Thứ bảy, 23/11/2024 04:12 (GMT+7)
Thứ năm, 17/09/2020 13:30 (GMT+7)

Biến sông Tô Lịch thành ‘Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh’, có khả thi?

Theo dõi KTMT trên

PGS.TS Trần Hồng Côn cho rằng, những hạng mục JVE đề xuất tốn kém tiền mà Hà Nội chưa nghĩ đến lấy kinh phí ở đâu. Do đó, nếu JVE thực hiện bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản mà làm được thì rất tốt và có thể khả thi.

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (Công ty JVE) đã gửi công văn báo cáo tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Theo JVE, sông Tô Lịch nhiều năm qua luôn bị coi là dòng sông “chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt các cơ quan chuyên môn, ban ngành của thành phố đưa ra nhiều giải pháp để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.

Chuyên gia Nhật Bản cho biết, để “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như: vấn đề thu gom nước thải; vấn đề cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; vấn đề xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; vấn đề xử lý tầng bùn đáy; vấn đề xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; vấn đề thoát nước chống ngập khi mưa bão; vấn đề bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; vấn đề phát triển du lịch...

Biến sông Tô Lịch thành ‘Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh’, có khả thi? - Ảnh 1
Mô phỏng "Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch”. (Ảnh: Internet)

Liên quan đến đề xuất này, trao đổi với báo Kiến thức, PGS.TS Trần Hồng Côn, Giảng viên khoa Hóa học trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, phương án trên tương đối hoàn chỉnh. "Lần này Công ty JVE Nhật Bản có thêm một số đề xuất, ngoài việc thu gom nước thải, cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; vấn đề xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; vấn đề xử lý tầng bùn đáy... có thêm việc xây dựng cảnh quan và hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông để đảm bảo thoát lũ, chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch. Đó là các hạng mục mà JVE đề xuất.

Những hạng mục trước, TP Hà Nội đã có nhiều thảo luận và đang thực hiện xây hai khu xử lý nước thải, có thể xử lý trên 90% nước thải từ sông Tô Lịch và đã có phương án bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch” - PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, việc Công ty JVE đề xuất như vậy là họ tận dụng hai nhà máy xử lý nước thải của TP Hà Nội đang xây dựng để xử lý nước thải. Việc nạo vét và có thể bổ cập nước từ sông Hồng. Đề xuất mới nhất của họ là xây dựng cảnh quan và hệ thống thoát nước lũ ngầm dưới lòng sông. Đây là những đề xuất mới so với những dự án của TP Hà Nội.

“Trước TP Hà Nội cũng từng đưa ra dự án thành nơi đi dạo cho người dân. JVE có thêm đề xuất Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch. Tôi nghĩ những hạng mục JVE đề xuất tốn kém tiền mà Hà Nội chưa nghĩ đến lấy kinh phí ở đâu để làm.

Do đó, nếu JVE thực hiện bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản mà làm được thì là rất tốt và hoàn toàn có thể khả thi. Giữa JVE và TP Hà Nội cần kết hợp với nhau. Những gì thành phố đã làm rồi và đã làm được thì tiếp tục làm nhưng những gì thành phố chưa làm được thì nên để JVE họ thực hiện, nếu kết hợp chặt chẽ với nhau vừa chống lãng phí, vừa có tính khả thi rất cao” - PGS.TS Trần Hồng Côn nêu ý kiến.

Nhiều năm qua, sông Tô Lịch luôn bị coi là dòng sông "chết" với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Những năm qua, hàng loạt đề xuất, biện pháp như xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm Redoxy 3C, công nghệ Nano – Bioreactor hay dẫn nước sông Hồng vào bổ cập nước cho Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch… đã được các đơn vị chức năng thử nghiệm, áp dụng. Nhưng theo nhiều chuyên gia, những biện pháp mà các đơn vị chức năng đã và đang thực hiện mới là biện pháp giải quyết phần ngọn, cái gốc của tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được xử lý.

Biến sông Tô Lịch thành ‘Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh’, có khả thi? - Ảnh 2

Hồi tháng 5 vừa qua, Hà Nội đã triển khai xây dựng hệ thống cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch, cùng Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động sẽ góp phần làm sạch môi trường cho dòng sông này.

Được biết, hệ thống cống gom nước thải dài 21 km, trong đó có hơn 11 km đi ngầm dưới lòng sông (từ đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, đến cầu Quang, huyện Thanh Trì).

Hệ cống gom nước thải dẫn về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là một trong bốn gói thầu xây lắp của dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá TP Hà Nội (Nhà máy nước thải Yên Xá đặt ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì).

Dự án được khởi công năm 2016, bao gồm một nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài trên 52 km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 16.000 tỉ đồng.

Sau bốn năm khởi công, hiện gói thầu số một xây Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang thi công bể phản ứng bùn hoạt tính, bể lắng thứ cấp, trạm bơm nước thải đầu vào, cống xả, nhà máy xử lý bùn, nhà xử lý nước tái sử dụng...

Gói thầu số 2 và 3 xây hệ thống cống gom nước thải ở sông Tô Lịch và sông Lừ được động thổ cùng ngày 18/5/2020.

Gói thầu số 4 xây hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới, hiện nhà thầu đã thi công các hạng mục đào mở (hai tuyến cống tại Học viện quân y và Khu đô thị Đại Thanh).

Hà Nội kỳ vọng khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, toàn bộ nước thải sinh hoạt xả xuống sông Tô Lịch sẽ được xử lý 100%, góp phần làm sống lại con sông này.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Biến sông Tô Lịch thành ‘Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh’, có khả thi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới