phải luôn ấn tượng rằng hồ sơ khởi kiện của ngân hàng là “Perfect” thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc số phận doanh nghiệp đa ngành sớm muộn cũng là bên thất thế mà thôi.
Đề xuất hướng thoát “bẫy tài chính” cho doanh nghiệp đa ngành
Thiết nghĩ việc đầu tiên doanh nghiệp đa ngành cần làm là tự mình phải tái cấu trúc từ chính các lỗ hổng quản trị tài chính của mình. Chiến lược kinh doanh luôn phải gắn liền với kế hoạch về quản trị tài chính. Hạn chế tối đa việc sử dụng các nguồn vốn vay ngắn hạn để phục vụ cho các dự án có nhu cầu vốn trung và dài hạn, bởi vô hình chung nếu đến hạn trả nợ gốc và lãi nhưng doanh nghiệp chưa có doanh thu vì sản phẩm, dịch vụ của dự án chưa đủ điều kiện bán hàng ắt sẽ dẫn đến trễ hạn. Nếu điều đó xảy ra thì việc ngân hàng kích hoạt tự động các chế tài là đương nhiên. Nợ xấu phát sinh và nhảy nhóm nợ nhanh lẹ.
Việc tái cấu trúc doanh nghiệp khi có nợ xấu cần phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan và đôi khi cần phải biết hy sinh một phần lợi ích để chia sẻ “phần lợi nhuận theo phương án kinh doanh đã lập” để hợp lực với các các đối tác có năng lực cùng ngành nghề nhằm “bơm” tiền vào để giải quyết các tồn tại từng bước thoát khó khăn.
Nhưng giải pháp triệt để về lâu về dài là cần kiên trì đàm phán với chính ngân hàng mà mình có nợ xấu để có hướng thanh lý hợp đồng chịu mức tổn thất thấp nhất để lựa chọn các đơn vị mua nợ phù hợp tiếp quản. Thậm chí là M&A bớt dự án không phải là thế mạnh và ưu tiên của doanh nghiệp đa ngành.
Tuy nhiên, để có thể thực hiện tái cấu trúc thành công, doanh nghiệp đa ngành vẫn phải chủ động sử dụng các biện pháp pháp lý để kịp thời ngăn chặn các hành vi tự ý bán đấu giá tài sản của ngân hàng khi các bên chưa đạt được thỏa thuận, bởi hành vi này có thể là tiền đề gây hiệu ứng lan rộng ra các chủ nợ khác (nếu có).
Khi đã “quarantine” được hành vi này thì cần tiến hành các biện pháp kêu cứu đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động cho vay của ngân hàng đối với các “bẫy tài chính”.
Để các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp đa ngành nói riêng có điểm tựa thực hiện việc tái cấu trúc, thiết nghĩ Quốc hội cần thiết phải thành lập ra cơ quan giám sát chuyên trách để đánh giá lại hiệu quả của các chính sách miễn giảm lãi vay, giãn nợ vay và giữ nguyên nhóm nợ mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong thời gian qua do tác động của đại dịch Covid-19 và sự suy thoái của thị trường bất động sản ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Luật sư Phan Khắc Nghiêm
Công ty Luật TNHH NPK Quốc tế