Đánh giá hiện trạng phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm do chất thải rắn sinh hoạt đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Để quản lý tốt chất chất thải rắn sinh hoạt, cần thu phí thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của người dân.
Tóm tắt: Hiện nay, vấn đề ô nhiễm do chất thải rắn sinh hoạt đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Để quản lý tốt chất chất thải rắn sinh hoạt, cần thu phí thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của người dân. Vì vậy, việc đánh giá hiện trạng phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt là cần thiết, làm cơ sở cho việc đề xuất quản lý, xử lý chất thải rắn. Thông qua kết quả khảo sát từ các văn bản pháp luật quy định về mức phí thu gom chất thải rắn, cho thấy, mức phí thu gom chất thải rắn khác nhau ở từng địa phương và số tiền thường được tính toán trên cơ sở đầu người, hoặc đơn vị/tổ chức phát sinh chất thải. Mặt khác, thực tế việc thu phí thu gom còn gặp nhiều bất cập, phí thu gom được từ người dân chỉ đáp ứng được 5% tổng lượng chi phí và 20 – 25% chi phí thu gom chất thải. Vì vậy, cần có các quy định về việc thu phí thu gom rác thải sinh hoạt theo hướng tính theo khối lượng rác thải phát sinh, đảm bảo việc thu phí rác thải sinh hoạt công bằng và triệt để.
Đặt vấn đề
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người, việc phát sinh chất thải rắn là điều tất yếu. Theo thời gian, dân số tăng, các điều kiện kinh tế, xã hội tăng, mức sống của người dân cũng tăng, vì vậy việc thay đổi về lượng phát sinh và thành phần chất thải rắn là không thể tránh khỏi. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, để quản lý tốt chất thải rắn sinh hoạt, cần phải chi trả một lượng kinh phí lớn, trong đó cần phải có sự đóng góp của chủ thể nguồn phát sinh chất thải rắn. Được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1998 tại Đà Nẵng[1], đến nay ở cả 63 tỉnh thành trong cả nước đều đã có những quy định riêng về mức thu phí vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, ở các địa phương khác nhau, tùy vào điều kiện kinh tế, xã hội mà mức thu phí khác nhau. Hầu hết các địa phương đều áp dụng mức thu phí theo bình quân người dân hoặc hộ gia đình. Việc này cũng đã và đang tồn tại một số vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả thu, cân bằng thu chi trong thời gian qua. Vì vậy, cần có một bức tranh tổng quát về tình hình hiện trạng thu phí chất thải rắn sinh hoạt bao gồm: mức thu phí, tỉ lệ thu được phí, các vấn đề liên quan đến việc thu phí môi trường, trên cơ sở đó có thể đề xuất các giải pháp phù hợp hỗ trợ cho việc thu gom, xử lý, quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Cơ sở pháp lý
Nhìn chung, để đưa ra mức phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp cần dựa trên rất nhiều yếu tố bao gồm: tình hình kinh tế xã hội tại địa phương; thực trạng phát sinh chất thải rắn tại địa phương; phương pháp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương;… từ đó đưa ra mức phí thu gom chất thải phù hợp. Hầu hết các địa phương đều xem xét các yếu tố và dựa vào Luật Giá ngày 20 tháng 6 năm 2012, Luật Phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015 và các Nghị định hướng dẫn thực hiện. Tại các văn bản này đã quy định các quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; các cơ sở cho việc định giá, yếu tố hình thành giá, thẩm định giá, từ đó làm căn cứ cho việc đưa ra mức phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp [2].
Hiện trạng thu phí mà mức thu phí
Phương pháp tính toán mức thu phí
Việc tính toán mức thu phí phát sinh chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu dựa trên quy mô của đơn vị/ tổ chức phát sinh chất thải rắn. Thông thường ở hầu hết các địa phương, đối với hộ gia đình thường thu phí theo số nhân khẩu hoặc theo hộ khẩu, với cơ quan tổ chức thì được thu phí theo số lượng người trong cơ quan, theo mức thu phí theo cơ sở, hoặc thu theo khối lượng chất thải rắn phát sinh.
Bảng 1: Phương pháp tính toán mức thu phí
Đơn vị/tổ chức phát sinh chất thải | Đơn vị tính toán mức thu phí |
Hộ gia đình | Đồng/người/tháng Đồng/hộ/tháng Đồng/kg |
Hộ buôn bán lẻ | Đồng/cơ sở Đồng/m3 |
Cơ sở kinh doanh dịch vụ | Đồng/cơ sở Đồng/m3 |
Trường học | Đồng/cơ sở Đồng/học sinh Đồng/m3 |
Cơ sở y tế | Đồng/cơ sở Đồng/m3 |
Cơ quan hành chính | Đồng/cơ sở Đồng/m3 |
Khách sạn, nhà nghỉ | Đồng/cơ sở Đồng/m3 |
Chợ, siêu thị | Đồng/cơ sở Đồng/quầy hàng Đồng/m3 |
Công trình xây dựng | Đồng/m3 Lấy theo % chi phí đầu tư xây dựng |
Nguồn: Tổng hợp từ quy định của các địa phương của nhóm tác giả
Ngoài ra, việc tính toán mức phí thu gom còn phụ thuộc vào phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ví dụ: tại các phường của thành phố Bắc Giang:
Đối với hộ gia đình ≤ 3 người:
+ Xử lý chất thải rắn bằng chế biến vi sinh: 38.000 - 50.000 đồng/hộ/tháng.
+ Chôn lấp: 38.000 - 41.000 đồng/hộ/tháng.
+ Đốt: 38.000 - 55.000 đồng/hộ/tháng.
Đối với hộ gia đình > 3 người:
+ Chế biến vi sinh: 50.000 - 57.000 đồng/hộ/tháng.
+ Chôn lấp: 50.000 - 54.000 đồng/hộ/tháng.
+ Đốt: 50.000 - 73.000 đồng/hộ/tháng [3].
Như vậy, tùy vào điều kiện thực tế mà có phương pháp định giá thu phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt riêng. Điều này cũng tạo ra sự chênh lệch về mức thu giữa các khu vực có vị trí địa lý gần nhau nhưng khác nhau về đơn vị hành chính, khiến cho việc đồng nhất phương pháp thu phí trên quy mô vùng gặp nhiều hạn chế. Vì vậy, nếu định hướng xử lý rác thải thải sinh hoạt theo phân loại cấp vùng, liên vùng; đòi hỏi có quy định thống nhất liên vùng đối với mức thu phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt, từ đó tạo thuận lợi cho việc tính toán và đề xuất phương án quản lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt.
Hiện trạng mức thu phí vệ sinh môi trường tại một số địa phương
Mức phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt được thể hiện qua Bảng 2. Thông qua bảng số liệu trên có thể thấy: mức phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt đối với hộ gia đình, phòng trọ, hộ buôn bán nhỏ, khác nhau phụ thuộc vào quy định của từng địa phương. Sự khác nhau còn thể hiện qua mức thu phí giữa thành thị và nông thôn. Trung bình mức thu phí thu gom chất thải rắn đối với hộ gia đình dao động từ 20.000 – 40.000 đồng/hộ/tháng, với cơ sở buôn bán nhỏ lẻ thì mức thu phí cao hơn.
Với sự khác nhau về phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại từng địa phương. Bên cạnh đó việc thu phí chưa được tính trên khối lượng phát sinh thực tế của chất thải rắn sinh hoạt tạo nên sự khó khăn trong việc cân bằng thu – chi, xác định chi phí cần thiết để đảm bảo kinh phí thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Điều này cũng tạo nên tâm lý so sánh chưa được công bằng giữa các hộ có lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ít với phát sinh nhiều hoặc các hộ có các hoạt động tái chế, thu hồi, phân loại và tái sử dụng chất thải tại nguồn với các hộ không thực hiện các biện pháp nêu trên.
