Tin tức môi trường nổi bật ngày 21/4
Kon Tum lại ghi nhận liên tiếp 3 trận động đất trong sáng nay; Miền Bắc và miền Trung chuẩn bị đón nắng nóng diện rộng; Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 21/4.
Kon Tum lại ghi nhận liên tiếp 3 trận động đất trong sáng nay
Thông tin từ Viện Vật lý địa cầu, vào rạng sáng 21/4, trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã xảy ra 3 trận động đất, gây rung lắc ở một số vùng. Nâng tổng số trận động đất trong một năm trở lại đây tại huyện này lên 173 trận.
Cụ thể, vào hồi 04 giờ 12 phút 48 giây (giờ Hà Nội) ngày 21/4, một trận động đất có độ lớn 2.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.711 độ vĩ Bắc, 108.490 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Vào hồi 1 giờ 05 phút 23 giây (giờ Hà Nội) ngày 21/4, một trận động đất có độ lớn 2.9 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.816 độ vĩ Bắc, 108.325 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.6 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Vào hồi 0 giờ 55 phút 28 giây (giờ Hà Nội) ngày 21/4, một trận động đất có độ lớn 3.2 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.808 độ vĩ Bắc, 108.310 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.3 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Theo ông Trần Văn Nết - Chủ tịch UBND xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trong các trận động đất diễn ra vào rạng sáng nay, tại trung tâm xã, ông cảm nhận được có sự rung lắc từ 2 trận động đất gây ra. So với các trận động đất vào ngày 18-4, các trận động đất sáng nay có mức độ rung nhẹ hơn.
Cũng theo ông Nết, các trận động đất được ghi nhận thời gian qua chưa xảy ra thiệt hại trên địa bàn. Tuy nhiên, động đất khiến người dân hoang mang, lo lắng. UBND xã đã trấn an người dân yên tâm sinh hoạt, lao động, sản xuất.
Không chỉ gia tăng về tần suất, động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông còn có xu hướng mạnh dần. Trong đó trận động đất ngày 18/4 có độ lớn 4.5, là trận động đất lớn nhất ở khu vực này từ trước đến nay.
Miền Bắc và miền Trung chuẩn bị đón nắng nóng diện rộng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ khoảng ngày 23/4, tại khu vực vùng núi phía Tây thuộc Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện nắng nóng trên diện rộng.
Từ khoảng ngày 24 - 26/4, nắng nóng có khả năng mở rộng ra hầu khắp các khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, khu vực phía Tây Bắc Bộ và một số nơi ở phía Đông Bắc Bộ.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa; khoảng ba, bốn ngày cuối tháng 4/2022 các khu vực này có khả năng xuất hiện mưa rào và dông gia tăng trở lại.
Số ngày nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng gia tăng trong tháng 5/2022; tuy nhiên nhiều khả năng số ngày nắng nóng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Dự báo từ ngày 21/4 đến 20/5, nhiệt độ trung bình trên cả nước đều có xu hướng thấp hơn từ 0 - 0,5 độ C, riêng khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ thấp hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa ở hầu khắp các khu vực trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 30%; riêng phía Đông Bắc Bộ ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Hướng tới giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn ĐBSCL
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong giai đoạn của mùa khô 2021-2022, xâm nhập mặn diễn ra sớm, vào sâu nội địa do nước thượng nguồn giảm.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xu thế xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong mùa khô năm 2022 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Ngay từ tháng 2/2022, tại các một số điểm thuộc các tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre... ranh mặn 4g/l (không dùng tưới cho cây ăn quả) đã xâm nhập sâu 50-65 km vào vào nội đồng khu vực nói trên làm ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của người dân.
Đề cập đến nguyên nhân gây ra xâm nhập mặn tại ĐBSCL, Tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho biết, nguyên nhân chính gây ra xâm nhập mặn đối với ĐBSCL là vào các năm có thời tiết, khí hậu cực đoan, cường độ cực đoan càng mạnh, thời gian cực đoan càng kéo dài, không gian cực đoan càng mở rộng thì thiệt hại kinh tế - môi trường càng lớn. Ngoài nguyên nhân chính, còn có các nguyên nhân phụ trợ khác tham gia tạo xâm nhập mặn tại khu vực trên như tác động của thượng nguồn, biến động môi trường, mức độ gia tăng của việc dùng nước trong sản xuất và đời sống,…
Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 sẽ ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học…
Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên cần làm là chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường thông qua thực hiện phân vùng môi trường, nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quản lý dựa trên giấy phép môi trường.
Nhiệm vụ tiếp theo là giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường. Theo đó, sẽ tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị; Tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại; Tăng cường xử lý nước thải, đẩy mạnh kiểm soát, quản lý, bảo vệ môi trường nước và các lưu vực sông; Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, phục hồi các khu vực bị ô nhiễm hóa chất tồn lưu, bảo vệ môi trường đất; Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; Tiếp tục cung cấp nước sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường và ngăn chặn các yếu tố môi trường có hại cho sức khỏe con người.
Chú trọng việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, thu gom và xử lý chất thải nhựa để từ sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch; sau năm 2030 dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa…
TP. Thanh Hóa: Xử phạt Công ty Cường Thịnh 180 triệu đồng do vi phạm về xây dựng
Do xây dựng công trình không đúng với quy hoạch được duyệt tại dự án Khu đô thị Xanh - Khu Nam trung tâm TP.Thanh Hóa thuộc phường Đông Sơn, phường Đông Vệ, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Cường Thịnh đã bị UBND TP.Thanh Hóa xử phạt 180 triệu đồng.
Theo đó, UBND TP.Thanh Hóa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3093/QĐ-XPHC đối với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Cường Thịnh (Công ty Cường Thịnh). Do đơn vị đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là xây dựng công trình không đúng với quy hoạch được duyệt tại dự án Khu đô thị Xanh - Khu Nam trung tâm TP.Thanh Hóa thuộc phường Đông Sơn, phường Đông Vệ (TP.Thanh Hóa).
Hình thức xử phạt, phạt tiền mức phạt là 180.000.000 đồng, buộc Công ty Cường Thịnh phá dỡ công trình xây dựng không đúng với quy hoạch xây dựng được duyệt. Thời gian khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định này. Mọi chi phí tổ chức thi hành khắc phục hậu quả do Công ty tự chi trả.
UBND TP.Thanh Hóa yêu cầu Công ty Cường Thịnh nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định, nếu quá thời hạn Công ty không tự nguyện chấp hành thì xã bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. UBND phường Đông Vệ phối hợp với Đội Kiểm tra quy tắc đô thị thành phố giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định này.
Đan Mạch đề xuất đánh thuế carbon doanh nghiệp để đáp ứng mục tiêu khí hậu
Mới đây, chính phủ Đan Mạch đã đề xuất áp dụng mức thuế 1.125 crown Đan Mạch (164,21 USD) cho mỗi tấn carbon dioxide.
Bộ trưởng Thuế Đan Mạch Jeppe Bruus cho biết, sáng kiến này nhằm đảm bảo các công ty góp phần làm biến đổi khí hậu phải trả tiền cho lượng khí thải của chính họ. chính phủ cũng đề xuất chi 7 tỷ crown để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi xanh, qua đó giảm nguy cơ doanh nghiệp chuyển ra nước ngoài để tránh thuế carbon.
Với mức thuế carbon được đề xuất là 1.125 crown Đan Mạch/1 tấn carbon dioxide tương đương sẽ cắt giảm 3,7 triệu tấn lượng khí thải carbon mỗi năm vào năm 2030.
Chính phủ Đan Mạch cho biết, mức giá dự kiến cho giấy phép carbon của Liên minh châu Âu (EU) năm 2030 là 750 crown/tấn và sẽ được áp dụng đối với các ngành công nghiệp nặng và lĩnh vực năng lượng. Đối với các công ty nhỏ hơn không thuộc hệ thống buôn bán khí thải của EU, chính phủ cũng đề xuất mức thuế 750 crown/tấn.
Những đề xuất trên có thể giúp Đan Mạch, một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, đạt được mục tiêu năm 2030 là cắt giảm 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 1990.
Lan Anh