Thứ năm, 10/10/2024 23:40 (GMT+7)
Thứ bảy, 19/09/2020 07:31 (GMT+7)

Cải tạo thành công viên lịch sử - văn hóa, sông Tô Lịch có hết ô nhiễm?

Theo dõi KTMT trên

Với đề xuất mới, Công ty JVE kỳ vọng, sông Tô Lịch sẽ được hồi sinh với nước trong, cá bơi lội, hai bên bờ là những thảm thực vật, hàng cây đầy hoa lá.

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) gửi tới Thành ủy, UBND TP.Hà Nội đề xuất giải pháp tổng thể, cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

JVE Group cho rằng, theo các chuyên gia Nhật Bản, việc xây cống bao thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch mặc dù có ý nghĩa lớn trong việc thu gom nước thải không cho chảy vào sông Tô Lịch, giải quyết được vấn đề không làm gia tăng trạng thái ô nhiễm, nhưng mới chỉ giải quyết được phần ô nhiễm nước thải ở bên ngoài, còn phần bên trong lòng sông thì chưa xử lý được. Đơn vị này cho rằng, có 3 vấn đề chưa được xử lý.

Thứ nhất, mùi hôi thối do tầng bùn đáy vẫn chưa được xử lý triệt để. Thứ hai, tầng bùn đáy tích tụ trong lòng sông dù nạo vét cơ học cũng chưa xử lý được tận gốc vấn đề và vẫn có nguy cơ tái ô nhiễm. Thứ ba, nước trong lòng sông đã và đang bị ô nhiễm thì chưa xử lý được tận gốc.

Như vậy, theo phương án của JVE, sông Tô Lịch sẽ kè thẳng đứng và kè đáy. Dòng sông sẽ được hồi sinh với nước trong, cá bơi lội, hai bên bờ là những thảm thực vật, hàng cây đầy hoa lá.

Cải tạo thành công viên lịch sử - văn hóa, sông Tô Lịch có hết ô nhiễm? - Ảnh 1
Phối cảnh sông Tô Lịch sau cải tạo theo đề xuất của Công ty JVE

Không nên kè đáy sông

Trao đổi với báo Tiền phong, ông Phạm Văn Khánh, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, nói rằng, muốn làm sạch sông Tô Lịch trước hết phải thu gom nước thải sinh hoạt hai bên bờ sông. Hiện nay, việc này đang được thành phố Hà Nội triển khai.

Nước thải sau khi được thu gom sẽ được xử lý, bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Ông Khánh cho biết, trước đây, thời gian làm việc tại Sở TN&MT, ông đã có đề xuất bổ cập nước sông Hồng qua cống Liên Mạc, có bể lắng để nước trong rồi bổ cập vào Tô Lịch tạo dòng chảy, đủ điều kiện xử lý ô nhiễm dòng sông.

Cũng ông Khánh cho biết, Hà Nội đang nghiên cứu theo hướng này, tuy nhiên, nước sông Hồng sẽ vào Hồ Tây rồi mới chảy sang sông Tô Lịch. Về tổng thể, theo ông Khánh, muốn hồi sinh sông Tô Lịch, việc cần làm là thu gom nước thải, xử lý ô nhiễm lòng sông và làm cho sông chảy.

Theo ông Khánh, không nên kè đáy dòng sông, vì như thế sông sẽ giống như một mương thoát nước. “Lòng sông nên để nguyên, không nên kè đáy. Kè hai bên bờ cũng phải là kè hở. Như thế mới thuận lợi cho việc xử lý ô nhiễm”, ông Khánh nói.

Còn theo một chuyên gia lĩnh vực thoát nước ở Hà Nội cho rằng, dự án hồi sinh sông Tô Lịch phải đặt trong mối liên hệ với việc sông Tô Lịch và các dòng sông khác ở Hà Nội nằm trong dự án thoát nước Hà Nội. Theo vị này, Hà Nội đã và đang triển khai dự án thu gom nước thải, nghiên cứu các phương án làm sống lại dòng chảy sông Tô Lịch.

Năng lực của JVE có khả thi?

Trong khi đó, trao đổi với báo Dân Việt về vấn đề này, GS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, trước đây Nhật Bản cũng đã có ý kiến về việc cải tạo sông Tô Lịch, trong đó nhấn mạnh đến việc khử mùi hôi, nạo vét bùn.

"Về vấn đề ý nghĩa thì theo tôi là được, nhưng chúng ta cần phải phân tích năng lực của đơn vị này có khả năng làm được không", GS. Vũ Trọng Hồng nói.

Theo GS. Vũ Trọng Hồng, muốn cải tạo sông Tô Lịch phải có nguồn nước, nhưng hiện nay sông Tô Lịch không có nguồn nước cấp thường xuyên, chỉ khi Hồ Tây "thừa" nước thì thỉnh thoảng sẽ cho một chút, còn lại chủ yếu là nước thải. Song, nếu nguồn nước thải được thu gom đưa xuống nhà máy Yên Xá thì coi như sông Tô Lịch không còn nước.

"Tôi đã nói nhiều lần, chúng ta phải tìm được điểm để đưa được nước từ sông Hồng vào. Có thể chuyển từ sông Hồng vào Hồ Tây sau đó chuyển ra sông Tô Lịch. Tuy nhiên, vấn đề này khá khó bởi vì sông Hồng ngày càng già cỗi, mực nước ngày càng xuống thấp, trên thượng nguồn họ giữ nước, nhiều trạm bơm đã treo nên rất khó.

Hiện nay Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chưa phát biểu, chưa tìm cửa để làm trạm bơm cấp nước. Chưa ai dám khẳng định đặt trạm bơm cấp nước cho sông Tô Lịch ở đâu, Bộ NNPTNT cũng chỉ có đặt các trạm bơm tiêu, tưới nhỏ", GS. Vũ Trọng Hồng nói và nhấn mạnh "mấu chốt nhất để cho sông Tô Lịch sống lại là phải có nguồn nước cấp thường xuyên, ổn định. Ngoài ra phải xử lý ô nhiễm, cắt nguồn nước thải", GS. Vũ Trọng Hồng phân tích.

Nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam lưu ý phải xem xét kỹ việc đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Đặc biệt, Hà Nội đang có ý muốn biến sông Tô Lịch trở thành nơi thoát nước, chống ngập úng cho Thủ đô. Điều này rõ ràng có sự khác nhau trong mục đích của TP.Hà Nội.

Cải tạo thành công viên lịch sử - văn hóa, sông Tô Lịch có hết ô nhiễm? - Ảnh 2
Chuyên gia cho rằng, phải xem xét kỹ việc đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh". (Ảnh: Internet)

Còn dưới góc nhìn về văn hóa – lịch sử, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó chủ tịch Hội KHLS Việt Nam đánh giá, “nếu đề xuất ấy được triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản sẽ mang đến cho Hà Nội thêm sự hấp dẫn”.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Phạm Mai Hùng, đây cũng chỉ mới là ý tưởng nên rất khó góp ý hay đánh giá một cách đầy đủ. Chỉ là ý tưởng, đề xuất vì thế cần thận trọng khi “quảng bá” những phác thảo mô hình gắn với “con sông di sản” như thế. Từ ý tưởng, đến chủ trương, quyết định rồi triển khai thực hiện là một quá trình, đòi hỏi có sự thẩm định, đánh giá từ nhiều cấp, nhiều ngành..., chứ không thể “nhẹ nhàng” như vậy.

“Ứng xử với con sông Tô Lịch hiện nay, điều đầu tiên cũng là vấn đề mấu chốt vẫn là câu chuyện môi trường. Có xử lý dứt điểm được vấn đề môi trường của con sông chúng ta mới có thể tính đến chuyện khác. Tôi cho rằng, việc này không hề đơn giản như ai đó đã bảy tỏ sự lạc quan. Giải quyết xong bước môi trường, sau đó mới tính đến khía cạnh khác. Nếu chúng ta cứ “vẽ” ra nhưng không làm được thì ăn nói như thế nào, đấy là chưa bàn đến những phác thảo về không gian, cảnh quan lịch sử, văn hoá hai bên bờ sông. Riêng về vấn đề lớn như thế cần được nghiên cứu kỹ lịch sử, văn hoá Việt Nam nói chung, lịch sử, văn hoá Thăng Long - Hà Nội nói riêng, cùng với sự tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, qua đó mới có thể đưa ra được những phác thảo ấn tượng, cô đọng. Ví như không ai dựng lầu trên sông để ngắm cảnh và cũng không ai dựng tượng, kỳ đài trên dòng sông cả...”, PGS Phạm Mai Hùng lưu ý.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Cải tạo thành công viên lịch sử - văn hóa, sông Tô Lịch có hết ô nhiễm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới

Hà Nội 70 năm chiến đấu, kế thừa và phát huy
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 mở ra thời kỳ phát triển mới cho Thủ đô và đất nước, đây là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam.