Du lịch Việt Nam: Khách châu Á dẫn đầu, tín hiệu tích cực từ thị trường quốc tế
Trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ ngành du lịch quốc tế khi lượng khách nước ngoài tiếp tục đà tăng trưởng ổn định.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 5/2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,53 triệu lượt, dù giảm nhẹ 7,6% so với tháng trước do yếu tố mùa vụ, nhưng vẫn tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái – một dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng trưởng dài hạn vẫn được duy trì.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt 9,2 triệu – tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối với 7,84 triệu lượt (chiếm 85,2%), tăng 23,6%. Đường bộ đón 1,18 triệu lượt khách (chiếm 12,9%, tăng 10%), còn đường biển đạt 175.400 lượt (chiếm 1,9%, tăng 8%).
Châu Á tiếp tục là thị trường trọng điểm khi đóng góp hơn 7,2 triệu lượt khách – tương đương gần 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Các thị trường chủ lực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đang phục hồi mạnh nhờ các chuyến bay được nối lại đồng bộ, cùng với nhu cầu du lịch nước ngoài đang tăng nhanh trở lại sau đại dịch.
Kế đến là thị trường châu Âu với hơn 1,2 triệu lượt khách, tăng trưởng ổn định nhờ chính sách miễn thị thực và các chương trình xúc tiến hiệu quả tại Anh, Pháp, Đức... Thị trường châu Mỹ cũng ghi nhận gần 500.000 lượt khách đến Việt Nam trong 5 tháng – một con số đáng chú ý cho thấy sự mở rộng đáng kể từ phía du khách khu vực này.
Thành quả trên có được nhờ sự kết hợp đồng bộ giữa chính sách thị thực cởi mở và hoạt động quảng bá mạnh mẽ từ ngành du lịch Việt Nam. Việc mở rộng thời hạn visa lên 90 ngày, áp dụng thị thực điện tử cho nhiều quốc gia và cải thiện hạ tầng sân bay quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách nhập cảnh.
Cùng với đó, các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, TP.HCM và Hà Nội liên tục tổ chức các sự kiện lễ hội, hội chợ du lịch quốc tế, roadshow tại nước ngoài, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh và sức hút của điểm đến Việt Nam.
Ngoài ra, sự hồi phục rõ nét của các hãng hàng không nội địa và quốc tế với tần suất bay dày đặc, dịch vụ hàng không linh hoạt và giá vé cạnh tranh cũng tạo lực đẩy mạnh mẽ cho tăng trưởng lượng khách.
Không chỉ dừng lại ở con số, sự trở lại của khách quốc tế còn mang theo tín hiệu phục hồi rõ rệt cho ngành công nghiệp không khói – từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển đến các ngành công nghiệp văn hóa, giải trí đi kèm.
Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đạt và vượt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt và tăng cường quảng bá thị trường trọng điểm, Việt Nam hoàn toàn có thể lọt vào top những điểm đến phục hồi nhanh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, việc du lịch Việt Nam khởi sắc không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong quảng bá hình ảnh quốc gia, nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế.
BN