Thứ bảy, 27/04/2024 05:24 (GMT+7)
Thứ năm, 28/04/2022 16:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 28/4

Theo dõi KTMT trên

13 vấn đề lớn về phát triển hệ sinh thái đầu tư; Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ chuyển lạnh từ 1/5; Thừa Thiên - Huế: Hơn 120 tỷ đồng nâng cấp công trình đập Thảo Long... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 26/4.

13 vấn đề lớn về phát triển hệ sinh thái đầu tư

Sáng ngày 28/4, tiếp tục chương trình công tác tại Sóc Trăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, các định hướng lớn mà tỉnh Sóc Trăng cần quán triệt, thực hiện hiệu quả đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 120 của Chính phủ về thích ứng với biến đổi khí hậu; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV…

Tin tức môi trường nổi bật ngày 28/4 - Ảnh 1
Thủ tướng nhấn mạnh 13 vấn đề để xây dựng và phát triển môi trường đầu tư, hệ sinh thái đầu tư hướng tới mục tiêu 12 chữ: "Công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững".

Do đó, tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ suy nghĩ về 13 vấn đề để xây dựng và phát triển môi trường đầu tư, hệ sinh thái đầu tư hướng tới mục tiêu 12 chữ: "Công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững". Cụ thể:

  1. Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, trước hết là trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
  2. Xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách minh bạch, công khai, ổn định.
  3. Thực hiện các đột phá chiến lược về hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế.
  4. Coi trọng công tác quy hoạch.
  5. Giải quyết tốt các vấn đề chiến lược có tính toàn cầu, toàn dân .
  6. Phải chọn vấn đề ưu tiên, có tác động lan tỏa lớn, bền vững để làm trước. 
  7. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. 
  8. Sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương. 
  9. Sự đồng hành của doanh nghiệp.
  10. Sự ủng hộ của người dân. 
  11. Huy động nguồn lực, đa dạng hóa, huy động tối đa, tăng cường hợp tác công - tư.
  12. Vấn đề truyền thông, phải đầu tư hơn nữa cho công tác truyền thông, không để khủng hoảng truyền thông.
  13. Tổ chức thực hiện trên cơ sở lựa chọn trọng tâm, trọng điểm cho đúng, trúng, thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ chuyển lạnh từ 1/5

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng đêm 30/4, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc Bộ; từ gần sáng và ngày 1/5 ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 28/4 - Ảnh 2
Từ ngày 1/5, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 18-21 độ C.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nên từ chiều tối 30/4 đến ngày 1/5 ở Bắc Bộ và từ gần sáng 1-2/5, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Từ ngày 1/5, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 18-21 độ C; vùng núi Bắc Bộ chuyển rét với nhiệt độ từ 16-18 độ C. Khu vực Hà Nội từ đêm 30/4 đến ngày 1/5 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 1/5 trời chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-21 độ C.

Từ đêm 30/4, trên đất liền gió chuyển hướng Đông Bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 4. Từ gần sáng 1/5, vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao 2-4m. Từ chiều 1/5, khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao 4-6m ở khu vực Bắc Biển Đông và 2-4m ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

Thừa Thiên - Huế: Hơn 120 tỷ đồng nâng cấp công trình đập Thảo Long

Dự án nâng cấp đập Thảo Long, xã Phú Thanh (TP. Huế) nằm trong dự án sửa chữa cấp bách đảm bảo an toàn hồ, đập chứa nước, với 38 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư 1.470 tỷ đồng triển khai tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo đó, Dự án nâng cấp đập Thảo Long có tổng mức đầu tư hơn 120 tỷ đồng do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làm đại diện chủ đầu tư.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 28/4 - Ảnh 3
Dự án nâng cấp đập Thảo Long nằm trong dự án sửa chữa cấp bách đảm bảo an toàn hồ, đập chứa nước với tổng mức đầu tư 1.470 tỷ đồng vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Dự án nâng cấp các hạng mục xử lý chống thấm phía thượng lưu từ khoang số 8 đến khoang số 10, gia cố lòng dẫn hạ lưu cống nhằm đảm bảo an toàn. Xây dựng và lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc, hệ thống điện điều khiển mới với thiết bị và công nghệ hiện đại. Sửa chữa nâng cấp nhà quản lý, hệ thống điện vận hành và điện chiếu sáng khu quản lý công trình. Ngoài ra, sẽ thay mới 1 cửa van khoang đập, cửa van âu thuyền và thiết bị đóng mở...

Công trình đập Thảo Long được khởi công tháng 8/2001 và khánh thành đưa vào khai thác cuối năm 2008, với tổng vốn đầu tư 152 tỷ đồng. Công trình có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt và phối hợp với các hồ thủy lợi Tả Trạch, hồ thủy điện Bình Điền thực hiện điều tiết, đảm bảo cung cấp đủ nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, dân sinh cho toàn bộ vùng hạ du sông Hương.

