Thứ bảy, 23/11/2024 06:28 (GMT+7)
Thứ hai, 18/04/2022 20:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/4

Theo dõi KTMT trên

Trong 4 ngày, Kon Tum xảy ra gần 20 trận động đất; Thời tiết có xu hướng ấm lên từ ngày 21/4; Ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai năm 2022... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 18/4.

Trong 4 ngày, Kon Tum xảy ra gần 20 trận động đất

Sáng 18/4, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã xảy ra 2 trận động đất chỉ cách nhau khoảng 9 phút, đây là ngày thứ 4 liên tiếp địa phương này xảy ra động đất.

Cụ thể, Trận thứ nhất xảy ra vào lúc 6 giờ 13 phút 21 giây, có độ lớn 2.5 độ Richter. Trận thứ hai vào hồi 6 giờ 22 phút 3 giây, có độ lớn 2.9 Richter. Cả 2 trận động đất này đều có độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Hiện, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Tiếp đó, theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, vào 14 giờ 19 phút chiều nay (18-4), một trận động đất có độ lớn 3.6 đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Trận động đất xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.727 độ vĩ Bắc, 108.442 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Theo Viện Vật lý địa cầu, đây là trận động đất thứ 5 xảy ra trong ngày hôm nay tại khu vực này.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/4 - Ảnh 1
Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum trưa 18/4. (Ảnh: Viện vật lý địa cầu)

Trước đó, trong 3 ngày liên tiếp (từ ngày 15 đến 17/4), huyện Kon Plông đã hứng chịu tổng cộng 10 trận động đất. Các trận động đất này có độ lớn từ 2.5 đến 3.4 độ Richter; độ sâu tiêu chấn từ 8 đến 10km và đều không gây rủi ro về thiên tai.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), cho biết đây là hiện tượng động đất kích thích, do hoạt động của con người gây ra, cụ thể là hoạt động của thủy điện.

"Hiện tượng này khá phổ biến. Khi thủy điện hoạt động thì phải thực hiện tích nước hồ chứa để vận hành phát điện. Nếu lòng hồ nằm trên khu vực có những đứt gãy, là những vết nứt trên vỏ rắn vỏ Trái Đất và vẫn có hoạt động lẻ tẻ thì sẽ gây ra động đất. Động đất kích thích không phải tự nhiên gây ra mà do những tác động dồn nén do con người gây ra do hoạt động thủy điện" - ông Phương nói.

Để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum, vào sáng mai, 19-4, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các công ty quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đặc biệt là thủy điện Thượng Kon Tum.

Thời tiết có xu hướng ấm lên từ ngày 21/4

Theo Trưởng Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng, tình hình mưa, lạnh ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ chấm dứt trong ngày 21/4, một số khu vực mưa nhỏ, lượng mưa và cường độ mưa giảm dần. Từ ngày 21/4, thời tiết có xu hướng ấm lên.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/4 - Ảnh 2
Từ ngày 21/4, thời tiết ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có xu hướng ấm lên.

Được biết, tháng 4 là giai đoạn chuyển mùa. Mặt khác, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Các khu vực trong cả nước cần đề phòng các hiện tượng mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trước tình hình mưa dông, các chuyên gia khuyến cáo, khi trời mưa dông có thể kéo theo gió mạnh, ngập nước, thậm chí là lốc xoáy và sét đánh gây nguy hiểm. Người dân nên cẩn thận với các thiết bị điện, điện tử trong nhà bằng việc không sử dụng điện thoại có dây, điện thoại bàn khi trời mưa có sấm sét vì điện thoại có thể là nguyên nhân dẫn đến sét đánh...

Để ứng phó với diễn biến mưa dông và khắc phục hậu quả thiên tai, ngày 18/4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Các tỉnh khu vực miền núi chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển.

Ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai năm 2022

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ký ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 của Bộ.

Kế hoạch được ban hành nhằm giúp Bộ chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/4 - Ảnh 3
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Theo đó, nhiệm vụ chung của Kế hoạch là nhằm triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật KTTV , Luật phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn Luật; tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển ngành KTTV và các quy hoạch, đề án, dự án nhằm hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV và công nghệ dự báo.

Triển khai thực hiện các kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến công tác phòng, chống thiên tai: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP; Kế hoạch thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn; Kế hoạch hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP; Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW; Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg.

Xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định về quản lý tài nguyên biển

Sáng 18/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì cuộc họp xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Đối với Nghị định số 40/2016/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 2 Điều 8 theo hướng quy định rõ hơn về đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm và cách xác định trong một số trường hợp đặc thù; thời hạn điều chỉnh; chỉnh sửa, bổ sung quy định về thẩm quyền xác định, công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm; một số quy định về cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại giấy phép nhận chìm ở biển theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2020 – 2025.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/4 - Ảnh 4
Xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định về quản lý tài nguyên biển và trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý II/2022. 

Đối với Nghị định số 11/2021/NĐ-CP, sẽ bổ sung Quyết định chủ trương đầu tư là văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân; Quy định về các trường hợp không phải thực hiện giao khu vực biển; các trường hợp phải thực hiện thủ tục chấp thuận; Quy định rõ hơn về đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý và cách xác định trong một số trường hợp đặc thù.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nghiên cứu, xây dựng các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2016/NĐ-CP và Nghị định 11/2021/NĐ-CP đối với những vấn đề cấp bách cần khẩn trương ban hành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức họp Tổ biên tập, Ban soạn thảo xây dựng Nghị định. Trên cơ sở ý kiến tại cuộc họp Tổ biên tập, Ban soạn thảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, ký gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương; đăng dự thảo lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi vào khoảng giữa tháng 5 và trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý II/2022. 

Số người thiệt mạng do lũ lụt tại Nam Phi tiếp tục tăng

Theo Reuters, số người thiệt mạng do lũ lụt ở tỉnh này trong tuần vừa qua đã lên tới con số 443 người.

Đây là đợt mưa lớn nhất trút xuống KwaZulu-Natal trong 60 năm qua và gây thiệt hại nghiêm trọng nhất trong lịch sử Nam Phi. Cơ quan Phòng, chống thiên tai tỉnh KwaZulu-Natal gọi trận lũ lụt này là một trong những “thời khắc đen tối nhất” trong lịch sử tỉnh.

Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/4 - Ảnh 5
Đây là trận mưa lớn nhất trút xuống KwaZulu-Natal trong 60 năm qua và gây thiệt hại nghiêm trọng nhất trong lịch sử Nam Phi.

Giới chức Nam Phi cho biết đã lập các quỹ cứu trợ khẩn cấp để hỗ trợ hàng chục nghìn người hiện không có nơi ở, điện và nước, sau khi trận lũ lịch sử cuốn trôi nhà cửa, đường sá, cướp đi sinh mạng của hơn 400 người tại các địa phương dọc bờ biển miền Đông đất nước. Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Enoch Godongwana cho biết, chính phủ đã sẵn sàng chi 1 tỷ rand (khoảng 68,3 triệu USD) cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp ban đầu.

Các nhà khoa học cho rằng, khu vực bờ biển Đông Nam châu Phi đang dễ bị tổn thương hơn trước các cơn bão lớn và lũ lụt tàn khốc do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính không ngừng tăng kéo theo nhiệt độ Ấn Độ Dương ấm lên. Các nhà khoa học dự đoán xu hướng này sẽ xấu đi đáng kể trong những thập niên tới.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày 18/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới