Đắk Lắk: Quy hoạch hướng đến không gian sinh thái-bản sắc-kết nối sáng tạo
Vừa qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp chuyên đề lần thứ 11, nổi bật là việc ban hành Nghị quyết về việc thông qua Hồ sơ trình phê duyệt và các nội dung của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk trở thành tỉnh có “Không gian sinh thái-bản sắc-kết nối sáng tạo”. Là một trong những tỉnh thành nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước, quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước.
Quy hoạch tỉnh nêu rõ định hướng phát triển tỉnh Đắk Lắk dựa trên 3 nền tảng đặc trưng cơ bản: Nền tảng sinh thái "Đất-Nước-Rừng”; Nền tảng bản sắc văn hóa Tây Nguyên; Nền tảng kinh tế xanh, tuần hoàn. Đồng thời, thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên với một không gian xanh - hiện đại - văn minh, đô thị thông minh - cửa ngõ của vùng Tây Nguyên hội nhập với khu vực và quốc tế.
Được biết trước đó, tỉnh đã tham vấn ý kiến về Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhóm chuyên gia đánh giá ĐMC nhấn mạnh, khi triển khai thực hiện Quy hoạch, cần hết sức lưu ý đến các giải pháp để giảm thiểu các tác động tích lũy tiêu cực, đặc biệt chú trọng đến các vấn đề: Ô nhiễm và suy thoái chất lượng đất; áp lực gia tăng chất thải rắn; suy thoái các hệ sinh thái và suy giảm đa dạng sinh học;... cũng như tỉnh cần quan tâm đến việc Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ chất lượng không khí, cần bổ sung về nội dung quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên,...
Khi quy hoạch được thực hiện, đòi hỏi các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư phải chú trọng thực hiện đầy đủ tất cả các giải pháp giải quyết các vấn đề môi trường, đặc biệt chú trọng đến công tác nâng cao năng lực quản lý môi trường cho các cơ quan quản lý theo chức năng. Đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm.
Bên cạnh đó, về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội theo cấu trúc không gian “một trọng điểm-ba cực-ba hành lang-ba vùng”. Cụ thể, một trọng điểm là thành phố Buôn Ma Thuột và phụ cận, là đô thị đi đầu trong phát triển các ngành kinh tế mới, chuyển đổi số gắn với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa theo hướng xanh-sinh thái-thông minh-bản sắc trên nền tảng ứng dụng công nghệ số và quá trình chuyển đổi.
Đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk định hình rõ nét các chức năng ở nhiều cấp độ quốc tế, quốc gia, vùng Tây Nguyên. Tập trung phát triển xứng tầm trên một số chức năng riêng có của tỉnh như; Thành phố cà phê thế giới; Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp quốc tế; Trung tâm văn hóa vùng Tây Nguyên; Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Đặc biệt, theo quy hoạch tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021-2030 là 11%; đến năm 2030, cơ cấu kinh tế của tỉnh là: Nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,6%; công nghiệp xây dựng chiếm 39,5%; dịch vụ chiếm 35%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,9%; GRDP bình quân đầu người đạt 131 triệu đồng…
Phát biểu kết thúc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, đối với các Nghị quyết liên quan đến đầu tư công và Chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh và các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khẩn trương triển khai để bảo đảm giải ngân vốn đầu tư đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
“Tổ chức công bố theo quy định nhằm tuyên truyền sâu rộng nội dung quy hoạch đến các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân biết, đồng thuận và thực hiện hiệu quả, đồng bộ, tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững.” bà Huỳnh Thị Chiến Hòa cũng nhấn mạnh.”
Uy Đạt