Thứ sáu, 29/03/2024 04:55 (GMT+7)
Thứ tư, 23/09/2020 06:15 (GMT+7)

Hà Nội loay hoay hồi sinh cho những dòng sông 'chết'

Theo dõi KTMT trên

Những ngày qua, dư luận xôn xao về câu chuyện một doanh nghiệp đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử - văn hoá - tâm linh Tô Lịch”. Thực tế, đây không phải là lần đầu các đề xuất, dự án cải tạo sông hồ được manh nha triển khai.

Trước khi có đề xuất trên, đã có một số dự án về cải thiện ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch, hồi sinh dòng sông này... từng tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng chưa phát huy hiệu quả thực sự. Điều này khiến dư luận một lần nữa nghi ngờ về tính khả thi của dự án.

Sau nhiều ý tưởng được thí điểm, sông Tô Lịch vẫn đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Nước sông chỉ một màu đen kèm theo bùn thải đen sì. Dọc con sông dài khoảng 15 km có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý thải ra sông gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Được biết, dòng nước đen mà Tô Lịch tiếp nhận chỉ là 1/6 lượng nước thải sinh hoạt hàng ngày ở Hà Nội. Mỗi ngày, người dân thủ đô giật bồn cầu, nấu ăn, tắm giặt... xả ra khoảng 900.000 m3 nước thải sinh hoạt. Chưa kể, còn khoảng 300.000 m3 nước thải công nghiệp, y tế, làng nghề. Hơn 2.000 cơ sở sửa chữa, rửa xe, kinh doanh xăng dầu thải trực tiếp dầu, mỡ ra hệ thống thoát nước.

Nước thải sinh hoạt mang theo cặn bã hữu cơ, xà phòng, hóa chất, kim loại nặng và vi trùng gây bệnh đổ vào cống chung của thành phố. Chảy qua hệ thống cống rãnh chằng chịt cho đến khi ra mương, sông, nước chuyển màu đen. Lượng dầu mỡ trong nước luôn dao động 0,5-2,5 mg/l, cao hơn quy định cho phép 2-3 lần. Dòng nước ô nhiễm chảy về trạm bơm và bơm ra sông Hồng, sông Đáy, gây ảnh hưởng đến các nhà máy nước sạch khu vực hạ lưu.

Hà Nội loay hoay hồi sinh cho những dòng sông 'chết' - Ảnh 1
Sau nhiều ý tưởng được thí điểm, sông Tô Lịch vẫn đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. (Ảnh: Internet)

Không chỉ sông Tô Lịch, cùng với quá trình đô thị hóa, tình trạng ô nhiễm sông, hồ Hà Nội ngày càng đáng báo động. Theo thống kê năm 2019 của Công ty Thoát nước Hà Nội, chỉ 22% nước thải được gom qua nhà máy xử lý; 78% còn lại xả thẳng ra sông hồ, kênh mương.

TP.Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với 122 hồ nội thành, 185 hồ ngoại thành và 13 con sông chảy qua. Các sông, hồ có tác dụng rất lớn trong việc điều hòa, hỗ trợ hệ thống thoát nước đô thị, tránh úng, ngập cục bộ. Không những thế, các hồ trong nội đô khi gắn kết với không gian kiến trúc xung quanh, tạo nên bản sắc riêng cho Hà Nội.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các sông, hồ đều bị ô nhiễm nặng. Theo số liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Nội), chất lượng nước các dòng sông nội đô, như Kim Ngưu, Tô Lịch, Sét, Nhuệ, Lừ..., hàm lượng amoni, coliform, phosphat… đều vượt quy chuẩn cho phép.

Hà Nội loay hoay hồi sinh cho những dòng sông 'chết' - Ảnh 2
Sông Kim Ngưu cũng ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Internet)

Thời gian qua, Thành phố đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, tình trạng ô nhiễm của các con sông. Có thể kể đến như xử lý ô nhiễm sông, hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C hay như tại sông Tô Lịch, hàng loạt các thí điểm đã được triển khai nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt của dân cư các quận, huyện ven sông và nước thải sản xuất của khu, cụm công nghiệp chưa được qua xử lý xả thẳng vào sông. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng đổ rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng trực tiếp vào dòng sông…

Nhiều chuyên gia cho rằng, đến nay, Hà Nội vẫn “loay hoay” trong việc cải thiện chất lượng ô nhiễm của các dòng sông là do còn lúng túng trong việc lựa chọn giải pháp do chưa có một quy hoạch, kế hoạch thực hiện rõ ràng.

Theo một số chuyên gia, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc kiểm soát và xử lý tốt nguồn nước thải sẽ làm giảm bớt ô nhiễm sông, hồ trong thành phố.

Bởi vậy, chính quyền các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng, cần nhìn nhận đó là vấn lâu dài và bắt buộc phải thực hiện từng bước, nhưng phải thực hiện đến cùng. Sau khi đẩy nhanh xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, có thể huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải dọc các sông, và đồng thời sử dụng những công nghệ, phương pháp xử lý ô nhiễm hiện đại để có thể cải thiện chất lượng nước của các sông.

Chia sẻ với báo Người lao động, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, cho rằng giải pháp căn cơ cho vấn đề ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội là phải xử lý được nguồn nước thải.

"Hầu hết các sông, hồ ở Hà Nội ô nhiễm là do nguồn nước thải đổ thẳng vào, nếu chính quyền quyết tâm xử lý ô nhiễm thì phải xử lý được nguồn nước thải, nếu không sẽ không có cách nào giải quyết triệt để được" - TS Đào Trọng Tứ khẳng định.

Theo TS Đào Trọng Tứ, nhiều nước trên thế giới đặt nặng vấn đề xử lý nước thải đầu nguồn. Các gia đình đều có hệ thống xử lý nước thải, sau đó mới đổ ra sông, hồ. Chính quyền đặt vấn đề đô thị lên hàng đầu, nếu công trình nào không có hệ thống xử lý nước đạt tiêu chuẩn thì sẽ không được xây dựng. Nếu Hà Nội đặt quyết tâm xử lý ô nhiễm thì về lâu dài phải áp dụng các biện pháp "rắn" như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, như xử lý nước thải từ đầu nguồn các gia đình, công ty…

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội loay hoay hồi sinh cho những dòng sông 'chết'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.