Vai trò của trái phiếu xanh trong tài chính bền vững
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề từ khí hậu và môi trường nghiêm trọng, các quốc gia đều đang hướng đến mô hình phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tài chính xanh.
- Đặt vấn đề
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề từ khí hậu và môi trường nghiêm trọng, các quốc gia đều đang hướng đến mô hình phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tài chính xanh. Trái phiếu xanh dần trở thành một công cụ tài chính hiệu quả, giúp huy động vốn cho các dự án thân thiện với môi trường.
Có thể thấy Việt Nam đang nỗ lực triển khai các chính sách tài chính bền vững. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam vẫn còn non trẻ, đối mặt với nhiều thách thức như khung pháp lý chưa hoàn thiện, sự tham gia hạn chế của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Do đó, nghiên cứu này nhằm làm rõ vai trò của trái phiếu xanh, phân tích thực trạng phát triển thị trường và đề xuất các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của công cụ tài chính này. Với đề tài “Vai trò của trái phiếu xanh trong tài chính bền vững” nhằm làm rõ khái niệm, đặc điểm, vai trò trái phiếu xanh; phân tích thực trạng phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam và thế giới; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam.
- Tổng quan về trái phiếu xanh và tài chính bền vững
2.1. Khái niệm về trái phiếu xanh
Trái phiếu xanh là một công cụ tài chính được phát hành để huy động vốn từ các nhà đầu tư, với mục đích tài trợ cho các dự án và hoạt động có tính bền vững và thân thiện với môi trường (theo World Bank). Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) định nghĩa trái phiếu xanh là bất kì công cụ trái phiếu nào mà khoản vốn huy động sẽ được sử dụng để tài trợ và tái tài trợ, một phần hoặc toàn bộ các dự án xanh đủ điều kiện mới và/ hoặc hiện có ( theo ICMA, 2021).
Tại Việt Nam, luật bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra khái niệm trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.
Trái phiếu xanh đầu tiên được ghi nhận phát hành vào năm 2007 bởi Ngân hàng Đầu tư Châu Âu. Vào năm 2008, Ngân hàng Thế giới đã phát hành trái phiếu xanh bắt nguồn từ nhu cầu của một nhóm các quỹ hưu trí Thụy Điện muốn đầu tư vào các dự án cải thiện tình hình khí hậu. Trái phiếu xanh đã tạo ra một công cụ tài chính giúp kết nối nguồn vốn từ các nhà đầu tư với các dự án bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
2.2. Vai trò của trái phiếu xanh trong tài chính bền vững
Xét về mặt môi trường, trái phiếu xanh giúp huy động nguồn vốn dài hạn cho các dự án thân thiện với môi trường và góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh. Các lĩnh vực được hưởng lợi từ trái phiếu xanh bao gồm năng lượng tái tạo, giao thông sạch, quản lý nước, xử lý rác thải và các công trình hạ tầng bền vững. Nhờ nguồn tài chính từ trái phiếu xanh, các dự án này có thể triển khai hiệu quả hơn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý và cải thiện chất lượng môi trường sống.
Xét về mặt tài chính và xã hội, đây là một kênh đầu tư hấp dẫn, vừa đảm bảo lợi nhuận ổn định, vừa thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững đối với các nhà đầu tư. Nhiều quỹ đầu tư và tổ chức tài chính lớn trên thế giới đang ưu tiên các khoản đầu tư xanh nhằm đáp ứng yêu cầu về trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG). Hơn nữa, các chính phủ và tổ chức tài chính quốc tế cũng ngày càng khuyến khích việc phát hành trái phiếu xanh thông qua các chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuế và tiêu chuẩn minh bạch nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, trái phiếu xanh đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng tới xây dựng nền kinh tế bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xu thế đầu tư vào các dự án năng lượng sạch và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Điều này tạo động lực thúc đẩy việc sử dụng trái phiếu xanh trở thành một công cụ trọng yếu trong hoạt động huy động vốn, góp phần thu hút nguồn đầu tư cho các dự án theo định hướng bền vững.
2.3. Các tiêu chuẩn và nguyên tắc phát hành trái phiếu xanh
Việc phát hành trái phiếu xanh cần tuân thủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, hai tiêu chuẩn quan trọng nhất được áp dụng rộng rãi là Nguyên tắc Trái phiếu Xanh (Green Bond Principles - GBP) của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) và Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu (Climate Bonds Standard - CBS) do Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI) đưa ra.
Về tiêu chuẩn ICMA (Green Bond Principles - GBP) do ICMA ban hành là bộ nguyên tắc hướng dẫn giúp các tổ chức phát hành trái phiếu xanh đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. GBP gồm bốn yếu tố chính. Một là sử dụng vốn huy động (Use of Proceeds). Số tiền thu được từ trái phiếu xanh phải được sử dụng để tài trợ hoặc tái cấp vốn cho các dự án xanh, bao gồm năng lượng tái tạo, giao thông sạch, quản lý nước, quản lý chất thải, và các sáng kiến bảo vệ môi trường khác. Hai là quy trình đánh giá và lựa chọn dự án (Process for Project Evaluation and Selection). Nhà phát hành cần có tiêu chí rõ ràng để xác định, đánh giá và lựa chọn các dự án đủ điều kiện nhận vốn từ trái phiếu xanh. Ba là quản lý nguồn vốn (Management of Proceeds). Nguồn vốn thu được phải được theo dõi và quản lý chặt chẽ, đảm bảo chỉ sử dụng vào các mục đích xanh theo cam kết ban đầu. Bốn là báo cáo và minh bạch thông tin (Reporting). Nhà phát hành cần công khai báo cáo định kỳ về việc sử dụng vốn, tiến độ dự án và các tác động môi trường đạt được.
Về tiêu chuẩn của Climate Bonds Initiative (CBI) được xây dựng với mục tiêu thiết lập một khung chuẩn mực cho trái phiếu xanh, tập trung vào các dự án có tác động lớn trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Điểm khác biệt chính giữa CBS và GBP là CBS đưa ra các tiêu chí kỹ thuật chi tiết cho từng ngành, như năng lượng sạch, giao thông bền vững, xây dựng xanh, nhằm đảm bảo rằng các dự án thực sự đóng góp vào giảm phát thải carbon. CBS cũng yêu cầu các trái phiếu được chứng nhận phải trải qua quá trình kiểm toán độc lập (third-party verification) để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Điều này giúp tăng độ tin cậy và khả năng thu hút nhà đầu tư toàn cầu.
- 3.Thực trạng thị trường trái phiếu xanh tại việt nam và thế giới
3.1. Tình hình phát triển trái phiếu xanh trên thế giới
Năm 2021, thị trường trái phiếu xanh ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ với khối lượng phát hành đạt 517,4 tỷ USD, tăng 85% so với năm trước. Theo S&P Global, khối lượng phát hành trái phiếu xanh hàng năm có thể đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2023. Giám đốc điều hành của Climate Bonds dự báo khối lượng này sẽ đạt mức 5.000 tỷ USD vào năm 2025 để hỗ trợ các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.
Hình 1: Khối lượng trái phiếu xanh phát hành hằng năm trên thế giới
Trung Quốc, một quốc gia láng giềng lâu đời của Việt Nam, mới bắt đầu gia nhập thị trường trái phiếu xanh vào năm 2015 nhưng đến nay đã trở thành quốc gia dẫn đầu trên thị trường này. Sự kiện đánh dấu Trung Quốc lần đầu tiên chính thức gia nhập thị trường trái phiếu xanh toàn cầu là việc Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc phát hành gần 1 tỷ USD trái phiếu xanh tại thị trường London nhằm huy động vốn cho các dự án thân thiện môi trường vào tháng 10 năm 2015. Giá trị phát hành trái phiếu xanh của Trung Quốc tăng lên đến 36.2 tỷ USD, chiếm đến 1/3 giá trị phát hành trái phiếu xanh toàn cầu, đưa Trung Quốc vươn lên thành quốc gia dẫn đầu ở thị trường này.
Về phía Hàn Quốc, Hàn Quốc hướng tới phát triển nền kinh tế xanh toàn diện thay vì chỉ chú trọng phát triển trái phiếu xanh để huy động vốn. Theo đó, Hàn Quốc phát triển 7 mô hình, liên quan đến 7 lĩnh vực khác nhau trong đời sống, mà các lĩnh vực này đều ảnh hưởng lớn đến các vấn đề môi trường, bao gồm: xã hội carbon thấp, tái tạo năng lượng, công nghệ xanh, lối sống xanh, công nghiệp xanh, giao thông xanh và đất nước xanh.
Cũng giống như Hàn Quốc, thay vì chú trọng phát triển trái phiếu xanh như là một công cụ tài chính hữu hiệu cho các dự án môi trường, Singapore tập trung trực tiếp vào việc triển khai lần lượt các dự án môi trường, bao gồm: Giảm phát thải các bon; trung tâm năng lượng sạch; trung tâm của giải pháp tài chính và đầu tư xanh.
3.2. Thực trạng thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam
Từ năm 2012, Việt Nam đã thực hiện triển khai định hướng về tài chính xanh theo Chiến lược Tăng trưởng Xanh quốc gia, bao gồm phát triển các sản phẩm tài chính xanh trên thị trường chứng khoán nhằm cung cấp nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Đồng thời, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, Quyết định số 2183/QĐ-BTC, và Quyết định số 1191/QĐ-TTg hướng tới xây dựng và hoàn thiện khung tài chính để phát triển thị trường xanh và các sản phẩm tài chính xanh.
Theo tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, giá trị phát hành của trái phiếu xanh so với quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam (104,6 tỷ USD vào năm 2019 và 324,1 tỷ USD vào 9 tháng năm 2020) là không đáng kể. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng nêu trên: Thứ nhất, hiện nay Việt Nam còn thiếu những quy định cụ thể về khái niệm xanh và khái niệm trái phiếu xanh; Thứ hai, số liệu liên quan trái phiếu xanh tại Việt Nam chưa dễ dàng tiếp cận. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin và sự tham gia của các nhà đầu tư vào công cụ tài chính này; Thứ ba, Việt Nam chưa có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh và khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu xanh.
Tuy nhiên, triển vọng phát triển của trái phiếu xanh tại Việt Nam là rất lớn. Như phân tích ở trên, trái phiếu xanh là ưu tiên phát triển của Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, vào tháng 3/2022, FiinGroup đã chính thức được CBI chứng nhận là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được ủy quyền xác nhận các trái phiếu xanh được phát hành bởi các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chương trình của tổ chức này. Như vậy, Việt Nam đã chính thức có tổ chức gắn nhãn “xanh” cho trái phiếu xanh, đây chính động lực thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh.
- 4. Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh tại việt nam
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế quản lý. Tuy Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành nhiều quy định tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho trái phiếu xanh phát triển nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định, đặc biệt là vấn đề minh bạch thông tin và dữ liệu. Điều này đòi hỏi phải có sự chuẩn hoá tốt hơn các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật.Việt Nam phải có những quy định rõ ràng và thống nhất về trái phiếu xanh. Có thể cân nhắc tới việc thành lập các bộ phận phụ trách công khai dữ liệu, cũng như giám sát các thông tin được cung cấp trên thị trường.Chính phủ Việt Nam cần đề ra chính sách ưu đãi nhất định nhằm khuyến khích các nhà đầu tư mua trái phiếu xanh. Chính phủ cần xác định rõ tiêu chí phân loại trái phiếu xanh, quy trình giám sát và yêu cầu báo cáo để đảm bảo tính minh bạch. Các tiêu chuẩn này có thể tham khảo từ các nguyên tắc quốc tế như Green Bond Principles (ICMA) hoặc Climate Bonds Standard (CBI).
Thứ hai, xây dựng lộ trình triển khai và phát triển trái phiếu xanh một cách phù hợp. Việt Nam cần xác định chính xác nội lực của thị trường tài chính trong nước cũng như độ lớn của tính thanh khoản trên thị trường tài chính, từ đưa ra lộ trình phát hành trái phiếu xanh trong nước hay nước ngoài. Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, tổ chức tài chính và doanh nghiệp để đảm bảo quá trình phát hành trái phiếu xanh được thực hiện theo lộ trình rõ ràng, minh bạch. Việt Nam nên tham gia vào các tổ chức song phương hay đa phương, tận dụng nguồn lực tài chính, kinh nghiệm của các quốc gia về công nghệ, trình độ… để sớm đạt được mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.
Thứ ba, nâng cao nhận thức và phát triển thị trường của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về phát triển bền vững. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm giúp người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về vai trò, lợi ích của trái phiếu xanh cũng như tác động tích cực của nó đối với sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin minh bạch và kịp thời về thị trường trái phiếu xanh sẽ giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp có đủ dữ liệu để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý. Về cách thức thực hiện, có thể sử dụng các phương thức thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, hay các trang mạng xã hội… vốn đã trở nên quen thuộc với đại đa số người dân Việt Nam. Việt Nam nên tận dụng các kênh thông tin này để thúc đẩy hiểu biết về vai trò của trái phiếu xanh trên con đường phát triển tài chính bền vững của quốc gia.
Thứ tư, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển. Các nước như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã xây dựng được khung pháp lý chặt chẽ, hệ thống tiêu chuẩn rõ ràng và các chính sách khuyến khích mạnh mẽ nhằm thu hút nhà đầu tư vào trái phiếu xanh. Chẳng hạn, EU đã áp dụng Tiêu chuẩn Trái phiếu Xanh Châu Âu (EU Green Bond Standard - EU GBS), yêu cầu các trái phiếu xanh phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về minh bạch, báo cáo và sử dụng vốn. Trung Quốc cũng đã phát triển hệ thống phân loại tài chính xanh (Green Bond Endorsed Project Catalogue) để hướng dẫn doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc phát hành và đầu tư vào trái phiếu xanh. Việt Nam có thể học hỏi từ các mô hình này để xây dựng một hệ thống đánh giá và xếp hạng trái phiếu xanh đáng tin cậy, từ đó nâng cao tính minh bạch của thị trường. Ngoài ra, cần xem xét các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất hoặc cung cấp bảo lãnh từ chính phủ để tạo động lực cho doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư tham gia thị trường.
- Kết luận
Trái phiếu xanh đang trở thành một công cụ tài chính quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế xanh ngày càng cấp bách. Việc phát hành và phát triển thị trường trái phiếu xanh không chỉ giúp huy động nguồn vốn cho các dự án thân thiện với môi trường mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào quá trình phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu xanh vẫn đang trong giai đoạn phát triển sơ khai với nhiều tiềm năng nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Hệ thống pháp lý, cơ chế quản lý, nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư, cũng như tính thanh khoản của thị trường cần được cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát hành và giao dịch trái phiếu xanh.
Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, cần có một chiến lược tổng thể bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường sự tham gia của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của các bên liên quan, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển. Nếu được triển khai hiệu quả, thị trường trái phiếu xanh không chỉ góp phần tạo ra nguồn tài chính bền vững mà còn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và phát triển kinh tế xanh trong tương lai.
Ngô Trà My – CQ60/41.02