Thái Nguyên đứng thứ 2 toàn quốc về Chỉ số SIPAS
Cải cách thủ tục hành chính được tỉnh Thái Nguyên triển khai quyết liệt, nhiều mô hình mới được triển khai thí điểm, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và Đề án 06 đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổ chức sáng 6/4, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024. Tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đứng thứ 2 toàn quốc về Chỉ số SIPAS và đứng thứ 5 toàn quốc về Chỉ số PAR Index năm 2024.

Theo đó, kết quả Chỉ số SIPAS năm 2024 của cả nước đạt trung bình là 83,94%, tăng 1,28% so với năm 2023. Thành phố Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng với kết quả 91,10%; tỉnh Thái Nguyên đứng thứ hai với kết quả 90,23%, tiếp đến là các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu; 05 tỉnh thấp nhất là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Quảng Ngãi. Đây là năm thứ ba liên tiếp tỉnh Thái Nguyên duy trì vị trí thứ 2 cả nước về Chỉ số SIPAS.
Về Chỉ số PAR Index năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 02 nhóm điểm: Nhóm A, đạt kết quả từ 90% trở lên, gồm 13 tỉnh, thành phố; nhóm B, đạt kết quả từ 80% - dưới 90%, gồm 50 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá, thành phố Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR Index năm 2024 với kết quả đạt 96,17%; xếp thứ 2 là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với kết quả đạt 93,35%; tiếp đến là Hà Nội, Quảng Ninh. Tỉnh Thái Nguyên cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác cải cách hành chính (CCHC) khi xếp thứ 5 trên bảng xếp hạng, đạt 91,47% tăng 1 bặc so với năm 2023.
Năm 2024 là năm thứ 13 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số PAR Index của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; là năm thứ 8 triển khai đo lường sự, xác định Chỉ số SIPAS. Quá trình triển khai nghiêm túc, khoa học, dân chủ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự phối hợp, hỗ trợ của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong tổ chức triển khai điều tra xã hội học, quy mô lớn với gần 90.000 mẫu, để lấy ý kiến đánh giá của cán bộ, công chức, người dân về kết quả CCHC của các tỉnh; đồng thời, để đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Để có được kết quả trên, UBND tỉnh Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ 6 lĩnh vực CCHC bao gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Đặc biệt, cải cách thủ tục hành chính được tỉnh triển khai quyết liệt, nhiều mô hình mới được triển khai thí điểm, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và Đề án 06 đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cải cách tổ chức bộ máy được tiến hành khẩn trương, khoa học và đạt được nhiều kết quả đột phá. Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số tiếp tục là điểm sáng của cải cách.
Nguyên Mạnh