Công trình đập Thảo Long có chiều rộng thông nước 472,5m, với 15 khoang, mỗi khoang rộng 31,5m. Ngoài cầu giao thông, hệ thống đập còn có một âu thuyền dài 53m, rộng 8m. Hệ thống đập đảm bảo giao thông thủy trọng tải thuyền 50 tấn và cầu đường bộ cho phép xe 13 tấn đi qua. Theo các chuyên gia đánh giá đây là công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á.

Hà Nội duy trì sản xuất nước sạch mùa hè lên đến 1,52 triệu m3/ngày đêm

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để đảm bảo đủ nguồn nước sạch cho nhân dân dịp hè 2022, Sở đã tham mưu UBND Thành phố kế hoạch cấp nước, duy trì sản xuất 1,37 đến 1,52 triệu m3 nước/ngày đêm.

Theo đó, yêu cầu các công ty bảo đảm duy trì sản xuất, vận hành tối đa công suất các nhà máy nước, các trạm cấp nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của 100% hộ dân thuộc hệ thống cấp nước tập trung của thành phố. 

Tin tức môi trường nổi bật ngày 28/4 - Ảnh 4
Hà Nội sẽ duy trì sản xuất nước sạch mùa hè lên đến 1,52 triệu m3/ngày đêm.

Về nguồn cấp, các đơn vị duy trì sản xuất, cung cấp từ 1,37 đến 1,52 triệu m3/ngày đêm. Trong đó, Công ty Nước sạch Hà Nội duy trì sản lượng nước sản xuất là 550.000 m3/ngày đêm và dự phòng có thể bổ sung 110.000 m3/ngày đêm; Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà Viwasupco duy trì an toàn hệ thống cấp nước với sản lượng khoảng 300.000m3/ngày đêm; Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông khoảng 69.000 m3/ngày đêm; Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống bổ sung, hỗ trợ nguồn cấp cho khu vực nội đô theo công suất 300.000m3/ngày đêm…

Ðặc biệt, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp vận hành cấp nước khi có sự cố vỡ ống hoặc giảm áp lực, thiếu nguồn từ các nhà máy nước mặt sông Ðà, sông Ðuống.

Bên cạnh đảm bảo sản lượng nước và mạng lưới, Sở Xây dựng cũng sẽ yêu cầu các Công ty cấp nước công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch cấp nước luân phiên cũng như sự cố mất nước để người dân biết và có phương án tích trữ nước sinh hoạt; tổ chức ứng trực tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin của khách hàng về tình hình cấp nước; công bố công khai, rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của đơn vị, cá nhân trực cấp nước hè cho nhân dân và khách hàng trên địa bàn để tiện liên hệ, giải quyết.

Bão nhiệt đới mạnh và nhiều hơn do biến đổi khí hậu

Viện Nghiên cứu Môi trường, Đại học Amsterdam (Hà Lan) vừa công bố một nghiên cứu mới trên tạp chí Scientific Advances. Các phân tích chỉ ra, biến đổi khí hậu sẽ khiến các cơn bão lốc xoáy nhiệt đới mạnh gấp đôi vào giữa thế kỷ này, khi vận tốc gió tối đa có thể tăng đến khoảng 20% và gây nguy cơ cho nhiều vùng trên thế giới.

Thực tế hiện nay, các ghi chép chính xác về bão nhiệt đới trong quá khứ trên toàn cầu rất khan hiếm và chỉ được lưu lại trong 30 -100 năm qua. Việc thiếu dữ liệu này khiến cho việc lập mô hình bão lốc xoáy nhiệt đới trở nên khó khăn và khiến các đánh giá rủi ro ở quy mô địa phương trở nên phức tạp.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 28/4 - Ảnh 5
Biến đổi khí hậu sẽ khiến các cơn bão lốc xoáy nhiệt đới mạnh gấp đôi vào giữa thế kỷ này.

Để khắc phục hạn chế này, nhóm các nhà khoa học quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Môi trường đã sử dụng một phương pháp luận mới, kết hợp dữ liệu trong quá khứ với các mô hình khí hậu toàn cầu để tạo ra hàng trăm nghìn "cơn bão lốc xoáy nhiệt đới giả lập", tương tự các cơn bão tự nhiên. Dựa vào đây, các nhà nghiên cứu đã có thể dự đoán chính xác về sự xuất hiện và hoạt động của các cơn bão lốc xoáy nhiệt đới trong những thập kỷ tới, dưới tác động của biến đổi khí hậu. Kết quả thu được ở quy mô toàn cầu, với độ phân giải không gian rất cao ở khoảng 10 km.

Phân tích cho thấy, biến đổi khí hậu sẽ làm tăng tần suất của các cơn bão cường độ cao nhất, từ cấp 3 trở lên trên toàn cầu. Các cơn bão lốc xoáy nhiệt đới và bão nhiệt đới có cường độ yếu hơn sẽ ít xảy ra ở hầu hết các khu vực trên thế giới, ngoại trừ Vịnh Bengal.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 28/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới