Tin tức môi trường nổi bật ngày 29/4
Dự kiến mưa dông kéo dài trong dịp lễ 30/4 và 1/5; Hồ Con Rùa bắt đầu được sửa chữa vỉa hè, kinh phí 14 tỷ đồng; Cứ 5 loài bò sát thì có 1 loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 29/4.
Dự kiến mưa dông kéo dài trong dịp lễ 30/4 và 1/5
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong 3 ngày tiếp theo từ 29 - 1/5 thời tiết sẽ có chút biến động, nền nhiệt độ sẽ tăng dần, nắng nóng hơn. Người dân khi nghỉ lễ cần chú ý mưa rào và dông xảy ra ở khắp 3 miền.
Từ chiều tối mai (30/4) đến 1/5, Bắc Bộ mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-70mm/đợt, có nơi trên 100mm/đợt. Từ gần sáng 1/5 đến 2/5, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt.
Từ 1/5, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 18-21 độ C, vùng núi Bắc Bộ chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 16-18 độ C. Ngoài ra, từ 29/4 đến 3/5, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể xảy ra mưa dông trên diện rộng, cục bộ mưa to đến rất to và dông.
"Trong giai đoạn chuyển mùa, với nền nhiệt độ cao mưa dông xảy ra thường kèm theo các hiện tượng thời tiết rất nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh", Trung tâm Khí tượng thuỷ văn nhận định.
Tuy nhiên, theo dự báo viên Vũ Tuấn Anh, Phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, thời gian mưa trong những ngày này không phải kéo dài liên tục nên người dân vẫn có thể lựa chọn những thời điểm thích hợp để đi du lịch.
Trong đó, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thời gian mưa dông tập trung đến hết ngày 1/5, từ 2/5 trở đi thời tiết sẽ tốt lên. Khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa dông tuy kéo dài nhiều ngày nhưng thời gian mưa tập trung nhiều vào chiều và tối, ban ngày vẫn có khoảng thời gian gián đoạn mưa.
Hồ Con Rùa bắt đầu được sửa chữa vỉa hè, kinh phí 14 tỷ đồng
Việc sửa chữa 6.700 m2 vỉa hè xung quanh khu vực Công trường Quốc tế - hồ Con Rùa (quận 3, TP.HCM) tốn khoảng 14 tỷ đồng. Công trình sẽ được khánh thành vào lễ Quốc khánh 2/9.
UBND quận 3 sáng 29/4 khởi công cải tạo vỉa hè xung quanh khu vực Công trường Quốc tế - hồ Con Rùa.
Ông Trần Nhân Hậu, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 3, thông tin việc cải tạo vỉa hè ở các trục đường: Phạm Ngọc Thạch (từ Nguyễn Đình Chiểu đến Nguyễn Thị Minh Khai), Trần Cao Vân (từ hồ Con Rùa đến Hai Bà Trưng), Võ Văn Tần (từ hồ Con Rùa đến Pasteur) với tổng chiều dài 1.280 m và khoảng 6.700 m2 diện tích vỉa hè.
Ngoài cải tạo vỉa hè, bó vỉa, khu vực này sẽ được lắp đặt ghế ngồi, cải tạo mảng xanh, hố ga thoát nước mưa, hệ thống chiếu sáng, di dời một số tủ điện, tủ viễn thông, thi công tủ điện và ống gen chờ cho các bảng quảng cáo.
Kinh phí thực hiện từ nguồn tài trợ, xã hội hóa với mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp khoảng 12,4 tỷ đồng. Thời gian thi công trong 4 tháng và dự kiến khánh thành vào lễ Quốc khánh 2/9 tới.
Phó chủ tịch UBND quận 3 Trần Thanh Bình cho hay vỉa hè xung quanh khu vực Công trường Quốc tế - hồ Con Rùa có nhiều đoạn xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại, mất an toàn với người tham gia giao thông.
Việc cải tạo nâng cấp vỉa hè sẽ tạo bộ mặt đô thị khang trang, tăng cường năng lực giao thông, là một phần trong đề án xây dựng khu vực này trở thành phố đi bộ nhằm thu hút du khách...
Dự án cải tạo hồ Con Rùa từng dự kiến tổng kinh phí 50 tỷ đồng để thi công chống thấm hồ nước; bổ sung hệ thống phun nước trong hồ và theo lối đi tạo cảnh quan; bố trí thêm hệ thống lọc rác và chống rêu.
Kế hoạch thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025.
Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định 891/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1973/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung, chương trình ưu tiên thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025; phân công nội dung công việc cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc nội dung phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nội dung của Quyết định số 1973/QĐ-TTg.
Theo đó, thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng môi trường không khí như: Ban hành quy định pháp luật về quản lý chất lượng môi trường không khí theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020; Rà soát, sửa đổi và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chất lượng không khí và khí thải cho các ngành sản xuất và phương tiện giao thông vận tải; Rà soát, hoàn thiện và trình ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam; Xây dựng quy chế phối hợp, biện pháp quản lý chất lượng môi trường không khí liên vùng, liên tỉnh; Xây dựng, ban hành tiêu chí chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam đối với các phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường…
Để phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải sẽ đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ cơ sở sản xuất về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương và về Bộ Tài nguyên và Môi trường; Hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quan trắc môi trường không khí xung quanh tự động, liên tục; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo về chất lượng môi trường không khí; thiết lập các điểm quan trắc môi trường không khí theo Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường không khí xung quanh ở các đô thị đặc biệt và đô thị loại I trở lên; Thực hiện việc kiểm kê nguồn khí thải.
Tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 129/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về vấn đề giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện rà soát tổng thể các văn bản quy định và thực tiễn tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế. Tổ chức sửa đổi, bổ sung và đề xuất các giải pháp, phương án cho phù hợp yêu cầu, tình hình thực tế theo tinh thần nâng cao hiệu quả công tác này, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, kể cả dịch bệnh mới hoặc do biến chủng mới của virus SAR-CoV-2; trường hợp cần thiết đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Hai Bộ tiếp tục tổ chức quán triệt đến các địa phương; chỉ đạo việc bảo đảm các điều kiện để tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, lưu ý tiếp thu ý kiến của các tổ chức, nhân dân với tinh thần cầu thị, bám sát thực tiễn.
Bộ Y tế, Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Cứ 5 loài bò sát thì có 1 loài đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng
Khoảng 21% số loài bò sát trên Trái đất đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, và sự mất mát này có thể gây ra những tác động tồi tệ đến các hệ sinh thái trên khắp hành tinh.
Đây là kết quả của một nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia thuộc Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và 2 tổ chức môi trường phi lợi nhuận của Mỹ, NatureServe và Conservation International. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.
Phân tích lớn nhất từ trước đến nay về tình trạng các loài bò sát trên thế giới đã đưa ra cảnh báo về mối đe dọa hiện hữu với các hệ sinh thái khi hơn 1.800 loài đang phải đấu tranh để tồn tại.
“Chúng ta sẽ mất tổng cộng 15,6 tỷ năm lịch sử tiến hóa nếu mỗi loài trong số 1.829 loài bò sát thuộc diện nguy cấp hiện nay biến mất vĩnh viễn”, ông Neil Cox, đồng trưởng nhóm nghiên cứu và giám đốc bộ phận đánh giá đa dạng sinh học tại IUCN và Conservation International cho biết. “Đây là sự tiến hóa mà chúng ta không bao giờ có thể lấy lại được. Đó sẽ là một mất mát nghiêm trọng”.
Ông nhấn mạnh: “Nếu các loài bò sát tuyệt chủng, điều này có thể làm thay đổi hoàn toàn các hệ sinh thái và gây ra những hậu quả không mong muốn như sự gia tăng côn trùng gây hại. Đa dạng sinh học, bao gồm các loài bò sát, là nền tảng hỗ trợ cho các dịch vụ hệ sinh thái, qua đó cung cấp một môi trường lành mạnh cho con người”.
Lan Anh