Thứ bảy, 07/09/2024 21:25 (GMT+7)
Thứ sáu, 02/10/2020 15:46 (GMT+7)

Phương án nào giúp ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch?

Theo dõi KTMT trên

Để làm "sống lại" sông Tô Lịch, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án quan trọng. Thế nhưng đến nay, dòng sông vẫn là nỗi ám với người dân Thủ đô.

Phương án nào giúp ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch? - Ảnh 1
Sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh minh họa: Internet)

Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Điểm bắt đầu từ phường Nghĩa Đô, thuộc quận Cầu Giấy (phía Nam đường Hoàng Quốc Việt), điểm cuối đổ ra sông Nhuệ ở đối diện làng Hữu Từ, thuộc xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì.

Trước đây, sông Tô Lịch cùng với sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét đã tạo nên hệ thống tiêu thoát nước chính của khu vực trung tâm TP.Hà Nội. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, sức ép của quá trình đô thị hóa, cùng với sự thiếu ý thức về bảo vệ môi trường, giữ gìn lòng sông, lòng sông bị thu hẹp, hành lang bảo vệ bị lấn chiếm ở nhiều đoạn, chất lượng nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng do mỗi ngày có khoảng 150.000m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống sông.

Cách đây hơn chục năm, TP.Hà Nội đã đổ ra rất nhiều tiền của để kè lại hai bờ sông, nạo vét bùn dưới lòng sông. Khi mới hoàn thành, nhiều đoạn sông đã tương đối sạch, nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn, nước thải chợ chảy ra, các hàng giết mổ trong chợ thường xuyên mang phế thải ra hất thẳng xuống lòng sông, rồi người dân đua nhau xả rác thì dòng sông lại bốc mùi hôi thối.

Theo Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, trung bình một ngày đêm sông Tô Lịch phải tiếp nhận hơn 100 nghìn m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý. Thế nên, dù được cải tạo, nạo vét và kè bờ đều đặn hằng năm, tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch vẫn được đánh giá là nghiêm trọng với các chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Chảy qua nhiều khu dân cư đông đúc, đáng ra con sông này phải là “lá phổi xanh”, tạo cảnh quan quý giá cho đô thị thì nó lại trở thành nỗi ám ảnh với người dân và du khách.

Để làm "sống lại" dòng sông Tô Lịch, thời gian qua, Hà Nội triển khai nhiều dự án quan trọng. Trong đó, nổi bật là dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m³/ngày đêm, được khởi công vào tháng 10/2016.

Phương án nào giúp ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch? - Ảnh 2
Những năm qua, từng có rất nhiều ý tưởng "hồi sinh" sông Tô Lịch. (Ảnh: Internet)

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" bằng nguồn vốn Nhật Bản cũng nhận được sự quan tâm của dư luận.

Chia sẻ với báo Gia đình & Xã hội PGS.TS NSH Hà Đình Đức cho rằng: "Ở góc độ chuyên gia và cả là góc độ người dân, tôi rất muốn dòng sông ô nhiễm Tô Lịch được cải tạo. Chỉ cần làm sạch phần nào để bớt ô nhiễm, bớt mùi hôi thối thôi, chứ chưa nói đến là "biến" sông này thành công viên hay điểm du lịch. Nếu như thực sự cải tạo được sông Tô Lịch thì đó là dấu ấn ngàn năm của Thủ đô chứ không phải là dấu ấn trăm năm".

Lý giải cho sự quan điểm của mình, PGS Hà Đình Đức cho biết, dòng sông nào cũng có vận mệnh. Tô Lịch là tên của một nhân vật lịch sử họ Tô tên Lịch, từ cách đây 2.000 năm trước công nguyên.

Trải qua các thời kỳ Đại La - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, sông Tô Lịch được biết đến là trung tâm, là cao điểm, là tiêu điểm, là tụ điểm, là linh điểm của Thủ đô.

Phương án nào giúp ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch? - Ảnh 3
Phối cảnh theo đề xuất cải tạo sông Tô Lịch. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo PGS Hà Đình Đức, ý định cải tạo sông Tô Lịch đã có từ rất lâu. Đặc biệt là cuối những năm 70, đầu những năm 80 (thế kỷ 20), Liên Hiệp quốc đã đưa ra dự án cải tạo sông Tô với hy vọng trở thành 1 con sông trong xanh, du lịch. Rồi những đề án cải tạo ở những năm 1998, 2000… nhưng tất cả đều không thành công.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, là sông là phải có dòng chảy, sông không có dòng chảy ắt là sông "chết". Muốn làm sông "sống" lại, trước tiên là phải xử lý nước thải, tiếp đến mới tạo dòng chảy.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Đặng Huy Huỳnh - nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Dòng sông Tô Lịch ở Hà Nội không chỉ là vấn đề mỹ quan, mà còn là vấn đề sức khoẻ của cộng đồng. Vì vậy, không có lý do gì mà người dân không ủng hộ việc “biến” một nguồn tài nguyên đã chết thành một nguồn tài nguyên sống.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết: “Đứng ở mặt khoa học, nhân văn và môi trường, tôi rất ủng hộ dự án này. Thực tế biến dòng sông thành điểm du lịch có yếu tố tâm linh thì các nước trên thế giới đã làm".

Tuy nhiên, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh lưu ý, việc triển khai dự án phải trên tinh thần vừa làm vừa phải học chứ không phải làm một lúc, bởi vì dòng sông Tô Lịch đã ô nhiễm trầm trọng. Việc giải quyết vấn đề này không phải một sớm một chiều.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Phương án nào giúp ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.