Lực lượng thanh niên với "5 xung kích", "6 khát vọng" trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số được coi là chìa khóa để thực hiện thành công mục tiêu này. Và thế hệ thanh niên năng động sáng tạo, nhạy bén với khoa học công nghệ được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số, làm chủ công cuộc xây dựng và phát triển mọi lĩnh vực.
Lực lượng thanh niên được kỳ vọng đi đầu trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số không còn là đề tài mới mẻ mà vấn đề này đã được Việt Nam thực hiện trong nhiều năm qua và đến nay đã hiện diện ở mọi lĩnh vực trong đời sống, kinh tế - xã hội. Tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia đứng đầu thế giới, xếp thứ 3 khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số.
Chuyển đổi số được coi là chìa khóa để thực hiện thành công mục tiêu này. Và thế hệ thanh niên năng động sáng tạo, nhạy bén với khoa học công nghệ được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số, làm chủ công cuộc xây dựng và phát triển mọi lĩnh vực trong tương lai.
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI cũng đã chỉ ra nguồn sức mạnh to lớn của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số. Với sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, năng lực hội nhập, kỹ năng xã hội được nâng lên, thanh niên sẽ có xu hướng tự học, tiếp cận thông tin số, giải trí và sáng tạo trên nền tảng số, coi trọng và tham gia tích cực vào các hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong thanh niên, tận dụng không gian mạng trong công tác tuyên truyền, giáo dục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt trên nhiều nền tảng số và bước đầu đem lại hiệu quả tốt, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh được các đoàn viên thanh niên triển khai thực hiện với nhiều cách làm, nội dung phong phú. Đoàn viên, thanh niên đã đề xuất được nhiều sáng kiến, cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ để tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, thời gian sản xuất; đổi mới, cải tiến kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; phát triển kinh tế biển, du lịch biển, đảo được xây dựng và triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương. Đoàn các cấp đã chủ động, tích cực phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đưa các sáng kiến, phát minh ứng dụng vào thực tiễn. Các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa và thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Nhiều công trình, phần việc thanh niên trong lao động, sản xuất, kinh doanh được triển khai thực hiện hiệu quả.
Giữ vai trò then chốt
Đồng hành cùng thế hệ thanh niên cả nước, nhiều chủ trương, chính sách phát triển và hỗ trợ đã, đang được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” nhằm hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cùng các chính sách phát triển hạ tầng thiết yếu, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đặc biệt phải kể đến chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, thanh niên là đối tượng được hướng tới trong nội dung rà soát, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu. Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng có nhiều tác động đến vai trò, nhiệm vụ và hành động của các lớp thanh niên Việt Nam khi tham gia vào chuyển đổi số.
Đáng chú ý, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 đã thể hiện quan điểm Chiến lược phát triển thanh niên là một bộ phận cấu thành của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong các chiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người.
Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho thanh thiếu niên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2022-2030”. Đề áp được áp dụng cho các đối tượng thanh thiếu niên trong độ tuổi 9-30 nhằm góp phần quan trọng hình thành thế hệ những công dân số toàn cầu của Việt Nam.
Trong đó, nhấn mạnh quan điểm nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên trong thời đại công nghệ số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; là nền tảng quan trọng góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia; là yếu tố then chốt góp phần xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực để nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên. Mục tiêu nâng cao năng lực số nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên nâng cao nhận thức, thái độ; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo,... trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong tương lai, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phát huy tinh thần "5 xung kích", "6 khát vọng"
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024) mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số.
Theo Thủ tướng, có 5 yêu cầu đặt ra về chuyển đổi số đối với nền kinh tế: (i) Xây dựng chiến lược bài bản, tổng thể với lộ trình phù hợp; (ii) Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; (iii) Đổi mới phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội theo hướng hiện đại, số hóa; (iv) Phát huy tính chủ động, sáng tạo, đột phá của mọi chủ thể, nhất là thế hệ trẻ; (v) Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, thanh niên phải là lực lượng xung kích, nòng cốt, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số và phát triển Việt Nam sớm trở thành quốc gia số.
Thủ tướng đề nghị Đoàn Thanh niên cùng toàn thể thanh niên Việt Nam phát huy tinh thần "Năm xung kích" trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia:
(1) Xung kích trong nâng cao nhận thức số
(2) Xung kích xây dựng, hoàn thiện thể chế số
(3) Xung kích phát triển hạ tầng số
(4) Xung kích đào tạo nguồn nhân lực số
(5) Xung kích trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp và văn hóa số
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị thanh niên Việt Nam phải có "Sáu khát vọng":
(1) Khát vọng đóng góp, cống hiến
(2) Khát vọng học tập, rèn luyện
(3) Khát vọng đổi mới, sáng tạo
(4) Khát vọng lập thân, lập nghiệp
(5) Khát vọng hội nhập, phát triển
(6) Khát vọng đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, sức mạnh toàn dân tộc
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tạo mọi điều kiện cho Đoàn và thanh niên phát triển đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sứ mệnh của mình; xử lý kịp thời các kiến nghị; có cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp; hỗ trợ Đoàn và thanh niên khi gặp khó khăn, nhất là những đối tượng yếu thế. Các tổ chức chính trị - xã hội phải phối hợp, hỗ trợ Đoàn thanh niên, tạo sức mạnh tổng hợp.
Thủ tướng đề nghị Đoàn Thanh niên và các cơ quan lựa chọn các công việc trọng tâm, trọng điểm với phong trào thanh niên, nhất là phong trào học tập công nghệ thông tin; phong trào học tập ngoại ngữ; phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước luôn tin tưởng, hy vọng và mong muốn Đoàn và thanh niên khẳng định vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử trong mọi hoạt động, nhất là những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm đã nêu.
Anh Thư