Báo chí - Kỳ vọng vào những bước đột phá trong Kỷ nguyên mới
Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025) diễn ra trong bầu không khí rất sôi động và có nhiều thay đổi đáng ghi nhận.
Bối cảnh
Năm 2025 có thể coi là khởi đầu Kỷ nguyên phát triển mới, Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam về mọi mặt. Trong đó có sự đột phá về phát triển kinh tế với mức tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số (từ 10% trở lên) những năm sau. Và để có thể đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm với GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Và, tầm nhìn đến năm 2050, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh với GDP đầu người từ 27.000 đến 32.000 USD.

Chỉ trong thời gian ngắn, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết quan trọng, được Tổng Bí thư Tô Lâm coi là 4 trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, đạt thu nhập cao vào năm 2045. Tổng Bí thư nêu rõ những đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân và Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Những tháng cuối năm 2025 và đầu năm 2026 là thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Chắc chắn báo chí cũng sẽ phải vào cuộc phản ánh được những gì diễn ra trong và sau Đại hôi Đảng các cấp.
Quốc hội cũng đang họp để sửa đổi Hiến pháp 2013 để hoàn thiện chủ trương chính quyền 3 cấp (TW, tỉnh, xã), sát nhập để giảm đơn vị cấp tỉnh, thành phố (còn 34 tỉnh, thành phố) và mở rộng, sát nhập để giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã. Và, còn nhiều nhiều điều thay đổi mà mỗi người dân phải nắm bắt và thực hiện. Các cơ quan Trung ương, kể cả cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng vừa có sự thay đổi tích cực theo hướng giảm nhiều các bộ phận trung gian không cần thiết, sát nhập một số cơ quan để nâng cao hiệu quả hoạt động. Riêng Chính phủ hiện nay chỉ còn 14 Bộ, 3 cơ quan ngang Bộ và 25 thành viên.
Chắc chắn, báo chí cũng không nằm ngoài xu thế đổi mới, thay đổi bứt phá để phù hợp với xu thế chung hiện nay. Đã có nhiều bài báo phân tích về những thay đổi báo chí trong thời gian gần đây, tập trung vào chủ trương sắp xếp hệ thống cơ quan báo chí theo hướng tinh - gọn - mạnh; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, tính hấp dẫn, sức thuyết phục trong công tác thông tin, tuyên truyền của hệ thống báo chí. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã giới thiệu toàn văn và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.
Với quá nhiều sự đổi thay về nhiều lĩnh vực khác nhau, cả đường lối, chính sách, cả cơ cấu hành chính, cả định hướng phát triển trong thời gian ngắn nên cần thêm thời gian để những mặt tích cực, mặt mạnh, cơ hội thể hiện, mặt hạn chế, tiêu cực xuất hiện. Đây sẽ là cơ hội để báo chí vào cuộc phản ánh, nhận xét, có nhiều tin bài/thông tin giúp các cấp các ngành hữu quan kịp thời phát huy hoặc điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả trong phát triển. Vì chưa có nhiều thông tin nên dưới đây chỉ xin trình bày một số điều mong đợi, hy vọng của cá nhân đối với hoạt động báo chí trong thời gian tới.
Đa dạng hóa nguồn thông tin phản ánh trên báo chí
Nguồn thông tin sử dụng để viết báo khá đa dạng, bao gồm thông tin chính thống từ các văn bản quốc tế, quốc gia, của các bài viết của các nguyên thủ, các nhà lãnh dạo tầm thế giới, khu vực, dân tộc, địa phương hoặc từ các buổi họp báo chính thống. Có thể coi đây là nguồn tin có nguồn gốc rõ ràng, có nội dung được bảo đảm độ tin cậy cao. Ở Việt Nam, nguồn tin này thường được khai thác, nhận từ các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các cơ quan có thẩm quyền Trung ương và địa phương.
Các văn bản này thường được các phương tiện thông tin được Đảng và Nhà nước cho phép công bố, ví dụ như Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân chẳng hạn. Thông tin này còn có thể nhận từ các cuộc họp báo của các cơ quan nhà nước thực hiện và một số nguồn chính thống, hợp pháp khác. Kể ra, lắm lúc cũng thấy “chán” vì mở kênh/trang nào cũng có bài với cùng nội dung, đôi khi kênh/trang này dùng bài của kênh/trang khác nhưng suy nghĩ lại thì đây cũng là lẽ thường vì mỗi kênh/trang lại có độc giả riêng. Và như vậy, đăng cùng tin có thể lan tỏa tin rông hơn, đến được với nhiều người hơn.
