Đắk Lắk ban hành chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường
UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ môi trường nhằm giải quyết các vấn đề trọng điểm, cấp bách về môi trường,…
Nội dung chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan truyền thông, các đơn vị, các doanh nghiệp, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực, địa bàn quản lý tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện tốt các nội dung:
Tiếp tục xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các chỉ thị, nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, quy định pháp luật của nhà nước về bảo vệ môi trường theo lĩnh vực, ngành, địa bàn quản lý.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, sự tham gia thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường. Lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong thực hiện các mô hình, chương trình, kế hoạch. Từng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tiếp tục đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức trách nhiệm và chuyển biến trong hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên tại cơ quan, đơn vị, địa bàn mình phụ trách.
Đẩy mạnh xây dựng cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn. Chú trọng công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, lồng ghép các vấn đề môi trường, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo định hướng xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và bền vững. Kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan thân thiện với môi trường. Áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng; tăng tỷ lệ cây xanh ở khu vực đô thị và nông thôn, công trình, dự án. Theo dõi diễn biến chất lượng môi trường; tăng cường các hoạt động xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống khu vực đô thị và nông thôn. Lựa chọn các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả, tiên tiến để triển khai, nhân rộng tạo thành phong trào tại địa phương, chú trọng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường.
Nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải; hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư, cụm dân cư nông thôn đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Giảm thiểu chất thải, triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải, hạn chế xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp, tăng cường thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Thu gom, xử lý bao bì đụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật thải bỏ, chất thải nguy hại đúng quy định; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải phát sinh do dịch bệnh truyền nhiễm đúng quy định. Xây dựng cơ chế, giải pháp thu hút đầu tư các dự án xử lý chất thải có công nghệ hiện đại, tận thu được tài nguyên, năng lượng từ chất thải; đẩy mạnh xã hội hoá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.
Đảm bảo sự phối hợp thống nhất, hiệu quả giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện quy trình thủ tục thẩm định chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, thẩm định công nghệ, thẩm định quy hoạch chi tiết, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và các quy trình thủ tục liên quan để kịp thời sàng lọc, loại bỏ các dự án có công nghệ lạc hậu, phát sinh nhiều chất thải, hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng thấp, không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách vệ sinh môi trường và sức chịu tải môi trường, không đảm bảo quỹ đất xây dựng công trình xử lý chất thải. Phải đảm bảo các dự án đầu tư được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đảm bảo thời điểm cấp giấy phép môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi pháp pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thực hiện tốt công tác sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân tích cực trong bảo vệ môi trường; chú trọng khen thưởng các mô hình hay, các gương điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong thực hiện, nhất là trong nhân dân để tạo thành phong trào rộng lớn trong toàn tỉnh; phê bình đối với các tổ chức, cá nhân, các địa phương, hộ gia đình thiếu nghiêm túc, còn nhiều hạn chế trong thực hiện.
Lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong triển khai Quy hoạch tỉnh và thực hiện nhiệm vụ. Chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao làm đầu mối tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; các chỉ thị, nghị quyết, quy định pháp luật của nhà nước và của tỉnh về bảo vệ môi trường; tiếp tục tham mưu triển khai Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp điều kiện của tỉnh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Phối hợp và hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức đoàn thể, cơ quan truyền thông xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông về môi trường gắn với các mô hình giảm thiểu phát thải rác thải nhựa; việc vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; sản xuất, sử dụng các vật liệu truyền thống để thay thế các sản phẩm từ nhựa; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn và các mô hình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan liên quan tham mưu giải pháp đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.
Công khai danh sách các cơ sở sản xuất phải lắp đặt, đã lắp đặt, chưa lắp đặt thiết bị quan trắc liên tục tự động liên tục trên cổng thông tin điện tử của đơn vị. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở chưa hoàn thành việc lắp đặt phải khẩn trương hoàn thành lắp đặt và truyền dữ liệu quan trắc liên tục tự động trước ngày 31 tháng 12 năm 2024 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Tổ chức rà soát, hướng dẫn các dự án đầu tư mới, các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Công khai thông tin kết quả đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường, tình hình vi phạm pháp luật môi trường của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; tham mưu thu hồi giấy phép môi trường theo quy định đối với các trường hợp chậm thực hiện các biện pháp khắc phục các hành vi vi phạm.
Chủ động theo dõi, giám sát kết quả quan trắc đối với nguồn thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; giám sát hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; tổ chức lấy mẫu đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu xả thải trái phép.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định. Thường xuyên theo dõi các phản ánh về môi trường qua đường dây nóng để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định.
Hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thu thập thông tin và đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (chỉ số PEPI) để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đánh giá, xếp thứ hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương.
Thanh Tùng