Thứ sáu, 19/04/2024 12:45 (GMT+7)
Thứ năm, 20/05/2021 13:30 (GMT+7)

Xây dựng quy định về giảm phát thải khí nhà kính

Theo dõi KTMT trên

Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định Mục tiêu quốc gia về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo giai đoạn và hàng năm của các cơ sở, doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Căn cứ pháp lý cho giảm phát thải

Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone sẽ quy định chi tiết các Điều 92, 92 và 139 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, quy định về ứng phó với BĐKH trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đặt ra trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; Là tiền đề phát triển thị trường carbon trong nước; Quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo Điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ozone mà Việt Nam là thành viên.

Xây dựng quy định về giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 1
Năng lượng tái tạo góp phần giảm thiểu khí thải nhà kính. 

Dự thảo Nghị định đưa ra mục tiêu và lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn đến hết năm 2025 và giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030. Giai đoạn đến hết năm 2025 thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030 thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên cơ sở hạn ngạch được phân bổ, trường hợp cơ sở phát thải khí nhà kính vượt hạn ngạch hoặc không sử dụng hết hạn ngạch được phân bổ thì được trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước.

Các Bộ quản lý lĩnh vực phải xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chi tiết cho giai đoạn đến hết năm 2025, giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030 và thực hiện các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Quá trình góp ý cho Dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng, đây là văn bản pháp lý mang tính chuyên ngành cao, quy định nhiều vấn đề mới tại Việt Nam và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ TN&MT cần đưa ra đánh giá tác động cụ thể của Nghị định với doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực trong danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng cần bổ sung một số khái niệm, thuật ngữ chưa thông dụng. Điều này sẽ giúp thống nhất cách hiểu cho các đối tượng chịu điều chỉnh khi tiếp cận với nội dung Dự thảo.

Cần có hướng quy đổi phát thải

Góp ý cho dự thảo Nghị định, ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, sản xuất xi măng là một trong những ngành có phát thải CO2 lớn (thống kê năm 2015 khoảng 48 triệu tấn CO2/năm) nên Hiệp hội đang chú trọng thúc đẩy các giải pháp tái sử dụng chất thải, tái sử dụng năng lượng, sử dụng nhiên liệu thay thế để phát điện…

Hiệu quả bước đầu thấy rõ khi đến năm 2020, mức phát thải CO2 đã giảm 5%/tấn so với 2015. Tuy nhiên, về mặt bản chất công nghệ, ngành xi măng không thể không phát thải khí nhà kính. Bởi vậy, Bộ TN&MT cần có hướng dẫn về phương pháp tính phát thải carbon ròng để có thể tính bù trừ khi Hiệp hội tối ưu hóa sản xuất, giảm sử dụng năng lượng.

Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, theo NDC, Việt Nam xác định lĩnh vực năng lượng sẽ giảm phát thải thông qua các giải pháp về giảm tổn thất, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Dự thảo Nghị định quản lý trực tiếp đến các nhà máy điện và yêu cầu kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải. Thực tế hiện nay, Việt Nam vẫn đang thiếu điện và các nhà máy nhiệt điện than đều phải huy động tối đa thời gian phục vụ. Như vậy, nếu coi đây là đối tượng giảm phát thải thì sẽ không khả thi.

Thị trường điện Việt Nam hiện nay có rất nhiều nhà máy của các chủ đầu tư khác nhau, không chỉ riêng EVN. Bởi vậy, EVN đề xuất, Bộ TN&MT đóng vai trò điều hành chung, và các Bộ quản lý sẽ xem xét và cấp hạn ngạch phát thải cho các đầu mối doanh nghiệp, nhà máy. Có thể lấy hạn ngạch từ năng lượng tái tạo, thủy điện để bù cho nhiệt điện than trong tương lai. Bên cạnh đó, có thể giảm bớt thủ tục giảm phát thải cho doanh nghiệp và chỉ để họ thực hiện phần kiểm kê, có hậu kiểm. Nguyên tắc là để doanh nghiệp tự làm, tự chịu trách nhiệm nếu có sai phạm. Cần có thời gian thí điểm để doanh nghiệp làm quen với các bước kiểm kê, báo cáo theo Nghị định trước khi triển khai đại trà.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần làm rõ căn cứ lựa chọn đối tượng phải thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo dự thảo Nghị định. Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), tổng phát thải nội địa của hàng không Việt Nam chỉ chiếm 1% của lĩnh vực năng lượng, và dự kiến tổng phát thải đến năm 2030 khoảng 1,6 triệu tấn CO2. Mức phát thải này quá nhỏ, nhưng hàng không lại nằm trong danh mục đối tượng phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Bởi vậy, Cục đề xuất áp dụng các quy định của Dự thảo với những ngành phát thải cao hơn. Bên cạnh đó, nên đưa vào năm cơ sở để so sánh định mức phải giảm phát thải từ năm nào.

Đại diện đơn vị soạn thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Bộ TN&MT sẽ tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo và tiếp tục trao đổi với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thiện nội dung Dự thảo Nghị định trong thời gian tới. Dự kiến sau khi Chính phủ thông qua, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Khánh Ly

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng quy định về giảm phát thải khí nhà kính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó nguy cơ cháy rừng
Tình trạng nắng nóng gay gắt dự báo diễn ra tháng 4-6/2024, nhiều địa phương cần chủ động phòng, chữa cháy rừng tại các khu vực có nguy cơ cao. Vừa qua Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp quốc gia.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .