Thứ tư, 01/05/2024 16:31 (GMT+7)
Thứ năm, 14/12/2023 17:44 (GMT+7)

Sóc Trăng ứng dụng chuyển đổi số, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

Theo dõi KTMT trên

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng khẳng định, dù năm 2023 tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Vượt qua nhiều thách thức, khó khăn

Theo báo cáo Kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, ngay từ đầu năm 2023, ngành nông nghiệp đã phối hợp với địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp. Theo đó, Sở thường xuyên theo dõi. Thông báo về tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn để người dân chủ động trong sản xuất. Bên cạnh đó, Sở xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp, kế hoạch kịch bản tăng trưởng, tăng cường hỗ trợ, xây dựng các vùng tập trung.

Thực tế cho thấy, những tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, giá cả vật tư đầu vào tăng cao, giá bán nông sản thấp…làm ảnh hưởng đến đời sống bà con nông dân. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các Sở ngành, địa phương sự và bà con nông dân, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp góp phần vào sự tăng trưởng chung của cả tỉnh là 5,77% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 1.500 triệu USD, trong đó, xuất khẩu thủy sản ước đạt 950 triệu USD, gạo ước đạt 410 triệu USD, rau quả đạt 3 triệu USD.

Sóc Trăng ứng dụng chuyển đổi số, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững - Ảnh 1
Năm 2023, tỉnh Sóc Trăng xuống giống được hơn 330.000 ha lúa. Ảnh: Báo Lao động.

Về trồng trọt, toàn tỉnh xuống giống được hơn 330.000 ha lúa, băng 104,22% kế hoạch, thu hoạch sản lượng 2,072 triệu tấn. Trong đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao là 1,92 triệu tấn. Tình hình tiêu thụ lúa khá thuận lợi, giá lúa cũng tăng cao so với những năm gần đây. Diện tích gieo trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày là hơn 47.000 ha; diện tích cây ăn trái gần 29.000 ha, sản lượng 293.345 triệu tấn.

Tổng đàn gia súc của tỉnh là 475.862 con, bằng 130,19% kế hoạch, tăng gần 19% so với cùng kỳ. Diện tích thủy sản thả nuôi là 73.500 hasản lượng trên 375.000 tấn, bằng hơn 103% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tình hình thu mua tôm gặp nhiều khó khăn.

Đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp

Theo đại diện Sở NN&PTNT Sóc Trăng, trong năm, ngành tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất an toàn gắn liên với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Sóc Trăng đã hình thành thêm hơn 11.500 ha diện tích nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ; hỗ trợ thêm 10 mã số vùng trồng trên nhãn; Hỗ trợ và thúc đẩy 4 trang trại nuôi công nghệ cao, 15 hợp tác xã và mô hình THT chăn nuôi; Toàn tỉnh có 49 đơn vị sản xuất ứng dụng thực hành sản xuất tốt (VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP) với diện tích gần 2.000ha.

Sóc Trăng ứng dụng chuyển đổi số, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững - Ảnh 2
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng (bên phải) trao đổi cùng Phóng viên.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương vận động 93 doanh nghiệp, hợp tác xã, đưa 226 sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử soctrangtrade.vn. Trong đó, có 23 sản phẩm là chuỗi cung cứng thực phẩm an toàn và 114 sản phẩm OCOP. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 217 sản phẩm OCOP được chứng nhận (1 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao, 205 sản phẩm 3 sao) của 122 chủ thể là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.

Ngành nông nghiệp tỉnh đã ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất như: Hệ thống bẫy đèn điện tử thông minh vào trong công tác theo dõi; dự báo tình hình dịch bệnh; ứng dụng phun tưới nước tự động trong trồng trọt và thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật; lắp thiết bị hành trình trên tàu cá…

Về công tác quản lý cảng cá Trần Đề, đơn vị đã tổ chức khai thác, vận hành cảng cá 24/24h để phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân. Số tàu thuyền cập, lưu cảng là 19.600 lượt, trong đó có 16.500 tàu khai thác xa bờ. Số phương tiện vận tải qua cảng là 37.000 lượt, lượng hàng hóa qua cảng 157.000 tấn, doanh số thu được 8,7 tỷ đồng.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đánh giá, 2023 được xem là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo tỉnh, ngành nông nghiệp đã đạt được những con số khá tích cực. Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng luôn cố gắng hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Chúng tôi tích cực việc chuyển đổi số, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp. Điều này với mong muốn tạo ra năng suất nông nghiệp cao, sản phẩm sạch và chất lượng nhất.

Về vấn đề này, TS.Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đóng vai trò quan trọng, trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chính vì thế, nhiệm vụ, trọng trách của ngành nông nghiệp rất lớn. “Trong các phiên chất chất tại HĐND tỉnh, tôi rất ấn tượng với ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng. Ông Nhã là người sát việc và nhanh nhạy trong việc chỉ đạo công việc”, TS.Trần Khắc Tâm nhấn mạnh.

Lũy kế toàn tỉnh Sóc Trăng có 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt gần 84%), trong đó có 16 xã nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. 3 đơn vị cấp huyện là thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn huyện nông thông mới. Huyện Châu Thành và huyện Cù Lao Dung hoàn chỉnh hồ sơ gửi Bộ NN&PTNT thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới 2023.

Văn Chương

Bạn đang đọc bài viết Sóc Trăng ứng dụng chuyển đổi số, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.