Thứ bảy, 27/04/2024 02:01 (GMT+7)
Thứ tư, 08/07/2020 07:11 (GMT+7)

Kỳ vọng giảm phát thải lĩnh vực làm lạnh

Theo dõi KTMT trên

Theo kịch bản tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải cho điều hòa không khí, đến năm 2030, mức tiêu thụ điện có thể giảm khoảng 6,74%, tương đương 2,27 TWh. Lượng phát thải ước tính có thể giảm đến 2,23 triệu tấn khí Các bon.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), hiện nay, nước ta đã và đang thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính và loại trừ các chất làm suy giảm tần ozone, nhằm thực hiện cam kết quốc gia khi tham gia Công ước Vien về bảo vệ tầng ozone và Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Kỳ vọng giảm phát thải lĩnh vực làm lạnh - Ảnh 1
Dòng điều hòa không khí sử dụng công nghệ inverter đang chiếm ưu thế với tỉ lệ 63%. Ảnh: Hoàng Minh

Kịch bản giảm phát thải đến năm 2030 cho điều hòa không khí được đánh giá “khá tham vọng, nhưng vẫn có thể đạt được”. Yêu cầu là các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan, cũng như là cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ tích cực để doanh nghiệp vượt qua các rào cản về tài chính và kỹ thuật. Thêm vào đó là yếu tố chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng và thị trường.

Thực tế đặt ra nhiều thách thức, bởi thị trường điều hòa không khí tại Việt Nam ngày càng tăng cao, song song với nhu cầu sử dụng năng lượng và lượng phát thải từ các môi chất lạnh cũng nhiều hơn. Trong khuôn khổ Dự án xây dựng kế hoạch quản lý hiệu quả lạnh quốc gia (Dự án K-CEP), ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng nhóm Kỹ thuật Dự án cho biết, thị trường điều hòa không khí tại Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình trên 25% hàng năm, với lượng tiêu thụ hơn 2,5 triệu chiếc năm 2019.

Xét về công nghệ tiết kiệm năng lượng, hiện nay, dòng điều hòa không khí sử dụng công nghệ inverter đang chiếm ưu thế với tỉ lệ 63%. Đây là 1 trong 2 tiêu chí được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu khi chọn mua điều hòa không khí gia dụng, bên cạnh yếu tố giá cả.

Về môi chất lạnh, trong tổng số 4.015 sản phẩm điều hòa không khí được lấy mẫu khảo sát, có gần 1/2 sử dụng môi chất ít gây hại môi trường R-32. "Tuy vậy, sản phẩm sử dụng môi chất R-32 lại có giá cao hơn hẳn các sản phẩm sử dụng môi chất khác, khiến ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn của người dùng. Mặt khác, đa số khách hàng cũng không hiểu và quan tâm tới yếu tố này khi mua sắm sản phẩm", ông Hải cho biết.

Xét về mối liên hệ giữa môi chất lạnh và hiệu quả năng lượng, ông Hải cho biết các dòng máy sử dụng công nghệ inverter và môi chất lạnh R-32 có hiệu suất năng lượng (CSPF) vượt trội so với dòng máy inverter khác.

Từ nghiên cứu xu hướng tiêu dùng và công nghệ sản xuất, ông Hải cho rằng, trong vòng 5 năm tới, điều hòa không khí công nghệ inverter môi chất lạnh R-32 sẽ chiếm lĩnh thị trường, tăng từ 88% sản phẩm tiêu thụ hiện nay lên 99% vào năm 2027 và có thể đạt tới 100% vào những năm tiếp theo. Chỉ số CSPF trung bình của điều hòa không khí cũng theo đó được nâng lên từ khoảng 4.8 như hiện nay lên khoảng 5.7 - 6.0 trong vòng 5 năm tới.

Vy Huyền

Bạn đang đọc bài viết Kỳ vọng giảm phát thải lĩnh vực làm lạnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới