TS.Trần Khắc Tâm: “Là đại biểu dân cử không được né tránh, ngại “va chạm”
TS.Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng nói rằng, trong việc công, nếu nể nang, né tránh sẽ không làm tròn trách nhiệm là người đại biểu của nhân dân.
Chiều ngày 29/5, tại Hội trường Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X tổ chức kỳ họp thứ 14 (chuyên đề). Kỳ họp này, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về tờ trình, dự thảo nghị quyết thông qua biện pháp và mức chi hỗ trợ khác có tính chất đặc thù khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh.
Tại kỳ họp này, TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng tham gia với vai trò Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Được biết, ông Tâm là người có những ý kiến chất vấn, phản biện rất thẳng thắn tại nghị trường Quốc hội khóa XIII và các nhiệm kỳ HĐND tỉnh Sóc Trăng. Bên lề kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X, ông Tâm đã có chia sẻ nhanh với phóng viên về những tâm huyết trong công việc ông đang làm.
-Thưa TS.Trần Khắc Tâm, từng là một ĐBQH và hiện nay đang là Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, những công việc này đã cho ông những trải nghiệm cũng như trách nhiệm như thế nào?
-Tôi có vinh dự từng một nhiệm kỳ làm Đại biểu Quốc hội (Khóa XIII) và nhiều năm nay làm đại biểu HĐND tỉnh. Khi làm ĐBQH, tôi còn rất trẻ, kinh nghiệm chưa có nhiều, khi đến nghị trường thì nghĩ sao nói vậy. Từ chuyện củ hành tím, con tôm, cây lúa, người dân một nắng hai sương cực nhọc làm ra mà được mùa rớt giá, tôi cũng mang đến phản ánh với Quốc hội; rồi chuyện nền hành chính chậm được cải thiện, doanh nghiệp và người dân vẫn bị nhũng nhiễu khi có việc cần đến “cửa quan”, tôi cũng nói ở nghị trường.
Với công việc là đại biểu dân cử địa phương thì những chuyện gần gũi hơn, từ hẻm phố, con đường, lò đốt rác, cát tặc…, thấy gì cần nói là tôi lên tiếng. Vậy thì những thông tin này tôi thu lượm từ đâu? Là tôi lắng nghe từ cuộc sống, không chỉ “xuân thu nhị kỳ” đi tiếp xúc cử tri, mà từ công việc hàng ngày của người doanh nhân tiếp xúc với khách hàng, đối tác. Hay đó là những buổi tối buổi sớm tôi đi tập thể dục cùng cô bác xóm giềng, khu phố; rồi quá trình công tác ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ở Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi có nhiều kênh để lắng nghe, thu lượm, chia sẻ, lên tiếng. Tôi quan niệm, thời gian của người đại biểu của dân là 24/24h, trong mọi khoảnh khắc làm việc, giao tiếp, trao đổi hàng ngày với các tầng lớp xã hội khác nhau, mình lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và bày tỏ.
-Ông được đánh giá là đại biểu luôn có các ý kiến, câu hỏi “hóc búa”đối với các cơ quan chức năng. Vậy, khi đưa ra những vấn đề đó, ông có sợ sẽ “mất lòng” các lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành?
-Tôi nghĩ rằng, câu chuyện, việc công, vấn đề có “hóc búa” hay không là do tình hình thực tại, cách xử lý của cơ quan chức năng, chứ không phải là do ông đại biểu “bắt giò” hay cố ý gây ra. Tỗi nghĩ rằng mình là người đại biểu của dân thì ý kiến, nguyện vọng, tâm tư của dân sao thì mình nói vậy. Tất cả vì cái chung chứ đâu phải vì cá nhân mình với lãnh đạo ngành này, ngành nọ mà sợ mất lòng. Cái khó đến mấy, khi nêu ra, có phương pháp, quyết tâm giải quyết thì vẫn làm được, cuối cùng là vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước, mình đâu có tư lợi mà ngại.
-Đưa ra những vấn đề rất nhạy cảm, ông có sợ sẽ “va chạm” với lãnh đạo sở ngành. Và có thể trong đó có cả những người bạn bè của mình?
-Trong thời gian làm Đại biểu Quốc hội cho đến hiện tại là Đại biểu HĐND tỉnh, cũng có nhiều ý kiến hỏi tôi rằng, việc chất vấn một cách gay gắt có sợ mất lòng, “va chạm” với các Sở, ngành hoặc UBND tỉnh không? Thú thực, trên “công đường”, tôi cho mọi việc chất vấn là việc công, việc chung. Ngoài đời thì lãnh đạo ngành này, ngành kia nhiều khi là anh em, bạn bè của tôi hoặc chí ít cũng là người mình biết, có giao tiếp với nhau. Nói sợ mất lòng thì mình không sợ, trong câu chuyện này không có cá nhân, không có tư lợi. Nhưng quan hệ xã hội thì mình có tình cảm, có giao tiếp, nên cũng có cân nhắc chứ.
Có những việc mình tiết chế, anh em đồng chí góp ý với nhau trên tinh thần xây dựng, cái gì nói riêng được thì nói, cùng lắm thì mới lên tiếng công khai. Tất nhiên, giữa quan hệ cá nhân với công việc chung thì mình phải lấy việc chung làm trọng, có rơi vào hoàn cảnh “trái ngang” cũng đành phải chấp nhận thôi. Bởi nếu mình nể nang, né tránh, “ngại va chạm” thì sẽ không làm tròn trách nhiệm là người đại biểu của nhân dân.
Tôi nghĩ khi mình thẳng thắn, đặc biệt có những chuyện mình phê bình thì chắc chắn sẽ có sự mất lòng. Nhưng tôi chưa thấy lãnh đạo ban, ngành nào công khai chuyện này, bởi chắc chẳn, việc nói ra vấn đề này cũng rất tế nhị.
-Thưa ông, vậy khi các đại biểu HĐND góp ý, đưa ra ý kiến phản biện, việc tiếp thu tại các cơ quan chức năng được thực hiện như thế nào?
-Tại kỳ họp HĐND gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu có tâm sự rất chân tình là mong muốn các Đại biểu HĐND tăng cường giám sát, phản biện, phát biểu ý kiến cho các cơ quan, sở, ngành thuộc UBND. Đồng chí Chủ tịch UBND cho rằng, chính những phản biện, góp ý đúng đắn, chính xác của đại biểu HĐND sẽ giúp các cơ quan chức năng hoàn thiện, nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ nhìn ra những việc đã làm được, chưa làm được theo chức phận của mình để rút kinh nghiệm, khắc phục những yếu kém, bất cập và phát huy thành tích.
Tôi đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến phản biện của các đại biểu HĐND của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh. Đặc biệt, dưới sự sát sao của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, các vấn đề phản ánh, vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp thông qua đại biểu dân cử đã được nắm bắt và nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ.
Xin cảm ơn ông!
Văn Chương (Thực hiện)