Bảng 2: Mức thu phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình, phòng trọ, hộ buôn bán nhỏ
STT | Tỉnh/Thành phố | Kí hiệu quyết định | Hộ gia đình | Phòng trọ | Hộ buôn bán nhỏ lẻ | |||
Thành thị | Nông thôn | Thành thị | Nông thôn | Thành thị | Nông thôn | |||
đồng/hộ/tháng | đồng/phòng/tháng | đồng/đơn vị/tháng | ||||||
1 | An Giang | 94/2016/QĐ-UBND | 20.000 | 15.000 | 20.000 | 15.000 | 100.000 | 100.000 |
2 | Bà Rịa - Vũng Tàu | 26/2019/QĐ-UBND | 30.000-50.000 | 25.000-30.000 | 15.000-25.000 | 15.000-18.000 | 60.000-100.000 | 60.000-70.000 |
3 | Bắc Giang | 8/2021/QĐ-UBND | 29.000-73.000 | 20.000-55.000 | 29.000-73.000 | 20.000-55.000 | 106.000-145.000 | 106.000-145.000 |
4 | Bắc Kạn | 31/2020/QĐ-UBND | 18.000 | 18.000 | 18.000 | 18.000 | 50.000 | 40.000 |
5 | Bắc Ninh | 27/2020/QĐ-UBND | 36.000 | 25.200 | 36.000 | 25.200 | 60.000 | 60.000 |
6 | Bến Tre | 31/2020/QĐ-UBND | 12.000-25.000 | 10.000-20.000 | 12.000-25.000 | 10.000-20.000 | 60.000-110.000 | 50.000-100.000 |
7 | Bình Định | 68/2019/QĐ-UBND | 25.000-30.000 | 20.000-25.000 | 11.000 | 13.000 | 55.000-80.000 | 55.000-80.000 |
8 | Bình Dương | 64/2016/QĐ-UBND | 25.000 | 20.000 | 10.000 | 10.000 | 50.000-100.000 | 50.000-100.000 |
9 | Bình Phước | 2222/QĐ-UBND | 20.000 | 15.000 | 20.000 | 15.000 | 30.000-80.000 | 30.000-80.000 |
10 | Bình Thuận | 21/2017/QĐ-UBND | 20.000 | 12.000 | 20.000 | 12.000 | 30.000 | 30.000 |
11 | Cà Mau | 30/2017/QĐ-UBND | 28.000 | 19.000 | 28.000 | 19.000 | 34.000-53.000 | 30.000-47.000 |
12 | Cần Thơ | 40/2016/QĐ-UBND | 10.000-20.000 | 10.000-20.000 | 5.000 | 5.000 | 20.000-30.000 | 20.000-30.000 |
13 | Cao Bằng | 50/2019/QĐ-UBND | 18.000 | 18.000 | 18.000 | 18.000 | 25.000 | 25.000 |
14 | Đà Nẵng | 33 /2017/QĐ-UBND | 15.000-30.000 | 15.000-30.000 | 15.000-30.000 | 15.000-30.000 | 45.000-100.000 | 45.000-100.000 |
15 | Đắk Lắk | 28/2017/QĐ-UBND | 20.000-25.000 | 12.000-15.000 | 5.000 | 4.000 | 100.000-120.000 | 80.000 |
16 | Đắk Nông | 03/2018/QĐ-UBND | 20.000 | 15.000 | 9.000 | 7.000 | 50.000-100.000 | 35.000-80.000 |
17 | Đồng Nai | 75/2014/QĐ-UBND | 28.000 | 22.000 | 28.000 | 22.000 | 160.000 | 160.000 |
18 | Đồng tháp | 06/2018/QĐ-UBND | 30.000 | 30.000 | 30.000 | 30.000 | 30.000 | 30.000 |
19 | Gia Lai | 15 /2017/QĐ-UBND | 30.000 | 10.000-15.000 | 15.000-20.000 | 10.000-15.000 | 35.000 | 25.000 |
20 | Hà Giang | 06/2018/QĐ-UBND | 18.000-25.000 | 16.000-20.000 | 13.000-14.000 | 11.000 | 54.000-60.000 | 48.000 |
21 | Hà Nam | 34/2014/QĐ-UBND | 25.200 | 14.400-18.000 | 25.200 | 14.400-18.000 | ||
22 | Hà Nội | 54/2016/QĐ-UBND | 21.600 | 10.800 | 21.600 | 10.800 | 50.000 | 50.000 |
23 | Hà Tĩnh | 33/2017/QĐ-UBND, 14/2021/QĐ-UBND | 19.000-62.000 | 9.000-40.000 | 25.000 | 12.000-16.000 | 44.000-131.000 | 21.000-85.000 |
24 | Hải Dương | 29/2017/QĐ-UBND | 18.000-21.600 | 14.400-18.000 | 18.000-21.600 | 14.400-18.000 | 50.000-180.000 | 30.000 |
25 | Hải Phòng | 10/2021/QĐ-UBND | 40.000 | 40.000 | 20.000 | 20.000 | 90.000-135.000 | 90.000-135.000 |
26 | Hậu giang | 02/2015/QĐ-UBND | 10.000-15.000 | 10.000-15.000 | 10.000-15.000 | 10.000-15.000 | 15.000-50.000 | 15.000-50.000 |
27 | Hưng Yên | 25/2017/QĐ-UBND | 25.600-36.000 | 10.800-18.000 | 25.600-36.000 | 10.800-18.000 | 45.000-150.000 | 45.000-150.000 |
28 | Khánh Hòa | 02/2020/QĐ-UBND | 44.000-88.000 | 44.000-88.000 | 11.000-15.000 | 11.000-15.000 | 92.000-129.000 | 92.000-129.000 |
29 | Kiên Giang | 01/2020/QĐ-UBND | 10.000-30.000 | 10.000-21.000 | 12.000 | 10.000 | 29.000-60.000 | 20.000-48.000 |
30 | Kon Tum | 515/QĐ-UBND | 10.000-12.000 | 10.000-12.000 | 10.000-12.000 | 10.000-12.000 | 50.000-120.000 | 50.000-120.000 |
31 | Lai Châu | 53/2017/QĐ-UBND | 5.000-10.000 | 5.000-2.000 | 5.000-10.000 | 5.000-2.000 | 60.000-100.000 | 10.000-30.000 |
32 | Lâm Đồng | 60/2016/QĐ-UBND | 30.000 | 25.000 | 30.000 | 25.000 | 140.000 | 125.000 |
33 | Lạng Sơn | 29/2019/QĐ-UBND | 28.800 | 21.600 | 28.800 | 21.600 | 60.000-300.000 | 60.000-300.000 |
34 | Lào Cai | 51/2018/QĐ-UBND | 8.000-10.000 | 5.000 | 8.000-10.000 | 5.000 | 25.000-100.000 | 25.000-100.000 |
35 | Nam Định | 05/2017/QĐ-UBND | 14.400-28.800 | 14.400-28.800 | 28.800 | 28.800 | 80.000-120.000 | 80.000-120.000 |
36 | Nghệ An | 19/2019/QĐ-UBND | 18.000-43.200 | 18.000-25.200 | 18.000-43.200 | 18.000-25.200 | 55.000-65.000 | 50.000 |
37 | Ninh Bình | 22/2020/QĐ-UBND | 25000-28.800 | 21.600-25.2000 | 25000-28.800 | 21.600-25.200 | 90.000 | 80.000 |
38 | Ninh Thuận | 94/2017/QĐ-UBND | 18.000 | 12.000 | 18.000 | 12.000 | 50.000-100.000 | 30.000-50.000 |
39 | Phú Thọ | 05/2017/QĐ-UBND | 25.200 | 25.200 | 25.200 | 25.200 | ||
40 | Phú Yên | 1550/QĐ-UBND | 12.000-18.000 | 9.000-10.000 | 6.000-9.000 | 4.000-5.000 | 20.000-34.000 | 16.000-18.000 |
41 | Quảng Bình | 36 /2018/QĐ-UBND | 27.000-35.000 | 17.000-23.000 | 10.000 | 10.000 | 14.000-24.000 | 17.000-23.000 |
42 | Quảng Nam | 22/2017/QĐ-UBND | 20.000-30.000 | 15.000-20.000 | 20.000-30.000 | 15.000-20.000 | ||
43 | Quảng Ngãi | 10/2018/QĐ-UBND | 18.000-20.000 | 14.000-16.000 | 18.000-20.000 | 14.000-16.000 | 70.000-150.000 | 55.000-120.000 |
44 | Quảng Ninh | 33/2018/QĐ-UBND | ||||||
45 | Quảng Trị | 01/2019/QĐ-UBND | 24.000-30.000 | 15.000 | 24.000-30.000 | 15.000 | 85.000-220.000 | 25.000 |
46 | Sóc Trăng | 22/2019/QĐ-UBND | 19.000 | 15.000 | 19.000 | 15.000 | 49.000-193.000 | 24.000-94.000 |
47 | Sơn La | 40/2017/QĐ-UBND | 12.000 | 10.000 | 12.000 | 10.000 | 30.000-150.000 | 30.000-120.000 |
48 | Tây Ninh | 16/2020/QĐ-UBND | 45.500 | 41.500 | 45.500 | 41.500 | ||
49 | Thái Bình | 01/2021/QĐ-UBND | 21.600 | 21.600 | 21.600 | 21.600 | 30.000-60.000 | 30.000-60.001 |
50 | Thái Nguyên | 39/2016/QĐ-UBND | 25.200 | 18.000 | 25.200 | 18.000 | 35.000-50.000 | 35.000-50.001 |
51 | Thanh hóa | 21/2019/QĐ-UBND | 39.600 | 14.400-21.600 | 39.600 | 14.400-21.600 | 170.000 | 170.000 |
52 | Thừa Thiên - Huế | 94/2017/QĐ-UBND | 20.000- 30.000 | 18.000-20.000 | 10.000 | 10.000 | 42.000-97.000 | 27.000-43.000 |
53 | Tiền Giang | 27/2018/QĐ-UBND | 20.000 | 20.000 | 15.000 | 15.000 | 30.000 | 30.000 |
54 | Tp. Hồ Chí Minh | 38/2018/QĐ-UBND | 48.000 | 48.000 | 48.000 | 48.000 | 69.720-152.880 | 69.720-152.880 |
55 | Trà Vinh | 23/2017/QĐ-UBND | 30.000 | 20.000 | 15.000-17.000 | 10.000-12.000 | 45.000-225.000 | 20.000-120.000 |
56 | Tuyên Quang | 432/QĐ-UBND | 10.000-17.000 | 10.000-17.000 | 10.000-17.000 | 10.000-17.000 | 29.000-46.000 | 29.000-46.000 |
57 | Vĩnh Long | 06/2017/QĐ-UBND | 10.000 | 10.000 | 10.000 | 10.000 | 30.000-150.000 | 15.000-100.000 |
58 | Vĩnh Phúc | 18/2017/QĐ-UBND | 20.000 | 20.000 | 20.000 | 20.000 | 50.000-120.000 | 35.000-95.000 |
59 | Yên Bái | 507/QĐ-UBNN | 5.000 - 10.000 | 3.000-6.000 | 5.000 - 10.000 | 3.000-6.000 | 50.000-145.000 | 25.000-75.000 |
Hiệu quả thu phí
Hiện nay, việc thu phí rác thải sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn kinh phí bù cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hiện nay được lấy từ ngân sách Nhà nước. Nguyên nhân chính của thực trạng này do mức thu phí vệ sinh còn thấp, chỉ đủ chi trả một phần cho công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (chưa tính đến chi phí xử lý). Theo báo cáo năm 2014 của URENCO Hà Nội, chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt vào khoảng 600 tỷ đồng/năm trong khi tổng nguồn thu từ phí vệ sinh chỉ khoảng 30 tỷ đồng, chiếm 5% tổng số chi. Trên thực tế tại nhiều địa phương, nguồn kinh phí thu được từ phí vệ sinh môi trường chỉ đủ chi trả khoảng 20 - 25% chi phí thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đô thị [4].
Nguyên nhân chính của việc mất cân bằng thu chi kể trên chủ yếu là tiền thu thấp hơn so với kinh phí cần thiết cho hoạt động thu gom và xử lý chất thải. Bên cạnh đó, việc thất thu từ chủ hộ phát sinh chất thải rắn, hay nói cách khác là hiệu quả thu phí chưa cao. Nhiều hộ dân, cơ sở kinh doạnh, dịch vụ không hơp tác tích cực trong đóng góp mức phí của mình với cơ quan thu phí. Theo quy định, các cơ sở kinh doanh buôn bán có mức thu phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt riêng, nhưng nhiều hộ chỉ đồng ý nộp phí theo mức phí hộ gia đình, gây thiếu hụt nguồn thu. Nhiều hộ gia đình, không chấp nhận đóng phí thu gom rác thải sinh hoạt với nhiều lý do như: phát sinh ít, không phát sinh,… Nhiều hộ nêu các lý do không phát sinh chất thải rắn, nhưng trong thực tế, khi không có cán bộ giám sát, họ thường đổ thải chưa đúng quy định ra môi trường. Ngược lại cũng có nhiều hộ gia đình tiến hành công tác phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn tốt nên lượng chất thải rắn phát sinh thực tế không đáng kể nhưng vẫn chịu mức thu phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt đồng mức với các hộ không có hoạt động nêu trên, gây nên các phản ứng không công bằng hoặc chưa khuyến khích các hoạt động tái chế, phân loại tại nguồn [5, 6, 7]. Vì vậy, cần sớm có quy định về mức thu phí khối lượng phát sinh và hiệu quả phân loại chất thải rắn của các chủ nguồn thải, hộ gia đình và nâng cao hơn hiệu quả thu phí thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Mức phí xử lý chất thải rắn
Hiện nay, các địa phương đang áp dụng các giá xử lý chất thải rắn khác nhau cho các phương pháp xử lý khác nhau. Cũng có trường hợp, cùng phương pháp xử lý nhưng đơn giá áp dụng tại từng địa phương là khác nhau [9]. Nguồn kinh phí cho hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt cơ bản vẫn được cấp bù từ ngân sách nhà nước. Mức chi trả xử lý hiện tại cho các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trung bình khoảng 250.000 đồng/tấn, chênh lệch có thể tùy thuộc vào các địa phương hoặc công nghệ xử lý được áp [4]. Chi phí xử lý theo phương pháp chôn lấp trung bình khoảng 122.000 đồng/tấn. Chi phí này chưa tính đến chi đầu tư xây dựng bãi chôn lấp ban đầu, giải phóng mặt bằng… Nhiều địa phương có cơ sở xử lý chất thải rắn được nhận mức chi trả cao hơn (trên 400.000 đồng/tấn) như: Cơ sở chế biến compost và đốt CTRSH Túc Trưng - Định Quán, Khu xử lý Phú Thanh - Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (410.000 đồng/tấn và 444.900 đồng/tấn); Cơ sở xử lý CTRSH tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ (400.000 đồng/tấn)… Bảng 3 thể hiện đơn giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại một số địa phương với các công nghệ xử lý rác thải khác nhau.
Bảng 3. Đơn giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại một số địa phương
STT | Tỉnh/Thành phố | Đơn giá xử lý rác theo phương pháp xử lý (đồng/tấn rác) | ||||
Chôn lấp hợp vệ sinh | Thiêu đốt | Compost | Đốt phát điện | Quy định chung* | ||
1 | An Giang | 119.000 | ||||
2 | Bắc Giang | 43.490 - 69.672 | 350.000 | 250.000 | 210.000 | |
3 | Bắc Kạn | 348.707 | ||||
4 | Bình Định | 225.000 | ||||
5 | Hà Nam | 49.237 | 374.000 | 209.000 | ||
6 | Hà Nội | |||||
7 | Hà Tĩnh | 42.000 - 52.000 | 307.000 | 406.000 | ||
8 | Lào Cai | 367.758 | ||||
9 | Nghệ An | 450.000 | ||||
10 | Phú Thọ | 272.500 | 272.500 | |||
11 | Quảng Bình | 86.269 | 430.000 | 430.000 | ||
12 | Quảng Trị | 350.000 - 400.000 | ||||
13 | Thái Bình | 320.000 - 490.000 | 210.000 - 320.000 | 290.000 - 390.000 | ||
14 | Thái Nguyên | 350.000 | ||||
15 | Tp. Hồ Chí Minh | 510.234 | 475.000 |
* Quy định chung thể hiện đơn giá xử lý rác chung tại địa phương, mức độ điều chỉnh tùy theo phương pháp xử lý, công nghệ xử lý, nhân lực, vật lực,…
Có thể thấy, đơn giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt không có sự đồng nhất tại các địa phương. Cùng một công nghệ xử lý, nhưng đơn giá xử lý chất thải khác nhau tại các địa phương khác nhau. Đôi khi trong cùng một địa phương nhưng các cơ sở xử lý rác thải khác nhau, mức đơn giá xử lý cũng khác nhau. Ví dụ như, cùng một công nghệ chôn lấp tại TP. Hồ Chí Minh trả mức phí cho CITENCO là 369.706 đồng/tấn, trong khi mức phí cho Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) là 22,098 USD/tấn tương đương 480.000 đồng/tấn. Tại tỉnh Bắc Ninh, áp dụng đơn giá xử lý trong khoảng 396.000 - 451.000 đồng/tấn [9]. Nguyên nhân có thể là do sự khác nhau trong thành phần, đặc điểm rác thải tại các địa phương dẫn đến công nghệ xử lý khác nhau. Ngoài ra, các yếu tố khách quan như địa điểm xử lý, địa điểm thu gom, khoảng cách, nhân lực, vật lực cũng là nguyên nhân dẫn đến chênh lệch đơn giá dịch vụ xử lý.
Các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm: ngân sách Nhà nước (vốn đầu tư phát triển, vốn ngân sách trung ương và địa phương, vốn ODA…) và các nguồn vốn khác. Tuy nhiên, vốn Nhà nước sử dụng để đầu tư xây dựng vẫn chiếm khoảng 80% (trong đó, vốn ngân sách chiếm khoảng 35%, vốn ODA chiếm khoảng 45%), vốn của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 20%. Các địa phương có nguồn chi ngân sách lớn cho công tác quản lý CTRSH là Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Ví dụ, trong năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh chi hơn 2.000 tỷ đồng, Đà Nẵng chi 176 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu chi 102 tỷ đồng... Các tỉnh khác chi trung bình khoảng từ 20 - 40 tỷ đồng/ năm, thấp nhất có những tỉnh chi khoảng 3 đến 10 tỷ đồng/năm (Bộ Xây dựng, 2017) [4].
Một số đề xuất
Hiện nay, cách xác định mức phí thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có sự khác nhau giữa các địa phương và có sự khác nhau về công nghệ xử lý. Để đảm bảo công bằng, việc xem xét thu phí theo khối lượng phát sinh cũng như hiệu quả phân loại, giảm thiểu, tái chế tại nguồn đối với chất thải rắn sinh hoạt cần được quan tâm. Hệ thống thu phí rác thải dựa trên khối lượng được nghiên cứu và áp dụng ở Seoul (Hàn Quốc) đã có hiệu quả rõ rệt về thay đổi hành vi thải chất thải, giảm đáng kể khối lượng rác thải phát sinh. Hệ thống tính phí này dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Theo đó, người dân sẽ phải trả phí thu gom chất thải dựa trên khối lượng chất thải phát sinh, càng thải nhiều rác sẽ phải đóng phí càng nhiều.
Để đạt được hiệu quả trong việc thu phí thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh, khuyến khích hoạt động phân loại tại nguồn cần nghiên cứu đề xuất phương thức quản lý và định lượng được lượng phát sinh, phát triển hệ thống đồng bộ từ thu gom, phân loại, vận chuyển, tái chế, đến xử lý chất thải rắn. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hỗ trợ, tích hợp nhằm hướng dẫn, nhận dạng, phân loại, giám sát, kiểm soát và cảnh báo... liên quan đến các hoạt động phân loại, tái chế, vận chuyển và xử lý chất thải rắn...
Kết luận
Việc áp dụng mức thu phí thu gom chất thải rắn (rác thải) sinh hoạt từ các hộ gia đình đã có các quy định được ban hành, áp dụng trên toàn bộ các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, có sự khác nhau về đơn giá thu, hiệu quả thu và mức độ đáp ứng mức phí thực tế các địa phương phải chi trả cho hoạt động này là rất khác nhau. Nguồn kinh phí thu được từ phí vệ sinh môi trường, cơ bản mới chi trả khoảng 20 - 25% chi phí thu gom và vận chuyển chất thải rắn đô thị.
Việc nghiên cứu, hiện trạng thu phí, đề xuất các mức thu phí thu gom, xử lý theo khối lượng, hiệu quả phân loại tại nguồn đối với chất thải rắn sinh hoạt có ý nghĩa cần thiết, góp phần giảm mức bù chi ngân sách, thay đổi nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Đây cũng là đòi hỏi cấp thiết trong tương lai theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Tài liệu tham khảo:
- [1] Quyết định số 1199/1998/QĐ-UB ngày 5/3/1998 của UBND thành phố Đà Nẵng Quy định mức thu lệ phí qua phà sông Hàn và lệ phí rác.
- [2] Luật số 11/2012/QH13 của Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012: Luật Giá.
- [3] Quyết định 43/2017/QĐ-UBND về quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
- [4] Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, Chuyên đề: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
- [5] http://baobacgiang.com.vn/bg/tp-bac-giang/225161/khac-phuc-kho-khan-tang-thu-tu-dich-vu-ve-sinh-moi-truong.html
- [6] https://baothainguyen.vn/tin-tuc/xa-hoi/kho-khan-trong-viec-thu-phi-bao-ve-moi-truong-245678-85.html
- [7] https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/1012883/go-kho-thu-phi-ve-sinh-moi-truong
- [8] Các quy định về thu phí thu gom rác của 63 tỉnh thành trong cả nước.
- [9] https://baotainguyenmoitruong.vn/gia-xu-ly-rac-moi-noi-mot-kieu-294763.html
Nguyễn Mạnh Khải, Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Thị Diễm Hằng
Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội