Báo chí đồng hành phát triển kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới
Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có những trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành - Viện trưởng Viện Khoa học môi trường và Xã hội về vai trò của báo chí, truyền thông đối với phát triển kinh tế tư nhân.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vị trí là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Báo chí cách mạng, đặc biệt là báo chí chuyên ngành kinh tế và môi trường, có vai trò định hướng dư luận, phản ánh thực tiễn khách quan, cổ vũ doanh nghiệp áp dụng mô hình phát triển thân thiện với môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội và chấp hành nghiêm túc pháp luật.
Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có những trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành - Viện trưởng Viện Khoa học môi trường và Xã hội về vai trò của báo chí, truyền thông đối với phát triển kinh tế tư nhân.

Tạo môi trường truyền thông tích cực cho doanh nghiệp tư nhân
Theo ông đánh giá, trước xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì vai trò của báo chí trong phát triển kinh tế tư nhân có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt với bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68 về vấn đề này?
TS Nguyễn Trung Thành: Báo chí Cách mạng Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, góp phần hiện thực hóa các chủ trương lớn của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân. Trong tiến trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, báo chí đóng vai trò then chốt trong việc khơi dậy niềm tin, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và thúc đẩy tư duy đổi mới trong cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Báo chí không chỉ phản ánh thực tiễn sản xuất, kinh doanh, mà còn làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Qua báo chí, tiếng nói của doanh nhân, doanh nghiệp được truyền tải đến các cơ quan hoạch định chính sách, từ đó góp phần hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Báo chí ngày càng trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, khẳng định vị thế trung tâm trong việc đồng hành cùng sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hội nhập và phát triển bền vững.
Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, mở ra một hành trình mới nhằm khơi thông, nâng tầm và giải phóng sức mạnh nội lực trong nền kinh tế Việt Nam. Nghị quyết đã định vị lại vai trò kinh tế tư nhân như một trụ cột quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Ngay trong phần nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên của Nghị quyết 68, Đảng ta khẳng định: “Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và hành động, khơi dậy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sự tự tin, tự cường, tự hào dân tộc của mọi người dân để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân. Các cơ quan truyền thông, báo chí cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin tuyên truyền, bảo đảm khách quan, trung thực, đầy đủ, cổ vũ, lan tỏa những mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, khích lệ tinh thần kinh doanh trong toàn xã hội. Nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân”.
Không phải ngẫu nhiên báo chí được đặt lên hàng đầu trong phần nhiệm vụ của Nghị quyết 68, điều đó thể hiện khi doanh nghiệp cần niềm tin, báo chí không thể đứng ngoài sự thật.
Để xóa bỏ triệt để định kiến và minh bạch hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, thì nhiệm vụ chính của báo chí có phải là dẫn dắt và truyền cảm hứng không, thưa ông?
Báo chí có vai trò đặc biệt trong việc tạo dựng môi trường truyền thông tích cực, góp phần loại bỏ định kiến và rào cản xã hội đối với doanh nghiệp tư nhân. Trong bối cảnh kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vị trí trong nền kinh tế quốc dân, vẫn còn tồn tại những định kiến, sự nghi ngờ hoặc cách nhìn phiến diện về động lực phát triển này. Báo chí cần tích cực lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp về doanh nhân, nêu gương sáng về tinh thần đổi mới sáng tạo, đóng góp xã hội và tuân thủ pháp luật. Đồng thời, báo chí cũng cần mạnh dạn phản ánh những bất cập về thể chế, chính sách hoặc hành vi cản trở doanh nghiệp phát triển, qua đó thúc đẩy quá trình cải cách.
Một môi trường truyền thông tích cực không chỉ là nơi doanh nghiệp được lắng nghe mà còn là nơi các giá trị kinh doanh chính trực, minh bạch và vì cộng đồng được lan tỏa. Báo chí cách mạng, với bản chất nhân văn và định hướng chính trị rõ ràng, hoàn toàn có thể làm tốt vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng và bảo vệ tiếng nói chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Báo chí góp phần định hình văn hóa kinh doanh mới, thúc đẩy khởi nghiệp
Việc lan tỏa câu chuyện thành công của doanh nghiệp tư nhân sẽ có ý nghĩa thế nào trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, thưa ông?
Việc phản ánh các câu chuyện thành công của doanh nghiệp tư nhân trên báo chí có ý nghĩa lớn về mặt chính trị, kinh tế và xã hội. Đây là phương thức hiệu quả để truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin của xã hội đối với khu vực kinh tế tư nhân. Những mô hình kinh doanh sáng tạo, những doanh nhân kiên trì vượt khó và các doanh nghiệp tiên phong trong hội nhập không chỉ thể hiện năng lực phát triển của khu vực tư nhân mà còn chứng minh rằng doanh nghiệp Việt Nam có thể làm chủ công nghệ, mở rộng thị trường và đóng góp cho cộng đồng. Thông qua báo chí, các câu chuyện thành công góp phần tạo động lực cho thế hệ khởi nghiệp, đồng thời khẳng định rằng kinh tế tư nhân là thành phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển đất nước. Bên cạnh đó, việc lan tỏa các tấm gương điển hình còn giúp định hình văn hóa kinh doanh mới, gắn kết giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm xã hội. Đây cũng là căn cứ để Nhà nước tham khảo, hoàn thiện chính sách, hướng đến một môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi và phù hợp với thực tiễn phát triển.
Trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số thì công tác truyền thông cũng phải thay đổi để có nhận diện bản sắc riêng, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, báo chí cần đổi mới toàn diện để đồng hành hiệu quả hơn với khu vực kinh tế tư nhân. Một trong những yêu cầu cấp thiết là chuyển từ tư duy truyền thông một chiều sang mô hình tương tác đa chiều, trong đó người dân và doanh nghiệp được đặt ở vị trí trung tâm. Báo chí cần phát triển các nền tảng số, ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng tính tiếp cận và truyền tải nội dung một cách linh hoạt, hiệu quả. Nội dung báo chí cũng cần được nâng cao về chất lượng, bảo đảm chiều sâu phân tích, có cơ sở khoa học và sát với thực tiễn đời sống kinh tế. Báo chí không chỉ đưa tin mà còn cần có khả năng gợi mở xu hướng, cung cấp tri thức kinh tế, góp phần định hướng chính sách. Để làm được điều đó, đội ngũ nhà báo cần được đào tạo chuyên sâu về kinh tế, công nghệ và kỹ năng truyền thông số. Với sự lãnh đạo của Đảng và sự chủ động đổi mới nội tại, báo chí hoàn toàn có thể phát huy vai trò đồng hành với doanh nghiệp trong thời đại số và hội nhập toàn cầu.
Báo chí cần phản ánh chính xác thành tựu, khó khăn cũng như các vấn đề tồn tại của từng loại hình doanh nghiệp
Theo ông đánh giá, việc đảm bảo minh bạch và công bằng trong phản ánh giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có phải là yếu tố then chốt góp phần cạnh tranh lành mạnh?
Bảo đảm minh bạch và công bằng trong thông tin là nguyên tắc cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam. Trong phản ánh về doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, báo chí cần giữ lập trường khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật và không thiên lệch. Mặc dù có sự khác biệt về chức năng, quy mô và nguồn lực, cả hai khu vực doanh nghiệp đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Báo chí cần phản ánh chính xác thành tựu, khó
khăn cũng như các vấn đề tồn tại của từng loại hình doanh nghiệp, trên tinh thần xây dựng và vì lợi ích chung của đất nước. Việc chỉ ra sai phạm phải dựa trên bằng chứng xác thực và phân tích toàn diện, tránh quy chụp hoặc làm tổn hại uy tín doanh nghiệp chân chính. Mặt khác, báo chí cũng cần kịp thời biểu dương các doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho xã hội, không phân biệt hình thức sở hữu. Khi bảo đảm tính công bằng trong truyền thông, báo chí sẽ tạo dựng được niềm tin xã hội, đồng thời góp phần kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, bình đẳng và có tính cạnh tranh lành mạnh.
Trong bối cảnh hiện nay, cần có cơ chế, chính sách cụ thể gì để phát huy vai trò báo chí với kinh tế tư nhân, thưa ông?
Để báo chí phát huy vai trò trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ tích cực từ cơ chế, chính sách của Nhà nước và sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan. Trước hết, cần ban hành chính sách ưu tiên đặt hàng công đối với các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về doanh nghiệp tư nhân, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việc hỗ trợ tài chính, đào tạo và dữ liệu cho cơ quan báo chí sẽ góp phần nâng cao chất lượng nội dung, bảo đảm thông tin chính xác và có chiều sâu. Bên cạnh đó, cần phát triển đội ngũ nhà báo chuyên trách về kinh tế, am hiểu thị trường, có tư duy phản biện và năng lực tiếp cận thực tiễn. Đồng thời, khuyến khích hợp tác giữa cơ quan báo chí với các tổ chức đại diện doanh nghiệp để hình thành mạng lưới thông tin hai chiều, góp phần thúc đẩy đối thoại chính sách. Đặc biệt, cần đề cao đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội trong hoạt động báo chí, tạo môi trường báo chí lành mạnh, sáng tạo, đúng định hướng chính trị và pháp luật. Khi được hỗ trợ đúng mức, báo chí sẽ thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng hệ sinh thái truyền thông đồng hành cùng phát triển kinh tế tư nhân.
Xin cảm ơn những phân tích sâu sắc của Tiến sĩ Nguyễn Trung Thành đã giúp làm rõ vai trò đặc biệt của báo chí trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và chuyển đổi số toàn diện! Từ góc nhìn khoa học và thực tiễn, những góc nhìn đa chiều đã cho thấy báo chí không chỉ là công cụ tuyên truyền mà còn là lực lượng đồng hành, cổ vũ, giám sát và thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển theo hướng bền vững, trách nhiệm và gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc.
Hải Đăng