Thứ bảy, 23/11/2024 05:35 (GMT+7)
Thứ ba, 19/04/2022 21:20 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/4

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc, miền Trung sắp đón nắng nóng diện rộng; Động đất tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có xu hướng mạnh dần; Quảng Trị: Hàng loạt cây gỗ rừng lớn ở huyện Đakrông bị đốn hạ… là những tin tức môi trường nổi bật ngày 19/4.

Miền Bắc, miền Trung sắp đón nắng nóng diện rộng

Thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ thứ 6 tuần này (22/4), nắng sẽ xuất hiện trên diện rộng ở Bắc và Trung Bộ. Thời tiết dần chuyển ít mây, ngày nắng mạnh. Nhiệt độ cao nhất sẽ tăng dần từ 27-30 độ.

Khoảng thứ Bảy (23/4), vùng áp thấp phía Tây có xu hướng phát triển và mở rộng về phía Đông nên các tỉnh vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 33-35 độ.

Từ Chủ nhật (24/4), nắng nóng có khả năng mở rộng ra hầu khắp khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Bắc và Trung Bộ với nhiệt độ phổ biến 34-36 độ. Đỉnh điểm của đợt nắng nóng đầu tiên trong năm nay là ba ngày 25-27/4 với mức nhiệt cao nhất ở đồng bằng Bắc Bộ và Tây Bắc phổ biến 33-35 độ (Hòa Bình có thể trên 36 độ), Bắc Trung Bộ 34-36 độ (riêng vùng núi Bắc Trung Bộ từ 35-37 độ, có nơi trên 38 độ).

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/4 - Ảnh 1
Từ thứ 6 (22/4), nắng nóng sẽ xuất hiện trên diện rộng ở Bắc và Trung Bộ, nhiệt độ cao nhất sẽ tăng dần từ 27-30 độ.

Đỉnh điểm sẽ là ngày 25 đến 27/4, với mức nhiệt cao nhất ở Đồng bằng Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ phổ biến 33-35 độ C, tại Hòa Bình có thể trên 36 độ C, Bắc Trung Bộ 34-36 độ C, riêng vùng núi 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C" - Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định.

Trong đợt nắng nóng này, cần đề phòng với mưa dông dễ đi kèm sấm sét, gió giật mạnh và lốc xoáy.

Với tia cực tím, trong hôm nay và 2 ngày tới, các tỉnh thành phổ biến đều có nguy cơ gây hại cao và rất cao. Riêng các tỉnh miền Bắc và Hạ Long, Huế ngày 20-4 có nguy cơ gây hại trung bình.

Dự báo trong năm nay nắng nóng ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng cũng không gay gắt và kéo dài như năm 2020-2021, tuy nhiên vẫn cần đề phòng các đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt vào chính hè.

Động đất tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có xu hướng mạnh dần

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, diễn biến động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum diễn ra phức tạp, trong đó có một trận động đất với độ lớn 4.5 độ richter. Ban Chỉ đạo tổ chức cuộc họp để nhận diện tình hình động đất biến động, tìm hiểu nguyên nhân, khả năng thiệt hại và các giải pháp ứng phó cho chính quyền và người dân vùng động đất,...

Từ tháng 4/2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần suất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Cụ thể, trong năm 2021 đến nay ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ M >=2.5 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đặc biệt trong các ngày 15-18/4/2022 đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận động đất với độ lớn M = 2.5 đến 4.5.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/4 - Ảnh 2
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có xu hướng mạnh dần.

“Trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên, tuy nhiên chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực”, ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.

Phó ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, khu vực xung quanh huyện Kon Plông và tỉnh Kon Tum có nhiều hồ chứa, đặc biệt nhiều hồ xung yếu và nhiều hồ đã tích đầy nước. "Việc này đặt ra bài toán đảm bảo an toàn cho người dân đang sinh sống tại khu vực hạ du các hồ chứa trong trường hợp xảy ra những yếu tố bất thường, đặc biệt là động đất", ông Trần Quang Hoài nói.

Ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh, việc cảnh báo diễn biến động đất có độ trễ. Nếu xảy ra tình huống khẩn cấp, thời lượng trễ này là thời gian vàng để cơ quan chức năng ứng phó. Do đó, ông đề nghị Viện Vật lý địa cầu tăng cường kết hợp với đơn vị quản lý thủy điện và các địa phương để cung thấp thông tin nhanh chóng hơn.

Lào Cai: "Rét nàng Bân" khiến nhiệt độ tại Sa Pa xuống thấp 10,5 độ C

Giám đốc Đài KTTV tỉnh Lào Cai Lưu Minh Hải cho biết, do ảnh hưởng của đợt rét "nàng Bân," sáng sớm 19/4, nhiệt độ tại một số địa phương trong tỉnh giảm sâu.

Trước đó, vào đêm 18/4, không khí lạnh ảnh hưởng đến Lào Cai đạt ngưỡng mạnh nhất. Nhiệt độ tại các địa phương giảm xuống mức cực tiểu trong đợt lạnh này.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/4 - Ảnh 3
"Rét nàng Bân" khiến nhiệt độ tại Sa Pa xuống thấp 10,5 độ C. (Ảnh minh họa)

Lúc 7 giờ ngày 19/4, Trạm khí tượng thành phố Lào Cai quan trắc được nhiệt độ thấp nhất 18,9 độ C; Phố Ràng (Bảo Yên) còn 18,6 độ C; vùng núi Bắc Hà chuyển rét đậm với 14,5 độ C; Sa Pa chìm trong rét hại với 10,5 độ C.

Đây là đợt rét "nàng Bân" thứ hai tràn xuống miền Bắc nước ta tính từ đầu tháng Tư đến nay.

Trước đó, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, tại Lào Cai đã có một đợt rét "nàng Bân" sâu. Vào ngày 3/4, tại Sa Pa ghi nhận được nhiệt độ thấp nhất giảm xuống còn 5 độ C.

Theo Đài KTTV tỉnh Lào Cai, dự báo ngày và đêm 19/4, không khí lạnh ảnh hưởng đến Lào Cai có cường độ ổn định, sau suy yếu. Theo đó, nhiệt độ các địa phương ít biến đổi rồi tăng trở lại.

Đêm 19/4, vùng thấp nhiệt độ nhích lên 19-21 độ C, vùng cao từ 15-17 độ C, Khu du lịch Quốc gia Sa Pa vẫn rét nhất, với nhiệt độ là 11-13 độ C.

Quảng Trị: Hàng loạt cây gỗ rừng lớn ở huyện Đakrông bị đốn hạ

Ngày 19/4, ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, cho biết huyện đã nắm bắt thông tin về vụ phá rừng tự nhiên với quy mô lớn trên địa bàn xã Đakrông và đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan vào cuộc điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, lực lượng chức năng vừa phát hiện tại hai Tiểu khu 699 và 708 có hàng loạt cây gỗ có đường kính từ 20-80cm bị đốn hạ.

Những cây gỗ lớn bị xẻ thành phách đưa ra khỏi rừng, chỉ còn lại gốc, ngọn, bìa gỗ, mùn cưa. Có những thân cây đường kính lớn từ 50cm-80cm bị cắt phần gốc, cưa xẻ, vẫn còn nguyên cành, nhánh chưa được đưa ra khỏi hiện trường. Cây có đường kính nhỏ hơn nằm ngổn ngang.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/4 - Ảnh 4
Hàng loạt cây gỗ rừng lớn ở huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) bị đốn hạ. (Nguồn: laodong.vn)

Theo ông Trần Đại Đức, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông, từ ngày 5/4 qua giám sát vệ tinh và một số nguồn thông tin, Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo cán bộ kiểm tra và đến ngày 12/4 phát hiện một số diện tích rừng tự nhiên bị phá.

Khu vực rừng bị chặt phá thuộc 2 Tiểu khu 699 và 708, một phần thuộc quản lý của xã Đakrông và cộng đồng dân cư. Cây bị chặt phá là rừng tự nhiên, gỗ rừng thuộc nhóm 7-8, diện tích bị chặt phá rất lớn.

Tuy nhiên đến nay, đơn vị vẫn chưa xác định được cụ thể diện tích do phải qua quá trình đo đếm cụ thể để phân loại rừng.

Sau khi kiểm tra và phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng nói trên, Hạt Kiểm lâm huyện đã báo cáo vụ việc đến Ủy ban Nhân dân huyện Đakrông.

“Hiện Hạt Kiểm lâm huyện và các cơ quan liên quan đang điều tra, xác minh các đối tượng phá rừng,” Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông cho biết.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 19/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới