Thứ sáu, 03/05/2024 15:15 (GMT+7)
Thứ tư, 11/10/2023 14:07 (GMT+7)

Kết nối Nông dân - Hợp tác xã - Doanh nghiệp là “then chốt” để sầu riêng Đắk Lắk phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Vụ sầu riêng Đắk Lắk 2023 được xem là “thắng lớn”, nhưng vấn đề nhiễu loạn giá khiến việc kết nối sản phẩm của nông dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, thắt chặt mối quan hệ giữa Nông dân-Hợp tác xã-Doanh nghiệp cần được xây dựng đồng bộ hơn.

Rủi ro khi giá thành không ổn định

Theo đánh giá của Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, vụ sầu riêng năm nay được mùa và giá tốt, thậm chí mức giá thu mua đến cuối vụ vẫn cao, đến 60.000 đồng/kg sầu riêng Dona loại A. Giá sầu riêng cao đã đem lại nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, mặt trái của việc tăng giá "bất thường" với những lần ngã giá “trên trời” đã gây ra những nguy cơ rủi ro cho cả doanh nghiệp (DN) và người nông dân.

Theo ghi nhận, ngay từ đầu mùa vụ đã có rất nhiều thương lái, kể cả người nước ngoài và “cò” sầu riêng "thổi" giá lên đến 90.000 đồng/kg - 100.000 đồng/kg mua xô tại vườn, cao gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái. Điều này khiến nhiều nhà vườn lưỡng lự trong việc ký kết hợp đồng mua bán, thậm chí là phá hợp đồng, nhận chốt giá bên ngoài thay vì với đơn vị liên kết của DN và hợp tác xã (HTX).

Bà Bùi Thu Phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ bền vững Tấn Khang (huyện Cư M’gar) cho biết, trước tình trạng đẩy giá mua cao của các lái buôn, có tới 80% thành viên không chốt bán sản phẩm cho HTX mà bán ra ngoài, bởi so với giá của HTX ở thời điểm trái đẹp mà chốt xô là 75.000 đồng/kg thì giá ngoài đã chốt tới 95.000 đồng/kg. Việc chênh lệch giá rất cao như vậy khiến các vườn thành viên so sánh và cân nhắc.

Kết nối Nông dân - Hợp tác xã - Doanh nghiệp là “then chốt” để sầu riêng Đắk Lắk phát triển bền vững - Ảnh 1
Giá sầu riêng Đắk Lắk cao bởi có hiện tượng thổi giá, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người nông dân và doanh nghiệp (Báo CAND)

Trước hiện tượng giá sầu riêng tăng đột biến như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế đã đặt ra nghi vấn: Liệu đó có phải là giá tốt hay chỉ là giá gây nhiễu loạn thị trường? Việc thiếu liên kết, hợp đồng rõ ràng tiềm ẩn nhiều rủi ro như nông dân "bẻ" cọc, bên mua có thể sẽ thuê giang hồ bảo kê, không cho chủ vườn cắt bán cho người khác; nông dân bị động không xuất vườn được đúng vụ, khi đã vào điểm cuối mới nhận ra giá đòi hỏi quá cao. Khi các thương lái nước ngoài chỉ chấp nhận giá mua sầu riêng chất lượng cao chưa đến 105.000 đồng/kg, mức giá bán đến 90.000 đồng/kg của bà con nông dân coi như “phá sản”. Đến hiện tại, nhiều khu vực sầu riêng của người dân mới được thu hoạch, và giá bán giảm xuống còn dưới 60.000 đồng/kg, thua hụt lợi nhuận đều nghiêng về nông dân.

Bên cạnh đó, các DN có đầu tư chiều sâu, đồng hành với nông dân từ đầu bị vỡ kế hoạch vì giá thu mua quá cao. Việc đơn hàng không được xuất đúng hạn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng tỉnh Đắk Lắk nói riêng, sầu riêng Việt Nam nói chung trên thị trường xuất khẩu. 

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đánh giá: “Nếu như cứ chạy theo giá cả thì việc phát triển bền vững, liên kết lâu dài sẽ bị coi nhẹ và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bán ngay trong vụ này, cũng như việc phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng”. Vì vậy, cần đánh giá, xem xét lại mối quan hệ cung - cầu giữa thương mại và sản xuất cũng như thắt chặt mối quan hệ giữa Nông dân - Hợp tác xã - Doanh nghiệp.

Giải pháp nào để phát triển sầu riêng bền vững?

Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, giữ vững quan hệ cung - cầu, kết nối giữa người nông dân và các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu, hình thành những hợp đồng hợp tác bao tiêu sản phẩm, cùng chăm sóc mùa vụ và giữ giá tốt cho nhau, là then chốt cần được bảo đảm nếu muốn sầu riêng của tỉnh phát triển ổn định. 

Theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm: “Chuỗi liên kết giữa Nông dân - Hợp tác xã - Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và đưa sản phẩm ra thị trường. Để chuỗi liên kết phát triển bền vững, ba chủ thể này cần phải phối hợp nhịp nhàng với nhau.”

Vậy nên, người nông dân cần được tập huấn và thấu đạt hơn nữa quan hệ canh tác nông nghiệp chất lượng cao, để tin tưởng và kết nối chắc chắn với các DN đầu mối xuất khẩu. Đồng thời, cần tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn người nông dân nắm vững kỹ thuật, thời điểm nào bán giá thời điểm đó, sẽ thuận lợi và chủ động hơn, thay vì cứ chạy theo giá thị trường, không phân biệt được giá thật và giá "ảo".

Kết nối Nông dân - Hợp tác xã - Doanh nghiệp là “then chốt” để sầu riêng Đắk Lắk phát triển bền vững - Ảnh 2
Nông dân cần nắm vững kỹ thuật, thời điểm nào bán giá thời điểm đó, thay vì cứ chạy theo giá thị trường

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp truyền thống cần kiên định với những tiêu chí trung thực, minh bạch cho hai bên cung cầu. Xử lý nghiêm những vi phạm hợp đồng mới có thể điều tiết, định hướng được chuẩn mực các hợp đồng hợp tác. 

Chỉ khi bản thân người nông dân có các hợp đồng bảo đảm từ DN thu mua, sẽ an tâm đầu tư canh tác và chấp nhận những yêu cầu, tiêu chí về quá trình sản xuất thời vụ, tuân thủ đúng những quy định kiểm soát kèm theo. Bản thân các DN đầu tư chế biến xuất khẩu cũng có đủ niềm tin để bao tiêu, hỗ trợ sản xuất cho người nông dân, ổn định kế hoạch sản xuất, chủ động từ nhân lực đến máy móc chế biến,…

Có như vậy, câu chuyện “nhập nhèm” giá mua bán sẽ không còn nữa, vấn đề bị thao túng trên thị trường tiêu thụ sẽ phải chấm dứt, và quan hệ chuyên canh chuyên sâu của nông dân được khẳng định rõ ràng hơn, cũng như việc kết nối quan hệ cung-cầu đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Nhất là mang lại hiệu quả kinh tế, giảm rủi ro và giữ vững được thương hiệu sầu riêng của Đắk Lắk.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”, Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, DN ngồi lại với nhau. Bên cạnh đó, các DN cũng cần chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác.

Uy Tín

Bạn đang đọc bài viết Kết nối Nông dân - Hợp tác xã - Doanh nghiệp là “then chốt” để sầu riêng Đắk Lắk phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới