Chủ nhật, 05/05/2024 10:33 (GMT+7)
Thứ tư, 13/04/2022 19:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 13/4

Theo dõi KTMT trên

Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đảm bảo tiến độ và chất lượng 4 Tiểu dự án ĐBSCL; Biến đổi khí hậu làm gia tăng hiện tượng mưa lũ cực đoan vào mùa bão... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 13/4.

Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 13/4 - Ảnh 1
Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Chiến lược thực hiện chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường như phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; thực hiện phân vùng môi trường, nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quản lý dựa trên giấy phép môi trường; chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu; chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, kiểm soát các vấn đề môi trường xuyên biên giới.

Phạt nặng và công khai doanh nghiệp vi phạm quy định tái chế, xử lý chất thải

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó tái chế đều phải nộp bản kê khai trước ngày 31/3 và nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải trước ngày 20/4/2022 về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải.

Tuy nhiên, theo Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai theo quy định. Để giải quyết tình trạng này, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đưa ra các mức xử phạt nặng đối với doanh nghiệp vi phạm các quy định về trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải.

Trong đó, các doanh nghiệp có một trong các hành vi như: không thực hiện tái chế; không nộp tiền đóng góp hỗ trợ tái chế; không nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải; nộp tiền đóng góp hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải quá thời hạn 91 ngày trở lên; tái chế phế liệu nhập khẩu để tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc sử dụng một kết quả tái chế cho nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc hoặc sử dụng kết quả tái chế cho nhà sản xuất, nhập khẩu để đề nghị được hỗ trợ tái chế sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.

Đảm bảo tiến độ và chất lượng 4 Tiểu dự án tại ĐBSCL

Sáng 13/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện các dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng (Bộ TN&MT) thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, thời gian qua, Ban đang tích cực thực hiện các nhiệm vụ do lãnh đạo Bộ giao, tổ chức thực hiện gồm 4 Tiểu dự án Ban được giao làm chủ đầu tư thuộc Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9) và 14 dự án được giao ủy thác quản lý.

Theo đó, đối với Tiểu dự án 1: “Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước mặt tại ĐBSCL”, hiện Ban Quản lý dự án đã triển khai xây dựng 15/20 trạm quan trắc; chuẩn bị lắp đặt thiết bị quan trắc và truyền dẫn; khảo sát, xây dựng hiệu chỉnh biểu đồ quan hệ H, V, Q; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ thu thập quan trắc.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 13/4 - Ảnh 2
Tích cực triển khai các hạng mục đầu tư xây dựng nhằm thực hiện mục tiêu  phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Đối với Tiểu dự án 2: “Nâng cấp, xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu”, Ban Quản lý đã hoàn thành lắp đặt thiết bị và công tác nghiệm thu, chạy thử. Theo Kế hoạch sẽ bàn giao tài sản cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia trong tháng 4/2022; hoàn thành đi thực địa 13 tỉnh ĐBSCL và đang triển khai công tác xây dựng mô hình của gói thầu “Điều tra đánh giá hiện trạng, diễn biến và tác động của việc khai thác sử dụng tài nguyên nước và đề xuất giải pháp quản lý khai thác sử dụng và bảo vệ bền vững tài nguyên nước dưới đất trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.

Hiện nay, Ban cũng đã tiến hành nghiệm thu thiết bị thu nhận tín hiệu vệ tinh và cung cấp dịch vụ truy cập ảnh viễn thám SPOT6/7, tiến hành thu 6 tháng tín hiện vệ tinh SPOT6/7 còn lại. Đến hết quý II, Ban sẽ hoàn thành hoạt động thu tín hiệu từ vệ tinh thuộc Tiểu dự án 3: “Xây dựng Hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển khu vực ĐBSCL bằng công nghệ viễn thám”.

Đồng thời, tích cực triển khai các hạng mục đầu tư xây dựng công trình, thiết kế ứng dụng công nghệ thông tin, tiến hành lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu xây dựng Trung tâm ĐBSCL (bao gồm cung cấp và lắp đặt trang thiết bị cho tòa nhà)” thuộc Tiểu dự án 4: “Đầu tư xây dựng Trung tâm Dữ liệu ĐBSCL tích hợp dữ liệu TN&MT khu vực phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu”.

Biến đổi khí hậu làm gia tăng hiện tượng mưa lũ cực đoan vào mùa bão

Biến đổi khí hậu làm mùa bão ở Bắc Đại Tây Dương trong năm 2020 khắc nghiệt hơn bao giờ hết với số các trận mưa cực lớn tăng 10%. Đây là kết luận rút ra từ nghiên cứu mới công bố ngày 12/4.

Nghiên cứu cho thấy ít nhất 400 người đã thiệt mạng trong loạt trận bão mạnh xảy ra 2 năm trước ở Trung Mỹ, Mỹ và Caribe với thiệt hại lên tới hàng chục tỷ USD.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 13/4 - Ảnh 3
Biến đổi khí hậu làm gia tăng hiện tượng mưa lũ cực đoan vào mùa bão.

Các nhà khoa học ước tính rằng, tình trạng ấm lên toàn cầu đang làm gia tăng cường độ và tần suất các cơn bão nhiệt đới lớn. Nghiên cứu đã phân tích, so sánh lượng mưa thực tế ghi nhận trong các trận bão với lượng mưa được ước tính nếu không có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, với nhiệt độ tương tự như thời tiền công nghiệp.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích hai hiện tượng dẫn đến lũ lụt: mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn và mưa dai dẳng trong thời gian dài. Nhìn chung trong năm 2020, họ nhận thấy biến đổi khí hậu khiến lượng mưa trong 3 ngày tồi tệ nhất tăng 5% và tăng 10% trong 3 tiếng mưa dữ dội nhất.

Đối với những cơn bão có cường độ cao hơn, nghiên cứu cho thấy tác động của biến đổi khí hậu còn rõ ràng hơn với lượng mưa tăng 8% trong 3 ngày tồi tệ nhất và 11% trong 3 tiếng khắc nghiệt nhất.

Nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,1 độ C so với thời tiền công nghiệp, do tác động của hiệu ứng nhà kính mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ lượng khí phát thải từ hoạt động của con người.

Khởi động chuỗi tham vấn quốc gia tại Việt Nam hướng tới Stockholm+50

Sáng 13/4, tại Tòa nhà Liên hợp quốc ở Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ khởi động Chuỗi tham vấn quốc gia tại Việt Nam - hướng tới Hội nghị cấp cao toàn cầu về con người và môi trường - Stockholm+50.

Chuỗi tham vấn bao gồm một loạt hoạt động trên toàn quốc cho đến tháng 6 nhằm thu thập ý kiến của người dân Việt Nam gửi tới hội nghị toàn cầu về những thách thức mà con người và hành tinh đang phải đối mặt. Theo đó, Hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 2 và 3/6 ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển.

Năm 2022, để kỷ niệm 50 năm Hội nghị Stockholm 1972 và đẩy nhanh việc thực hiện nhằm đưa ra Chương trình nghị sự 2030, đạt được sự phục hồi bền vững từ COVID-19, trên cơ sở quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc, chính phủ Thụy Điển và chính phủ Kenya sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị cấp cao: “Stockholm+50: Một hành tinh khỏe mạnh cho sự thịnh vượng của tất cả mọi người - trách nhiệm của chúng ta, cơ hội của chúng ta” để xác định những hành động cấp bách, cụ thể mà con người cần triển khai để bảo vệ hành tinh, xây dựng một nền tảng lâu dài, bền vững, vì một tương lai xanh và toàn diện.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 13/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới