Thứ sáu, 29/03/2024 07:00 (GMT+7)
Thứ sáu, 29/04/2022 16:00 (GMT+7)

Khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường là chìa khóa 'then chốt' trong xử lý chất thải rắn

Theo dõi KTMT trên

Khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường đóng vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn, nhằm đưa ra được các giải pháp công nghệ, kỹ thuật xử lý phù hợp và hiệu quả, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt.

Chất thải rắn đô thị ngày càng gia tăng

Trong những năm qua, sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng dẫn đến phát sinh lớn lượng chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn ở Việt Nam.

Bên cạnh chất thải rắn sinh hoạt, nhiều loại chất thải rắn khác cũng đang gia tăng nhanh trong thời gian qua như chất thải rắn xây dựng, công nghiệp, y tế, nông nghiệp. Chất thải rắn xây dựng được ước tính chiếm khoảng 25% khối lượng chất thải rắn tại Hà Nội, TP.HCM và 12-13% tại các địa phương khác như An Giang, Bắc Giang, Hải Phòng.

Chất thải rắn công nghiệp phát sinh chủ yếu từ các khu, cụm công nghiệp và đạt khoảng 8,1 triệu tấn vào năm 2016. Chất thải nguy hại công nghiệp thường chiếm 15-20% lượng chất thải rắn công nghiệp, phát sinh chủ yếu ở các ngành công nghiệp nhẹ, luyện kim, hóa chất. chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 450 tấn/ngày, trong đó có 47 - 50 tấn là chất thải nguy hại.

Ngoài ra, chất thải rắn nông nghiệp hàng năm gồm khoảng 14.000 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón; 76 triệu tấn rơm rạ và; 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2017). Lượng chất thải rắn (chất thải rắn) sinh hoạt phát sinh ở Việt Nam hiện nay khoảng 25,5 triệu tấn/năm, trong đó chất thải rắn sinh hoạt đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày và chất thải rắn sinh hoạt nông thôn - khoảng 32.000 tấn/ngày (TCMT, 2019). Chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị hiện chiếm hơn 50% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước và chiếm khoảng 60-70% tổng lượng chất thải rắn đô thị (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2017).

Khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường là chìa khóa 'then chốt' trong xử lý chất thải rắn - Ảnh 1
Đô thị hóa, phát triển dân số dẫn đến phát sinh nhiều chất thải rắn gây áp lực tới môi trường, trong đó chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, một số loại chất thải rắn đang là vấn đề môi trường mới nổi như chất thải rắn xây dựng, chất thải điện tử và chất thải nhựa trên biển. Theo một nghiên cứu quốc tế, lượng chất thải điện tử trên toàn cầu ước vào khoảng 45 triệu tấn, trong đó lượng phát sinh ở Việt Nam đạt khoảng 141.000 tấn năm 2016 và tiếp tục gia tăng (Balde et al., 2017).

Chất thải nhựa trên biển đang là mối quan tâm lớn của cả thế giới hiện nay do các tác động đến hệ sinh thái biển. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 4 nước thải nhiều chất thải nhựa trên biển nhất (sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines) với ước tính khoảng 0,28-0,73 tấn/năm (Jambeck et al, 2015).

Trước áp lực tác động đến môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa, phát triển dân số dẫn đến phát sinh nhiều chất thải rắn, trong đó chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, cần thiết phải có biện pháp quản lý, xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường đóng vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn nhằm đưa ra được các giải pháp công nghệ, kỹ thuật xử lý phù hợp và hiệu quả, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt.

Công bố danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn khuyến cáo áp dụng

Ngày 29/4, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp cùng Ban Chủ nhiệm đề tài cấp bộ “Pháp luật quản lý chất thải rắn đô thị trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tổ chức Hội thảo “Quản lý chất thải rắn đô thị trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Được biết, trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Theo đó, mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Bên cạnh đó, từ năm 2000 đến nay, đã có nhiều phương pháp công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt do các đơn vị trong nước và trên thế giới được áp dụng tại Việt Nam, năng lực, hiệu quả xử lý ngày càng được nâng cao, ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt ngày càng giảm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn tồn tại không ít bất cập do điều kiện của Việt Nam có nhiều khác biệt đối với các nước trên thế giới. Vấn đề đặt ra là phải rà soát lại hiện trạng hoạt động, hiệu quả xử lý cũng như tính phù hợp của các công nghệ xử lý đang áp dụng với điều kiện phát triển kinh tế của Việt Nam, từ đó đề xuất được những công nghệ xử lý chất thải rắn có hiệu quả.

Do đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để quản lý chất thải rắn đạt hiệu quả, các đại biểu kiến nghị cần ban hành và công bố danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn khuyến cáo áp dụng tại Việt Nam; xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bãi chôn lấp chất thải rắn và về lò đốt chất thải.

Bên cạnh đó, cũng cần ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải tại nguồn và đối với việc cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh; triển khai thực hiện hiệu quả quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn cũng cần được quan tâm đẩy mạnh. Đặc biệt, các địa phương cần bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch, bố trí đủ kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn.

Trao đổi với báo chí về thực trạng vấn đề rác thải hiện nay, PGS.TS Vũ Thanh Ca (Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), người từng có kinh nghiệm nghiên cứu, xây dựng các mô hình quản lý chất thải rắn đô thị và nông thôn, cũng như các vấn đề ô nhiễm đại dương, cho biết, rác thải sinh hoạt ở Việt Nam là một vấn đề môi trường rất nghiêm trọng. Hiện nay, do chưa có các giải pháp xử lý hiệu quả khác nên rác thải đô thị Việt Nam chủ yếu vẫn được chôn lấp. Các khu vực được sử dụng để chôn lấp ngày càng hẹp, lượng rác thải lại ngày càng nhiều nên khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ngày càng chồng chất.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cả nước hiện nay còn tồn tại khoảng 900 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt không hợp vệ sinh mà đa phần tập trung ở khu vực nông thôn. Đồng thời, các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt đô thị cũng nằm trên địa bàn các khu vực nông thôn ven đô. Đối với nhiều vùng nông thôn khác, do đất chật người đông, tất cả ruộng đất đều đã có chủ và nói chung đang được khai thác hiệu quả nên tìm ra đất chôn lấp rác thải lại càng khó.

Vì vậy, nhiều địa phương ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ lựa chọn giải pháp đốt rác bằng lò thủ công. Đây là giải pháp cực kỳ nguy hiểm, vì các lò thủ công đốt với nhiệt độ thấp lại không có thiết bị lọc bụi và khí độc nên gây ra ô nhiễm không khí vô cùng nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt vào mùa đông, tại đồng bằng và trung du Bắc Bộ trong thời gian qua là hậu quả của vấn đề này. Ô nhiễm không khí do bụi mịn cùng với rất nhiều khí độc như dioxin, furan sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân, thậm chí gây ung thư. 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường là chìa khóa 'then chốt' trong xử lý chất thải rắn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê!
Xin mượn lời bài hát “khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo để mở đầu cho bài viết này: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi… Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn, một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”…

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.