Thứ sáu, 22/11/2024 16:55 (GMT+7)
Thứ tư, 20/04/2022 19:00 (GMT+7)

Cho dự án chậm tiến độ tiếp tục "treo" là làm “thui chột” môi trường đầu tư

Theo dõi KTMT trên

Trước việc huyện Cần Giờ (TP.HCM) đề xuất đưa 50 dự án chậm triển khai vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022, chuyên gia cho rằng, nếu chấp thuận thì sẽ làm “thui chột” môi trường đầu tư.

Dự án nhiều nhưng “treo” chờ thời?

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. HCM đã có văn bản thông báo kết quả thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện Cần Giờ. Theo Sở TN&MT TP. HCM, năm 2021, huyện Cần Giờ có 102 dự án được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất sẽ thực hiện trong năm 2021. Tuy nhiên, địa phương này báo cáo năm 2021 đã không có dự án nào thực hiện xong.

Mặc dù vậy, năm 2022, huyện Cần Giờ đăng ký 144 công trình, dự án thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021. Trong đó, có 99 dự án chuyển tiếp từ năm trước (trong số này có 47 dự án thuộc giai đoạn 2015-2019) và 7 dự án đăng ký mới.

Cho dự án chậm tiến độ tiếp tục "treo" là làm “thui chột” môi trường đầu tư - Ảnh 1
Nhiều dự án tại huyện Cần Giờ chậm tiến độ được đề xuất đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022.

Theo báo cáo của huyện Cần Giờ, hiện tại địa phương này có 50 dự án quá ba năm nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện. Từ đó, huyện Cần Giờ đề xuất đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022. Tuy nhiên, Sở TN&MT TP. HCM đã "bác" đề xuất này.

Lý giải về việc "bác" đề xuất của huyện Cần Giờ, Sở TN&MT TP. HCM cho rằng, theo Điều 49 Luật Đất đai quy định, diện tích ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ này.

Do vậy, đối với các dự án đăng ký kế hoạch sử dụng đất đã quá 3 năm (từ năm 2019 trở về trước) mà vẫn chưa thực hiện, huyện Cần Giờ tiếp tục đề xuất đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022 là không có cơ sở.

Sở TN&MT TP. HCM cho rằng, nếu huyện Cần Giờ vẫn bảo lưu quan điểm tiếp tục đăng ký các dự án này thì "đề nghị xác định rõ tiến độ, lý do chậm, kế hoạch đầu tư và thực hiện các thủ tục trong thời gian tới. Đồng thời xác định trong năm 2022 có hoàn tất thủ tục quyết định thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất hay không để Sở TN&MT trình báo cáo Thành phố.

Về nhu cầu đăng ký các dự án mới, Sở TN&MT TP.HCM cho rằng, kết quả thực hiện kỳ trước trong kế hoạch sử dụng đất của huyện Cần Giờ số lượng dự án đạt được rất thấp so với kế hoạch. Vì vậy, Sở này đề nghị huyện Cần Giờ làm việc với chủ đầu tư, xác định khả năng thực hiện hoàn thành các thủ tục thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong thời hạn đăng ký kế hoạch sử dụng đất tối đa 3 năm.

Đồng thời, huyện Cần Giờ cần liệt kê, đánh giá các dự án sử dụng ngân sách đã có chủ trương đầu tư, có quyết định phê duyệt dự án, có bố trí vốn thực hiện và có giải pháp tốt để triển khai thực hiện đúng kế hoạch của năm nay. Rà soát lại tính pháp lý và tiến độ thực hiện những dự án đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng thực hiện chậm.

Bên cạnh nhiều dự án đang chậm tiến độ so với kế hoạch thì kết quả chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân, tại huyện Cần Giờ cũng đạt tỉ lệ rất thấp. Theo báo cáo thì trong 48,32 ha diện tích đất đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất trong năm 2021 nhưng chỉ giải quyết chuyển được hơn 3 ha, đạt tỉ lệ gần 6,5% so với kế hoạch. Sở TN&MT TP. HCM lưu ý huyện Cần Giờ cần xác định sát hơn nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trong thời gian tới.

Hệ lụy từ những dự án “treo”…

Thông tin với báo chí, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng, một trong những lý do khiến nhiều dự án bị “treo” là do nhà đầu tư không có năng lực tài chính nhưng vẫn tìm mọi cách đề xuất dự án đầu tư để được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất. Rồi từ đó "giữ đất", chờ giá đất tăng thêm để chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác nhằm thu cho mình giá trị đất đai tăng thêm này (địa tô chênh lệch không do người sử dụng đất tạo ra).

“Trong khi đó, quy định pháp luật về xử lý các dự án “treo” hiện nay vẫn chưa khả thi, vậy nên tình trạng “treo” chưa thể giảm, thậm chí có dự án “treo” tới hơn 10 năm mà vẫn không “hạ xuống” được”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Cho dự án chậm tiến độ tiếp tục "treo" là làm “thui chột” môi trường đầu tư - Ảnh 2
Nhiều dự án "treo" gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của huyện Cần Giờ.

Cũng theo GS. Đặng Hùng Võ, dự án “treo” gây ra ba hệ lụy cơ bản. Thứ nhất, hiệu quả và hiệu suất sử dụng đất rất kém. Trong quá trình phát triển đất nước, hiệu suất sử dụng các nguồn lực đầu vào nói chung và nguồn lực đất đai nói riêng đóng vai trò rất quan trọng. Dự án “treo” đã đưa hiệu suất sử dụng đất về xấp xỉ “0”, tức là đất đai không đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, tình trạng dự án “treo” có tác động xã hội khá mạnh. Tại nhiều địa phương, nhiều người dân bị thu hồi đất đã thể hiện phản ứng mạnh mẽ. Ở mức cao hơn, nhiều người bị thu hồi đất đã làm đơn khiếu nại đòi lại đất cũ vì việc thu hồi đất không đúng với những gì chính quyền đã nói về dự án đầu tư cần đất của bà con…

Thứ ba, các dự án “treo” trên diện rộng làm “thui chột” môi trường đầu tư của địa phương. Nhiều nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư thật không với được tới đất, nhưng những nhà đầu tư khiếm khuyết năng lực lại dễ dàng có đất rồi để hoang. Môi trường đầu tư kém làm cho môi trường kinh doanh thiếu hiệu quả. Thu hút đầu tư yếu dần và năng lực canh tranh cấp tỉnh PCI xuống thấp dần...

Còn TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: “Để xảy ra tình trạng dự án “treo”, dự án chậm triển khai trong nhiều năm nguyên nhân từ công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án,.… Tất nhiên, việc thu hồi các dự án “treo” là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết, cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Với những dự án chủ đầu tư chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực cần có biện pháp xử lý thu hồi giao cho doanh nghiệp khác có năng lực để triển khai dự án, từ đó không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.

Tùng Anh

Bạn đang đọc bài viết Cho dự án chậm tiến độ tiếp tục "treo" là làm “thui chột” môi trường đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới