Thứ sáu, 26/04/2024 13:41 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/04/2022 19:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 22/4

Theo dõi KTMT trên

Nắng nóng gia tăng trong tháng 5; Không sử dụng động vật hoang dã biểu diễn xiếc; Tổng thư ký LHQ kêu gọi hành động bảo vệ Mẹ Trái Đất; Động đất ở Kon Tum bất thường, cần thiết lập ngay 10 trạm quan trắc... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 22/4.

Nắng nóng ở Bắc Bộ gia tăng trong tháng 5

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia vừa đưa ra nhận định xu thế thời tiết các khu vực trên cả nước từ 22/4 đến 20/5. Theo đó, khu vực Bắc Bộ, Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện nắng nóng trên diện rộng trong những ngày tới. 

Trong 10 ngày cuối của tháng 4, từ khoảng ngày 23/4, tại khu vực vùng núi phía Tây thuộc Bắc và Trung Trung Bộ, có khả năng xuất hiện nắng nóng trên diện rộng; từ khoảng ngày 24-26/4 nắng nóng có khả năng mở rộng ra hầu khắp các khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, khu vực phía Tây Bắc Bộ và một số nơi ở phía Đông Bắc Bộ.

Trong khoảng cuối tháng 4 sang đầu tháng 5/2022, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định rãnh thấp xích đạo có khả năng được thiết lập trên vùng biển phía Nam khu vực Biển Đông và tiềm ẩn nguy cơ hình thành các vùng nhiễu động trên dải thấp xích đạo này.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 22/4 - Ảnh 1
Khu vực Bắc Bộ, Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện nắng nóng trên diện rộng trong những ngày tới. 

Số ngày nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng gia tăng trong tháng 5/2022; tuy nhiên, nhiều khả năng số ngày nắng nóng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trong cả thời kỳ dự báo, nhiệt độ trung bình trên cả nước đều có xu hướng thấp hơn từ 0,0-0,5 độ C, riêng khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ thấp hơn từ 0,5-1,0 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, do có mưa rào trong những ngày tới, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 4/2021.

Cụ thể, trong 10 ngày tới, ở thượng nguồn sông Mê Công và khu vực Nam Bộ, có mưa rào và dông rải rác, thời gian có mưa chủ yếu về chiều tối; mưa tập trung nhiều hơn trong khoảng thời gian từ ngày 25-28/4, cục bộ có thể xảy ra mưa dông mạnh kèm theo lốc sét và gió giật mạnh trong cơn dông.

Không sử dụng động vật hoang dã biểu diễn xiếc

Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa bàn giao 4 con gấu cuối cùng của rạp xiếc cho Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam nhằm thực hiện cam kết không sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn.

Trước đó, trong thư gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên minh châu Á vì động vật (AFA) viện dẫn báo cáo của Tổ chức Động vật châu Á cho biết, hiện có 19 loài động vật khác nhau đang được sử dụng để biểu diễn tại các rạp xiếc ở Việt Nam, trong đó, có cả những loài được xếp vào mức độ nguy cấp, có rất nhiều cá thể bị nuôi nhốt trái phép.

Trước khuyến nghị này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có lộ trình chuyển từ động vật hoang dã sang vật nuôi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này gặp không ít khó khăn và những ý kiến trái chiều. Việc sân khấu vắng bóng thú hoang dã mà thay bằng những loài động vật quen thuộc như chó, mèo, lợn, gà… khiến nhiều người vẫn chưa thể thích nghi.

Trái lại, cũng có những khán giả cảm thấy bất ngờ và thích thú khi những con vật không ai nghĩ tới như lợn, dê, trâu, vẹt… lại có thể làm xiếc. Đặc biệt, thế hệ khán giả trẻ khá ủng hộ việc chuyển đổi này, bởi đây là một bước tiến lớn trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và môi trường.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 22/4 - Ảnh 2
Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa bàn giao 4 con gấu cuối cùng nhằm thực hiện cam kết không sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn.

Tuy nhiên, với đặc thù loài thú nuôi thường nhỏ bé về ngoại hình nên các tiết mục cần phải tăng số lượng thú để lấp đầy khoảng rộng của sân khấu. Từ đó, đòi hỏi các đoàn xiếc phải bổ sung nhân lực, cơ sở vật chất để đảm bảo vừa chăm sóc các “diễn viên không nói” một cách chu đáo, vừa huấn luyện các “diễn viên” biểu diễn được trọn vẹn.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động bảo vệ Mẹ Trái Đất

Trong thông điệp nhân Ngày quốc tế Mẹ Trái Đất 22/4, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định tình trạng khủng hoảng chồng khủng hoảng gồm biến đổi khí hậu, sự biến mất của môi trường tự nhiên và tình trạng ô nhiễm, đòi hỏi thế giới phải có hành động mạnh mẽ hơn.

"Trái Đất đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng cùng lúc, gồm biến đổi khí hậu, sự mất đi của môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học cùng tình trạng ô nhiễm chất thải toàn cầu. Điều này đang đe dọa hạnh phúc và sự tồn tại của hàng triệu người."

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng "các trụ cột" của cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh gồm nước sạch, không khí trong lành, khí hậu ổn định và có thể dự đoán được đang bị xáo trộn khiến "các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới đang lâm nguy."

Tin tức môi trường nổi bật ngày 22/4 - Ảnh 3
Trái Đất đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng cùng lúc, gồm biến đổi khí hậu, sự mất đi của môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học cùng tình trạng ô nhiễm chất thải toàn cầu.

Theo Tổng thư ký, chúng ta đã thu nhỏ lỗ thủng tầng ozon, mở rộng các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã và hệ sinh thái, chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu pha chì, ngăn chặn hàng triệu ca tử vong sớm. Bên cạnh đó, tháng trước, một nỗ lực toàn cầu mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn và chấm dứt ô nhiễm nhựa đã được khởi động.

Hướng tới cuộc họp Stockholm+50 dự kiến diễn ra vào tháng 6, người đứng đầu Liên Hợp Quốc kêu gọi "hãy đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo của chúng ta mang tham vọng và hành động cần thiết để giải quyết tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng đối với hành tinh. Bởi vì chúng ta chỉ có một Mẹ Trái Đất. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ”.

Quảng Trị: Ký kết hợp tác phát triển các giải pháp khí hậu tự nhiên

Ngày 21/4, UBND tỉnh Quảng Trị và Công ty Eni Việt nam (Italia) đã tổ chức Lễ ký kết về việc hợp tác triển khai các giải pháp khí hậu tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

Mục đích của bản ký kết hợp tác triển khai các giải pháp khí hậu tự nhiên bao gồm: Ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng; các hoạt động thúc đẩy việc sử dụng rừng bền vững và nâng cao trữ lượng carbon rừng; bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái, bao gồm các vùng đất ngập nước và các hệ sinh thái ven biển như rừng ngập mặn; cải thiện việc phục hồi đất và quản lý đất bền vững; các hoạt động thúc đẩy quá trình hấp thụ carbon thông qua quản lý đất nông nghiệp bền vững (còn được gọi là nông nghiệp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu) và quản lý đồng cỏ; các giải pháp khí hậu tự nhiên khác góp phần giảm thiểu phát thải khí carbon và hấp thụ carbon, đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học và mang lại lợi ích chung cho cộng đồng.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 22/4 - Ảnh 4
Quảng Trị và Công ty Eni Việt nam (Italia) tổ chức Lễ ký kết về việc hợp tác triển khai các giải pháp khí hậu tự nhiên.

Được biết, trước khi diễn ra lễ ký kết hợp tác, đoàn của Công ty Eni Việt Nam đã có chuyến khảo sát thực tế tại các vùng trồng rừng và phát triển rừng bền vững trên địa bàn Quảng Trị. Qua đó, các thành viên trong đoàn đã ghi nhận người dân địa phương được hưởng lợi rất nhiều từ việc tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng, đây là một trong những yếu tố cải thiện đáng kể đến đời sống của nhiều bộ phận dân cư.

Đồng thời, sau việc ký kết, hai bên xác định khu vực rừng tiềm năng để đưa ra chứng chỉ carbon có chất lượng cao để tiếp tục triển khai các nội dung khác liên quan.

Động đất ở Kon Tum liên tiếp bất thường, đề xuất thiết lập ngay 10 trạm quan trắc

Những ngày qua, khu vực huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra các trận động đất. Chỉ tính từ tháng 4/2021 đến nay, khu vực Kon Plông đã ghi nhận khoảng 180 trận động đất, gấp hơn 5 lần tổng số động đất xảy ra trong suốt thời gian từ 1903 đến 2020.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KH&CN) cho rằng, "Cần phải thiết lập ngay mạng trạm quan trắc động đất (khoảng 10 trạm) tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận để phục vụ thông tin, số liệu về động đất".

Từ đó, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về độ nguy hiểm và rủi ro động đất với khu vực huyện Kon Plông. Đồng thời cũng cần rà soát, đánh giá về công tác thiết kế kháng chấn với các dự án thủy điện và các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 22/4 - Ảnh 5
Từ tháng 4/2021 đến nay, khu vực Kon Plông đã ghi nhận khoảng 180 trận động đất, gấp hơn 5 lần tổng số động đất xảy ra trong suốt thời gian từ 1903-2020.

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, tại Việt Nam động đất không quá lớn và thường xuyên như một số quốc gia khác. Nhưng 2 năm gần đây, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận được hàng trăm trận động đất có độ lớn trên 2,5 và rất nhiều động đất nhỏ khác xảy ra trên lãnh thổ nước ta.

Cũng theo ông Xuân Anh, không chỉ ở Kon Tum, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền về động đất cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa ở các địa phương. Bởi trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những nước đã xảy ra nhiều trận động đất và dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Bộ Chính trị tổ chức hội nghị thực hiện nghị quyết phát triển vùng ĐBSCL

Hôm nay (22/4), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hiện nay, về địa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh, Việt Nam chia thành sáu vùng, gồm vùng trung du và miền núi Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 22/4 - Ảnh 6
Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII.

Mỗi vùng đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng. Khắc phục tình trạng tỉnh nào cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi riêng, không phù hợp với những nguyên tắc chung cơ bản của kinh tế thị trường là thống nhất và bình đẳng.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị các khóa trước đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng và giao cho Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình hành động và các cơ chế, chính sách phù hợp với từng thời kỳ. Qua đó đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, đồng thời coi đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của mỗi vùng và cả nước.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 22/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới