Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Cam kết đồng hành với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định, UBND tỉnh sẽ hành động quyết liệt để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân. Chủ tịch tỉnh cam kết đồng hành cùng những khó khăn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X vào tháng 12/2023, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đạt tỷ lệ 95,74% số phiếu đánh giá “tín nhiệm cao”. Ông Trần Văn Lâu được đánh giá là người “dám nghĩ, dám làm” và có những hành động thiết thực, quyết liệt trong khi thực hiện trách nhiệm của mình.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Tạp chí Kinh tế Môi trường có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.
Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp
-Thưa ông, trong nằm 2023, tình hình kinh tế, xã hội Sóc Trăng mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức nhưng rất nhiều tín hiệu tích cực cho kinh tế, xã hội địa phương đã được nêu ra. Cụ thể, tiến độ thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2023 đạt khá. Trong đó, có 9 chỉ tiêu vượt Nghị quyết, 6 chỉ tiêu đạt 100% Nghị quyết, 5 chỉ tiêu chưa đạt Nghị quyết. Xin ông hãy đánh giá tổng quát về những kết quả nổi bật và những khó khăn, hạn chế trong năm 2023 vừa qua?
-Năm 2023 vừa qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là xung đột quân sự giữa Nga – Ucraina ảnh hưởng nhiều mặt đến nền kinh tế thế giới; nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đạt nhiều kết quả tích cực; thể hiện qua 8 điểm nhấn nổi bật như sau:
Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định. Sản xuất và tiêu thụ lúa tốt. Nông dân trúng mùa được giá. Xuất khẩu gạo đạt 410 triệu USD (tăng 22% so với cùng kỳ). Dịch bệnh trong chăn nuôi được kiểm soát tốt.
Thứ hai, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Trong năm, có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tính đến nay, toàn tỉnh có 70 xã nông thôn mới. Có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Ngã Năm, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu).
Thứ ba, hoạt động xuất khẩu dù gặp nhiều khó khăn do thị trường thu hẹp, giá trị giảm 1% so với năm 2022 nhưng vẫn đạt chỉ tiêu Nghị quyết.
Thứ tư, thương mại dịch vụ, du lịch tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 24%. Khách du lịch tăng 3,7%; doanh thu dịch vụ du lịch tăng 4,4%.
Thứ năm, thu ngân sách nhà nước vượt 5,14% dự toán.
Thứ sáu, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai tích cực.
Thứ bảy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ giảm 25%, số người chết giảm 17%, số người bị thương giảm 36%).
Thứ tám, nỗ lực của cả hệ thống chính trị tập trung dồn sức thực hiện hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ giao là: Khởi công Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng vào ngày 17/6/2023 (trước thời hạn được Chính phủ giao là 30/6/2023) và Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tỉnh.
Bên những điểm nhấn, kết quả đã đạt được, Sóc Trăng vẫn còn một số một số khó khăn, hạn chế nhất định.
-Năm vừa qua đã có 2 dự án lớn có tác động đến tỉnh Sóc Trăng đã được khởi công đó là Cầu Đại Ngãi và đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ-Sóc Trăng. Ông đánh giá thế nào về những tác động tích cực của 2 dự án này đến việc phát triển kinh tế xã hội tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh ĐBSCL?
- Đối với tỉnh Sóc Trăng, Cầu Đại Ngãi và đường cao tốc Châu Đốc -Cần Thơ - Sóc Trăng khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ là một yếu tố quan trọng kết nối các tuyến giao thông của tỉnh, tạo động lực để tỉnh thu hút đầu tư Cảng biển Trần Đề, kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực như logistic, công nghiệp, du lịch, đô thị dịch vụ. Qua đó, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân Sóc Trăng, để người dân có điều kiện làm việc và sinh sống tại quê hương mình, không cần phải đi làm ăn xa. Đồng thời, cũng góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của nhân dân trong tỉnh.
Tôi cho rằng, các công trình này không chỉ tạo nên những tác động tích cực đối với tỉnh Sóc Trăng, mà còn là dự án quan trọng để hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, góp phần tạo nên các trục giao thông kết nối trung tâm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng của Vùng, và kết nối với TP.HCM. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết Vùng, thúc đẩy sự hợp tác phát triển của các địa phương, tạo không gian và động lực phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và các tỉnh, thành trong Vùng nói riêng.
-Trong năm 2023, tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Sóc Trăng thành lập và hoạt động rất hiệu quả. Đó là những buổi đối thoại trực tiếp, những cuộc gặp định kỳ của UBND tỉnh mà người đứng đầu là Chủ tịch tỉnh được xem là động lực cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Theo ông, vấn đề cốt lõi nhất giúp các buổi đối thoại này hiệu quả là gì?
- Những buổi đối thoại trực tiếp, những cuộc gặp gỡ định kỳ của lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp là một hoạt động lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm thực hiện, để nắm bắt tình hình hoạt động, lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Từ tháng 5/2023, tỉnh Sóc Trăng đã bắt đầu thực hiện mô hình “Cà phê doanh nghiệp” – là mô hình gặp gỡ, ăn sáng với doanh nghiệp mỗi sáng thứ 7, tuần đầu tiên trong tháng. Trước mắt có thể thấy, mô hình này đã phần nào phát huy hiệu quả, được các doanh nghiệp ủng hộ và đánh giá cao. Do vậy, thời gian tới sẽ được tiếp tục thực hiện.
Để việc tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp phát huy hiệu quả, yếu tố cốt lõi là phải giải quyết, tháo gỡ đến nơi, đến chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của địa phương, tỉnh sẽ tập hợp, nghiên cứu, có kiến nghị đến các cơ quan Trung ương có thẩm quyền, để luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, đóng góp và sự phát triển chung của xã hội.
-Những năm qua, cuộc suy thoái kinh tế khiến cho nhiều doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí rất nhiều công ty giải thể, phá sản. Vậy, tại các cuộc đối thoại, ông đã trao đổi các doanh nghiệp điều gì?
-Do tình hình diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, tình hình kinh tế - xã hội cả nước, của từng địa phương cũng bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức chung mà các địa phương phải đối mặt, thì tỉnh Sóc Trăng vẫn có những điều kiện thuận lợi và các yếu tố, cơ hội để phát triển. Do vậy, để các doanh nghiệp trên địa bàn yên tâm và có chiến lược kinh doanh phù hợp, UBND tỉnh đã thông tin đến các doanh nghiệp về các các định hướng lớn, các phương án phát triển trong Quy hoạch tỉnh và tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ giúp tỉnh Sóc Trăng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đồng thời cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Phát triển xanh là mục tiêu lớn
-Thưa ông, một điểm đáng mừng trong năm 2023 tại Sóc Trăng là các nhu cầu tiêu dùng, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải đã khởi sắc. Theo ông, điều gì đã giúp Sóc Trăng đạt được những con số khá ấn tượng trong mảng du lịch, dịch vụ này?
-Đầu tiên, phải nói đến yếu tố khách quan là ngành du lịch đã và đang vực dậy, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 khi lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các địa phương chứ không riêng đối với tỉnh Sóc Trăng. Hơn nữa, tỉnh được tổ chức, đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch có quy mô lớn thu hút du khách đến tham quan, du lịch và kích cầu tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ như: Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam năm 2023; Liên hoan “Búp sen hồng” khu vực phía Nam, lần thứ 26 năm 2023; Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023; Chương trình giao lưu văn hóa giữa Đoàn văn hóa Ấn Độ - Nhóm ca nhạc Qawwali và tỉnh Sóc Trăng; các giải thi đấu thể thao quốc gia.
Bên cạnh các yếu tố khách quan thì trong năm, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường các hoạt động kích cầu thị trường; đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất - tiêu dùng, hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tạo sức cầu ngày một lớn và ổn định đối với sản phẩm của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư phát triển hệ thống thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Riêng đối với dịch vụ du lịch, tỉnh đã chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch; nâng cao chất lượng phục vụ các cơ sở lưu trú; tăng cường quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch.
Những yếu tố này đã kết hợp với nhau, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh và của khách du lịch đến thăm, lưu trú trên địa bàn, góp phần thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết kinh tế - xã hội năm 2023.
-Hiện nay phát triển kinh tế xanh, du lịch xanh đang là một xu thế tất yếu trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Trong năm 2023, du lịch và các dịch vụ tại Sóc Trăng tăng mạnh, liệu đây có phải là một bước đà thuận lợi cho Sóc Trăng thực hiện mục tiêu kinh tế xanh, du lịch xanh? UBND tỉnh đã có kế hoạch gì, mục tiêu gì về việc này?
-Đối với địa phương chịu nhiều tác động của quá trình biến đổi khí hậu, đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân như tỉnh Sóc Trăng thì từ nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh đã định hướng sự phát triển theo hướng bền vững đối với tất cả các lĩnh vực chứ không riêng về lĩnh vực du lịch. Riêng đối với lĩnh vực du lịch, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là 02 trong số 03 định hướng phát triển của tỉnh Sóc Trăng từ năm 2016. Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng và phát triển 3 cụm du lịch cộng đồng tại ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách) và tại Cù Lao Dung với nhiều dịch vụ về lưu trú, ăn uống, tham quan, trải nghiệm.
Định hướng này cũng được tổng hợp, đưa vào Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023 có mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như du lịch văn hóa, ẩm thực, lễ hội, sinh thái miệt vườn, sinh thái biển.
Với định hướng cụ thể, rõ ràng như vậy, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư, triển khai thực hiện các giải pháp hiệu quả để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, hướng tới mục tiêu phát triển ngành du lịch đã đặt ra.
Tết đến, không ai bị bỏ lại phía sau
-Tết Nguyên đán là thời điểm để mọi người trút đi gánh nặng trong cuộc sống, sum họp gia đình. Vậy tại Sóc Trăng, công tác chăm lo cho người nghèo, gia đình khó khăn, gia đình chính sách, bà con dân tộc trong dịp Tết đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
-Trong những năm qua, mặc dù điều kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy tinh thần uống nước nhớ nguồn cũng như tinh thần tương thân tương ái thông qua các hoạt động chăm lo, hỗ trợ về đời sống vật chất cũng như tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo.
Đặc biệt trong các dịp Tết nguyên đán hằng năm, hoạt động trao tặng các phần quà Tết cho các gia đình chính sách, các đối tượng yếu thế trên địa bàn toàn tỉnh được tổ chức để mỗi hộ gia đình thuộc các đối tượng này đều có phần quà vui Xuân, đón Tết. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, toàn tỉnh đã tổ chức thăm và tặng 188.337 phần quà cho các gia đình chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo, với tổng kinh phí hơn 72 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vận động tài trợ từ các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức.
Hiện tại, để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch thăm, tặng quà Tết, chúc Tết cho các gia đình chính sách, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, với dự kiến kinh phí hơn 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vận động xã hội hóa. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đã báo cáo, đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ gạo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho 236.335 người, với số lượng dự kiến là 3.545.025 kg gạo).
Những hoạt động này nhằm góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, đảm bảo các gia đình chính sách, người có công và các nhóm đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh sẽ có được một mùa xuân an vui, ấm áp. Chúng tôi luôn cố gắng nhất để thực hiện mục tiêu mọi người dân đều có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau
-Nhân dịp Tết Nguyên đán 2024 đến gần, đại diện cho UBND tỉnh, ông muốn nói gì với người dân, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp Sóc Trăng về những quyết tâm của UBND tỉnh trong những năm tới?
-Nhìn lại năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đạt nhiều kết quả tích cực. Có được kết quả này là sự đóng góp, nỗ lực của mỗi một người dân, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Nhân đây, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự đóng góp của mỗi một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cho sự phát triển chung của tỉnh Sóc Trăng.
Trong thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết; hành động quyết liệt để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tôi hy vọng toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ của tỉnh Sóc Trăng sẽ luôn chung sức, đồng lòng, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển, văn minh và giàu đẹp.
Trong không khí hân hoan của Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và một mùa xuân mới đang về, tôi xin kính chúc các Mẹ Việt Nam Anh hùng; các đồng chí lão thành cách mạng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các gia đình có công với cách mạng, cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trong tỉnh, bà con Sóc Trăng đang sinh sống, học tập, lao động ở trong và ngoài nước một năm mới an lành, hạnh phúc, thành công.
Xin cảm ơn ông!
9 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Sóc Trăng
-Với những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2023, vậy UBND tỉnh đã đắt ra những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm gì trong năm 2024?
-Trên cơ sở nhận định đánh giá tình hình và dự báo thời gian tới, UBND tỉnh Sóc Trăng đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chỉ đạo điều hành chủ yếu năm 2024. Trong đó tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Nhiệm vụ quan trọng nhất, ưu tiên hàng đầu là tập trung nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù cho Cảng biển Trần Đề.
Thứ hai, hoàn thành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, để cụ thể hóa và triển khai Quy hoạch.
Thứ ba, quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công (nhất là các công trình trọng điểm), triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ tư, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu, cụm công nghiệp. Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó, cơ quan chức năng đó giải quyết.
Thứ năm, chủ động phòng chống dịch bệnh ở người. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề. Huy động, tạo điều kiện cho học sinh đến lớp.
Thứ sáu, quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Tập trung hoàn thành thủ tục để khởi công ít nhất 2 dự án nhà ở xã hội.
Thứ bảy, theo dõi, nắm bắt, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của xã hội.
Thứ tám, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính. Chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ; thái độ của cán bộ, công chức khi tiếp xúc, làm việc với Nhân dân.
Thứ 9, tăng cường phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.
Nội dung: Văn Chương
Đồ họa: Hải An