Vừa mở cửa, ngành du lịch đối mặt bài toán khó khăn nào?
Khi mà Việt Nam chủ trương mở cửa du lịch không giới hạn, bình thường hóa mọi hoạt động để phục hồi kinh tế, thì ngành du lịch lại rơi vào cảnh thiếu nhân lực trầm trọng.
Sau khi mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, nhiều đoàn khách quốc tế bắt đầu đến với Việt Nam. Ngành du lịch bắt đầu sôi động trở lại với nhiều hi vọng tốt đẹp. Tạm gác lại câu chuyện về cơ chế chào đón du khách đến với Việt Nam và ngược lại, điều mà nhiều doanh nghiệp du lịch lo lắng hơn cả đó là vấn đề về nhân sự.
Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), tính đến cuối năm 2019, cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng công việc có liên quan. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát liên tiếp khiến xu hướng nghỉ việc trong ngành này tăng cao và dịch chuyển sang các ngành nghề khác.
Kết quả khảo sát tháng 5/2021 của TAB cho thấy, 18% doanh nghiệp du lịch đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc. Hiện tại, khi mà Việt Nam chủ trương mở cửa du lịch không giới hạn, bình thường hóa mọi hoạt động để phục hồi kinh tế, thì ngành du lịch lại rơi vào cảnh thiếu nhân lực trầm trọng.
Bài toán khó
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Bùi Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch cho biết, đại dịch Covid-19 đã "nhấn chìm" hoàn toàn du lịch quốc tế nên 90% số hướng dẫn viên phân khúc thị trường này lâm vào cảnh thất nghiệp. Hướng dẫn viên nội địa cũng nghỉ việc, chuyển nghề với số lượng lớn để kiếm kế sinh nhai, duy trì cuộc sống.
"Khi dịch Covid hành hoành, gần như toàn bộ hướng dẫn viên bị mất việc làm. Ví dụ như Quảng Ninh, phần lớn là hướng dẫn viên tiếng Trung, khi không có việc làm họ đành phải ngậm ngùi đi tìm công việc khác để duy trì cuộc sống, có người đi làm shipper, có người đi dạy học, có người đi chạy xe ôm...
Gần đây Hội có tiến hành khảo sát thì khoảng 60 - 70% anh chị em hướng dẫn viên vẫn sẵn sàng quay trở lại nghề sau khi mở cửa hoàn toàn ngành du lịch. Một số người khi rẽ sang hướng công việc khác lại thấy phù hợp hơn và không có ý định quay lại làm du lịch.
Tuy nhiên, có một vấn đề đó là sau khi nghỉ một thời gian quá dài thì nghiệp vụ của đội ngũ hướng dẫn viên cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Trước thực tế đó, theo tôi cần triển khai các lớp đào tạo nghiệp vụ, giúp đội ngũ hướng dẫn viên hoàn thiện kỹ năng, để có thể phục vụ du khách một cách tốt nhất", ông Dũng chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch, mùa cao điểm khách du lịch Quốc tế đến Việt Nam vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11, đặc biệt là khách Tây Âu. Còn ở thời điểm hiện tại, thì như trước đây du khách Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ đông. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi du khách Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn bị hạn chế do quy định xuất nhập cảnh của hai nước này vẫn còn khá khắt khe.
"Trong thời gian tới, khách du lịch quốc tế sẽ không tăng nhanh một cách đột biến mà sẽ tăng một cách từ từ. Do đó, lực lượng hướng dẫn viên vẫn tạm thời đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ khách du lịch đến với Việt Nam trong tương lai gần", ông Dũng nhận định.
Trăn trở trước bài toán nguồn nhân lực cho ngành du lịch, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, nỗi lo lớn nhất là hiện tượng "chảy máu chất xám", nhiều lao động khi chuyển sang lĩnh vực khác, không còn mặn mà với ngành du lịch.
Vốn dĩ nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch đã thiếu, sau đại dịch Covid lại càng ít hơn. Trong bối cảnh hình thái du lịch và quan niệm du lịch đang thay đổi thì bản thân nguồn nhân lực trong ngành này cũng phải thay đổi, từ đó mới có thể thu hút được du khách.
"Các đơn vị du lịch và trung tâm đào tạo cần có sự liên kết trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực; bổ sung thêm kỹ năng mới trong khâu đào tạo; có chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao quay trở lại làm việc", ông Bình lưu ý.
Các chuyên gia đều cho rằng, nguồn lực lao động là một trong những bài toàn khó mà các địa phương, doanh nghiệp cần gấp rút có phương án để sẵn sàng cho việc đón khách.
Nỗi lòng người trong cuộc
Chia sẻ với Phóng viên, ông Hà Tiến Anh - Giám đốc khách sạn Nhật Linh (Sapa, Lào Cai) cho biết, bản thân ông và đội ngũ nhân viên đã phải rất vất vả mới có thể chống chọi được tới thời điểm hiện tại.
"Sau bao ngày chờ đợi thì cuối cùng ngành du lịch cũng mở cửa hoàn toàn. Thời điểm khó khăn nhất đã qua đi, hi vọng hoạt động du lịch sớm được phục hồi trở lại như thời điểm trước dịch", ông Tiến Anh bày tỏ.
Ngay khi nhận được thông tin mở cửa du lịch, Giám đốc khách sạn Nhật Linh đã bắt tay ngay vào công tác tuyển dụng nhân sự để sẵn sàng đón du khách tới Sapa. Thế nhưng, việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn.
"Sau khi hoạt động du lịch bị đóng băng do dịch bệnh, khách sạn đã phải cắt giảm tối đa nhân sự, bây giờ phải tuyển dụng lại gần như toàn bộ. Những nhân viên trước đây hầu hết đã chuyển sang nghề khác để kiếm sống.
Những người gắn bó với nghề, có chuyên môn cao thì cuộc sống đã ổn định và việc mời gọi họ quay lại ngành du lịch, dịch vụ là rất khó khăn. Mặc dù đã đưa ra rất nhiều đãi ngộ hấp dẫn nhưng họ có vẻ không mặn mà.
Tuyển dụng nhân sự mới thì gần như phải đào tạo họ từ đầu để phù hợp với phong cách làm việc và văn hóa của khách sạn, điều này mất rất nhiều thời gian và công sức, trong khi khách sạn phải chạy đua để tránh tuột mất thời điểm vàng đón khách du lịch. Còn nếu tuyển dụng nhân sự bừa bãi không có chọn lọc, để xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng đến uy tín mà khách sạn mất công xây dựng trong một thời gian dài", ông Tiến Anh tâm sự.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Công ty du lịch VietFoot Travel chia sẻ, đội ngũ nhân sự cũ của công ty vẫn bị ảnh hưởng thói quen làm việc cũ chưa tiếp cận được với hình thái du lịch mới, trong khi lực lượng lao động mới tuyển lại thiếu kinh nghiệm thực tế.
Theo ông Hùng, để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, các đơn vị du lịch và trung tâm đào tạo cần có sự liên kết trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực, bổ sung thêm kỹ năng mới trong khâu đào tạo, đồng thời có chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao quay trở lại làm việc.
"Để sẵn sàng cho mở cửa du lịch, công ty đã tổ chức tuyển dụng, đào tạo lại một lực lượng lớn nguồn nhân lực ở các lĩnh vực bán hàng, điều hành, tiếp thị để xây dựng các gói sản phẩm phục vụ cho du lịch nội địa, outbound (đưa khách đi du lịch nước ngoài), inbound (đón khách quốc tế).
Mặc dù chúng tôi đã dành thời gian đào tạo nguồn nhân sự mới, song kết quả cũng chỉ tuyển lựa được vài vị trí như ý. Một trong những hạn chế của lực lượng nhân sự hiện nay là thiếu các kỹ năng mềm về ứng dụng công nghệ, xử lý tình huống", ông Hùng nói.
Chính quyền các địa phương, Hiệp hội Du lịch và Trung tâm Dịch vụ việc làm đang thực hiện nhiều chương trình nhằm tuyển dụng, ưu đãi, mời gọi nhân lực quay lại với ngành du lịch; mở những lớp đào tạo miễn phí về phục vụ nhà hàng, buồng phòng, lễ tân… để có đủ nguồn lao động, đảm bảo chất lượng phục vụ.
Tại Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức hội nghị chuẩn bị điều kiện mở cửa phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô năm 2022, trong đó nhấn mạnh giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành Du lịch. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, định hướng trong việc xây dựng sản phẩm đặc thù của Hà Nội, Sở luôn sát cánh cùng các đơn vị kinh doanh du lịch tổ chức các buổi đào tạo nguồn nhân lực, nhằm xây dựng đội ngũ lao động chất lượng, chuyên nghiệp cho du lịch Thủ đô.
Tại Quảng Nam, để giải bài toán thiếu hụt nguồn lao động cho ngành du lịch, dịch vụ khi Hội An mở cửa đón khách trở lại, thời gian qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã kết nối với Hiệp hội Du lịch thành phố Hội An và Trung tâm Dịch vụ việc làm mở những lớp đào tạo miễn phí về phục vụ nhà hàng, buồng phòng, lễ tân… đảm bảo chất lượng phục vụ.
Hoàng Hải