Trình Quốc hội chuyển 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công
Theo dự kiến, chương trình làm việc của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày mai (9/6), Quốc Hội sẽ xem xét việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Tuý Loan. (Ảnh: Lao động) |
Điều chỉnh phương án đầu tư một số đoạn trên cao tốc Bắc - Nam
Theo dự kiến, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 trước Quốc hội.
Ngay sau khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trình bày tỉ suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra, trước khi các đại biểu quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về nội dung này.
Trước đó, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương điều chỉnh một số dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 từ phương thức đầu tư đối tác công - tư sang đầu tư từ ngân sách nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế về khả năng huy động vốn tín dụng để thực hiện từng dự án đối tác công - tư và có cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Tại phiên họp thứ 45 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (ngày 3/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thống nhất chủ trương chuyển đổi 3/8 dự án thành phần từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công gồm các đoạn Mai Sơn - QL45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
115,8 tỉ đồng cho một km cao tốc Bắc - Nam
Cũng liên quan đến dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT vừa có thông tin chính thức về suất vốn đầu tư cao tốc Bắc Nam. Trong đó, Bộ GTVT khẳng định, suất vốn đầu tư 1km (4 làn xe) của dự án cao tốc Bắc - Nam thấp hơn so với mức công bố tại Quyết định 44/2020 của Bộ Xây dựng.
Bộ GTVT cho biết, dự án đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài khoảng 654 km chia làm 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thành phần đầu tư công và 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tổng mức đầu tư sơ bộ ban đầu khoảng 118.716 tỉ đồng (khoảng 5 triệu USD).
Đến tháng 10/2018, Bộ GTVT đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần dài 653,6km, tổng mức đầu tư 102.513 tỉ đồng (giảm 16.203 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư tại Nghị quyết 52/2017/QH14 của Quốc hội).
Cơ cấu tổng mức đầu tư dự gồm: Chi phí GPMB 11.431 tỉ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 67.922 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và khác 7.782 tỉ đồng; chi phí dự phòng 12.358 tỉ đồng và lãi vay 3.020 tỉ đồng.
Ngày 14/1/2020, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 44 công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2018.
Theo đó, đối với suất vốn đầu tư xây dựng công trình đường ô tô cao tốc 4 làn xe được Bộ Xây dựng chia làm 2 loại (đường ô tô cao tốc và đường ô tô cao tốc chưa bao gồm chi phí xây dựng cầu, xử lý nền đất yếu) tại 3 khu vực (khu vực 1 - các tỉnh khu vực miền Bắc; khu vực 2 - các tỉnh khu vực miền Trung, Tây nguyên; khu vực 3 - các tính khu vực miền Nam).
Cụ thể, tại Quyết định 44/2020, Bộ Xây dựng công bố suất vốn đầu tư xây dựng đường ô tô 4 làn ở khu vực 2 là 157,48 tỉ đồng/km và suất xây dựng đường ô tô 4 làn (chưa bao gồm chi phí xây dựng cầu và xử lý nền đất yếu) ở khu vực 2 là 124,98 tỉ đồng/km.
Theo Bộ Xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng 1 km đường được tính bình quân cho công trình xây dựng mới, phổ biến. Đối với các công trình xây dựng ở khu vực có điều kiện địa hình và điều kiện vận chuyển đặc biệt khó khăn cần có sự tính toán, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Trong khi đó, theo tính toán của Bộ GTVT, dự kiến suất vốn đầu tư 1km (4 làn) cao tốc Bắc - Nam là 115,8 tỉ đồng/km (5 triệu USD) đã bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng công trình cầu, hầm, xử lý nền đất yếu… thấp hơn mức 124,985 tỉ đồng/km (chưa gồm chi phí xây dựng cầu và xử lý nền đất yếu) được Bộ Xây dựng công bố.
Nếu không tính dự án Cam Lộ - La Sơn (quy mô 2 làn xe, dài 98,4 km) và dự án cầu Mỹ Thuận 2 (dài 6,6 km), suất vốn đầu tư xây dựng bình quân cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT phê duyệt chỉ khoảng 95,6 tỉ đồng/km.
“Nếu theo phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc của Bộ Xây dựng ban hành, không tính chi phí giải phóng mặt bằng, lãi vay trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng, suất vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam được Bộ GTVT phê duyệt trên thấp hơn suất đầu tư của Bộ Xây dựng công bố”, Bộ GTVT khẳng định.
Bộ GTVT cho rằng, suất đầu tư cao của Bộ Xây dựng công bố chỉ mang tính chất tương đối để tham chiếu, còn thực tế xây các dự án đường cao tốc còn nhiều yếu tố khác, như: Cầu, cống, xử lý nền đất yếu, cầu vượt và hầm chui dân sinh, nút giao, đường gom, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư, chi phí lãi vay…
Như vậy, báo cáo trước Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ phải làm rõ, tại sao Dự án đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 653km lại có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 118.716 tỉ đồng? Đồng thời lý giải về suất vốn đầu tư xây dựng bình quân của 1 km đường cao tốc Bắc - Nam 115,8 tỉ đồng/km.
Mai Anh