Nguồn thông tin thứ hai là nguồn tin từ cộng đồng, có thể thu nhận mọi lúc, mọi nơi. Ngồi hàng nước, ngồi cùng nhóm bạn bè hay ra ngoài đường ngắm người, ngắm cảnh hay đọc các trang đại chúng,.. cũng có thể nhận được rất nhiều thông tin nhưng thông tin này còn ẩn chứa rất nhiều sai lệch, không chuẩn xác nên phải kiểm tra lại, xâu chuỗi với các nguồn thông tin từ nguồn khác thì mới sử dụng được. Nhiều nhà báo lớn, nhiều doanh nhân cũng có cách thu thập thông tin kiểu này nhưng phải qua phân tích, chọn lọc kỹ mới sử dụng được.
Nguồn thông tin thứ ba xuất phát từ khảo sát, điều tra, nghiên cứu. Đây là nguồn tin thu được qua quá trình lăn lộn, lao vào tìm hiểu thực tiễn. Để có loại tin này phải đầu tư cả kinh phí, thời gian và cả hợp tác nữa. Vì vậy, nếu ý tưởng điều tra tìm hiểu một vấn đề của nhà báo trùng với ý tưởng của một doanh nghiệp, một mạnh thường quân nào đó thì nhà báo có thể nhận được hỗ trợ đi nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin để hình thành một sản phẩm báo chí như phim tài liệu, phóng sự, bài viết đăng tải trên các phương tiện thông tin. Thường thì các báo, tạp chí lớn hay được tài trợ (kể cả tài trợ của Nhà nước) để thu thập được những thông tin hay và có được sản phẩm báo chí có giá trị.
Đa dạng cách trình bày tin
Thông tin được trình bày trên báo chí dưới nhiều dạng khác nhau nhưng có thể phân loại thành hai nhóm, đó là:
- Đơn giản là thông báo thông tin, ít hoặc không có đánh giá.
- Thông báo và nhận xét đánh giá.
Loại thứ nhất thường được sử dụng đối với tin mới, sốt dẻo, chưa được tiếp cận nguồn tin gốc nhiều nên chỉ đăng lại hoặc đăng thông tin mang tính giới thiệu.

Loại thứ hai, người viết có thể sử dụng tin của người khác nhưng nghiên cứu kỹ hơn để lý giải tại sao sự kiện ấy, câu chuyện ấy xảy ra và đôi khi còn dẫn ra những hệ quả đã hoặc sẽ xuất hiện.
Xin lấy ví dụ, một số bài được đăng trên Tạp chí Kinh tế Môi trường thuộc loại thứ hai khi nói về hiện trạng mảnh đất Giảng Võ vốn là đất thuộc Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (TTTLGV) nhưng bị bỏ không suốt gần 10 năm (từ 2016). Thông tin ban đầu là công trình trên mảnh đất này bị dỡ bỏ/phá dỡ để xây dựng Dự án Trung tâm Thương mại, Dịch vụ, Văn hóa tại số 148 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội (TTTMDV). Tuy nhiên, tôi đã tiến hành nghiên cứu kỹ và viết 4 bài đăng trên Tạp chí Kinh tế Môi trường nói rõ nguyên nhân phá dỡ TTTLGV, nguyên nhân chưa thể xây dựng TTTMDV dẫn đến dất bị bỏ “hoang” gần 10 năm. Sử dụng công cụ kinh tế môi trường, bài cuối trong loạt 4 bài viết này đã chỉ ra lãng phí khi bỏ không mảnh đất “vàng/kim cương” này trong thời gian dài.
Một sự kiện khác được phân tích khá kỹ với nhiều khía cạnh khác nhau và đăng tải trên tạp chí này (bản in), đó là sự kiện đóng cửa hay tạm dừng khai thác Mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh đi kèm với những tác động nhiều mặt tới địa phương dự án. Thú thật, khi viết những bài báo này chúng tôi cũng có băn khoăn, không rõ phản ứng của xã hội ra sao nhưng rồi không thấy có phản hồi nào, kể cả người trong cuộc nên cũng yên tâm.
Tôi nghĩ dạng thứ hai cần được quan tâm hơn, viết nhiều hơn trong thời gian tới. Bởi sẽ có những thay đổi lớn trong quá trình phát triển, nhiều công trình mới được xây dựng, nhiều dịch vụ hành chính đơn giản hơn sẽ được áp dụng để người dân, doanh nghiệp đỡ tốn thời gian công sức tiếp nhận.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có những thách thức, khó khăn phải vượt qua thậm chí phải chống trả quyết liệt sự phá hoại của các thế lực phản động (trong và ngoài nước) và kiểm soát được tệ nạn tham nhũng như một loại giặc “nội xâm” ngay trong lòng xã hội.
Báo chí cũng phải lãnh vai trò quan trọng để bảo vệ nền tảng lý luận của Đảng, bảo vệ Luật pháp, bảo vệ Nhà nước XHCN tươi đẹp của chúng ta và chống lại những biểu hiện tiêu cực có phần gia tăng trong thời gian qua.
Chính vì vậy, trong năm 2025 đã có nhiều giải báo chí quy tụ các nhà báo viết về những thắng lợi của công cuộc xây dựng đất nước và chống lại luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực phản động, chống lại những hiện tượng tiêu cực đã có phần làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Xin lấy hai giải báo chí liên quan đến hai lĩnh vực được phát động năm 2025, đó là:
- Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2025 lần thứ V do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, hạn nhận bài đến hết ngày 15-7-2025.
- Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ năm, năm 2024 - 2025 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức, hạn nhận bài đến ngày 31/7/2025.
Trong số nội dung của Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2025 lần thứ V tôi rất ấn tượng với hai nội dung sau:
“- Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
- Nhận diện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.”
Còn đối với Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ năm có hai nội dung rất đáng được quan tâm:
- “Phát hiện, lên án, đấu tranh, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực; nhất là các hành vi câu kết, móc nối giữa doanh nghiệp với các cán bộ thoái hóa, biến chất nhằm trục lợi cá nhân, những biểu hiện bè phái, cục bộ địa phương và “lợi ích nhóm”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
- Phản ánh, đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm”, tư tưởng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân”.
Và, tự tôi nhận thấy, thật khó tìm được ý tưởng viết để tham gia các giải báo chí này, không hiểu một người như tôi có thể viết được một vài ý nào đó liên quan đến những nội dung trên hay không. Suy ngẫm, tìm tài liệu, tôi nhận thấy có thể xem xét khía cạnh nhận dạng những kẻ có quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam, họ là ai, ở đâu và tại sao họ lại có hành động chống đối như vậy.
Và, họ khai thác những khía cạnh nào trong đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước để xuyên tạc, chống phá, phải chăng trong các chính sách này vẫn còn lỗ hổng nào đó để bọn phản động có thể khai thác?. Đặc biệt, phải tìm hiểu xem những đối tượng nào trong cộng đồng có thể bị lôi kéo, tham gia các hoạt động chống phá và làm thế nào để các đối tượng này hiểu rõ đường lối của Đảng, Nhà nước để không bị kẻ xấu lôi kéo. Hiện tại, tôi vẫn chưa đủ mạnh dạn viết để tham gia nhưng vẫn mong các tác giả khác làm rõ những vấn đề nêu trên, trả lời cho tôi, để tôi và nhiều người hiểu hơn.
Tương tự như vậy, tôi muốn nhận dạng những người dính đến tiêu cực là ai, ở vị trí nào và tại sao họ làm như vậy. Phải chăng quyền lực, tiền bạc có thể kéo ngã những người mắm giữ những vị trí lãnh đạo của Đảng của Nhà nước, mặc dù họ được đào tạo, rèn luyện rất bài bản trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Quả thực, đây là vấn đề khó nhưng nếu có thể viết tôi sẽ chọn viết ra những suy ngẫm của mình, những lý giải của riêng mình liên quan đến các nội dung trên.
Đa dạng nguồn lực thực hiện công tác báo chí
Trước đây, tôi rất “tò mò” về nguồn lực, nguồn kinh phí nào nuôi được hoạt động báo chí, nuôi được các nhà báo. Nếu trong thời kỳ kinh tế bao cấp thì, nhà báo, nếu được vào biên chế của các cơ quan báo chí, sẽ có lương còn các cơ quan báo chí luôn có hỗ trợ từ kinh phí nhà nước, từ ngân sách. Khi ấy, báo, tạp chí chủ yếu là báo in nên các báo, tạp chí cố gắng đăng được những tin mới, có tính độc đáo, tính đại chúng và tính hợp thời (đúng lúc) để có thể bán được nhiều.
Sau này, khi kinh tế Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn còn cơ sở báo chí và nhà báo nhận được hỗ trợ từ ngân sách của nhà nước nhưng đang dần dần chuyển sang tự chủ tài chính, nghĩa là Nhà nước không còn “bao cấp” nữa. Vậy nguồn kinh phí sẽ được huy động từ đâu, tất nhiên là theo cơ chế thị trường, theo quy luật cung cầu.
Sản phẩm của báo chí là thông tin trên thị trường, mà cụ thể là những người có nhu cầu sẽ phải trả để có thông tin. Tuy nhiên, sản phẩm thông tin rất khó đánh giá, chỉ một vài dạng được xét chi trả và chi trả khá nhiều, đó là thông tin quảng cáo nhưng loại thông tin này cũng cần được kiểm chứng chứ không thể quảng cáo không đúng sự thật.

Hiện nay, các đơn vị, cơ sở báo chí nhất là cơ sở tự chủ về tài chính đều có mối liên hệ rất chặt với các doanh nghiệp, tổ chức cần quảng cáo và họ phải chi trả để cơ quan báo chí quảng cáo cho họ trên các tờ báo tờ tạp chí. Cũng có người khá bức xúc vì đang xem chương trình hay lại chèn quảng cáo hay như số trang quảng cáo trên tờ báo Tết chiếm tỷ lệ quá cao. Các nhà báo, nhân viên cơ sở báo chí phải tự tìm kiếm nguồn tài trợ, nhiều người phải lăn lộn kiếm sống bằng nghề khác để nuôi đam mê làm báo.
Trước đây, khi còn là giám đốc một trung tâm rất nhỏ nhưng cũng có cơ sở báo chí đến đề nghị trung tâm gửi đăng quảng cáo, tôi phải hỏi kế toán xem khoản tiền này có được thanh toán không thì được trả lời là “được” nên tôi cũng đôi lần quảnq cáo cho trung tâm mình.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, các công ty thương mại thì có thể tính mức chi quảng cáo theo % doanh thu nên có thể có mức chi khá lớn. Tất nhiên, kinh phí này nhiều khi còn phải dùng để thuê người đóng quảng cáo, lập bản tin quảng cáo chứ không phải chi hết cho cơ quan báo chí đăng tải quảng cáo.
Để hiểu hơn tôi tra trên các trang mạng quốc tế thì nhận được câu trả lời cụ thể hơn, đó là:
- Trong bối cảnh truyền thông, các cơ quan báo chí chủ yếu kiếm thu nhập từ việc bán nội dung tin tức cho nhiều kênh khác nhau như báo, tạp chí và chương trình tin tức truyền hình/radio. Họ cũng tạo ra doanh thu thông qua quảng cáo trên nền tảng của mình và cung cấp các dịch vụ bổ sung.
- Các cơ quan báo chí có thể khai thác, tìm kiếm, thu thập tin tức, đặc biệt là tin tức độc đáo, độc quyền và phân phối cho các phương tiện truyền thông khác, kiếm doanh thu thông qua phí đăng ký hoặc các thỏa thuận khác.
- Giống như phương tiện truyền thông truyền thống, các cơ quan báo chí có thể tạo ra thu nhập bằng cách bán không gian quảng cáo trên nền tảng của họ, chẳng hạn như trên trang báo hoặc trên nền tảng tạp chí của mình (cả bản in hoặc trên bản trực tuyến).
- Một số cơ quan báo chí có thể cung cấp các dịch vụ bổ sung như phân phối ảnh, nghiên cứu hoặc các sản phẩm tin tức chuyên biệt, giúp tăng thêm thu nhập của họ. Các cơ quan báo chí ngày càng khám phá các cách tạo doanh thu trực tiếp từ độc giả thông qua đăng ký, quyên góp hoặc các mô hình thành viên khác.
Có lẽ Việt Nam cũng phải xây dựng cơ chế nào đó rõ ràng hơn, đặc biệt là giảm thuế thu nhập của các cơ quan báo chí như đã được các đại biểu Quốc hội phát biểu để tạo điều kiện cho hoạt động của cơ quan báo chí trong giai đoạn mới, đặc biệt là đối với các cơ quan báo chí hướng tới tự chủ tài chính. Và, chính cơ quan báo chí cũng phải đổi mới hoạt động của mình theo hướng tạo ra thông tin có chất lượng cao, có thể “bán” để có thêm thu nhập trang trải cho hoạt động.
Kết luận
Có quá nhiều thay đổi đã, đang và sẽ diễn ra trong thời gian tới buộc các nhà báo, các cơ quan báo chí phải liên tục cập nhật để kịp thời có thông tin phản ánh được mọi mặt của sự phát triển đất nước, của cuộc sống nhân dân. Mặt khác, chính cơ quan báo chí, nhà báo, người viết báo cũng phải tự đổi mới để thích ứng và phát triển trong thời đại mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam.
Có lẽ, không có con đường nào khác, hoạt động báo chí phải đa dạng theo nhiều hình thưc. Trong đó, đa dạng nguồn tin, đa dạng cách trình bày và đa dạng nguồn lực phục vụ hoạt động báo chí là điều mong đợi của nhiều người và hy vọng sẽ có được những sản phẩm báo chí xứng tầm với thời đại.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ-Ủy viên Hội đồng Biên tập Tạp chí- Trưởng ban Khoa hoc-chính sách.