Thứ bảy, 07/09/2024 22:28 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/09/2020 06:08 (GMT+7)

Dự án cải tạo sông Tô Lịch: Thấy gì từ cuộc ‘hồi sinh’ sông bẩn?

Theo dõi KTMT trên

Hơn 10 năm qua, rất nhiều ý tưởng cải tạo, xử lý ô nhiễm nghiêm trọng ở sông Tô Lịch (Hà Nội) được đưa ra nhưng chưa dự án nào được chấp thuận do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, không có nguồn lực để triển khai. Các dự án gắn mác “vốn tài trợ” đã làm lơ là sự cảnh giác, khiến nhà chức trách có nguy cơ quên bản chất “tài sản công” của sông Tô Lịch.

Dở dang hàng loạt ý tưởng “tân trang” sông Tô Lịch

Mới đây, Công ty Môi trường Việt - Nhật (JVE Group) đã gửi đề xuất lên lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Hà Nội về “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Dự án cải tạo sông Tô Lịch: Thấy gì từ cuộc ‘hồi sinh’ sông bẩn? - Ảnh 1
Phối cảnh sông Tô Lịch sau cải tạo theo đề xuất của Cty JVE.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT JVE, ngoài việc thu gom nước thải ở bên ngoài và hai bên sông đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung thì cần xử lý nước bên trong lòng sông Tô Lịch bằng công nghệ sục khí Nano Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ ô nhiễm. Sông Tô Lịch sẽ được kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay. Nếu làm được điều này, dòng sông vốn ô nhiễm sẽ được “hồi sinh” đúng nghĩa với dòng sông trong xanh, có thảm thực vật hai bên bờ cùng các khu vui chơi, giải trí, bãi đỗ xe phong cách Nhật Bản và dịch vụ thuyền rồng…

Trước đó, JVE Group được biết đến là đơn vị thực hiện Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản được khởi động vào ngày 16/5/2019. Một dự án sử dụng công nghệ chưa từng xuất hiện tại Việt Nam và gây ồn ào trong suốt quá trình triển khai.

Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, sông Tô Lịch - một trong “tứ giác nước” của kinh thành Thăng Long xưa, luôn nhận đươc sự quan tâm của các nhà quản lý, giới chuyên gia, đặc biệt là các nhà đầu tư đề xuất giải pháp cải tạo dòng sông.

Hơn 10 năm trước, Công ty cổ phần Nước và môi trường Việt Nam cũng đã trình UBND TP.Hà Nội dự án “Cải tạo môi trường, cảnh quan, xây dựng các cơ sở dịch vụ công cộng và du lịch trên sông Tô Lịch” gồm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư khái toán là 255 tỉ đồng. Chủ đầu tư đề xuất xây dựng một sàn bê tông kê lên mặt sông Tô Lịch với chiều dài khoảng gần 1km để xây dựng bãi đỗ xe, nhà hàng ăn uống, ki-ốt bán hàng, chợ ẩm thực... trên mặt sông. Dự án cuối cùng không được phê duyệt do vướng phải nhiều ý kiến phản đối.

Đến tháng 7/2019, trong kỳ họp HĐND TP.Hà Nội, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm – ông Dương Đức Tuấn đã đề nghị thành phố xem xét cống hóa kết hợp xây dựng các bãi đỗ xe thông minh đối với một số con sông có tính chất kênh, mương thoát nước, trong đó có sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các đại biểu HĐND, chuyên gia, môi trường, đô thị, cấp thoát nước…

Vào tháng 11/2019, đề xuất xây dựng “lầu vọng nguyệt” dọc hai bờ sông Tô Lịch lại gây ồn ào, vấp phải ý kiến phản đối. Theo đó, UBND TP.Hà Nội xin ý kiến các nhà khoa học hoàn thiện Dự án Xây dựng trạm bơm phổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Ông Lê Minh Châu, nguyên Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội đánh giá du lịch sông Tô Lịch sẽ phục vụ cho du lịch tâm linh nối liền các chùa ở hồ Tây đến đền Voi Phục, chùa Láng… Dọc 2 bờ sông Tô Lịch sẽ xây dựng nhiều nhà chờ theo kiến trúc đẹp như các lầu vọng nguyệt ở các triều đại nhà Lê, nhà Trần, nhà Nguyễn... Song dự án được đánh giá là rất khó thu hút tiền đầu tư do không có nguồn thu.

Đề xuất dự án mới để lấp liếm sự thất bại của dự án cũ?

KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, sẽ còn có nhiều sáng kiến, đề xuất khác nhằm cải tạo và khai thác sông Tô Lịch với nhiều mục đích khác nhau. Dòng sông có chiều dài 14km, có mặt cắt từ 20 – 30m này là không gian vàng đầy hứa hẹn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư bất động sản… Và giờ, lời khẳng định ấy có lẽ không chỉ đúng với hiện tại mà còn là dự đoán cho cả tương lai.

Thực tế, các ý tưởng cải tạo, khai thác dòng sông Tô Lịch liên tiếp được đưa ra bởi các tổ chức, doanh nghiệp song đến giờ, vẫn chưa có dự án nào được phê duyệt để triển khai.

Dự án cải tạo sông Tô Lịch: Thấy gì từ cuộc ‘hồi sinh’ sông bẩn? - Ảnh 2
KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực ban chấp hành Hội KTS Hà Nội.

Theo KTS. Trần Huy Ánh, bản chất dòng sông Tô Lịch là công sản nhưng được gia tăng giá trị bằng dự án thoát nước và xử lý nước thải của Hà Nội do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA tài trợ vốn tới 1,5 tỉ USD, đang gánh vác hai nhiệm vụ chính là thoát nước và xử lý nước thải của Thủ đô. Do đó, cần làm rõ nhiều nội dung bao gồm việc các nhà đầu tư tiếp vào đó thì sẽ thành sở hữu của ai, vì lợi ích của ai? Hay dự án sau đó biến thành sở hữu tư nhân, đem lại lợi ích cho nhóm đầu tư giống như bài học xương máu của kênh thoát nước Nghĩa Đô và kênh phố Phan Kế Bính.

“Đây là bài học đau xót của sự mập mờ trong việc quản lý công sản trong quản lý đô thị, sau khi ký xoẹt các văn bản, không biết ai được lợi nhưng để khắc phục Hà Nội đã phải bỏ ra cả trăm tỉ đồng, Nhà nước không thu được lợi nhưng vừa mất tiền, vừa mất hàng chục năm khiến dư luận bức xúc. Từ những bài học đó cần loại trừ những đề xuất viển vông, không có cơ sở”, KTS. Trần Huy Ánh nói.

Nhìn lại Dự án thoát nước và xử lý nước thải do JICA thực hiện với số vốn rất lớn, sau hơn 10 năm triển khai có những hạng mục đã quyết toán xong, nhiều hạng mục đang phải chi trả rất nhiều tiền gồm kè, cống, thoát nước, nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá… Hiệu quả của dự án đã hoàn thành nhiệm vụ thoát nước và xử lý nước thải cho Hà Nội chưa khi mà mỗi đợt mưa to, cả thành phố lại ngập trong biển nước?

“Gần 300 cổng xử lý nước thải thô được đổ trực tiếp xuống sông Tô Lịch, phát tán ô nhiễm từ Bắc xuống Nam hơn 14km thì nhiệm vụ xử lý nước thải thực hiện như thế nào? Phải chăng là tiền bạc đổ xuống sông xuống biển và bây giờ đẻ ra một dự án để khỏa lấp sai lầm?”, KTS. Trần Huy Ánh đặt câu hỏi.

Cẩn trọng với nguồn vốn đầu tư “tân trang” sông Tô Lịch

Một trong những rào cản khiến nhiều dự án cải tạo, khai thác sông Tô Lịch thời gian qua chưa thể thực hiện là bài toán nguồn vốn đầu tư, nguồn thu.

Với dự án “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” mà JVE Group đang đề xuất lên Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội, các giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Trước đó, tại Dự án xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản (JEBO) từng tuyên bố sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xử lý toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây, thành công thì sẽ cho Hà Nội thuê rồi chuyển giao cho Hà Nội quản lý, vận hành.

Dự án cải tạo sông Tô Lịch: Thấy gì từ cuộc ‘hồi sinh’ sông bẩn? - Ảnh 3
Công nhân lắp tấm Bioreactor xuống khu vực thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch. (Ảnh: Báo Lao động)

Tuy nhiên, đến nay thông tin về kinh phí cho việc thực hiện Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản vẫn chưa được công bố.

Thời gian qua, JVE Group vẫn đang theo đuổi dự án cải tạo các sông, hồ ở Hà Nội với tuyên bố về công nghệ xử lý ô nhiễm hiện đại và nguồn vốn sẵn sàng.

Nhưng trước đề xuất “hồi sinh” sông Tô Lịch mới của JVE Group, KTS. Trần Huy Ánh đề nghị làm rõ thông tin về nguồn vốn đầu tư, cụ thể: vốn đầu tư xã hội hóa từ Nhật Bản là vốn tư bản hay vốn tư nhân, vốn không hoàn lại, là viện trợ hay là khoản vay ai? Ai sẽ thanh toán nợ vay…

Thực tế, từ quá trình triển khai các dự án đầu tư xã hội hoá, sự rõ ràng, minh bạch về nguồn tài chính cho một dự án quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội là rất cần thiết, đặc biệt là việc đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước, người dân, gìn giữ bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngoài ra, KTS. Trần Huy Ánh cho rằng, cần làm rõ khái niệm nội hàm của tâm linh và tôn giáo có trong dự án “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bởi Việt Nam hiện có 38 loại tôn giáo chính thức được công nhận.

Các dự án đều cần phải trải qua một quá trình, nhất là dự án có liên quan đến môi trường, đô thị, quy hoạch, bảo vệ nguồn nước, tôn giáo, di sản. Do vậy, KTS. Trần Huy Ánh tha thiết mong muốn dư luận xã hội đóng góp ý kiến về dự án do JVE đề xuất trước khi cơ quan chức năng có quyết sách chính thức nhằm bảo tồn tài sản công, bảo vệ lợi ích của cả cộng đồng và loại trừ những rủi ro trong đầu tư.

Thành lập năm 2017, JVE Group có tiền thân là Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt, trụ sở tại Tầng 30, toà tháp Lotte Hà Nội, TP.Hà Nội. Với vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỉ đồng, công ty đã tăng vốn lên 1.000 tỉ đồng với 100% vốn tư nhân. Cơ cấu cổ đông JVE Group gồm có: Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Anh chiếm đến 98% vốn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc và ông Nguyễn Đức Anh nắm 1% mỗi người.

Dự án đầu tay mà JVE Group triển khai là làm sạch nước hồ Hạnh Phúc (Hải Phòng) bằng công nghệ thiên nhiên Bakture khi hợp tác với Tập đoàn Seibu Steel Nhật Bản; hợp tác với Tổ chức JEBO thực hiện dự án dự án “Nhà máy xử lý nước thải tại chỗ bằng công nghệ Nano-Bioreactor, không dùng hóa chất”, dự án cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch”…

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Dự án cải tạo sông Tô Lịch: Thấy gì từ cuộc ‘hồi sinh’ sông bẩn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.