Tăng cường giám sát, kiểm soát chất lượng môi trường nước tại các lưu vực sông
Các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường biện pháp giám sát, kiểm soát nguồn thải ra các lưu vực sông; chủ động giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh, nhất là chương trình phối hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm nước sông liên tỉnh vào mùa khô.
Cạnh tranh về nguồn nước ngày càng gay gắt hơn
Theo kết quả Chương trình quan trắc môi trường các lưu vực sông, trong giai đoạn 2016-2020, phần lớn chất lượng nước trên các lưu vực sông lớn như: Lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Mã, Vu Gia - Thu Bồn… duy trì ở mức tốt, trong đó tại nhiều sông, đoạn sông, nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Kết quả tính toán chỉ số chất lượng nước (WQI) dựa trên kết quả quan trắc trung bình năm giai đoạn 2016-2020 tại 9 lưu vực sông cho thấy, chất lượng môi trường trên các lưu vực sông ở nước ta chủ yếu ở mức “trung bình” đến “tốt”. Cục bộ vẫn còn một số khu vực chất lượng nước ở mức kém.
Đáng lo ngại, đối với các điểm nóng về môi trường nước trên các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, hay trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vẫn chưa được cải thiện. Cụ thể, lưu vực sông Hồng -Thái Bình, điểm nóng nhất về ô nhiễm chất lượng nước là hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải của các địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương có chiều dài là 200 km.
Những năm gần đây, tình trạng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước ở nước ta xảy ra ngày càng nhiều. Trong đó, cạnh tranh giữa sử dụng nguồn nước cho phát điện và các nhu cầu tiêu thụ nước khác, nhất là cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du một số lưu vực sông lớn như sông Hồng, sông Vu Gia - Thu Bồn…
Thực tế, việc chuyển nước của một số công trình tạo ra nhiều tác động tích cực cho các lưu vực được nhận chuyển nước là điều không thể phủ nhận, không chỉ bổ sung một lượng nước đáng kể cho các lưu vực này để cấp cho các hoạt động sản xuất, cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt,... mà còn góp phần tạo nguồn nước đáng kể để phát triển tiềm năng thủy điện trên các lưu vực.
Tuy nhiên, có một số công trình chuyển nước chưa thực sự xem xét đầy đủ việc tác động đến chế độ thủy văn, nguồn nước, cũng như ảnh hưởng đến các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du, các lưu vực sông bị chuyển nước, đã và đang có những tác động không nhỏ đến các hệ sinh thái và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực,... đã làm gia tăng áp lực cấp nước cho hoạt động phát triển công nghiệp và các nhu cầu cấp nước đô thị ở khu vực hạ lưu, đặc biệt là vào mùa khô của các lưu vực sông bị chuyển nước.
Thực tế này càng làm tăng nguy cơ khan hiếm nước và dẫn đến cạnh tranh về nguồn nước ngày càng gay gắt hơn, sâu sắc hơn. Cạnh tranh về nước không còn đơn thuần chỉ xảy ra giữa các ngành dùng nước trên một lưu vực sông mà còn xảy ra ngay cả trong cùng một ngành sử dụng nước, đặc biệt là mâu thuẫn trong sử dụng nước giữa thượng và hạ lưu của lưu vực.
Tình trạng thiếu nước không chỉ xảy ra với sản xuất nông nghiệp, mà còn cho nhiều nhu cầu khác như cấp nước sinh hoạt, bảo đảm lượng dòng chảy cần thiết để bảo vệ lòng sông, giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản và đẩy mặn,... Ở những vùng, những lưu vực sông đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra cạnh tranh giữa các ngành, các địa phương dùng nước thì việc phân bổ, chia sẻ sao cho bảo đảm nguyên tắc công bằng và sử dụng nguồn nước hiệu quả là yêu cầu quan trọng để giải quyết mâu thuẫn. Do đó, ở những vùng này cần được quan tâm, làm sớm công tác quy hoạch, phân bổ tài nguyên nước.
Kiên quyết đóng cửa cơ sở xả thải gây ô nhiễm môi trường
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại phiên chất vấn về nội dung liên quan đến vấn đề nước thải gây ô nhiễm môi trường các lưu vực sông Nhuệ - Đáy và vấn đề ô nhiễm của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải của các đại biểu Quốc hội.
Theo đó, để kiểm soát vấn đề xả nước thải gây ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, Bộ TN&MT sẽ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sớm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xả chất thải trực tiếp ra sông.
Đồng thời, cơ quan này sẽ kiên quyết không cấp phép cho các dự án có xả nước thải ra môi trường mà nước thải không đạt tiêu chuẩn ở mức cao nhất và sẵn sàng đề nghị đóng cửa đơn vị, cơ sở vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, về lâu dài, các địa phương tập trung hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch. Từ đó, thực hiện việc tách nước thải để xử lý tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông; tăng cường hướng hợp tác công - tư, xã hội hóa trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải. Đồng thời, địa phương nào gây ô nhiễm chính chịu trách nhiệm chính trong xử lý ô nhiễm lưu vực sông. Ngoài ra, cần xây dựng các cụm công trình trạm bơm nước để bổ sung nguồn nước vào sông Nhuệ - Đáy, Bắc Hưng Hải để tạo dòng chảy, giảm ô nhiễm…
Bàn về các giải pháp, Ths Phạm Thị Thùy, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) cho rằng, Bộ TN&MT, các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; quản lý tài nguyên nước. Cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan về quản lý các nguồn thải và chất lượng môi trường nước bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hài hòa với luật pháp quốc tế. Cần hoàn thiện quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, nhất là các hành vi vi phạm nghiêm trọng về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Ngoài ra, ngành tài nguyên nước cần sớm xây dựng nhóm chính sách, công cụ để tính toán được sức chịu tải của môi trường nước sông làm căn cứ cấp phép xả vào các nguồn nước; quy hoạch, phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường đồng bộ, thống nhất…
Đối với các lưu vực sông trên lãnh thổ Việt Nam, chính quyền các địa phương cần tăng cường biện pháp giám sát, kiểm soát nguồn thải ra các lưu vực sông: sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, sông Hồng - Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn…, và các dòng sông đã bị ô nhiễm trên phạm vi cả nước; chủ động giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh, nhất là chương trình phối hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm nước sông liên tỉnh vào mùa khô.
Xác định được tầm quan trọng của nguồn nước đối với sự phát triển của quốc gia, những năm gần đây các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước đặc biệt là quy định về việc bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông được đổi mới, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển đất nước.
Trao đổi về vấn đề này, ông Châu Trần Vĩnh (Phó Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước) cho rằng, cần phải có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, công trình ngầm, công trình cấp, thoát nước, công trình khai thác khoáng sản, nhà máy điện, khu chứa nước thải và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các công trình khác có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Đồng thời cần quy định đối với những dòng sông, đoạn sông bị sạt, lở hoặc có nguy cơ bị sạt, lở bờ, bãi sông, cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nguyên nhân gây sạt, lở, đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục và báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác.
Lan Anh