Hà Nội: Đến năm 2025, 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề được xử lý
Theo kế hoạch của UBND TP.Hà Nội, đến hết năm 2025, Hà Nội phấn đấu hoàn thành 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Làng nghề là một phần quan trọng của nông thôn Việt Nam, kinh tế và văn hóa Việt Nam. Vì vậy, việc “giải cứu” làng nghề khỏi tình trạng ô nhiễm, mai một là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay.
Mới đây, UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Đến hết năm 2025, Hà Nội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được công nhận trên địa bàn Hà Nội được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Theo kế hoạch, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch này đến tất cả các tổ chức, nhân dân và cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện; Gắn nhiệm vụ triển khai thực hiện với quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố các chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII) nhằm phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025.
Các Sở, ngành và chính quyền các cấp thành phố tiếp tục nghiên cứu, xác định, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể cho từng quý, từng năm và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu đã đề ra.
Kế hoạch xác định rõ 2 nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý; Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái và nguồn gây ô nhiễm môi trường, kiểm tra, giám sát, từng bước ngăn ngừa ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp. Cùng với đó, thành phố đề ra 4 giải pháp để thực hiện kế hoạch. Trong đó, thành phố xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp; Kiểm soát các nguồn thải chất thải nguy hại. Tăng cường công tác kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường và xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề.
UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã được giao chủ trì, theo dõi thực hiện các chỉ tiêu trên khẩn trương triển khai ngay các giải pháp để thực hiện bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Đồng thời, tiến hành tự kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch này ở cơ quan, đơn vị. Việc tự kiểm tra phải có nội dung sát thực, có phân tích, đánh giá tình hình, báo cáo kết quả gửi các sở, ngành liên quan tổng hợp báo cáo UBND thành phố, Thành ủy theo quy định.
Trước đó, để thực hiện đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại làng nghề trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng nguồn vốn khoảng 569 tỉ đồng.
Ngoài ra, Thành phố sẽ huy động đầu tư xử lý môi trường tại 48 cụm công nghiệp làng nghề ở các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai... với kinh phí gần 9.000 tỉ đồng. Khi hoàn thành, các dự án này sẽ cơ bản xử lý được ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, toàn Thành phố hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã.
Đáng chú ý, kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 - 2020 cho thấy, có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), có 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%), tỉ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.
Lan Anh (T/h)