Thứ bảy, 23/11/2024 01:09 (GMT+7)
Thứ năm, 28/04/2022 20:00 (GMT+7)

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam là “Cánh tay nối dài” của nhà quản lý

Theo dõi KTMT trên

Hội Kinh tế Môi trường đang thể hiện đúng vai trò là "Cánh tay nối dài" của nhà quản lý, mà cụ thể hơn là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mới đây, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã tổ chức thành công "Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi luật Bảo vệ môi trường 2020".

Tại Hội thảo, rất nhiều điểm mới, đáng lưu ý trong Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) 2020 đã được các chuyên gia khách mời chỉ ra; đồng thời, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi áp dụng Luật BVMT 2020 cũng được đưa ra thảo luận cặn kẽ tại Hội thảo.

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam là “Cánh tay nối dài” của nhà quản lý - Ảnh 1
Ông Nguyễn Xuân Quang, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường- Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Thành Long

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Xuân Quang, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) đánh giá cao ý nghĩa của "Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi luật Bảo vệ môi trường 2020" do Trung ương Hội Kinh tế Môi trường  Việt Nam tổ chức.

"Hội thảo là kênh thông tin để kết nối giữa nhà quản lý với doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn môi trường. Giúp doanh nghiệp có cái nhìn sâu sắc hơn và sát với quan điểm và tinh thần bảo vệ môi trường. Hi vọng rằng trong thời gian tới Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp được tốt hơn", ông Quang chia sẻ.

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam là “Cánh tay nối dài” của nhà quản lý - Ảnh 2
TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh: Thành Long

Đồng quan điểm, TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho rằng, Luật BVMT 2020 cùng với các Nghị định, Thông tư có nhiều điểm mới và nó đã đáp ứng được những đòi hỏi của công tác bảo vệ môi trường.

"Do có nhiều điểm mới như vậy nên câu chuyện đặt ra là, làm thế nào để quản lý hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp tốt hơn, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Sẽ có nhiều quy định mới, có thể không thể trình bày hết được trong các văn bản, cho nên việc cần làm là giải thích để doanh nghiệp hiểu rõ, điểm mới đó là cái gì mới là điều quan trọng.

Thông qua "Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi luật Bảo vệ môi trường 2020", hi vọng rằng doanh nghiệp sẽ biết được rằng, để thực hiện Luật BVMT 2020 họ sẽ phải làm cái gì, trách nhiệm của họ đến đâu, quy định bằng văn bản nào, qua đó thực hiện tốt quy định của nhà nước liên quan đến vấn đề môi trường.

Tránh trường hợp chúng ta thực hiện Luật BVMT 2020 nhưng chúng ta không biết được là dự án chúng ta đang làm có vi phạm hay không? Hoặc, quy định của pháp luật đối với dự án đến đâu. Cần phải lưu ý rằng, các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với các đối tượng khác nhau ở những địa điểm khác nhau là khác nhau", ông Tùng phân tích.

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam là “Cánh tay nối dài” của nhà quản lý - Ảnh 3
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Thành Long

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, "Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi luật Bảo vệ môi trường 2020" do Trung ương Hội Kinh tế Môi trường tổ chức sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp với các nhà quản lý cũng như là các chuyên gia về môi trường.

"Các thông tin được chia sẻ tại Hội thảo giúp cho doanh nghiệp có thể hiểu đúng và đủ Luật BVMT 2020 cũng như là chủ trương, chính sách của nhà nước đối với các vấn đề về môi trường. Và ngược lại, thông qua Hội thảo nhà quản lý có thể thấy được những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải khi thực hiện Luật BVMT 2020, qua đó có sự điều chỉnh phù hợp, hoặc có sự hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ đối với môi trường. Nói cách khác, thông qua những buổi Hội thảo như vậy, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đang thể hiện đúng vai trò là "Cánh tay nối dài" của nhà quản lý, mà cụ thể hơn là Bộ Tài nguyên và Môi trường", ông Tiến nhấn mạnh.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14, gồm 16 chương, 171 điều (Giảm 4 chương, tăng 1 điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014). Trong luật bảo vệ môi trường 2020 có nhiều điểm mới so với luật bảo vệ môi trường năm 2014.

Lần đầu tiên, Luật Bảo vệ môi trường ban hành một Mục riêng để quy định về Giấy phép môi trường, được quy định từ Điều 39 đến Điều 49. Theo đó, có 3 nhóm quy định thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường 2020 còn có nhiều điểm mới liên quan đến: nội dung giấy phép môi trường; thẩm quyền cấp giấy phép; căn cứ và thời điểm cấp giấy phép; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép; cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường; quyền, nghĩa vụ của chủ dự án được cấp giấy phép môi trường; trách nhiệm của các cơ quan cấp giấy phép môi trường…

Đặc biệt, Luật cũng quy định kể từ ngày Giấy phép môi trường có hiệu lực, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường thành phần hết hiệu lực.

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam là “Cánh tay nối dài” của nhà quản lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới