Nghĩ về mỗi km đường 'dát' 5 triệu USD
Chính phủ cho rằng, việc chuyển đổi 3 đoạn cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công sẽ đạt “mục tiêu kép”. Khi các dự án này đã xong 74% mặt bằng, có thể khởi công ngay trong tháng 9 tới, đồng thời, đảm bảo dùng vốn ngân sách để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng đó, chuyển sang đầu tư công cũng giúp các dự án khả thi hơn, trong bối cảnh tín dụng ngân hàng cho đầu tư BOT giao thông đã tới ngưỡng giới hạn, khó huy động thêm.
Sáng 19/6, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc chuyển đổi phương thức đầu tư, từ đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước đối với 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và bổ sung vốn đầu tư không quá 23.461 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
Theo báo cáo của Chính phủ, ba dự án trên sẽ khởi công năm 2020, hoàn thành năm 2022. Các dự án sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền để thu hồi vốn Nhà nước, giảm thiểu tác động đến nợ công.
5 dự án còn lại của dự án cao tốc Bắc Nam (gồm các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) sẽ tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP. Nếu đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Quốc hội phê duyệt chuyển 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công. (Ảnh minh họa: TTXVN)) |
5 triệu USD cho một km cao tốc Bắc - Nam
18 liên danh nhà thầu vượt sơ tuyển đầu tư cao tốc Bắc – Nam |
Dự án đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52/2017. Dự án có tổng chiều dài khoảng 654km chia làm 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thành phần đầu tư công và 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tổng mức đầu tư sơ bộ ban đầu khoảng 118.716 tỉ đồng.
Cuối năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) điều chỉnh tổng vốn đầu tư 11 dự án thành phần xuống còn 102.513 tỉ đồng. Đầu tháng 5/2020, khi đề xuất chuyển đổi 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư bằng 100% vốn ngân sách Nhà nước, Bộ GTVT tiếp tục điều chỉnh giảm tổng vốn đầu tư xuống 99.493 tỉ đồng.
Như vậy, sau 2 lần điều chỉnh, tổng vốn dự toán đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam giảm gần 20.000 tỉ đồng khiến dư luận không khỏi băn khoăn, liệu tổng mức đầu tư có bị tính “vống” và giá đầu tư thực để xây dựng 1km cao tốc Bắc - Nam là bao nhiêu, liệu có thể giảm được nữa hay không?
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ GTVT tải phê duyệt, suất vốn đầu tư 1km 4 làn cao tốc Bắc - Nam dự kiến là 115,8 tỉ đồng (khoảng 5 triệu USD) đã bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng công trình cầu, hầm, xử lý nền đất yếu và hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống thu phí điện tử không dừng, đường gom phục vụ dân sinh.
Nếu không tính Dự án Cam Lộ - La Sơn (quy mô 2 làn xe, chiều dài 98,4 km) và Dự án cầu Mỹ Thuận 2 (dài 6,6 km) thì suất vốn đầu tư xây dựng bình quân khoảng 95,6 tỉ đồng/km. Suất đầu tư nêu trên thấp hơn mức 124,985 tỉ đồng/km (chưa gồm chi phí xây dựng cầu và xử lý nền đất yếu) được Bộ Xây dựng công bố tại Quyết định 44/2020.
Tuy nhiên, trả lời báo Thanh niên, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng con số này có thể giảm tiếp.
Theo ông Chủng, tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn đầu mới là khái toán, khi đấu thầu nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ thiết kế, dự toán và đưa ra mức giá thấp hơn mức trần mà Bộ GTVT đưa ra. “Dự án PPP là lời ăn lỗ chịu, nên các nhà đầu tư trúng thầu sẽ phải tính toán rất kỹ, làm đúng giá cam kết ban đầu, nói cách khác, tổng mức đầu tư của các dự án cao tốc Bắc - Nam khi triển khai có thể giảm tiếp so với hiện tại”, PGS.TS Trần Chủng nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông cho hay: Suất đầu tư cao tốc chỉ mang tính chất tham khảo, để các đơn vị căn cứ xây dựng dự toán. Còn suất đầu tư chính thức phải thực hiện các bước khảo sát, thiết kế... mới đưa ra được con số chính thức, vì mỗi còn đường qua các vùng địa hình, địa chất khác nhau, suất đầu tư sẽ khác nhau. Việc so sánh suất đầu tư với các nước lại càng khó, vì quy định, địa chất, nhân công, thiết bị... mỗi quốc gia lại khác nhau.
Các nước phát triển ít sử dụng suất đầu tư, do đa số dự án đường cao tốc kêu gọi đầu tư tư nhân, được đưa ra đấu thầu, đảm bảo cạnh tranh, chất lượng. Với đầu tư công, các nước cũng chỉ dự toán, đặt mục tiêu, sau đó đưa ra đấu thầu để chọn nhà thầu. Còn nước ta đi ngược lại, dự toán suất đầu tư, phê duyệt, sau đó mới đưa ra đấu thầu theo giá đã định. Suất đầu tư đường của ta không thấp, nhưng chất lượng kém hơn, điều này do vấn đề quản lý dự án, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng...
Kiểm soát chặt, tránh tăng nợ công
Đồ họa các đoạn tuyến dự án đường cao tốc Bắc – Nam. (Nguồn: Bộ GTVT) |
Thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế thống nhất chuyển đổi 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 5 dự án thành phần còn lại để nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho dự án.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ nên chuyển đổi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, đối với các dự án còn lại cần tiếp tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, phải kiểm soát chặt chẽ để tránh tăng nợ công. Vị đại biểu này cũng đề nghị Quốc hội cần sớm hoàn thiện Luật PPP, từ đó tạo điều kiện để cho các dự án còn lại có thể kêu gọi đầu tư được PPP và triển khai bằng hình thức PPP hiệu quả.
“Nếu không kêu gọi được đầu tư PPP thì sẽ rất nguy hiểm trong điều kiện nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Nếu chúng ta chậm trễ làm luật PPP sẽ khiến các nhà đầu tư nản lòng, không dám táo bạo đầu tư, trong khi nhân dân không hiểu đúng, thậm chí định kiến với các công trình đầu tư PPP” – ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu.
Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị xem xét, làm rõ tác động và khả năng cân đối vốn trong giai đoạn sau nếu bổ sung 23.461 tỷ đồng vốn nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để chuyển đổi các dự án thành phần từ PPP sang đầu tư bằng vốn đầu tư công trong khi nhu cầu đầu tư các lĩnh vực khác cũng rất cần thiết, cấp bách.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư công: “Tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành”. Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được là dự án quan trọng quốc gia.
Căn cứ nguyên tắc nêu trên, Chính phủ sẽ trình Quốc hội bố trí vốn theo quy định và điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm một cách hợp lý, linh hoạt, hạn chế các tác động đến nợ công và trần nợ công. Bên cạnh đó, các dự án sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền để thu hồi vốn Nhà nước, đây cũng là giải pháp phù hợp để huy động nguồn lực xã hội và giảm thiểu tác động đến nợ công.
“Cao tốc Bắc - Nam lẽ ra làm xong cả chục năm rồi” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam mang lại nhiều lợi ích lớn: 60% dân số được hưởng lợi, kết nối nhiều hạ tầng sân bay, cảng biển, khu du lịch, văn hóa…, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nước nào muốn phát triển đều phải làm đường cao tốc rất nhanh. Đơn cử như Trung Quốc, trung bình 3 năm qua chỉ một tỉnh như Vân Nam hay Quảng Tây làm hơn 2.000 km đường cao tốc trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới mới chỉ có hơn 400 km; hiện vẫn còn hơn 1.300 km đường cao tốc chưa làm, mà lẽ ra với quyết tâm và nguồn lực từ cách đây hàng chục năm đã làm xong. |
Hữu Năm