Thứ bảy, 20/04/2024 07:16 (GMT+7)
Thứ tư, 03/06/2020 11:00 (GMT+7)

Khẩn trương lựa chọn phương án đầu tư cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị

Theo dõi KTMT trên

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến việc lựa chọn phương án đầu tư cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị.

Khẩn trương lựa chọn phương án đầu tư cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị - Ảnh 1
Cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị được dự kiến quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 8.743 tỉ đồng

Theo đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp thu ý kiến của các Bộ để tính toán cụ thể các phương án đầu tư đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị.

Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất Thủ tướng hai phương án đầu tư dự án thành phần cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Phương án thứ nhất là dự án sẽ được xây dựng với quy mô 4 làn hoàn chỉnh, nền đường rộng 22m, chiều dài 43 km. Ở phương án này, Tổng mức đầu tư dự kiến là 8.790 tỉ đồng. Trong đó 1.750 tỉ đồng của nhà đầu tư, 1.000 tỉ đồng trích ngân sách tỉnh, ngân sách trung hương hỗ trợ 2.160 tỉ đồng và 3.400 tỉ đồng thuộc về vốn vay thương mại.

Phương án hai, tuyến cao tốc có một đoạn quy mô hai làn xe, nền đường rộng 13,5 m; đoạn còn lại quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17,5 m. Tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng. Trong đó nhà đầu tư 1.600 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 1.000 tỉ đồng, 1.347 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, vốn vay thương mại 2.000 tỉ đồng.

Trước hai phương án trên, Phó thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khả năng hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cho dự án. Chủ động quyết định lựa chọn phương án đầu tư tối ưu phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn, bảo đảm yêu cầu kinh tế - kỹ thuật, hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí và đúng quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đưa ra các ý kiến nhận xét về hai phương án do UBND tỉnh Lạng Sơn đưa ra. Cụ thể, theo Bộ Giao thông Vận tải, phương án thứ nhất có kinh phí đầu tư lớn, việc huy động nguồn vốn đầu tư khó khăn. Tuy nhiên đây cũng là phương án đã được Bộ giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nghiên cứu, lập và được phê duyệt năm 2016.

Còn với phương án hai, nếu thực hiện đầu tư theo phương án này (xây dựng với quy mô nền rộng 17,5m và 13,5m) sẽ ảnh hưởng đến an toàn giao thông giai đoạn mở rộng sau này do tuyến vừa khai thác, vừa mở rộng; mặt khác, để đảm bảo ổn định trong giai đoạn phân kỳ, phải xử lý gia cố mái dốc taluy tại các vị trí đào sâu, đắp cao, khi thực hiện đầu tư mở rộng sẽ khó có khả năng tận dụng, phải xử lý lại.

Do đó, để có thêm cơ sở lựa chọn ra phương án tối ưu, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu bổ sung phương án phân kỳ: giải phóng mặt bằng và đầu tư nền, công trình theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh rộng 22 m; phân kỳ đầu tư mặt đường theo quy mô 17,5 m và 13,5 m như đề xuất của tỉnh Lạng Sơn (tương tự tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn Yên Bái – Lào Cai).

Theo chủ trương đầu tư ban đầu của Bộ Giao thông Vận tải, Cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị được dự kiến quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 8.743 tỉ đồng, sử dụng nguồn vay vốn thương mại từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư.

Tuy nhiên, trước nguy cơ có thể gia tăng nợ công, Thủ tướng đã chấp thuận bổ sung đoạn tuyến này vào dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc nhanh chóng khởi công, đưa vào sử dụng cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị sẽ góp phần phát huy hiệu quả tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang dài 45,8 km và Bắc Giang – Lạng Sơn dài 64 km. Bởi hiện 2 tuyến cao tốc này mặc dù đã hoàn thành nhưng đoạn nối 2 cốc trên vẫn là tuyến Quốc lộ 1 với hai làn xe được cải tạo cách đây hơn 20 năm, đã mãn tải.

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết Khẩn trương lựa chọn phương án đầu tư cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới