Thứ tư, 16/07/2025 18:09 (GMT+7)
Chủ nhật, 29/06/2025 05:38 (GMT+7)

Chiến lược để Lào Cai (mới) chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các cơ chế tài chính carbon như thị trường tín chỉ carbon trở thành công cụ kinh tế quan trọng nhằm thúc đẩy các hành vi phát triển xanh.

Lời tòa soạn:

Ngày 24/1/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Mục tiêu chung của Đề án nhằm phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), với chi phí thấp, đồng thời tạo nguồn tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải. Cùng với đó thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, phát triển kinh tế carbon thấp và ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Tại Việt Nam, hành trình xây dựng thị trường carbon đã có những bước đi đầu tiên với việc hình thành các khung pháp lý quan trọng. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức ghi nhận sự tồn tại của thị trường carbon; Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định lộ trình và cơ chế vận hành hệ thống giao dịch phát thải trong nước.

Tuy nhiên, thị trường tín chỉ carbon ở nước ta vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Dù có tiềm năng lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp và xử lý chất thải, nhưng thị trường này chưa được định hình đầy đủ, các hoạt động còn manh mún, thiếu sự kết nối.

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: Những vấn đề đặt ra trong Chuyên đề của Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã hướng tới giải quyết các nhiệm vụ hệ trọng nêu trên. Việc hoàn thiện cơ chế pháp lý, quy chuẩn kỹ thuật, cũng như nâng cao nhận thức và năng lực cho các bên liên quan sẽ giúp các địa phương, doanh nghiệp tận dụng tối đa tiềm năng từ thị trường tín chỉ carbon, không chỉ đóng góp vào bảo vệ môi trường mà còn mở ra những cơ hội kinh tế mới cho đất nước. Đặc biệt, đối với vùng kinh tế trọng điểm cực Bắc như Lào Cai (sau khi sáp nhập Yên Bái) – với lợi thế rừng tự nhiên phong phú, công nghiệp nặng đang chuyển đổi, và định hướng xuất khẩu sang châu Âu – cần sớm có chiến lược để chủ động tham gia và hưởng lợi từ thị trường này. 

Quan điểm mang tính chiến lược của Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã xây dựng nên hướng mở từ thực tế khó khăn của thị trường tín chỉ carbon, qua đó, tìm câu trả lời cho 3 thách thức của thị trường này tại Lào Cai, đó là: định hướng chính sách trên cơ sở khung pháp lý, các công nghệ chuyển đổi tín chỉ carbon và chi phí chứng nhận tín chỉ carbon.

Tạp chí Kinh tế Môi trường xin trân trọng giới thiệu Bài 4 (trong Chuyên đề định vị trục kinh tế bền vững cho Lào Cai mới) của TS, Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp về Chiến lược để Lào Cai chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Chiến lược để Lào Cai (mới) chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 1

Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp

Chiến lược để Lào Cai (mới) chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 2

I. Tầm nhìn và mục tiêu đến năm 2030

1. Tầm nhìn:

Đến năm 2030, Lào Cai mới trở thành trung tâm vùng Tây Bắc về sản xuất, giao dịch và quản lý tín chỉ carbon từ tài nguyên tự nhiên và công nghiệp phát thải thấp, tiếp cận hiệu quả thị trường quốc gia và quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Xây dựng Trung tâm tín chỉ carbon Tây Bắc đặt tại Văn Bàn hoặc Trấn Yên.

- Giao dịch thành công ít nhất 1 triệu tín chỉ/năm từ rừng, nông nghiệp và xử lý công nghiệp.

- 30% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp áp dụng cơ chế MRV (đo lường – báo cáo – xác minh).

- Phát triển ít nhất 5 dự án carbon chất lượng cao được công nhận quốc tế (VERRA, Gold Standard, JCM...).

II. Cơ sở khoa học và thực tiễn

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon tại tỉnh Lào Cai mới không chỉ xuất phát từ định hướng quốc gia và xu thế toàn cầu, mà còn có cơ sở khoa học, thực tiễn và pháp lý rõ ràng. Các yếu tố sau đây là nền tảng để tỉnh có thể chủ động xây dựng chiến lược tham gia thị trường carbon trong giai đoạn 2025–2030.

1. Tài nguyên rừng – Lợi thế nền tảng để phát triển tín chỉ carbon tự nhiên

Lào Cai – Yên Bái sau sáp nhập có tổng diện tích rừng khoảng 540.000 ha, tỷ lệ che phủ trên 63%, phần lớn là rừng tự nhiên và rừng trồng có khả năng hấp thụ CO₂ cao. Đây là điều kiện tiên quyết để triển khai các cơ chế tín chỉ carbon sinh học như REDD+ (giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng) hoặc AR-CDM (trồng rừng nhằm phát triển sạch). Theo phân tích từ Global Forest Watch, chỉ riêng năm 2024, tỉnh Lào Cai đã mất khoảng 1.550 ha rừng, tương đương lượng phát thải 562.000 tấn CO₂ – cho thấy tiềm năng lớn trong việc cải thiện, phục hồi và “biến rừng thành tài sản carbon”.

Việc phát triển tín chỉ carbon từ rừng có thể mang lại giá trị tài chính rõ rệt: trung bình mỗi ha rừng được bảo tồn hoặc tái sinh có thể tạo ra 50–100 tCO₂ tín chỉ mỗi năm, với giá trị dao động từ 5–20 USD/tCO₂ trên thị trường quốc tế. Như vậy, nếu khai thác hiệu quả chỉ 10% diện tích rừng hiện có, Lào Cai có thể thu về hàng chục triệu USD/năm từ thị trường tín chỉ carbon tự nguyện.

2. Áp lực từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và yêu cầu chuyển đổi công nghiệp

Bên cạnh tài nguyên sinh học, Lào Cai hiện đang là trung tâm công nghiệp nặng của vùng Tây Bắc với nhiều nhà máy luyện kim, hóa chất và xi măng – thuộc nhóm ngành chịu sự điều chỉnh trực tiếp từ CBAM của Liên minh châu Âu. Cơ chế này, bắt đầu áp dụng từ tháng 10/2023 và sẽ thực thi đầy đủ từ năm 2026, yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải chứng minh lượng phát thải trong suốt vòng đời sản phẩm, nếu không sẽ bị áp thuế carbon tại cửa khẩu EU.

Theo các phân tích của Cục Xuất nhập khẩu và Báo Công Thương, CBAM có thể khiến giá trị xuất khẩu các sản phẩm như thép, xi măng, nhôm từ Việt Nam giảm từ 4–5%, và tác động lên 0,8–1% tổng sản lượng ngành. Đối với tỉnh Lào Cai – nơi có nhiều cơ sở luyện kim như phốt pho vàng, gang thép Tằng Loỏng, điều này là cảnh báo rõ ràng. Chỉ khi áp dụng đầy đủ cơ chế đo lường – báo cáo – xác minh phát thải (MRV), doanh nghiệp mới có thể xây dựng hồ sơ sản phẩm carbon thấp, qua đó duy trì được năng lực cạnh tranh quốc tế.

3. Kết quả triển khai thị trường carbon cấp quốc gia – cơ sở nhân rộng xuống địa phương

Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc hình thành thị trường tín chỉ carbon. Giai đoạn 2018–2019, thông qua cơ chế REDD+ do World Bank tài trợ, Việt Nam đã giao dịch thành công hơn 10,3 triệu tCO₂ và thu về 51,5 triệu USD. Dự kiến trong giai đoạn 2025–2030, Việt Nam có thể phát hành khoảng 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương giá trị hơn 300 triệu USD nếu giao dịch thành công.

Đây là tiền đề để các địa phương như Lào Cai có thể áp dụng mô hình tương tự. Với lợi thế rừng lớn, công nghiệp phát thải cao cần chuyển đổi và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tỉnh hoàn toàn có thể xây dựng chuỗi dự án carbon độc lập, kết nối với thị trường giao dịch quốc gia (dự kiến đi vào vận hành qua Sở Giao dịch HNX năm 2028), hoặc thị trường quốc tế thông qua các tiêu chuẩn như VERRA, Gold Standard.

