Thứ bảy, 23/11/2024 03:14 (GMT+7)
Thứ năm, 20/05/2021 11:15 (GMT+7)

Chăn nuôi bền vững - cắt giảm khí thải

Theo dõi KTMT trên

Trên toàn thế giới hiện nuôi hơn 1,4 tỉ con bò, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành chăn nuôi gia súc. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do ngành này thải ra chiếm 10% tổng số lượng khí thải của con người. Một phần lớn là do bò thải khí metan.

Metan là một trong những khí nhà kính mạnh nhất, giữ nhiệt gấp 25 lần so với khí carbon. Mỗi khi trâu, bò và các loài gia súc ợ hơi, khí metan sẽ theo đường gió thải vào khí quyển. Metan là một sản phẩm phụ, xảy ra trong quá trình lên men ở dạ cỏ của động vật nhai lại, nhờ vi khuẩn men vi sinh methanogenic. Theo số liệu thống kê, một nửa lượng khí thải nhà kính do chăn nuôi tạo ra trên toàn cầu là từ gia súc như trâu, bò đã thải ra.

Trung bình, một con bò thịt có thể thải ra 20kg khí metan mỗi năm từ quá trình lên men của dạ cỏ. Con số này của bò sữa cao sản cao hơn từ 10 - 15%.

Chăn nuôi bền vững - cắt giảm khí thải - Ảnh 1
Giáo sư Ermias Kebreab tại trại bò được thử nghiệm.

Trong nghiên cứu mới được công bố của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học California, Giáo sư Ermias Kebreab, Trưởng dự án nghiên cứu cho biết, nhóm đã có bằng chứng chứng minh rằng tảo trong chế độ ăn của gia súc có tác dụng giảm khí metan.

Giáo sư cho biết, loại tảo được nghiên cứu có tên khoa học là Asparagopsis taxiformis. Trong vòng 5 tháng, 21 con bò đực giống Angus-Hereford được bổ sung một lượng nhỏ tảo biển vào chế độ ăn hàng ngày, bên cạnh cỏ khô, ngũ cốc và ngô. Số lượng khí thải metan, hydro và cacbonic được nhóm khoa học đo theo thời gian thực. Kết quả cho thấy từ khoảng tháng thứ hai, lượng khí thải metan đã giảm 45 - 68%. 

Đặc biệt, mức giảm mạnh nhất đã được ghi nhận ở chế độ ăn ít tảo và bổ sung nhiều thức ăn thô xanh. Con số đo được khiến các nhà nghiên cứu kinh ngạc khi lượng khí metan giảm tới 80%. Cá thể giảm nhiều nhất được ghi nhận là 82%, nó tiêu thụ khoảng 85g tảo biển mỗi ngày.

Theo nhóm nghiên cứu của Giáo sư Ermias Kebreab, tảo biển có tác dụng ức chế một loại enzym chuyên sản xuất khí metan trong hệ tiêu hóa của bò. Tuy nhiên, nhóm chỉ mới thử nghiệm trên bò đực và không chắc về chất lượng hoặc mùi vị của sữa, nếu dùng phương pháp tương tự cho bò cái.

Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất trong việc thương mại hóa dự án này là việc nuôi trồng loại rong biển có lợi này, bởi chúng không có đủ trong tự nhiên.

Để giải quyết tình trạng này, các nhà khoa học đã nghiên cứu giảm lượng chất xơ, thứ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình lên men dạ cỏ. Điều này khiến vi sinh vật trong dạ cỏ hoạt động ít hơn, gia súc ít phải ợ hơi, nhai lại, từ đó giảm được khí metan.

Việc nghiên cứu bổ sung thức ăn tinh trong khẩu phần ăn của gia súc để làm giảm quá trình nhai lại và giảm quá trình lên men ở dạ cỏ, do thức ăn tinh được tiêu hóa chủ yếu ở dạ múi khế và ruột non. Tỉ lệ bổ sung thức ăn tinh phụ thuộc đặc tính vật nuôi, khả năng sinh trưởng, thành phần dinh dưỡng và quy trình chế biến thức ăn tinh. Chẳng hạn, lượng bổ sung cho bò sữa có thể gấp từ 2 - 5 lần so với bò thịt.

Bên cạnh đó, gần đây, các nhà khoa học đã phát minh ra một loại thức ăn gia súc bổ sung mới, có thể làm giảm lượng khí thải methane trung bình 30%. Theo các nhà sản xuất, nếu tất cả bò trên thế giới ăn chất bổ sung này, lượng khí thải giảm đi có thể tương đương với việc ngừng vận hành 300 triệu ô tô ở châu Âu.

Chăn nuôi bền vững - cắt giảm khí thải - Ảnh 2

Loại thức ăn bổ sung nói trên do Công ty khởi nghiệp Mootral (liên danh Thụy Sĩ - Anh) sản xuất dựa trên chiết xuất tỏi và quýt, được trộn với thức ăn gia súc thông thường, giúp giảm lượng khí metan thải ra tương đương khoảng 1 tấn carbon dioxide (CO2) cho 1 con bò/năm.

Chất bổ sung có dạng viên được trộn vào thức ăn của bò 2 lần/ngày. Sản phẩm đã được chương trình toàn cầu về tín chỉ carbon tự nguyện - Verra phê duyệt. Vì vậy, các doanh nghiệp chăn nuôi muốn cắt giảm lượng khí thải có thể tính theo lượng thức ăn bổ sung tiêu thụ. Trang trại Brades ở Lancashire, Tây Bắc nước Anh, là trang trại thương mại đầu tiên trên thế giới tận dụng chương trình tín chỉ carbon của Mootral. Đàn bò sữa 440 con ở đây được cho ăn thức ăn bổ sung của Mootral 2 lần/ngày. 

Chăn nuôi phát triển có thể tạo ra những rủi ro cho môi trường sinh thái và là một trong những nguyên nhân làm trái đất nóng lên. Việc có thể làm giảm khí thải metan, có thể mở đường cho việc chăn nuôi bền vững trên toàn thế giới. 

Ánh Dương

Bạn đang đọc bài viết Chăn nuôi bền vững - cắt giảm khí thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới