Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên: Nhìn lại bài học từ kênh Nhiêu Lộc
Từng một thời "khét tiếng" về dòng kênh đen kịt và hôi thối, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giờ đây đã khoác lên mình diện mạo hoàn toàn khác trở thành "công trình thế kỷ", điểm du lịch, vui chơi hấp dẫn của TP.HCM.
Cùng nhìn lại câu chuyện sông Nhiêu Lộc – Thị Nghè
Tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) giờ đây trở thành một trong những tuyến đường đẹp của TP mang tên Bác. Nước kênh giờ đây đã sạch và trong hơn, cá đã bơi lội trở lại. Thêm vào đó, các dịch vụ du lịch trên kênh như thưởng ngoạn bằng du thuyền hay dịch vụ xe bus đường thủy dọc theo dòng kênh cũng đang được TP.HCM khai thác, thu hút được đông đảo khách du lịch và nhân dân tham gia.
Để có được diện mạo con kênh như ngày hôm nay là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ thực hiện nhiều giải pháp của TP.HCM. Bởi kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng là dòng kênh hôi thối, nhếch nhác với những khu nhà ổ chuột và rác thải ngập tràn.
Tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trải dài dọc các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 1, 3 trước đây vốn là dòng kênh ô nhiễm trầm trọng. |
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chảy qua 7 quận nội thành của TP.HCM gồm: Quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp và Bình Thạnh. Trước thực trạng ô nhiễm của dòng kênh, đầu những năm 1990, lãnh đạo TP.HCM đã quyết tâm cải tạo nơi này thành một trong những điểm nhấn của TP. Từ 1993 - 1998, TP.HCM đã cho chỉnh trang dòng kênh bằng dự án giải tỏa hàng ngàn căn nhà lụp xụp ven kênh và làm hai tuyến đường song song dọc kênh.
Đến năm 2003, dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè bằng vốn vay 317 triệu USD của Ngân hàng Thế giới được triển khai với các hạng mục chính: Nạo vét bùn dưới dòng kênh; lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải; lắp đặt khoảng 70km cống thoát nước trên nhiều tuyến đường.
Theo đó, ở giai đoạn 1 của dự án, trạm bơm Nhiêu Lộc – Thị Nghè được xây dựng với quy mô 9km tuyến cống bao có đường kính 2,5 - 3m, 36 giếng chính và 59 thiết bị tách dòng để thu nước dọc kênh. Cùng với đó, một trạm bơm có lược rác với công suất 64.000m3/h và các thiết bị phụ trợ cũng được lắp đặt. Đồng thời nạo vét 1.100.000m3 đất, xây dựng 58km cống hộp và cống tròn. Nhưng do lạm phát năm 2007 - 2008, kinh phí dự án tăng vọt, nên WB cấp bổ sung thêm 90 triệu USD. Chính phủ và chính quyền TP. HCM cung cấp vốn đối ứng 68 triệu USD.
Giai đoạn 2 của dự án gồm các hạng mục: Xây một nhà máy xử lý nước thải; tiếp tục triển khai phần cống thu nước thải còn lại; xây hệ thống thoát nước quận 2. Đây là phần tiếp theo của dự án vì sẽ xử lý lượng nước thải hiện đang tạm thời đổ ra sông Sài Gòn. Kinh phí dự kiến tính khoảng 478 triệu USD.
Không dừng lại ở đó, năm 2011, khi dự án sắp đến giai đoạn nước rút, UBND TP.HCM tiến hành tiếp tục đầu tư, cải tạo nâng cấp hai tuyến đường hai bên dòng sông, biến nơi đây thành con đường đẹp nhất thành phố.
Đến tháng 6/2012, mọi nguồn nước sinh hoạt của dân đều được chảy vào trong hệ thống cống ngầm, được xử lý trước khi đổ ra sông Sài Gòn, triệt tiêu mọi nguồn gây ô nhiễm cơ bản, "hồi sinh" dòng kênh.
Từ năm 2002, TP.HCM khởi động dự án cải thiện vệ sinh môi trường. Năm 2012 dự án hoàn thành, dòng kênh được tái tạo. |
Bài học nào cho sông Tô Lịch
Với kết quả cải thiện môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của TP.HCM, một số chuyên gia đã có những phép so sánh và đưa ra đề xuất, Hà Nội nên học kinh nghiệm cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè để giải quyết vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch hiện nay.
Theo GS.TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, trong bối cảnh thiếu kinh phí, Hà Nội hoàn toàn có thể thực hiện cải tạo, chỉnh trang các con sông theo từng giai đoạn như TP.HCM đã làm với kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Tuy nhiên, về lâu dài GS.TS Đào Xuân Học cho rằng Hà Nội muốn xử lý được triệt để tình trạng ô nhiễm cho sông Tô Lịch cũng như làm "sống" lại các con sông khác, không có cách nào khác, bắt buộc phải tách riêng hệ thống thu gom nước xả thải ra khỏi dòng chảy của các con sông.
Bên cạnh đó, giải quyết xong bài toán ô nhiễm, còn là bài toán tiêu thoát, chống ngập úng cho cả thành phố. Đây là vấn đề rất lớn đòi hỏi phải có được nghiên cứu công phu, tổng thể.
GS.TS Đào Xuân Học cũng cho biết, từ lâu Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu và có chủ trương thực hiện song song, đồng nhất nhiều đề án. Ngành thủy lợi hiện đang thực hiện dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích và dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây thành phố (trạm bơm tiêu Yên Nghĩa). Với hai dự án này nguồn nước từ sông Đà, tiếp nguồn sông Tích vừa đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa bảo đảm tiêu thoát nước, phòng chống lũ cho lưu vực.
Tuy nhiên đến nay những dự án thủy lợi đang thực hiện về cơ bản đã giúp Hà Nội giải quyết được căn cơ tình trạng ngập úng, nhưng tiến độ còn ì ạch, giải ngân chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chủ trương chung.
Ông Học khẳng định, Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các ngành thủy lợi, môi trường tiến hành rà soát lại toàn bộ các vấn đề từ ô nhiễm môi trường, xử lý xả thải, cho tới vấn đề tiêu thoát, chống ngập úng để có được giải pháp tổng thể, đồng bộ, hiệu quả.
Hoài Thu