4. Thách thức thực thi: năng lực đo lường – báo cáo – xác minh phát thải (MRV) và hệ thống pháp lý địa phương

Dù tiềm năng lớn, song thực tế cho thấy vẫn còn khoảng 30% diện tích rừng tại Việt Nam chưa đủ điều kiện phát hành tín chỉ carbon do thiếu dữ liệu định lượng, hệ thống MRV chưa hoàn chỉnh, và sự phối hợp giữa các cấp còn lỏng lẻo. Lào Cai cũng không ngoại lệ khi hiện chưa có bộ phận chuyên trách quản lý tín chỉ carbon, chưa triển khai thống kê chính xác phát thải từ công nghiệp – giao thông – rác thải.

Do đó, muốn phát hành được tín chỉ carbon có giá trị, tỉnh cần đầu tư bài bản vào thiết lập cơ sở dữ liệu về phát thải, hệ thống giám sát rừng qua vệ tinh, phần mềm MRV cấp tỉnh và tập huấn cho doanh nghiệp.

5. Cơ hội từ hợp tác quốc tế và tài chính khí hậu

Bên cạnh thị trường nội địa, các tổ chức quốc tế như ADB, WB, UNDP, JICA và thậm chí các tập đoàn đa quốc gia như Amazon, ENI đã thể hiện sự quan tâm lớn đến thị trường tín chỉ carbon Việt Nam.

Thông qua các cơ chế như JCM (cơ chế tín dụng chung với Nhật Bản), chương trình REDD+ của WB, hay hợp đồng mua trước tín chỉ carbon (carbon forward), Lào Cai có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để triển khai các dự án khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng.

Đặc biệt, cơ chế "results-based payment" (chi trả dựa trên kết quả) giúp địa phương vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo nguồn thu ổn định, đồng thời khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng carbon toàn cầu.

Chiến lược để Lào Cai (mới) chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 3

Việc Lào Cai mới tham gia thị trường tín chỉ carbon không chỉ là một định hướng chính sách phù hợp xu thế mà còn có nền tảng khoa học và thực tiễn rất rõ ràng. Điều quan trọng nhất lúc này là thiết lập hạ tầng pháp lý, hệ thống MRV và nguồn nhân lực tại chỗ để đảm bảo việc phát hành và giao dịch tín chỉ diễn ra minh bạch, hiệu quả, tạo giá trị thực tế cho ngân sách địa phương và cộng đồng dân cư.

III. Chiến lược triển khai: 5 trụ cột

Việc tham gia thị trường tín chỉ carbon cần được tổ chức theo hướng tổng thể, có hệ thống, phù hợp với điều kiện đặc thù của Lào Cai mới. Dưới đây là 5 trụ cột chiến lược tạo thành hệ sinh thái tín chỉ carbon bền vững, kết nối giữa tài nguyên – công nghiệp – thị trường và tài chính quốc tế.

1. Thành lập Trung tâm tín chỉ carbon Lào Cai

Đây là đầu mối kỹ thuật – chính sách để điều phối các hoạt động liên quan đến đo lường – báo cáo – xác minh (MRV), phát triển dự án, quản lý tín chỉ và kết nối với thị trường trong và ngoài nước. Trung tâm có thể hoạt động theo mô hình liên kết công – tư (PPP), trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc đơn vị dịch vụ công chuyên trách.

Theo Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình xây dựng Sở giao dịch tín chỉ carbon quốc gia, các địa phương cần chủ động xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và dữ liệu để hội nhập vào hệ thống từ năm 2026. Trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm: Quản lý dữ liệu MRV từ rừng, công nghiệp, nông nghiệp; Đào tạo kỹ thuật viên địa phương; Thẩm định, chuẩn bị hồ sơ dự án carbon chất lượng cao; Hướng dẫn doanh nghiệp tham gia giao dịch tín chỉ carbon thông qua sàn HNX hoặc các thị trường tự nguyện quốc tế như Verra, Gold Standard.

2. Phát triển tín chỉ carbon từ tài nguyên tự nhiên và nông nghiệp

Lào Cai có tiềm năng lớn để triển khai các cơ chế tín chỉ carbon dựa vào thiên nhiên (Nature-based Solutions – NbS) như REDD+ (giảm phát thải từ mất rừng), ARR (trồng và phục hồi rừng), AR-CDM và carbon nông nghiệp.

Chiến lược để Lào Cai (mới) chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 4

Cụ thể, các vùng như Bắc Hà, Trạm Tấu, Văn Bàn, Mù Căng Chải có thể trở thành điểm thử nghiệm các dự án REDD+ cấp tỉnh, hợp tác với tổ chức như South Pole, ADB hoặc SNV. 

Đồng thời, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như quế, chè Shan Tuyết, dược liệu, lúa hữu cơ có thể được canh tác theo mô hình carbon thấp để tạo tín chỉ thông qua việc: Chuyển đổi phương thức canh tác từ hóa học sang sinh học; Tăng trữ lượng carbon đất; Giảm phát thải khí N₂O và CH₄. Mỗi dự án thành công có thể tạo ra từ 30.000 – 100.000 tín chỉ/năm, tương đương giá trị từ 150.000 – 2 triệu USD tùy theo giá thị trường.

3. Chuyển đổi ngành công nghiệp theo chuẩn CBAM – ETS

CBAM của EU chính thức áp dụng từ năm 2026 cho các ngành như thép, xi măng, hóa chất – vốn là những ngành chủ lực tại Lào Cai. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang triển khai Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) trong nước, với lộ trình thử nghiệm bắt đầu từ tháng 6/2025 và chính thức vận hành năm 2028, bao phủ khoảng 50% phát thải quốc gia.

Chiến lược của Lào Cai cần tập trung vào:

+ Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng MRV để xác định lượng phát thải;

+ Kiểm toán carbon và lập hồ sơ sản phẩm carbon thấp;

+ Đào tạo cán bộ kỹ thuật tại các cụm công nghiệp như Tằng Loỏng, Đông Phố Mới, Trấn Yên;

+Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng tối đa 30% tín chỉ carbon từ các dự án nội tỉnh để bù trừ nghĩa vụ ETS;

+Hỗ trợ chi phí kiểm toán và xác minh tín chỉ thông qua ngân sách tỉnh hoặc Quỹ carbon địa phương.

Việc thực hiện nghiêm túc MRV và minh bạch hóa phát thải không chỉ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro thuế CBAM, mà còn tăng khả năng tiếp cận các gói tài chính xanh, quỹ chuyển đổi công nghiệp từ các đối tác như JICA, AFD.

4. Hình thành “Chợ carbon” cấp tỉnh và kết nối với thị trường quốc gia

Lào Cai có thể xây dựng một “Chợ carbon” của tỉnh, nơi các dự án carbon của HTX, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp được niêm yết, trao đổi và mua bán với doanh nghiệp phát thải. Chợ có thể vận hành thông qua Trung tâm tín chỉ carbon và liên thông với hệ thống giao dịch quốc gia trên HNX (dự kiến khai trương năm 2028).

Để khuyến khích thị trường vận hành hiệu quả, tỉnh nên: Miễn phí đăng ký và giao dịch cho các dự án cộng đồng; Thí điểm cơ chế đấu giá tín chỉ và hợp đồng mua trước (carbon forward) giữa doanh nghiệp và người dân; Kết hợp tín chỉ carbon với các tiêu chí ESG và ưu đãi cấp đất, thuế.

Đặc biệt, việc hình thành Quỹ phát triển tín chỉ carbon Lào Cai (vốn điều lệ ban đầu từ 100–150 tỷ đồng) sẽ giúp: Cấp vốn vay ưu đãi cho dự án; Hỗ trợ chi phí đo lường MRV; Đầu tư hạ tầng số hóa dữ liệu rừng và công nghiệp; Tạo đòn bẩy để thu hút đầu tư tư nhân và quốc tế vào ngành carbon sinh học.

5. Tăng cường hợp tác quốc tế và tiếp cận tài chính khí hậu

Thị trường tín chỉ carbon là nơi Việt Nam có thể tiếp cận nhanh nguồn lực quốc tế. Với sự hỗ trợ từ các tổ chức như WB, UNDP, ADB, JICA, tỉnh Lào Cai cần chủ động đề xuất dự án hợp tác thử nghiệm theo hình thức:

+ Dự án tín chỉ carbon trồng rừng sinh kế (ARR);

+ Dự án năng lượng tái tạo cấp xã, cấp huyện theo JCM với Nhật Bản;

+ Dự án xử lý nước thải/khí thải công nghiệp đạt chuẩn MRV.

Các cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và chi trả kết quả (results-based payment) giúp tỉnh chủ động hơn trong bảo vệ môi trường mà vẫn bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Đặc biệt, việc ký MoU hợp tác trực tiếp với các tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn tín chỉ như Verra, Gold Standard sẽ giúp tín chỉ phát hành từ Lào Cai có tính thanh khoản cao, dễ tiếp cận các thị trường tự nguyện.

Chiến lược 5 trụ cột nêu trên nếu được thực hiện bài bản, đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để Lào Cai mới vươn lên dẫn đầu vùng Tây Bắc trong phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh và hội nhập thị trường carbon quốc tế.

IV. Đề xuất chính sách đặc thù cho tỉnh Lào Cai mới

Để hiện thực hóa chiến lược phát triển thị trường tín chỉ carbon tại địa phương, các công cụ chính sách cần được thiết kế đồng bộ, vừa phù hợp với điều kiện đặc thù miền núi – biên giới, vừa bảo đảm khả năng hòa nhập vào hệ thống giao dịch quốc gia và quốc tế.

Dưới đây là 5 nhóm chính sách then chốt cần được ưu tiên xây dựng và thực thi tại Lào Cai trong giai đoạn 2025–2030.

1. Chính sách ưu đãi thuế và tài chính cho doanh nghiệp xanh

Chính sách đầu tiên cần hướng tới là tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia thị trường carbon thông qua cơ chế ưu đãi tài chính rõ ràng. 

Cụ thể, tỉnh có thể đề xuất áp dụng mức giảm 30–50% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong vòng 5 năm cho những doanh nghiệp đạt một trong các tiêu chí sau:

Có dự án tín chỉ carbon được đăng ký quốc tế (Verra, Gold Standard, JCM...);

Đáp ứng tiêu chuẩn CBAM (theo EU) hoặc tham gia hệ thống MRV được thẩm định;

Sử dụng ít nhất 30% tín chỉ carbon để bù đắp phát thải vượt hạn ngạch trong ETS quốc gia.

Theo Điều 139 Luật Bảo vệ Môi trường 2020, chính quyền cấp tỉnh được phép ban hành công cụ kinh tế môi trường phù hợp với đặc điểm địa phương. Việc sử dụng ưu đãi thuế có chọn lọc giúp thu hút các doanh nghiệp tiên phong, đồng thời lan tỏa chuẩn mực carbon thấp trong cộng đồng doanh nghiệp địa phương.

2. Thành lập Quỹ phát triển tín chỉ carbon Lào Cai

Một trong những rào cản lớn của thị trường carbon cấp địa phương là thiếu nguồn tài chính ban đầu để đầu tư vào đo lường, kiểm toán, chứng nhận và đăng ký dự án. Vì vậy, cần thành lập một Quỹ phát triển tín chỉ carbon có quy mô ban đầu từ 100–150 tỷ đồng, hình thành từ nguồn ngân sách tỉnh, kết hợp với tài trợ quốc tế (ODA, JICA, UNDP, ADB…).

Quỹ sẽ tập trung vào các chức năng:

+ Cấp vốn vay ưu đãi cho dự án trồng rừng carbon, nông nghiệp sinh học, dự án MRV;

+ Đồng tài trợ chi phí kiểm toán, thiết lập đường cơ sở và đăng ký tiêu chuẩn quốc tế;

+ Hỗ trợ kỹ thuật – hành chính cho cộng đồng dân cư, HTX, tổ hợp tác tham gia thị trường carbon.

Đây cũng là công cụ để tỉnh chủ động trong việc ký kết hợp tác quốc tế và hấp thụ vốn khí hậu toàn cầu.

3. Cơ chế chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Người dân

Bản chất của tín chỉ carbon sinh học là được tạo ra từ hoạt động lưu giữ hoặc hấp thụ CO₂, vốn chủ yếu đến từ cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực rừng, vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Do đó, để phát triển bền vững, cần xây dựng mô hình chia sẻ lợi ích ba bên, trong đó người dân hoặc cộng đồng có quyền sở hữu một phần tín chỉ carbon được phát hành từ chính hoạt động của họ.

Mô hình có thể triển khai theo hướng:

+ Đồng sở hữu tín chỉ carbon giữa doanh nghiệp và cộng đồng;

+ Phân chia lợi nhuận tín chỉ sau khi bán trên thị trường tự nguyện (theo tỷ lệ đóng góp);

+ Cam kết lợi ích lâu dài gắn với bảo tồn rừng hoặc duy trì canh tác carbon thấp.

Cách tiếp cận này đã được WB áp dụng thành công trong chương trình REDD+ tại Bắc Trung Bộ với cơ chế chi trả theo kết quả (results-based payment) gắn với cộng đồng dân tộc thiểu số.

4. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật – dữ liệu – giám sát carbon

Một thị trường carbon hiệu quả không thể tách rời nền tảng dữ liệu khoa học và hệ thống giám sát phát thải đáng tin cậy. Lào Cai cần đầu tư mạnh vào:

Hệ thống MRV nội tỉnh, tích hợp từ cấp xã đến doanh nghiệp;

Hệ thống giám sát rừng qua vệ tinh, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia (FOMIS, FRMS);

Thiết bị quan trắc khí thải công nghiệp, ưu tiên các ngành luyện kim, xi măng, hóa chất;

Hạ tầng số hóa, cho phép cập nhật tự động chỉ số carbon và phát hành tín chỉ minh bạch.

Đây là điều kiện tiên quyết để Lào Cai được công nhận tín chỉ carbon ở cấp quốc tế, đồng thời làm cơ sở gắn tín chỉ với nghĩa vụ phát thải của doanh nghiệp trong tương lai.

5. Cơ chế thí điểm chính sách carbon cho vùng núi – biên giới

Lào Cai là tỉnh miền núi – biên giới với đặc thù địa hình phức tạp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. 

Vì vậy, tỉnh cần kiến nghị Trung ương cho phép triển khai cơ chế thí điểm thị trường carbon địa phương theo mô hình đặc thù, lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia về:

+ Giảm nghèo bền vững;

+ Bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn;

+ Ổn định dân cư và ứng phó biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Lào Cai có thể đề xuất để trở thành một trong những tỉnh đầu tiên áp dụng thử nghiệm mô hình ETS nội tỉnh (giai đoạn tự nguyện) với quy mô nhỏ, làm cơ sở cho việc tích hợp vào hệ thống quốc gia khi vận hành chính thức từ 2028.

V. Kết luận và kiến nghị

1. Kết luận

Trong bối cảnh chuyển đổi xanh và hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng, thị trường tín chỉ carbon không chỉ là một công cụ tài chính khí hậu, mà còn trở thành một phần thiết yếu trong chiến lược phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chiến lược để Lào Cai (mới) chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon - Ảnh 5

Đối với tỉnh Lào Cai mới – hình thành từ sự sáp nhập giữa hai địa phương có thế mạnh rõ rệt về tài nguyên rừng, công nghiệp và nông nghiệp đặc sản – việc chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon sẽ mở ra một “không gian tăng trưởng mới”, nơi bảo tồn và phát triển không mâu thuẫn mà bổ trợ cho nhau.

Các cơ sở khoa học và thực tiễn đã chỉ ra rằng: Lào Cai sở hữu trên 540.000 ha rừng, có tiềm năng hấp thụ hàng triệu tCO₂ mỗi năm – đủ điều kiện tham gia REDD+, AR-CDM, ARR; Cơ cấu công nghiệp nặng hiện hữu đang chịu áp lực mạnh mẽ từ CBAM của EU và lộ trình ETS quốc gia, đòi hỏi chuyển đổi nhanh sang mô hình phát thải thấp; Thị trường tín chỉ carbon toàn cầu và trong nước đang mở rộng nhanh chóng, tạo cơ hội để Lào Cai kết nối tài chính quốc tế, nâng cấp công nghệ và tái cơ cấu chuỗi giá trị xuất khẩu.

Chiến lược phát triển 5 trụ cột – từ hạ tầng kỹ thuật, tài nguyên carbon, chuyển đổi công nghiệp, cơ chế thị trường đến hợp tác quốc tế – nếu được triển khai hiệu quả, sẽ giúp Lào Cai trở thành địa phương tiên phong của khu vực trung du – miền núi phía Bắc trong lĩnh vực tài chính carbon.

2. Kiến nghị

Để cụ thể hóa chiến lược nêu trên, tỉnh Lào Cai mới cần tập trung thực hiện các nhóm kiến nghị sau:

a) Kiến nghị nội bộ cấp tỉnh

+ Thành lập Tổ công tác chuyên trách về tín chỉ carbon trực thuộc UBND tỉnh để điều phối, xây dựng lộ trình và giám sát triển khai;

+ Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì xây dựng Trung tâm tín chỉ carbon Lào Cai, kết nối trực tiếp với hệ thống MRV quốc gia;

+ Ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án rừng, MRV, công nghệ đo khí thải công nghiệp, xây dựng Quỹ carbon tỉnh;

+ Tổ chức truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân về cơ chế tín chỉ carbon và cơ hội phát triển kinh tế xanh.

b) Kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành

+ Đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chi tiết về cơ chế thí điểm thị trường carbon cấp tỉnh cho khu vực miền núi – biên giới;

+ Xin cơ chế ưu đãi thuế và chia sẻ lợi ích tín chỉ carbon trong các dự án cộng đồng, nhằm khuyến khích người dân và HTX tham gia;

+ Đề nghị hỗ trợ kỹ thuật từ các chương trình quốc gia như REDD+, JCM, hoặc từ các quỹ khí hậu quốc tế như GCF, UNDP, ADB để triển khai các mô hình mẫu tại địa phương.

c) Kiến nghị hợp tác quốc tế

+ Ký kết các biên bản ghi nhớ (MoU) với tổ chức quốc tế (Verra, South Pole, SNV…) để tiếp cận thị trường tự nguyện;

+ Tham gia các mạng lưới tín chỉ carbon tiểu vùng Mê Kông, ASEAN, Nhật Bản để trao đổi kinh nghiệm, tiêu chuẩn và cơ hội đầu tư;

+ Kêu gọi doanh nghiệp quốc tế tham gia đầu tư vào các dự án nông nghiệp carbon, rừng sinh kế và năng lượng tái tạo tại Lào Cai.

Nếu được thực hiện đúng hướng, phát triển thị trường tín chỉ carbon không chỉ là bước đi chiến lược giúp Lào Cai hội nhập vào chuỗi giá trị xanh toàn cầu, mà còn là đòn bẩy bền vững để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện sinh kế người dân và khẳng định vị thế của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới – xanh hơn, toàn diện hơn và có trách nhiệm hơn. 

Mời quý độc giả đón đọc Bài 5: Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp và logistics tỉnh Lào Cai (mới) giai đoạn 2025 - 2045

Luật sư,, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp

Bạn đang đọc bài viết Chiến lược để Lào Cai (mới) chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0937 68 8419 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Sức mạnh của đoàn kết
Bài viết: "SỨC MẠNH CỦA ĐOÀN KẾT" của đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chiến lược xây dựng thương hiệu cho tỉnh Lào Cai (mới)
Một trục động lực mới đang mở ra những thời cơ vàng cho vùng kinh tế Tây Bắc Việt Nam vươn tầm khu vực, Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm, đóng vai trò “cửa ngõ ASEAN” kết nối với Trung Quốc và Tây Nam Á.

Tin mới

Hải Phòng đón thêm 15,6 tỷ USD vốn đầu tư
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại với chủ đề “Hải Phòng – Điểm đến chiến lược của kỷ nguyên mới”, thành phố Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 32 dự án đầu tư và 7 bản ghi nhớ hợp tác với tổng vốn cam kết hơn 15,6 tỷ USD.