Thứ sáu, 19/04/2024 19:27 (GMT+7)
Thứ hai, 11/04/2022 11:00 (GMT+7)

Đánh giá công nghệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu ban đầu về đánh giá công nghệ môi trường, một công cụ giúp quản lý và bảo vệ môi trường tốt hơn, góp phần tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học, công nghệ và khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý chất thải phù hợp.

Các khái niệm 

Công nghệ môi trường là tổng hợp các biện pháp vật lý, hóa học, hóa lý học, sinh học nhằm ngăn ngừa và xử lý các chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt của con người.

Công nghệ môi trường bao gồm các công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện môi trường, sản xuất sạch hơn và xử lý, tái sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất.

Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi xin giới thiệu kết quả nghiên cứu ban đầu về đánh giá công nghệ môi trường cụ thể đối với xử lý chất thải. 

Đánh giá công nghệ môi trường là việc xác định hiệu quả xử lý, trình độ, giá trị và các tác động môi trường của công nghệ. 

Đánh giá hiện trường công nghệmôi trường là hoạt động quan trắc, phân tích, đánh giá kết quả vận hành của công nghệ xử lý chất thải tại hiện trường so với các chỉ tiêu của công nghệ được nêu trong hồ sơ công nghệ.

Tiêu chí đánh giá công nghệ môi trường là các chỉ số, định mức đánh giá trình độ các thiết bị và công nghệ môi trường về mức độ tự động hoá, cơ khí hoá, hiệu quả xử lý ô nhiễm, chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng, khả năng tái sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất và an toàn về môi trường. 

Mục tiêu của đánh giá công nghệ môi trường

Đánh giá công nghệ môi trường thường được thực hiện tự nguyện của các nhà cung cấp/nghiên cứu phát triển công nghệ. Công nghệ môi trường được đánh giá là công nghệ mới được phát minh, sáng tạo hoặc đã được triển khai thực tế. Thông qua việc đánh giá công nghệ môi trường một cách khoa học, khách quan, minh bạch mà người cung cấp, phát triển công nghệ và người tiêu dùng, áp dụng công nghệ đều nhìn nhận về hiệu quả, giá trị của công nghệ.

Đối với nhà phát triển công nghệ (nhà cung cấp) sẽ dễ dàng hơn trong việc giới thiệu công nghệ, đặc biệt là công nghệ BAT (Best Available Technology) khi có được sự đánh giá, công bố kết quả khách quan. Từ đây, tạo cho các cơ sở nghiên cứu triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ môi trường có điều kiện nhìn nhận khách quan về công nghệ của mình, phát huy khả năng sáng tạo, cải tiến, đổi mới công nghệ.

Đối với khách hàng sử dụng công nghệ (người tiêu dùng) dễ dàng nắm bắt thông tin, có cơ sở để nhìn nhận khách quan về công nghệ, bỏ qua những e ngại hoặc nhìn nhận thiếu chính xác về công nghệ và sẵn sàng áp dụng, mua công nghệ đã được đánh giá, công bố kết quả minh bạch, giúp chủ các cơ sở ứng dụng công nghệ có sự lựa chọn công nghệ tốt nhất, giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm phù hợp với dự án đầu tư của mình.

Thông qua việc đánh giá công nghệ môi trường một cách khoa học, khách quan, minh bạch mà yếu tố “cung” và “cầu” của thị trường gặp nhau, góp phần cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực phát triển ngành công nghiệp môi trường ở nước ta. 

Mối quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chuyển giao công nghệ môi trường (nhà cung cấp) và những người sử dụng công nghệ môi trường (người tiêu dùng) với quá trình đánh giá công nghệ môi trường được thể hiện bằng sơ đồ trên hình 1.

Đánh giá công nghệ môi trường - Ảnh 1
Hình 1: Sơ đồ mối quan hệ giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng với đánh giá công nghệ môi trường.

Tình hình đánh giá công nghệ môi trường trên thế giới và Việt Nam 

Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ thực hiện chương trình đánh giá công nghệ môi trường từ năm 1995 và năm 2000 đã thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng đánh giá công nghệ môi trường. Canada thực hiện chương trình đánh giá công nghệ môi trường từ năm 1997. Hàn quốc, nghiên cứu và thiết lập chương trình đánh giá công nghệ môi trường từ năm 1997 và năm 1998 bắt đầu thực hiện chương trình này. Nhật Bản đã thử nghiệm chương trình đánh giá công nghệ môi trường từ năm 2003 đến 2007 để năm 2008 mới thực hiện đầy đủ chương trình này. 

Còn ở Việt Nam, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục, phương pháp đánh giá công nghệ môi trường, mới có quy định chung ở các luật như Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật bảo vệ môi trường.

Phương pháp đánh giá 

a) Đánh giá hồ sơ: Đánh giá công nghệ môi trường dựa trên hồ sơ thuyết minh công nghệ theo phương pháp chuyên gia thông qua họp Hội đồng đánh giá công nghệ. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, thảo luận công khai, trực tiếp giữa các thành viên của Hội đồng và kết luận theo đa số. Thành viên hội đồng là những người có trình độ từ đại học trở lên, có chuyên môn phù hợp và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ môi trường được đánh giá.

b) Đánh giá hiện trường: Xem xét sự phù hợp của hồ sơ thuyết minh công nghệ với thực tế lắp đặt, vận hành công nghệ xử lý chất thải. Cơ quan, tổ chức thực hiện đánh giá hiện trường là cơ quan độc lập, có năng lực quan trắc, phân tích, đánh giá các thông số môi trường và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện của mình.

Nội dung đánh giá

Chi phí đầu tư và vận hành công trình, trang thiết bị của công nghệ xử lý chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của các dự án chiếm tỷ lệ không nhỏ của chi phí đầu tư, sản xuất và làm tăng giá thành sản phẩm. 

Lựa chọn công môi trường phù hợp không thể chỉ dựa vào giá thành đầu tư cao hay thấp hoặc chỉ cần đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường mà phải xem xét sự phù hợp của công nghệ với đầy đủ các yếu tố về kỹ thuật, chi phí đầu tư, chi phí vận hành, bảo dưỡng và tính thân thiện môi trường thông qua kết quả đánh giá công nghệ môi trường.

Từ kinh nghiệm của một số nước và thực tiễn áp dụng công nghệ môi trường ở Việt Nam, chúng tôi đề xuất các tiêu chí đáng giá công nghệ môi trường như sau: 

Các tiêu chí về kỹ thuật:

1) Công nghệ, thiết bị, vật liệu phù hợp với yêu cầu xử lý loại chất thải phát sinh từ hoạt động của dự án cần xử lý;

2) Kết quả xử lý chất thải: mức độ đạt so với quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường và hiệu suất xử lý;

3) Giải pháp xử lý chất thải thứ cấp phát sinh trong quá trình xử lý chất thải;

4) Chất lượng các sản phẩm hình thành từ quá trình xử lý chất thải có thể tái chế, tái sử dụng (nếu có);

5) Mức độ cơ khí hóa, tự động hóa quá trình vận hành công trình, thiết bị xử lý chất thải; 

6) Phù hợp với điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng khu vực dự án (khí hậu, địa chất, thủy văn, giao thông, cung cấp điện, nước, mặt bằng...);

7) Khả năng thay thế, mở rộng, cải tiến công trình, thiết bị xử lý;

8) Thuận tiện trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế trang thiết bị.

Các tiêu chí về kinh tế:

9) Chi phí đầu tư: kinh phí đầu tư công nghệ cho một đơn vị (tấn hoặc m3) chất thải cần xử lý, so sánh mức kinh phí đầu tư với các công nghệ khác xử lý chất thải cùng loại.

10) Chi phí vận hành: nhân công, nhiên liệu, điện năng, hóa chất, chế phẩm để xử lý một đơn vị (tấn hoặc m3) chất thải, so sánh chi phí vận hành với các công nghệ khác xử lý chất thải cùng loại.

11) Kinh phí thu được từ các sản phẩm có khả năng tái chế, tái sử dụng của quá trình xử lý chất thải

Các tiêu chí về môi trường:

12) Mức độ thân thiện với môi trường tùy vào việc sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên, hóa chất, năng lượng trong vận hành công trình, thiết bị xử lý chất thải; 

13) Các giải pháp giảm thiểu tác động xấu đến kinh tế, văn hoá cộng đồng và cảnh quan, sinh thái;

14) Các giải pháp phòng ngừa, khắc phục sự cố trong quá trình vận hành công trình, thiết bị xử lý chất thải. 

Trong quá trình đánh giá công nghệ môi trường, tùy loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, vị trí, công suất, thời gian hoạt động của dự án và các điều kiện môi trường, kinh tế, xã hội nơi triển khai dự án mà xác định mức độ ưu tiên các tiêu chí được xem xét. 

Sau đây là ví dụ về lượng hóa và mức ưu tiên các tiêu chí đánh giá công nghệ môi trường thể hiện tại bảng 1.

Bảng 1. Điểm số cho các tiêu chí đánh giá công nghệ môi trường

Đánh giá công nghệ môi trường - Ảnh 2

Hồ sơ yêu cầu đánh giá công nghệ môi trường 

Để việc đánh giá một công nghệ môi trường đảm bảo khoa học, đòi hỏi tổ chức, cá nhân có công nghệ được đánh giá phải lập hồ sơ thuyết minh công nghệ mô tả nguyên lý, quy trình công nghệ, cơ sở tính toán và thiết kế, quy trình vận hành, kết quả vận hành, chi phí đầu tư, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phương án phòng ngừa, khắc phục sự cố của công nghệ yêu cầu đánh giá. 

Sau đây là ví dụ về nội dung của thuyết minh công nghệ môi trường yêu cầu được đánh giá nêu tại bảng 2.

Bảng 2. Nội dung thuyết minh công nghệ môi trường

Đánh giá công nghệ môi trường - Ảnh 3

Trên đây là những nghiên cứu bước đầu của chúng tôi về đánh giá công nghệ môi trường với mong muốn công cụ này được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện để nghiên cứu đầy đủ hơn và ban hành hướng dẫn về thủ tục, quy trình, công bố kết quả để sớm triển khai tại Việt Nam, góp phần phát triển khoa học, công nghệ môi trường nói chung, công nghệ xử lý chất thải nói riêng. 

Tài liệu tham khảo

1. http://www.etvcanada.com/etvcanada.asp

2. http://www.env.go.jp/policy/etv/en/index.html

3. http://www.epa.gov/etv/

4. http://www.koetv.or.kr/eng/index.html

Đặng Văn Lợi (1), Nguyễn Thị Thiên Phương (2), Nguyễn Phạm Hà (3)

(1)Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội

 (2)Vụ KHCN và HTQT, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 

Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội

(3)Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 

Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Đánh giá công nghệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .