Sóc Trăng thông qua nghị quyết mức chi hỗ trợ tính chất đặc thù ở 2 dự án lớn
HĐND tỉnh SÓc Trăng đã biểu quyết thông qua biện pháp và mức hỗ trợ có tính chất đặc thù khi thu hồi đất thực hiện hai dự án lớn trên địa bàn.
Cơ sở để giải quyết khó khăn về đền bù, GPMB
Chiều ngày 29/5, tại Hội trường Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X tổ chức kỳ họp thứ 14 (chuyên đề). Chủ tọa kỳ họp gồm các đồng chí: Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Hiểu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Dự kỳ họp có các đồng chí: Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành; đại biểu HĐND tỉnh khóa X.
Được biết, tại kỳ họp thứ 14, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận, cho ý kiến về tờ trình, dự thảo nghị quyết thông qua biện pháp và mức chi hỗ trợ khác có tính chất đặc thù khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh.
Sau khi thảo luận trên cơ sở quy định pháp luật và tình hình thực tiễn, 100% đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua nghị quyết về biện pháp và mức chi hỗ trợ khác có tính chất đặc thù khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện hai dự án nêu trên.
Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng khẳng định, Nghị quyết được thông qua là cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện khởi công các công trình, dự án đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai nghị quyết, bảo đảm đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng, được Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ và Ủy ban nhân dân các tỉnh An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng làm cơ quan nhà nước thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án thành phần đi qua địa phận các tỉnh, thành phố dự án.
Dự án gồm 4 thành phần: Dự án thành phần 1 trên địa bàn tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ có chiều dài hơn 57 km, tổng mức đầu tư ước 13.800 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn TP. Cần Thơ, chiều dài hơn 37 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, chiều dài khoảng 37 km, tổng mức đầu tư dự tính hơn 9.900 tỷ đồng; Dự án thành phần 4 trên địa bàn hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, chiều dài 57 km, tổng mức đầu tư hơn 11.100 tỷ đồng.
Trong khi đó, Dự án cầu Đại Ngãi được xây dựng trên quốc lộ 60, nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Đây là trục giao thông chính, quan trọng ven biển các tỉnh miền Tây. Toàn tuyến có chiều dài 15,1km, 5 nút giao, 7 cầu. Trong đó, 5 cầu kết cấu nhịp đơn giản, 2 cầu lớn vượt sông Hậu dài khoảng 3,5km là Đại Ngãi 1 (cầu dây văng qua luồng Định An), Đại Ngãi 2 (cầu đúc hẫng cân bằng qua luồng Trần Đề).
Minh bạch và công bằng hơn
Trao đổi về vấn đề này, TS.Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, Kỳ họp HĐND tỉnh được triệu tập chủ yếu để thông qua Tờ trình về biện pháp và mức chi hỗ trợ khác có tính chất đặc thù khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện 02 Dự án (là Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng). Việc hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án có ý nghĩa rất đặc biệt. Điều này chính là thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, của chính quyền địa phương đến cuộc sống của Nhân dân nhằm bù đắp, hỗ trợ một phần đời sống cho người có đất bị thu hồi mà theo luật định, khi Nhà nước thu hồi đất, họ không được bồi thường, hỗ trợ nhà, công trình trên đất theo quy định.
“Qua tiếp xúc và thông tin từ cử tri, tôi được biết thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cũng đã quyết định chính sách hỗ trợ khác khi trên địa bàn tỉnh triển khai các công trình, dự án như: Dự án Khu văn hóa Tín ngưỡng Giếng Tiên và Cụm Công nghiệp Xây Đá B tại huyện Châu Thành; Dự án Khu công nghiệp Trần Đề; Dự án đầu tư xây dựng Tuyến đường trục phát triển kinh tế từ thành phố Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng trọng điểm tôm lúa tỉnh Sóc Trăng; gần đây là Dự án Khu tái định cư huyện Kế Sách, Cụm công nghiệp An Lạc thôn 1; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy đến huyện Châu Thành; Dự án đầu tư xây dựng công trình đường nối từ Quốc lộ 60 đến Quốc lộ Nam Sông Hậu, huyện Long Phú; …. và nhiều công trình, dự án trên địa bàn các huyện thị xã)”, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm thông tin.
Theo vị này, tại Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương. Theo như quy định trên, căn cứ tình hình thực tiễn của Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có thể quyết định biện pháp hỗ trợ khác theo như thẩm quyền được giao tại Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ để áp dụng đối với 2 công trình, dự án này; không nhất thiết phải triệu tập họp HĐND chuyên đề để thông qua và chỉ áp dụng cho 2 dự án. Ông Tâm nhấn mạnh: “Nếu làm như vậy, Tôi nghĩ trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng; việc áp dụng chính sách hỗ trợ đối với 2 dự án này sẽ được triển khai nhanh chóng, kịp thời hơn và cũng đúng thẩm quyền hơn mà không cần phải trình để thông qua HĐND tỉnh tại kỳ họp. Tuy nhiên, khi đã trình ra HDND tỉnh, tôi hoàn toàn ủng hộ. Vì đây là việc làm, chủ trương vì quyền lợi của người dân”.
Ngoài ra, TS.Trần Khắc Tâm cho rằng, nên có một chính sách hỗ trợ đặc thù áp dụng chung cho tất cả các công trình, dự án khi triển khai trên địa bàn tỉnh. Điều này sẽ tạo tính minh bạch, sự công bằng và đảm bảo hài hòa hơn về lợi ích của các bên khi thu hồi đất. Đồng thời, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện, khiếu nại; đẩy nhanh tiến độ triển khai nhất là các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Văn Chương