Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 12/4
Bắc Bộ đón không khí lạnh từ ngày 16/4; Xây dựng quy định về chi trả giảm phát thải từ rừng; Cơn bão đầu tiên trong năm 2022 đổ bộ vào Philippines... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 12/4.
Giữa tháng 4, Bắc Bộ đón không khí lạnh, trời chuyển rét
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia vừa đưa ra nhận định xu thế thời tiết trong những ngày tới. Theo đó, MJO trong 10 ngày tới tiếp tục di chuyển theo hướng Đông về phía xích đạo Tây Bắc Thái Bình Dương và sẽ góp phần gây tăng mưa cho khu vực Nam Biển Đông.
Từ ngày 11/4 đến 20/4, Bắc Bộ tiếp tục chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh, gây mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Đáng chú ý, khoảng ngày 16/4, một đợt không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, gây mưa rào và dông cho toàn khu vực. Nền nhiệt ở Bắc Bộ có xu hướng giảm, trời chuyển lạnh từ khoảng ngày 17/4, riêng ngày 18/4 có khả năng chuyển rét.
Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ do tác động của không khí lạnh nên có mưa dông rải rác từ khoảng ngày 16-18/4.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa chuyển mùa cục bộ có mưa rào vào chiều tối, ngày nắng, riêng từ ngày 14-16/4 do ảnh hưởng của gió Tây Nam nên khu vực có khả năng xuất hiện mưa rào và dông rải rác.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng nhận định, nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc thấp hơn từ 0-0,50C so với TBNN cùng thời kỳ. Cũng trong những ngày tới, nắng nóng đầu mùa có thể xảy ra cục bộ tại khu vực Tây Bắc và Trung Bộ, gần nhất là ngày 13/4, sau đó tạm giảm.
Dự báo năm nay, nắng nóng có xu hướng gia tăng hơn trong tháng 5 tại Bắc Bộ và Trung Bộ, tuy nhiên đợt nắng nóng sẽ không kéo dài và gay gắt.
Xây dựng quy định về chi trả giảm phát thải từ rừng
Theo Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) sẽ chi trả cho Việt Nam số tiền 51,5 triệu USD dựa trên kết quả giảm phát thải từ rừng của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ theo 3 giai đoạn: 2018 - 2019; 2020 - 2022 và 2023 - 2024. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, cũng như quản lý tài chính đối với nguồn thu này.
Theo Bộ NN&PTNT, việc chi trả được xác định sau khi IBRD tiến hành thẩm định kết quả theo từng kỳ báo cáo. Thẩm định xong kỳ báo cáo nào, chi trả cho kỳ báo cáo đó. Việt Nam không tạm ứng để thực hiện ERPA nên giảm thiểu được rủi ro đối với quá trình giải ngân. Điều này cũng cho thấy, kết quả thực hiện giảm phát thải từ rừng Bắc Trung Bộ trong 6 năm (2018 - 2024) chủ yếu là do nỗ lực của Việt Nam đầu tư cho các hoạt động REDD+ từ ngân sách Nhà nước, các dự án ODA và từ các nguồn lực xã hội hóa.
Tiềm năng giảm phát thải từ rừng của Việt Nam đạt khoảng 57 triệu tấn/năm. Vì vậy, nếu thương mại hóa được lượng giảm phát thải này sẽ có ý nghĩa lớn trong việc huy động nguồn lực hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ phê duyệt dự thảo Nghị định về chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính Thỏa thuận ERPA. Theo đó, nguồn thu từ ERPA là một loại DVMTR và được chuyển về hệ thống Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để chi trả cho các chủ rừng, các đối tượng và hoạt động có đóng góp cho giảm phát thải thông qua hệ thống Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh.
Cơn bão đầu tiên trong năm 2022 đổ bộ vào Philippines, ít nhất 24 người thiệt mạng
Theo hãng tin AFP, ít nhất 24 người đã thiệt mạng sau những trận lở đất và lũ lụt do bão nhiệt đới Megi gây ra khi đổ bộ vào bờ biển phía đông nam nước này, làm gián đoạn hệ thống giao thông trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh.
Cơn bão đổ bộ vào Philippines vào ngày 10/4, với sức gió lên đến 65 km/h, giật trên 80 km/h. Hàng năm, Philippines phải đối mặt khoảng 20 cơn bão như vậy và Megi là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào quốc đảo này trong năm nay.
Cơ quan thảm họa quốc gia Philippines cho biết hơn 13.000 người đã phải sơ tán đến nơi trú ẩn khẩn cấp khi cơn bão tấn công khu vực đông nam nước này, khiến nhà cửa, ruộng vườn, và hệ thống đường bộ ngập trong nước trong khi điện bị cúp hoàn toàn.
Tại tỉnh miền đông Leyte, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cơn bão, cảnh sát trưởng TP Baybay, ông Joemen Collado cho biết những trận lở đất đã khiến 22 người chết ở 4 ngôi làng trong thành phố.
Những hình ảnh được chia sẻ trên Facebook cho thấy các nhân viên cứu hộ đang lội qua những ngôi nhà bị ngập một phần và đang đào tìm người sống sót tại một khu vực bị sạt lở, trong khi một số ngôi nhà bị chôn vùi hoàn toàn trong nước và bùn đất.
Trong khi đó, Cơ quan thảm họa quốc gia Philippines cho hay đã có 3 người thiệt mạng tại vùng Davao ở phía nam đất nước. Giới chức Davao vẫn đang xác minh con số thương vong do bão Megi gây ra.
Cơ quan thời tiết quốc gia Philippines dự báo bão nhiệt đới Megi sẽ suy yếu với sức gió giảm xuống còn 45 km/h và di chuyển ngược trở ra biển vào ngày 12/4.
Yên Bái: Tỷ lệ che phủ rừng năm 2021 đạt 63%
UBND tỉnh Yên Bái vừa công bố số liệu hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021. Theo đó, tổng diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 523.073 ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 213.880 ha, rừng trồng có diện tích 219.736 ha, diện tích chưa thành rừng là 89.456 ha.
Phân theo 3 loại rừng, toàn tỉnh có 130.698 ha rừng phòng hộ, 34.135 ha rừng đặc dụng, 268.783 ha rừng sản xuất và 89.456 ha chưa thành rừng. Tỷ lệ che phủ rừng của toàn tỉnh Yên Bái năm 2021 đạt 63%.
Theo số liệu từ hiện trạng rừng tỉnh Yên Bái năm 2015, tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh là 428.266,8 ha, trong đó, rừng đặc dụng: 35.475,6 ha; rừng phòng hộ 134.158,1 ha; rừng sản xuất 217.942,2 ha và rừng ngoài đất quy hoạch lâm nghiệp là 40.690,9 ha. Tỷ lệ che phủ của rừng của tỉnh Yên Bái năm 2015 đạt 62,2%. Như vậy, trong 6 năm qua tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Yên Bái đã tăng lên đáng kể, cao hơn 0,8% so với năm 2015.
Trước hiện trạng rừng năm 2021, UBND tỉnh Yên Bái cũng giao trách nhiệm quản lý, tổ chức bảo vệ và phát triển rừng sau khi công bố hiện trạng rừng cho UBND cấp huyện, xã thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ rừng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.
Đối với các địa phương có biến động lớn về diện tích rừng, trong đó có diện tích rừng tự nhiên giảm, cần làm rõ nguyên nhân, có báo cáo giải trình theo quy định.
Lan Anh