Thứ ba, 07/05/2024 06:35 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/04/2024 16:50 (GMT+7)

Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề ở Hà Nội thế nào? (Bài 3)

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề thì điều đầu tiên là phải di dời các làng nghề gây ô nhiễm vào hoạt động trong CCN tập trung, nơi có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ...

LỜI TÒA SOẠN

Công nghiệp xanh (green industry) là nền công nghiệp sản xuất và vận hành theo hướng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu của công nghiệp xanh là tạo ra các sản phẩm/dịch vụ bằng cách sử dụng các quy trình và công nghệ thân thiện với môi trường, từ việc khai thác nguyên liệu và sản xuất đến giai đoạn sử dụng và tái chế.

Trên thế giới khu công nghiệp truyền thống dần mất đi lợi thế cạnh tranh, thay vào đó khu công nghiệp hướng tới yếu tố xanh, bền vững ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư. Tại Việt Nam phát triển khu, cụm công nghiệp xanh là tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường nhằm mục tiêu hướng đến giảm thiểu phát thải khí carbon đến năm 2050 về 0. Vì vậy, xây dựng khu, cụm công nghiệp “xanh” để thu hút vốn đầu tư vào ngành công nghiệp “xanh” là xu thế tất yếu.

Để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thiện các quan điểm về bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70% và 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường...Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật Bảo vệ môi trường cho đến các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã và đang được hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương.

Từ thực tiễn trên, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường cùng với sự tham vấn của các chuyên gia là các nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, môi trường xây dựng chuyên đề: Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh - Xu hướng để phát triển bền vững.

Loạt bài viết sẽ khái quát toàn bộ hiện trạng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội, ghi nhận, phân tích và đánh giá những mặt đạt được, chưa đạt được. Đồng thời, qua góc nhìn của các chuyên gia, sẽ có những giải pháp, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý để các cụm, khu công nghiệp xanh hơn, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đang hướng tới.

Các làng nghề ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân được các cơ quan thông tấn báo chí đề cập đến rất nhiều. Các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều động thái để xử lý rốt ráo vấn đề, từ thanh kiểm tra, đến xử phạt. Tuy nhiên, cũng không thể ngày một ngày hai để giải quyết tận gốc vấn đề. 

Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Trước thực trạng ô nhiễm làng nghề, thời gian qua TP Hà Nội đã tích cực xây dựng các văn bản pháp lý, cơ chế chính sách về phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề. Cụ thể như Quyết định số 6136/QĐ-UBND ngày 31/8/2017, của UBND TP Hà Nội phê duyệt: “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Kế hoạch số 307/KH-UBND ngày 27/12/2021 về việc: Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu, CCN giai đoạn 2021-2025. Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 28/4/2023: Ban hành danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề ở Hà Nội thế nào? (Bài 3) - Ảnh 1
Hà Nội ưu tiên phát triển CCN phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn bền vững.

Các văn bản trên nhằm tăng cường mạnh mẽ thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong quản lý và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội; hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường nhằm tăng cường năng lực giám sát và khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề; ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề gây ô nhiễm môi trường mới. 

Trong danh sách 235 làng nghề đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành đánh giá, phân loại đối với 228 làng nghề, (6 làng nghề còn lại đã mai một nên không tiến hành lấy mẫu để phân loại và có 1 làng nghề không được phê duyệt kinh phí thực hiện). Trong số 228 làng nghề tổ chức điều tra, khảo sát có 5 nhóm gồm: 25 làng nghề nhuộm, thuộc da; 155 làng nghề thủ công mỹ nghệ; 19 làng nghề chế biến nông sản thực phẩm; 1 làng nghề tái chế kim loại và 28 làng nghề khác.  

Theo kế hoạch đặt ra, Hà Nôi sẽ tập trung di chuyển các cơ sở trong làng nghề gây ô nhiễm ra các CCN tập trung. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã và đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai các chương trình, tìm giải pháp cho vấn đề này. Hiện tại, các cơ quan chức năng của thành phố đang thúc đẩy tiến độ cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng 70 CCN đang hoạt động; đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 CCN thành lập trong giai đoạn 2018 - 2020; đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư vào 46 CCN còn lại theo quy hoạch; phấn đấu đến năm 2025, toàn thành phố có 159 CCN làng nghề, bảo đảm di dời các làng nghề gây ô nhiễm vào hoạt động trong cụm công nhiệp tập trung.  

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000m3/ngày đêm, dự kiến đưa vào hoạt động trong thời gian tới; hoàn thiện thủ tục xây dựng Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Vân Canh (huyện Hoài Đức), cụm xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề xã Vân Hà (huyện Đông Anh); kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải làng nghề tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Thường Tín, Mỹ Đức; kêu gọi đầu tư 48 CCN làng nghề tại các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên…, bảo đảm đến năm 2025, 100% làng nghề đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.

Vì sự phát triển bền vững

Về lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề cương, dự án nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích cực liên ngành, trực tuyến phục vụ quản lý, phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội” làm cơ sở triển khai thực hiện giai đoạn 2021 - 2025. 

Đến hết năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn thành phố và bảo đảm đưa các tiêu chí về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường vào quá trình thẩm định và xét công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống.

Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề ở Hà Nội thế nào? (Bài 3) - Ảnh 2
Đồng bộ cơ sở hạ tầng để đi vào hoạt động.

Các làng nghề trên địa bàn thành phố đã tồn tại hàng trăm năm nay cùng sự hình thành, phát triển của các làng xã. Các làng nghề không chỉ có hoạt động kinh tế mà còn là văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân. Vì vậy, việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của các hộ dân trong các làng nghề theo xu hướng sản xuất sạch hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường vì sự phát triển bền vững.

Từ nhận thức đó, thành phố Hà Nội xác định việc tăng cường tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của môi trường sống, trên cơ sở này phát huy được mọi nguồn lực từ nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, làm cho mọi người nhận thức được một cách tự giác trong bảo vệ môi trường sống của chính mình. Khuyến khích các địa phương xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường, tiến tới triển khai thành quy định bắt buộc để bảo vệ môi trường các làng nghề.

Hy vọng với quyết tâm của  TP Hà Nội và sự đồng lòng chung sức của nhân dân, việc bảo vệ mội trường làng nghề sẽ tạo được bước chuyển mới trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm làng nghề, sớm đạt được mục tiêu đã đề ra, xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại vì sự phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia Kinh tế Môi trường thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm của các làng nghề hiện nay trên địa bàn Hà Nội thì chúng ta không thể đi từ ngọn mà phải làm tận gốc. Nghĩa là, chúng ta dành quỹ đất, xây dựng các cụm công nghiệp để di dời các hộ làm nghề của địa phương ra đó. Với Cụm công nghiệp tập trung, được các cơ quan quản lý cấp phép thì các vấn đề về xử lý nước thải, chất thải, khí thải sẽ được kiểm soát từ khâu xây dựng đề án, kế hoạch. Khi anh đã có một cơ sở vật chất đồng bộ, đúng theo các tiêu chuẩn được cơ quan nhà nước thẩm duyệt thì không có lý do gì các cơ sở sản xuất này có thể gây ra ô nhiễm được...

Trao đổi với cơ quan Báo chí ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã còn chưa chặt chẽ; một số đơn vị triển khai kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường còn chậm; lực lượng cán bộ quản lý về môi trường còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao; kinh phí sự nghiệp dành cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế...

Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai phương án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề giai đoạn 2022-2025 và đến năm 2030 để trình UBND thành phố phê duyệt; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với Sở Công Thương đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án xử lý nước thải tại các CCN làng nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất trong khu dân cư di chuyển vào các khu, CCN làng nghề...

Còn nữa...

Hà Đông

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề ở Hà Nội thế nào? (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kiến nghị "lệnh cấm" tiền mặt khi mua bán vàng
Để siết quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, Tổng cục Thuế đã có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng.

Tin mới