Doanh nghiệp “xanh”, doanh nhân “xanh” là hạt nhân của phát triển bền vững
Việt Nam trong hành trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, để đạt đến các mục tiêu này là cả một chặng đường gian nan với rất nhiều thử thách.
Từ cam kết đến hành động
Phát triển bền vững ngày càng trở thành một chủ đề lớn, thu hút sự quan tâm của tất cả các quốc gia không chỉ riêng Việt Nam. Các quốc gia trên toàn cầu đã và đang hiểu ra rằng, phát triển bền vững không phải là lựa chọn mà là cái đích phải đến. Chỉ là quốc gia nào đến trước, đến sau mà thôi.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của chúng ta đã có sự quyết tâm với các hành động quyết liệt, thiết thực để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Cách đây không lâu, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ tranh thủ các nguồn lực trong nước, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là của các nước phát triển, về tài chính và công nghệ, kể cả thông qua các cơ chế trong khuôn khổ Hiệp định Paris, để đạt được mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050…”.
Có thể nói, trong gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại COP26, chúng ta là một trong số những dất nước đã có các hành động thiết thực để thực hiện cam kết đó ngay lập tức. Bởi ngay sau khi COP26 kết thúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26; phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; đồng thời, đưa ra lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…
Và sau đó, tại COP27 diễn ra thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (khi đó còn là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường) dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tiếp tục khẳng định lại cam kết đưa mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết được đưa ra tại COP26. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Việt Nam coi vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là chủ trương nhất quán và là mô hình kinh tế mà Việt Nam lựa chọn.
Có thể thấy, rất nhiều lần Việt Nam đã khảng định quyết tâm của mình trước thế giới về việc chuyển đổi xanh để hướng đến phát triển bền vững. Và con số phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 sẽ là kết quả cụ thể nhất mà chúng ta sẽ chứng minh trước thế giới.
Cần một thế hệ doanh nhân “xanh”
Tôi cho rằng, một “mắt xích” nhỏ trong việc phát triển kinh tế ở Việt Nam có đạt được mục tiêu bền vững hay không chính là phải có một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững với những doanh nhân có quan niệm, lý tưởng bền vững.
Trong việc phát triển bền vững, doanh nghiệp xanh chính là tế bào tạo nên nền kinh tế xanh. Và trong mỗi doanh nghiệp, ý chí của người đứng đầu chính là định hướng để doanh nghiệp đó phát triển như thế nào. Điều mà tôi cảm thấy rất đáng mừng là trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các tập đoàn lớn đã bắt đầu có những bước chuyển đổi xanh để hướng đến sự bền vững.
Trước đây, không ít doanh nghiệp Việt chú trọng sự phát triển “nóng”, hoạt động theo kiểu “ăn xổi”. Họ chỉ chăm chăm kiếm tiền mà quên mất việc bảo vệ môi trường, quên mất trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Và rồi, họ tự đào thải họ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có lẽ những quan điểm và cách phát triển như thế không còn “đất sống” nữa. Các doanh nghiệp đã biết nắm bắt các cơ hội kinh doanh, đổi mới sáng tạo, áp dụng những mô hình kinh doanh tiên tiến, đặc biệt là các giải pháp kinh doanh bền vững, để thu được những lợi ích lâu dài, thay vì chỉ hoạt động theo những cái lợi trước mắt.
Hiện nay, các kênh thông tin truyền thông như báo, đài hoặc trên thị trường, chúng ta nghe thấy quảng cáo nhiều dịch vụ xanh, sản phẩm xanh, sản phẩm sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường… Ngoài chất lượng sản phẩm là điều tiên quyết thì khách hàng, người tiêu dùng họ sẽ đánh giá sản phẩm này có thân thiện với môi trường, doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm với môi trường. Hoặc các cuộc vinh danh doanh nghiệp phát triển bền vững có rất nhiều doanh nghiệp được xướng tên.
Điều đó cho thấy, ngoài việc “tự ngấm” cái văn hóa bảo vệ môi trường thì doanh nghiệp họ hiểu ra rằng, chỉ có phát triển bền vững mới giúp doanh nghiệp của họ trụ vững trên thương trường. Và chỉ có con đường phát triển bền vững mới giúp họ có thể vươn tầm ra thế giới. Rõ ràng, các quy định xuất khẩu của nhiều nước khó tính họ đều có chỉ số liên quan đến bảo vệ môi trường.
Tôi đã trò chuyện với rất nhiều doanh nhân ở các tập đoàn lớn trên địa bàn cả nước. Trong các câu chuyện, những doanh nhân này đều khẳng định rằng, chỉ có kinh doanh bền vững mới giúp doanh nghiệp tăng cường nội lực, nâng cao vị thế và chiếm được niềm tin của cơ quan quản lý, khách hàng, các nhà đầu tư. Và đặc biệt, chỉ có kinh doanh bền vững mới giúp họ có thể hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn. Tôi cho rằng, đối với doanh nghiệp, sứ mệnh hiện tại không chỉ là tạo ra sản phẩm phục vụ khách hàng; không chỉ là nộp thuế đầy đủ; không chỉ là làm giàu mà cao cả hơn hết là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường.
Vào tháng 12/2023, thông tin tỉnh Quảng Bình thu về 82,4 tỉ đồng trong năm 2023 từ việc bán tín chỉ carbon của rừng là một con số vô cùng ấn tượng và tích cực. Tôi cho rằng, điều đáng mừng ở đây không chỉ ở số tiền hơn 82 tỷ đồng mà nó nằm ở ý nghĩa sâu xa hơn. Có nghĩa là Quảng Bình sẽ có được nguồn thu lâu dài hằng năm từ việc bán tín chỉ carbon. Số tiền đó sẽ quay về với cá nhân người bảo vệ rừng, các hộ gia đình, cộng đồng, tổ chức trực tiếp. Và, cuối cùng, người dân nơi đây sẽ được sống trong một bầu không khí trong lành khi rừng sẽ mọc lên ngày một nhiều. Đây cũng là một hướng đi “xanh” mà các địa phương nên nhìn nhận.
Tôi xin nhắc lại một lần nữa, phát triển bền vững hiện nay không còn là lựa chọn nữa mà nó phải là con đường tất yếu. Ngoài các chính sách lớn, sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ thì rất cần một thế hệ doanh nghiệp “xanh”, doanh nhân “xanh” với những ý tưởng xanh, mô hình xanh, sản phẩm xanh. Với sự quyết tâm cao độ đó, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ về đích vào năm 2050 với cam kết Netzero.
Nội dung: TS.Trần Khắc Tâm
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng
Đồ họa: Hải An